VPBank dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2018 đạt 10.800 tỷ, tăng 33% so với năm 2017. Ảnh: Trần Việt |
Kể từ đầu năm, cổ phiếu STB đã tăng tới 18,6%, BID tăng 44%, VPB tăng 45%... Mỗi cổ phiếu ngân hàng đều có câu chuyện riêng, với Sacombank là câu chuyện xử lý nợ xấu, hay câu chuyện bán vốn của Vietcombank và BIDV cho nhà đầu tư nước ngoài... Nhưng tăng trưởng lợi nhuận là câu chuyện mà mọi nhà đầu tư đều quan tâm.
Kế hoạch lợi nhuận “khủng”
Mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam mở màn với Techcombank. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2018 diễn ra vào ngày 3/3, ngân hàng này đã thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế ở mức 10.000 tỷ đồng, tăng trưởng 24% so với năm 2017.
Một ngân hàng khác cũng đặt kế hoạch tham vọng gia nhập câu lạc bộ nhà băng có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng trong năm 2018 là VPBank. Cụ thể, theo tài liệu chuẩn bị cho ĐHĐCĐ sắp tới, ngân hàng này dự kiến lợi nhuận trước thuế đạt 10.800 tỷ đồng, tăng trưởng 33% so với năm 2017 và tương đương con số kỷ lục Vietcombank đạt được trong năm 2017 (11.018 tỷ đồng).
Tại Hội nghị tổng kết năm 2017 và triển khai kế hoạch kinh doanh năm 2018, HDBank đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 3.921 tỷ đồng, tăng 62% so với năm 2017. Trong kế hoạch giai đoạn 2017 - 2021, HDBank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 37%/năm.
Thông thường, chỉ tiêu lợi nhuận là con số xây dựng trên cơ sở có tính khả thi và an toàn. Nếu tiếp tục vượt chỉ tiêu như phổ biến trong năm 2017, thì 2018 sẽ thực sự là năm đại sóng lợi nhuận của các nhà băng Việt.
Cơ hội từ lĩnh vực cho vay tiêu dùng
Năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 17%, giảm so với kế hoạch và thấp hơn so với mức 18,17% thực hiện năm 2017. Cùng với đó, Chính phủ đang chỉ đạo phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất. Ngay từ đầu năm, 4 ngân hàng thương mại Vietcombank, Agribank, VietinBank và BIDV đã quyết định điều chỉnh giảm ngay 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn, trung, dài hạn đối với khách hàng tốt thuộc các lĩnh vực ưu tiên. Một số ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng hưởng ứng điều chỉnh giảm 0,5-1%/năm lãi suất cho vay đối với khách hàng thuộc lĩnh vực ưu tiên. Trong khi đó, lãi suất huy động lại khó có cửa giảm, điều này cũng đặt ra câu hỏi tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của ngành ngân hàng có bị giảm?
Theo ông Hoàng Minh Sơn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Vina, mặc dù mặt bằng lãi suất cho vay giảm nhưng các ngân hàng lại đang đẩy mạnh mảng tín dụng tiêu dùng - lĩnh vực chưa có khống chế lãi suất. Đây là phân khúc thị trường còn nhiều tiềm năng tăng trưởng và thường áp dụng mức lãi suất cao hơn so với phân khúc khách hàng bán buôn. Vì vậy, việc mở rộng hoạt động sang lĩnh vực ngân hàng bán lẻ sẽ giúp cải thiện NIM của ngành ngân hàng. Ngoài ra, các ngân hàng đều có mảng dịch vụ khác liên quan đến đầu tư, hợp tác kinh doanh. Kết quả kinh doanh của các mảng này không phụ thuộc vào lãi suất.
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết, việc mở rộng sang lĩnh vực tín dụng tiêu dùng sẽ giúp ngành ngân hàng gia tăng lợi nhuận.
Ngoài ra, triển vọng ngành ngân hàng năm 2018 khá lạc quan nhờ môi trường kinh doanh thuận lợi, tỷ lệ lạm phát được giữ ở mức thấp, sự ổn định của tỷ giá cũng như sự tăng trưởng của nền kinh tế. Đó là nền tảng cho một hệ thống tài chính tiếp tục phát triển và ổn định. Vì vậy, ngân hàng sẽ có cơ hội tăng lợi nhuận từ việc tăng trưởng tín dụng, đặc biệt là nền kinh tế Việt Nam lại dựa rất nhiều vào vốn vay của ngân hàng.