Nhà thầu xây cao tốc “kêu cứu”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều nhà thầu thi công cao tốc đang gồng mình với tình trạng khó tiếp cận các nguồn vật liệu, vật liệu đội giá gấp nhiều lần so với hợp đồng đã ký. Để bù đắp tiến độ, các nhà thầu đều tăng cường ca kíp, phương tiện thi công. Tuy nhiên, nếu không có giải pháp căn cơ, thực trạng này trực tiếp bào mòn sức khỏe tài chính của các nhà thầu.
Nhiều nhà thầu thi công cao tốc đang gồng mình với tình trạng khó tiếp cận các nguồn vật liệu, vật liệu đội giá gấp nhiều lần so với hợp đồng đã ký. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Nhiều nhà thầu thi công cao tốc đang gồng mình với tình trạng khó tiếp cận các nguồn vật liệu, vật liệu đội giá gấp nhiều lần so với hợp đồng đã ký. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Theo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, Dự án Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 có tổng chiều dài 49,11km với tổng mức đầu tư 7.615 tỷ đồng. Đây là dự án PPP, loại hợp đồng BOT, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải là nhà đầu tư, đồng thời đảm nhận 3 gói thầu xây lắp với tổng giá trị hợp đồng 4.345 tỷ đồng.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, Nhà đầu tư cho biết gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện dự án, nhất là thiếu hụt mỏ đất đắp và giá nguyên vật liệu tăng. Danh sách các mỏ vật liệu do đơn vị tư vấn thiết kế đề xuất đều không khả thi, không thể tiếp cận để khai thác. Do đó, Nhà đầu tư phải tập trung công sức cùng chính quyền địa phương huy động trong mọi khả năng để tiếp cận các mỏ vật liệu khả thi hơn. “Quá trình này mất nhiều thời gian, cộng với giá vật liệu đội lên nhiều lần so với thời điểm ký hợp đồng khiến chúng tôi rất bị động về phương án thi công. Để bù tiến độ, Nhà đầu tư đã huy động toàn bộ công suất với lực lượng trên công trường luôn xấp xỉ 1.200 người, hơn 500 đầu máy móc thiết bị các loại, trải dài trên toàn tuyến của tỉnh Khánh Hòa. Công trình luôn được bố trí các kíp thi công 3 ca/ngày”, đại diện Nhà đầu tư cho biết.

Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất của Ban Quản lý dự án 85 về tình hình thực hiện Dự án Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, đến nay, sản lượng thực hiện khoảng 3.174/7.587 tỷ đồng, tương ứng 41,84% giá trị hợp đồng, đạt 99,4% so với tiến độ điều chỉnh lần 1 (tháng 11/2022).

Ban Quản lý dự án 85 cho biết, khó khăn lớn nhất vẫn là nguồn vật liệu, cụ thể là đất đắp phục vụ thi công. Đến cuối tháng 6/2023, Dự án mới hoàn thành thủ tục khai thác 2 mỏ đất, đến nay phân đoạn Km54 - Km92+260 vẫn còn thiếu khoảng gần 0,3 triệu m3 đất. Trong khi đó, giá các loại nguyên, nhiên, vật liệu, đặc biệt giá xăng dầu tăng mạnh gây ảnh hưởng lớn đến kế hoạch triển khai thi công.

Tại Dự án Cao tốc Chí Thạnh -Vân Phong, đại diện Ban Quản lý dự án 7 cho biết, nhiều khó khăn đang bủa vây nhà thầu thi công. Cụ thể, một số vị trí bãi thải theo quy hoạch nằm trên phạm vi đất trồng hoa màu, đất lúa 1 vụ..., khi nhà thầu thỏa thuận với các chủ sử dụng đất, nhiều hộ không đồng ý hoặc yêu cầu chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng cao hơn giá Nhà nước.

Đối với vật liệu đất đắp, hiện các mỏ đất phục vụ thi công Dự án gặp vướng mắc. Việc nhà thầu tự thương thảo đền bù, giải phóng mặt bằng với các chủ mỏ gặp nhiều khó khăn và tiềm ẩn nguy cơ đội giá, chèn ép giá.

Bên cạnh đó, công suất 4 mỏ cát đang khai thác là 40.000 m3/năm, trong khi khối lượng cần sử dụng cho Dự án rất lớn (1,36 triệu m3). Công suất như vậy không đáp ứng được yêu cầu tiến độ Dự án, đặc biệt đối với hạng mục xử lý nền đất yếu (đường găng của Dự án) sẽ được triển khai trong năm 2023 với khối lượng cát khoảng 800.000 m3. “Theo dự toán, giá cát đang áp cho Dự án khoảng 255.000 đồng/m3 (bao gồm vận chuyển). Tuy nhiên, theo khảo sát của nhà thầu, giá cát thực tế trung bình khoảng 345.000 đồng/m3 (bao gồm vận chuyển)”, Chủ đầu tư thông tin.

Để giảm thiệt hại cho nhà thầu cũng như tạo thuận lợi cho quá trình triển khai thi công, các chủ đầu tư đề nghị địa phương cần có giải pháp để kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ giá vật liệu xây dựng, điều chỉnh, công bố giá vật liệu xây dựng phù hợp với thị trường. Đồng thời, tổ chức nâng công suất các mỏ cát đang khai thác; giao các mỏ đã quy hoạch, chưa khai thác cho nhà thầu thi công. Với mỏ đất, các địa phương hỗ trợ chủ đầu tư, nhà thầu thi công trong quá trình làm việc với các chủ sở hữu đất khu vực mỏ để xác định phương án, đơn giá chuyển nhượng hoặc thuê quyền sử dụng đất cho phù hợp...

Tin cùng chuyên mục