Theo Bộ Giao thông vận tải, với mức biến động giá trên thị trường vừa qua, giá thành các gói thầu xây lắp giao thông tăng khoảng 12% - 18%. Ảnh: Lê Tiên |
Qua tổng hợp, Bộ Xây dựng cho biết, thực tế thời gian qua, việc thực hiện hợp đồng điều chỉnh giá gặp một số khó khăn do giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng (CSGXD) ở nhiều địa phương công bố dùng để điều chỉnh giá hợp đồng bị công bố chậm, không sát với diễn biến thị trường. Một số địa phương công bố CSGXD công trình năm 2021 so với năm 2020 chỉ dưới 4,3%; chỉ số giá quý I/2022 so với năm 2020 dưới 12,3%, trong khi theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, với mức biến động giá trên thị trường vừa qua, giá thành các gói thầu xây lắp công trình giao thông tăng khoảng 12% - 18%...
Theo ông Vũ Gia Bình, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng số 1, trường hợp CĐT có điều chỉnh giá nhưng thông báo giá chậm, công bố giá vật liệu và chỉ số giá do địa phương ban hành không bám sát biến động thị trường, không phù hợp cấp công trình nên mặc dù CĐT hoàn thành nghĩa vụ điều chỉnh giá nhưng nhà thầu lại bị thiệt hại về tài chính.
Theo ông Đặng Hoài Nam, Trưởng phòng Định mức và đơn giá xây dựng, Cục Kinh tế Xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, CSGXD do địa phương công bố là công cụ phục vụ cho việc xác lập quản lý chi phí đầu tư xây dựng, lập tổng mức đầu tư và dự toán gói thầu. Khi sử dụng CSGXD này để áp dụng hợp đồng, các bên cần xem xét, cân nhắc yếu tố đặc thù của công trình để áp dụng cho phù hợp. Việc sử dụng chỉ số giá của công trình giao thông của địa phương để áp dụng cho hợp đồng gói thầu cao tốc sẽ có thể không tính đúng, tính đủ được do địa phương xây dựng chỉ số giá trên cơ sở dữ liệu công trình giao thông của địa phương, chưa có tính đặc thù về vật liệu, yêu cầu thiết kế đối với đường cao tốc.
Ông Đặng Hoài Nam cho biết, quy định hiện hành cho phép trường hợp sử dụng CSGXD để điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng, đối với các công trình chưa có trong danh mục CSGXD do Bộ Xây dựng hoặc UBND cấp tỉnh công bố thì CĐT tổ chức xác định chỉ số giá riêng cho công trình để phù hợp đặc thù, tiêu chí, yêu cầu kỹ thuật… theo phương pháp do Bộ Xây dựng hướng dẫn, gửi Bộ Xây dựng (đối với công trình xây dựng theo tuyến trên địa bàn 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên) hoặc UBND cấp tỉnh (đối với công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh) cho ý kiến về sự phù hợp của phương pháp xác định CSGXD, tính đúng đắn, hợp lý của việc xác định chỉ số giá.
Đại diện Cục Kinh tế Xây dựng nhấn mạnh, việc sử dụng chỉ số giá nào trước hết phụ thuộc vào hồ sơ mời thầu (HSMT), hợp đồng. Nếu hợp đồng quy định sử dụng chỉ số giá do địa phương công bố thì điều chỉnh phải dựa vào chỉ số giá này, nếu trong hợp đồng thỏa thuận sử dụng chỉ số giá riêng cho công trình thì CĐT tổ chức xây dựng chỉ số giá riêng cho phù hợp tính chất hợp đồng đó.
Một chuyên gia khác phân tích thêm, pháp luật hiện hành cũng quy định hai phương pháp điều chỉnh giá hợp đồng là theo hệ số điều chỉnh giá hoặc bù trừ trực tiếp. Để làm được bù trừ trực tiếp, trong quá trình đấu thầu, hồ sơ dự thầu (HSDT) phải có phân tích đơn giá chi tiết, công tác chuẩn bị HSDT, đánh giá cần thời gian nhiều hơn. Dự án giao thông thời gian qua do yêu cầu tiến độ nhanh với mục tiêu sớm đưa công trình vào sử dụng, các CĐT thường sử dụng phương pháp điều chỉnh bằng hệ số, nhà thầu chỉ cần bỏ đơn giá tổng hợp. Đến nay, nhiều nhà thầu đã ký hợp đồng điều chỉnh giá áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá kiến nghị được chuyển sang phương pháp bù trừ trực tiếp đối với một số loại vật liệu biến động lớn để tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này rất khó khả thi, trừ khi có cơ chế riêng được cấp thẩm quyền cho phép.
Qua biến động lần này, ông Lê Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông thuộc Bộ Giao thông vận tải lưu ý, nhà thầu cần nâng cao tính chuyên nghiệp khi tham dự thầu, nghiên cứu HSMT và trong quá trình thương thảo cũng có thể đàm phán áp dụng các phương pháp điều chỉnh giá phù hợp. Nhà thầu cũng phải nắm bắt tình hình giá cả thị trường để có kế hoạch tham gia đấu thầu phù hợp.