Nguy cơ suy thoái tiếp tục đẩy dầu giảm giá

Giá dầu thế giới đi xuống trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, đánh dấu phiên giảm thứ hai liên tiếp...
Chiến tranh thương mại chưa có hồi kết giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục là nguồn áp lực giảm giá lớn nhất đối với giá dầu - Ảnh: Getty/MarketWatch.
Chiến tranh thương mại chưa có hồi kết giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục là nguồn áp lực giảm giá lớn nhất đối với giá dầu - Ảnh: Getty/MarketWatch.

Giá dầu thế giới đi xuống trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, đánh dấu phiên giảm thứ hai liên tiếp, khi thương chiến căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đặt ra nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu tiêu thụ năng lượng.

"Thị trường dầu lửa đang giao dịch trong tâm trạng lo sợ, vì những số liệu kinh tế xấu thời gian gần đây từ nhiều nền kinh tế chủ chốt cho thấy nhu cầu dầu có thể tăng chậm lại", nhà phân tích cấp cao Phil Flynn thuộc Price Futures Group nhận xét.

Tuy nhiên, ông Flynn nhấn mạnh rằng những con số thực tế cho thấy sự giảm tốc kinh tế có thể đã bị thổi phồng. "Các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng có thể sẽ được triển khai. Tóm lại, cần phải kiên nhẫn. Đừng hoảng loạn, hãy tìm cơ hội", trang MarketWatch dẫn khuyến nghị của nhà phân tích này.

Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giao tháng 9 tại New York giảm 0,76 USD/thùng, tương đương giảm 1,4%, còn 54,47 USD/thùng. Tại thị trường London, giá dầu Brent giao tháng 10 giảm 1,25 USD/thùng, tương đương giảm 2,1%, còn 58,23 USD/thùng.

Trong phiên ngày thứ Tư, giá dầu WTI giảm 3,3% và giá dầu Brent sụt 3%.

Chiến tranh thương mại chưa có hồi kết giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục là nguồn áp lực giảm giá lớn nhất đối với giá dầu. Trong diễn biến mới nhất, Trung Quốc thề sẽ có biện pháp đáp trả kế hoạch áp thuế lên 300 tỷ USD hàng hóa nước này mà Tổng thống Donald Trump công bố hôm 1/8. Một nửa số hàng hóa này sẽ bị áp thuế 10% từ ngày 1/9, và số còn lại sẽ bị áp thuế từ giữa tháng 12.

Việc ông Trump vào đầu tuần này hoãn áp thuế lên một nửa số hàng hóa trên tới ngày 15/12 có vẻ không giúp hạ nhiệt cuộc chiến. Tâm lý bất an trên thị trường tiếp tục được thể hiện qua việc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm sâu và đường cong lợi suất bị đảo ngược.

"Rủi ro suy thoái vẫn là tâm điểm chính, và thị trường không tin là việc ông Trump hoãn thuế giúp thay đổi quan trọng tình hình thương chiến", một báo cáo của công ty tư vấn JBC Energy có đoạn viết.

Loạt số liệu kinh tế u ám từ Trung Quốc và châu Âu khiến giới đầu tư có thêm lý do để bán mạnh dầu. Số liệu bán lẻ của Mỹ công bố ngày 15/8 là một con số tốt, nhưng các dữ liệu về sản xuất và thất nghiệp công bố cùng ngày đều xấu hơn dự báo.

"Nỗi lo suy thoái toàn cầu đang xuất hiện trên khắp các mặt báo, đặt ra sức ép lớn cho giá dầu", chiến lược gia Scott Gecas thuộc Walsh Trading nhận xét. "Các nhà giao dịch đang dự báo giá dầu WTI sẽ bị ghìm trong vùng 55-50 USD/thùng", ông Gecas nói.

Theo chiến lược gia này, để giá dầu tăng, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) cần hạ thêm sản lượng.

Tin cùng chuyên mục