Năm 2023 là năm đầu tiên ngành y tế triển khai đấu thầu qua mạng các gói thầu mua thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế có nhiều lô/phần. Ảnh: Lê Tiên |
Năm 2023 là năm đầu tiên ngành y tế triển khai đấu thầu qua mạng các gói thầu mua thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế có nhiều lô/phần. Nhìn lại một năm triển khai, Bộ Y tế cho biết, toàn ngành đã tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng 55 gói thầu thuộc các dự án đầu tư phát triển (đạt 26,69% tổng số lượng gói thầu và đạt 93,56% tổng giá trị các gói thầu); 15 gói thầu thuộc các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ (đạt 55,55% tổng số lượng gói thầu và 94% tổng giá trị các gói thầu); 2.123 gói thầu thuộc các dự toán mua sắm thường xuyên (đạt 41,29% tổng số lượng gói thầu và 52,87% tổng giá trị các gói thầu).
Kết quả nêu trên đã thể hiện sự thay đổi lớn trong ngành y tế, song theo Bộ Y tế vẫn còn thấp so với yêu cầu đặt ra. Nguyên nhân là các gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư y tế có giá trị lớn thường được xét theo mặt hàng nên chưa áp dụng được hình thức lựa chọn nhà thầu qua mạng.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương cho biết, do năm 2023 là năm đầu tiên các đơn vị y tế trên địa bàn tự tổ chức đấu thầu đối với các thuốc không thuộc danh mục đấu thầu tập trung theo quy định và cũng là năm đầu tiên tổ chức đấu thầu qua mạng, nên không tránh khỏi bỡ ngỡ, mất nhiều thời gian chuẩn bị, nghiên cứu. Trong khi đó, Hải Dương hiện không có đơn vị đấu thầu thuốc tập trung chuyên nghiệp để thực hiện nhiệm vụ đấu thầu thuốc, hóa chất, vật tư y tế. Nhân lực ngành dược, hóa chất, vật tư y tế tại sở y tế, bệnh viện, trung tâm y tế tham gia công tác đấu thầu còn hạn chế và phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác (chủ yếu làm công tác chuyên môn), nên gặp khó khăn, chưa đủ nhân lực đáp ứng yêu cầu chất lượng và hiệu quả công việc, cũng như chưa có nghiệp vụ hoặc kinh nghiệm về đấu thầu.
Trong quá trình xét thầu từng mặt hàng, rất nhiều thông tin liên quan cần phải kiểm tra, đối chiếu, so sánh nên mất nhiều thời gian để chấm thầu. Một số tài liệu phục vụ công tác xét thầu chưa được công bố, cập nhật kịp thời hoặc thường xuyên phải điều chỉnh, bổ sung (ví dụ các danh mục thuốc…) cũng gây khó khăn cho việc lựa chọn nhà thầu.
Một số địa phương phản ánh, các quy định của pháp luật về đấu thầu thuốc thường xuyên thay đổi, một số nội dung trong văn bản quy phạm pháp luật chưa rõ ràng, gây khó khăn trong quá trình thực hiện như Thông tư số 15/2019/TT-BYT, Thông tư số 06/2023/TT-BYT… Khó khăn lớn nhất khi thực thi là mất nhiều thời gian thẩm định giá, thậm chí không lựa chọn được nhà thầu, phải hủy thầu vì giá của một số mặt hàng quá thấp.
Để khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên, Bộ Y tế và nhiều cơ sở y tế đề nghị Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia tiếp tục bổ sung tính năng phù hợp với cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trên cả nước, tăng cường tiện ích cho người dùng, tiếp tục nâng cấp dung lượng của Hệ thống để công tác đấu thầu đạt hiệu quả cao hơn.
Thực tế, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia liên tục được nâng cấp, tăng tiện ích cho người dùng, tăng dung lượng để phù hợp với những lĩnh vực đặc thù như y tế. Trước đó, vào đầu năm 2023, Sở Y tế TP.HCM từng có đề xuất không tổ chức đấu thầu qua mạng vì những lý do kỹ thuật, trong khi các địa phương khác đã triển khai được. Tuy nhiên, sau đó, ngành y tế TP.HCM đã có những bước cải thiện đáng ghi nhận khi công tác đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, bố trí nhân sự phù hợp cũng như trang bị cơ sở vật chất được lãnh đạo Thành phố, sở, ngành và cơ sở y tế chú trọng.
Một số chuyên gia cho biết, trong năm đầu tiên, việc triển khai đấu thầu qua mạng lĩnh vực y tế còn khá mới nên tâm lý e ngại là khá dễ hiểu. Từ năm 2024, kỳ vọng công tác đấu thầu qua mạng phổ cập hơn nữa trong lĩnh vực y tế để tăng tính minh bạch và hiệu quả của các cuộc thầu.