Mức giá nào để mua lại Dự án BOT cầu sông Cái Nhỏ?

(BĐT) - Theo một số nguồn tin, trước tình trạng mất an ninh trật tự kéo dài tại khu vực trạm BOT cầu sông Cái Nhỏ (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), UBND tỉnh Đồng Tháp có kế hoạch rút ngân sách mua phần giá trị còn lại từ đơn vị đang khai thác Dự án BOT cầu sông Cái Nhỏ và xem xét tăng phí qua phà Sa Đéc.
Tình trạng mất an ninh trật tự tại khu vực trạm BOT cầu sông Cái Nhỏ (Đồng Tháp) diễn biến phức tạp trong nhiều ngày qua. Ảnh: Đăng Nguyên
Tình trạng mất an ninh trật tự tại khu vực trạm BOT cầu sông Cái Nhỏ (Đồng Tháp) diễn biến phức tạp trong nhiều ngày qua. Ảnh: Đăng Nguyên

Dự án Cầu sông Cái Nhỏ kết hợp xây dựng hạ tầng tuyến dân cư vào cầu theo hợp đồng BOT được khởi công vào năm 2005 và hoàn thành đưa vào khai thác từ tháng 12/2009 với tổng kinh phí quyết toán là 35 tỷ đồng. Theo đó, để hoàn vốn, chủ đầu tư Dự án được khai thác nguồn thu từ phí qua cầu và bán đất nền tuyến dân cư.

Theo Công văn số 380/UBND-HC được ký bởi Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh vào ngày 22/7/2015, thời gian hoàn vốn của Dự án ước đến tháng 8/2020. Theo hợp đồng, nhà đầu tư được thu phí qua cầu thêm 5 năm kể từ thời điểm hoàn vốn. Bằng một phép tính đơn giản có thể xác định được thời điểm chuyển giao lại Dự án cho Nhà nước và chấm dứt thu phí là vào tháng 8/2025.

Chủ đầu tư của Dự án là Công ty TNHH BOT Cơ sở hạ tầng Đồng Tháp với các cổ đông sáng lập gồm: Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê (61,35%), Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Gáo Giồng (17,18%), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (15,34%) và  Công ty CP Xây dựng - Địa ốc Cao su (6,13%). Trong đó, ngoại trừ Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Gáo Giồng, các cổ đông sáng lập còn lại đều là thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

Theo số liệu đã kiểm toán năm 2015 của Công ty TNHH BOT Cơ sở hạ tầng Đồng Tháp, doanh thu của Dự án từ năm 2009 - 2015 đạt hơn 60,8 tỷ đồng. Trừ đi các khoản chi phí và thuế thu nhập doanh nghiệp, Dự án lãi ròng hơn 24,3 tỷ đồng.

Thực hiện chủ trương thoái vốn tại các đơn vị đầu tư ngoài ngành, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Cao su Chư Sê đã tiến hành thoái toàn bộ 76,69% vốn góp tại Công ty TNHH BOT Cơ sở hạ tầng Đồng Tháp (tương đương với giá trị hơn 7,6 tỷ đồng).

Tháng 8/2015, hai đơn vị này đã bán thành công toàn bộ vốn góp tại Công ty TNHH BOT Cơ sở hạ tầng Đồng Tháp cho 4 nhà đầu tư. Mức giá bán thành công là 21,4 tỷ đồng, tăng 10% so với mức giá khởi điểm là 19,4 tỷ đồng và gấp gần 2,8 lần so với tổng giá trị phần vốn góp chào bán theo vốn điều lệ. Sau đó, Công ty TNHH BOT Cơ sở hạ tầng Đồng Tháp đã đổi tên thành Công ty CP Thu phí cầu đường Đồng Tháp.

Việc chuyển nhượng vốn trên chính là nút thắt của Dự án. Công ty CP Thu phí cầu đường Đồng Tháp hiện nắm quyền khai thác Dự án đến thời điểm chấm dứt thu phí. Trong khi đó, thời gian thu phí còn dài, cùng với việc các nhà đầu tư mới đã bỏ một khoản tiền lớn hơn rất nhiều so với vốn góp ban đầu để nắm quyền khai thác Dự án. Đây sẽ là những rào cản cho việc thỏa thuận mua lại Dự án của UBND tỉnh Đồng Tháp.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, bà Nguyễn Kim Hoa - Giám đốc Công ty CP Thu phí cầu đường Đồng Tháp cho biết, tại báo cáo kiểm toán mới nhất, thời gian hoàn vốn của Dự án là tháng 8/2019, sớm hơn 1 năm so với kết quả kiểm toán trước đó do UBND huyện Cao Lãnh công bố. Do vậy, thời gian thu phí thực tế sẽ chỉ kéo dài đến tháng 8/2024. Bà Hoa cũng cho biết, hiện UBND tỉnh Đồng Tháp muốn mua lại phần vốn góp 76,69% trên với giá khoảng 19 tỷ đồng bằng tiền mặt.

Về phía Công ty CP Thu phí cầu đường Đồng Tháp, DN này vẫn đang xem xét mức giá trong thương vụ này.