Năm 2017: Tiết kiệm hơn 39.000 tỷ qua đấu thầu

(BĐT) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu năm 2017 của cả nước.  Theo đó, năm 2017, cả nước đã tiết kiệm gần 39.037 tỷ đồng thông qua đấu thầu, đạt tỷ lệ tiết kiệm trung bình 6,98%.
Năm 2017, cả nước có tổng số 221.469 gói thầu thực hiện theo Luật Đấu thầu 2013, tăng 24.748 gói thầu so với năm 2016.
Năm 2017, cả nước có tổng số 221.469 gói thầu thực hiện theo Luật Đấu thầu 2013, tăng 24.748 gói thầu so với năm 2016.

Năm 2017 tăng 24.748 gói thầu so với năm 2016

Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của 119 Bộ, ngành, địa phương, tổng công ty nhà nước, tập đoàn kinh tế nhà nước, Bộ KH&ĐT cho biết, năm 2017, cả nước có tổng số 221.469 gói thầu thực hiện theo Luật Đấu thầu 2013, tăng 24.748 gói thầu so với năm 2016, với tổng giá gói thầu gần 559.157 tỷ đồng và tổng giá trúng thầu gần 520.120 tỷ đồng, chênh lệch giữa tổng giá gói thầu và tổng giá trúng thầu gần 39.037 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm bình quân thông qua đấu thầu là 6,98%. Năm 2016, tổng giá gói thầu hơn 545.798 tỷ đồng và tổng giá trúng thầu gần 506.994 tỷ đồng, chênh lệch giảm 38.804 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm trung bình 7,11%.

Như vậy, trên bình diện tổng thể, so với năm 2016, các gói thầu thực hiện năm 2017 tăng cả về số lượng gói thầu, tổng giá gói thầu và tổng giá trúng thầu nhưng tỷ lệ tiết kiệm năm 2017 (đạt 6,98%) giảm nhẹ so với tỷ lệ tiết kiệm năm 2016 (đạt 7,11%).

Bộ KH&ĐT cho biết, năm 2017, các gói thầu sử dụng vốn nhà nước cho mục tiêu đầu tư phát triển (gồm cả vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ) có số lượng lớn nhất 174.441 gói thầu (chiếm 78,77%) với tổng giá gói thầu 384.028 tỷ đồng (chiếm 68,68%) và tổng giá trúng thầu gần 360.696 tỷ đồng (chiếm 69,35%), tỷ lệ tiết kiệm đạt trung bình 6,08% (năm 2016, con số tỷ lệ tiết kiệm của các gói thầu này là 6,36%).

Năm 2017, các gói thầu sử dụng vốn nhà nước để mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước có số lượng gói thầu là 47.028 gói, gần bằng 1/4 số gói thầu sử dụng vốn nhà nước cho mục tiêu đầu tư phát triển, với tổng giá gói thầu 175.128 tỷ đồng (chiếm 31,32%) và tổng giá trúng thầu 159.424 tỷ đồng (chiếm 30,65%), tỷ lệ tiết kiệm trung bình đạt 8,97% (năm 2016, con số tiết kiệm này là 10,73%).   

Đấu thầu rộng rãi tiết kiệm 8,01%

Báo cáo của Bộ KH&ĐT cũng cho biết, nếu phân theo hình thức lựa chọn nhà thầu thì năm 2017, đấu thầu rộng rãi (30.921 gói thầu, chiếm 13,96%) là hình thức lựa chọn nhà thầu có tổng giá gói thầu (411.813 tỷ đồng, chiếm 73,65%) và tổng giá trúng thầu (378.836 tỷ đồng, chiếm 72,84%) cao nhất, đồng thời đạt giá trị tiết kiệm thông qua đấu thầu khá cao (gần 32.977 tỷ đồng, tương đương 8,01%).

Về số lượng gói thầu thì hình thức chỉ định thầu năm 2017 chiếm tỷ lệ cao nhất với 153.287 gói thầu, chiếm 69,21% và đứng thứ 2 về tổng giá gói thầu 74.594 tỷ đồng (chiếm 13,34%) và tổng giá trúng thầu gần 72.640 tỷ đồng (chiếm 13,97%). Tuy nhiên, giá trị tiết kiệm của các gói thầu theo hình thức chỉ định thầu đạt thấp nhất (tiết kiệm chỉ 1.954 tỷ đồng, tương đương 2,6%).

Còn hình thức chào hàng cạnh tranh đứng thứ 3 về cả tổng số gói thầu (21.018 gói thầu, chiếm 9,49%), tổng giá gói thầu (30.565 tỷ đồng, chiếm 5,47%) và tổng giá trúng thầu (29.537 tỷ đồng, chiếm 5,68%), đồng thời đạt tỷ lệ tiết kiệm trung bình cả năm 2017 là 3,36%, giảm so với năm 2016 là 4,02%.

Kết quả thống kê của Bộ KH&ĐT cũng cho thấy, năm 2017, hình thức đấu thầu hạn chế có số lượng gói thầu ít nhất (1.465 gói thầu, chiếm 0,66%) nhưng có tỷ lệ tiết kiệm cao nhất (11,72%, tương đương gần 2.273 tỷ đồng), cao hơn năm 2016 là 9,65%, trong đó tỷ lệ tiết kiệm của các gói thầu được đấu thầu quốc tế là 28,09%, tương đương 1.661 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, trong năm 2017, tổng số các gói thầu trên cả nước tăng cả về số lượng, quy mô. Tuy tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu của năm 2017 giảm nhẹ so với năm 2016 nhưng vẫn đạt ở mức khá cao. Năm 2017, hệ thống chính sách pháp luật về đấu thầu tiếp tục được hoàn thiện theo hướng minh bạch, hiệu quả và phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Hiện hệ thống pháp luật về đấu thầu được đánh giá là khá đầy đủ và toàn diện với Luật Đấu thầu, 3 Nghị định của Chính phủ và các thông tư hướng dẫn của Bộ KH&ĐT và các Bộ chuyên ngành, giúp chuẩn hóa công tác đấu thầu, hài hòa giữa quy định đấu thầu của Việt Nam và các nhà tài trợ. Từ đó, hệ thống chính sách về đấu thầu cũng đã giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác đấu thầu của các cơ quan nhà nước, các chủ đầu tư, bên mời thầu và nhà thầu, từng bước chuyên nghiệp hóa trong hoạt động đấu thầu.

Tin cùng chuyên mục