Năm vấn đề chính trong khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh

Sự rạn nứt nội bộ của khu vực vùng Vịnh diễn chóng vánh chỉ trong vòng vài ngày, với việc các quốc gia đồng loạt cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar cùng một chuỗi các hệ lụy về kinh tế, quân sự, an ninh.
Các hãng hàng không của Qatar đã phải đổi hướng bay sau khi hàng loạt quốc gia vùng Vịnh đóng cửa không phận với các chuyến bay đi và đến Qatar (Ảnh minh họa: Reuters)
Các hãng hàng không của Qatar đã phải đổi hướng bay sau khi hàng loạt quốc gia vùng Vịnh đóng cửa không phận với các chuyến bay đi và đến Qatar (Ảnh minh họa: Reuters)

Sự việc bắt đầu từ ngày 5/6 khi Bahrain là nước khai màn cho chuỗi hành động cô lập Qatar với cáo buộc quốc gia này “hỗ trợ cho hoạt động khủng bố”. Như giọt nước tràn ly, ngay sau đó Ả-rập Xê-út, quốc gia có tiềm lực mạnh nhất trong vùng Vịnh tiếp tục tuyên bố đóng cửa biên giới với Doha. Năm ngày tiếp sau đó, con số các quốc gia tuyên bố đoạn tuyệt quan hệ với Qatar đã lên tới con số 9.

Cấm vận kinh tế

Cùng với việc cắt đứt quan hệ ngoại giao, Ả-rập Xê-út đã khởi xướng một loạt các động thái cấm vận kinh tế với Qatar. Bắt đầu từ việc đóng cửa biên giới với Doha, Riyadh cùng một số quốc gia vùng vịnh khác tiếp tục dừng tất cả các chuyến bay có liên quan tới Qatar. Tiếp đó, giao thương đường biển với Doha cũng bị phong tỏa. Tất cả các tàu của Qatar đều phải thay đổi lộ trình từ các lệnh cấm này. Các nhà phân tích cho rằng, thiệt hại của các nền kinh tế vùng Vịnh ước tính có thể lên tới con số hàng tỷ USD.

 Một loạt quốc gia đã tuyên bố cắt quan hệ với Qatar, trong đó có Ai Cập, Ả-rập Xê-út, Các Tiểu tương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) (Ảnh: Al Jazeera)
Một loạt quốc gia đã tuyên bố cắt quan hệ với Qatar, trong đó có Ai Cập, Ả-rập Xê-út, Các Tiểu tương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) (Ảnh: Al Jazeera)

Sự ủng hộ từ các đồng minh

Trong khi bị các quốc gia trong khu vực cấm vận, Qatar đã nhận được sự trợ giúp từ các quốc gia khác. Thổ Nhĩ Kỳ và Iran tăng chuyến bay tới Qatar và ngược lại. Hai quốc gia đều đề xuất hỗ trợ thực phẩm cho Doha, trong bối cảnh Ả-rập Xê-út cung cấp tới 40% lương thực tới quốc gia này.

Ngoài ra, trước những mối đe dọa chống lại đồng minh thân thiết, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục đồng ý đẩy nhanh tiến độ việc điều quân tới căn cứ quân sự của mình tại Qatar. Theo thỏa thuận từ năm 2014, căn cứ quân sự này có thể chứa tối đa 5.000 binh sĩ. Động thái này được Ankara giải thích là để “giải quyết khủng hoảng trong hòa bình”.

Phong tỏa truyền thông

Khi căng thẳng leo thang, Ả-rập Xê-út tuyên bố sẵn sàng đóng cửa văn phòng đại diện tại Riyadh của hãng thông tấn lớn nhất Doha Al Jazeera. Trang tin này trước đó đã bị chặn ở Ả-rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập. Một số nguồn tin cũng cho thấy, các quốc gia này cũng dường như đồng thuận về việc đóng các cửa trụ sở địa phương Al Jazeera tại các nước. Trong khuôn khổ chiến lược phong tỏa truyền thông, một kênh truyền hình bóng đá của Qatar, BeIn cũng đã bị UAE chặn tại nước này.

Động thái của Tổng thống Mỹ Donald Trump trên mạng xã hội

 Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng trên mạng xã hội, ủng hộ các biện pháp cô lập Qatar
Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng trên mạng xã hội, ủng hộ các biện pháp cô lập Qatar

Động thái của Tổng thống Trump trên mạng xã hội Twitter dường như khiến vấn đề Qatar phức tạp hơn. Ông đăng dòng trạng thái trên mạng xã hội Twitter ám chỉ tới Qatar và nhắc lại tuyên bố của các lãnh đạo Trung Đông rằng “sẽ cứng rắn hơn với việc tài trợ tiền cho chủ nghĩa cực đoan”. Sau bình luận này, tình hình trở nên còn tồi tệ hơn. Vài giờ sau đó, có thêm một vài quốc gia tiếp tục lên tiếng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Doha như Jordan, Senegal, Mauritania.

Trong khi đó, Bahrain ban hành lệnh cấm người dân thể hiện sự ủng hộ tới Qatar trên mạng xã hội, nói rằng người phạm tội sẽ bị phạt 15 năm tù và 136.000 USD.

Danh sách khủng bố

Vào ngày 8/6, 4 quốc gia gồm Ả-rập Xê-út, Bahrain, Ai Cập và UAE đồng thuận đưa ra một công bố danh sách khủng bố bao gồm 59 cá nhân và 12 tổ chức. Trong đó có lãnh đạo tinh thần của tổ chức Anh em Hồi giáo Yousuf al-Qaradawi và 18 công dân Qatar. Tuy nhiên, Qatar đã phủ nhận bản danh sách và coi đó là “vô căn cứ”.

Cũng vào ngày 8/6, Tổng thống Trump đã kêu gọi các bên tham gia “đối thoại” để xử lý khủng hoảng. Tuy nhiên các bên vẫn bày tỏ thái độ cứng rắn với Qatar.

Ngoại trưởng Bahrain Sheikh Khalid bin Ahmed al-Khalifa tuyên bố “sẽ làm mọi việc để bảo vệ quốc gia khỏi mối hiểm họa từ Qatar” đồng thời yêu cầu nước này “tránh xa Iran và ngừng việc ủng hộ cho các tổ chức khủng bố”. Ngoại trưởng UAE cũng tuyên bố “không có gì để thương lượng” với Doha.

Trước những căng thẳng từ các hoạt động cấm vận, Ngoại trưởng Qatar vẫn tuyên bố sẽ không bao giờ đầu hàng trước những áp lực gặp phải.

Tin cùng chuyên mục