Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters. |
Thị trường chứng khoán Mỹ có phiên tăng thứ tư liên tiếp vào ngày 9/1, nhờ sự đi lên của cổ phiếu Apple, con chip và các cổ phiếu nhạy cảm với thông tin thương mại khác, sau khi có những dấu hiệu về tiến bộ trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung.
Chỉ số S&P 500 đang có chuỗi phiên tăng dài nhất trong vòng 4 tháng và đã tăng khoảng 10% kể từ mức đáy của 20 tháng thiết lập vào dịp Giáng sinh.
Theo hãng tin Reuters, cũng giống như mấy phiên trước, chất xúc tác chính cho sự hưng phấn của giới đầu tư ở Phố Wall vẫn là khả năng đạt một thỏa thuận thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại sẽ xoa dịu những mối lo về ảnh hưởng của xung đột thương mại với tăng trưởng kinh tế toàn cầu - vốn là "đám mây đen" phủ bóng lên thị trường chứng khoán thế giới nhiều tháng qua.
Ngoài ra, thị trường cũng tiếp tục được củng cố bởi dữ liệu khả quan về thị trường việc làm Mỹ công bố hôm thứ Sáu tuần trước, và những tín hiệu gần đây từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho thấy tiến độ tăng lãi suất có thể chậm lại trong năm nay.
Biên bản cuộc họp tháng 12 của FED công bố ngày thư Tư cho thấy một số quan chức của ngân hàng trung ương này nói FED có thể sẽ kiên nhẫn trong các đợt nâng lãi suất trong tương lai. Thậm chí, một vài vị không ủng hộ đợt nâng lãi suất cuối cùng trong năm 2018 của FED.
Sau khi các quan chức Mỹ và Trung Quốc kết thúc vòng đàm phán kéo dài 3 ngày tại Bắc Kinh, Văn phòng Thương mại Mỹ (USTR) nói rằng Trung Quốc đã hứa sẽ mua "một khối lượng lớn" nông sản, năng lượng, hàng hóa chế tạo và dịch vụ từ Mỹ.
Nhóm cổ phiếu công nghệ thuộc S&P 500 tăng 1,5%, trong đó cổ phiếu Apple nhảy 1,7%, bất chấp một bài báo của tờ Nikkei nói rằng hãng công nghệ Mỹ này đã giảm kế hoạch sản lượng đối với 3 mẫu iPhone mới trong quý 1/2018.
Tuần trước, cổ phiếu Apple có phiên sụt 10% sau khi "quả táo" hạ dự báo doanh thu quý 4/2018. Tuy nhiên, cổ phiếu "quả táo" đã phục hồi nhanh nhờ tin tốt về đàm phán thương mại Mỹ-Trung trong tuần này.
Nhóm cổ phiếu con chip tăng 2,52%. Các hãng sản xuất con chip vốn là những công ty đa quốc gia của Mỹ có sự phụ thuộc nhiều nhất vào thị trường Trung Quốc về doanh thu.
"Nêu muốn biết đánh giá của các nhà đầu tư về cuộc đàm phán thương mại, chỉ cần nhìn vào cổ phiếu công nghệ, đặc biệt là cổ phiếu chất bán dẫn", ông Jack Ablin, Giám đốc đầu tư thuộc Cresset Wealth Advisors, phát biểu.
Cổ phiếu tập đoàn chế tạo máy bay Boeing, một công ty khác có mưc độ phụ thuộc cao vào thị trường Trung Quốc, tăng 0,97%. Nhóm công nghiệp thuộc chỉ số S&P 500 tăng 0,63%.
Nhóm cổ phiếu năng lượng tăng 1,5% nhờ giá dầu đạt mức cao nhất trong gần 1 tháng.
Chỉ số VIX đo lường nỗi sợ hãi của nhà đầu tư và biến động thị trường giảm nửa điểm, xuống còn 19,85 điểm, thấp nhất 1 tháng.
Chốt phiên, chỉ số Dow Jones tăng 0,39%, đạt 23.879,12 điểm. S&P 500 tăng 0,41%, đạt 2.584,96 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,87%, đạt 6.957,08 điểm.
Nhóm cổ phiếu tài chính thuộc S&P tăng 0,52%, trong đó cổ phiếu Citigroup tăng 2%.
Phát biểu ngày 9/1, nhiều quan chức FED cũng nói FED có thể hoãn việc nâng lãi suất cho tới khi xác định được rõ ràng liệu những rủi ro đang gia tăng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ hay không.
"Dần dần, sự ổn định gia tăng của FED sẽ dẫn tới sự ổn định gia tăng trên thị trường", Giám đốc đầu tư Mark Heppenstall thuộc Penn Mutual Asset Management nhận định. "Một số biến động mạnh trên thị trường gần đây là do việc FED thắt chặt chính sách bắt đầu có ảnh hưởng lên tăng trưởng kinh tế và các điều kiện tài chính".
Đối với S&P, phiên tăng ngày thứ Tư đánh dấu chuỗi phiên tăng dài nhất của chỉ số này kể từ giữa tháng 9, ngay trước khi chỉ số bắt đầu rời khỏi đỉnh cao kỷ lục.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu tăng giá nhiều gấp 2,28 lần số mã giảm. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,91 lần.
Có 8 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng ở Phố Wall phiên này, so với mức bình quân 9 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.