Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Kạn cho biết, trong năm 2020, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn phát sinh kiến nghị của một số nhà thầu liên quan đến quá trình lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, nhiều nhà thầu không tuân thủ đúng quy định về thời gian, thẩm quyền theo quy trình giải quyết kiến nghị của Luật Đấu thầu.
Tại Đắk Lắk, năm 2020, có 6 chủ đầu tư/bên mời thầu trên địa bàn Tỉnh phải giải quyết kiến nghị của nhà thầu về kết quả lựa chọn nhà thầu. Một số nhà thầu do không nắm rõ quy định nên có nội dung kiến nghị không đúng.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam cho biết, năm 2020, Sở đã tiếp nhận 19 đơn kiến nghị của nhà thầu phản ánh hiện tượng: đưa các tiêu chí không phù hợp vào hồ sơ mời thầu, quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu còn mang tính chủ quan, không cho phép nhà thầu làm rõ, bên mời thầu không công khai thông tin theo quy định… Một số nhà thầu không nắm rõ quy trình giải quyết kiến nghị, chủ đầu tư thì lúng túng, chậm trễ trong việc giải quyết kiến nghị nên dẫn đến tình trạng kiến nghị vượt cấp, kéo dài.
Quá trình tìm hiểu phản ánh qua đường dây nóng của Báo Đấu thầu cho thấy, không ít nhà thầu kiến nghị, khiếu kiện vượt cấp đối với những nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của chủ đầu tư, bên mời thầu.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu về việc vì sao nhà thầu gửi kiến nghị vượt cấp, kiến nghị đến nhiều nơi, một nhà thầu ở Hà Nội cho biết, do không đủ niềm tin nên phải gửi kiến nghị đồng thời lên nhiều cơ quan để tạo áp lực buộc chủ đầu tư, bên mời thầu phải giải quyết. Kinh nghiệm này nhà thầu có được sau hơn 15 năm tham gia thị trường xây dựng. Có những gói thầu quy mô hàng trăm tỷ đồng, do ban quản lý chuyên ngành xây dựng của địa phương làm chủ đầu tư trực tiếp mời thầu, khi nhà thầu kiến nghị thì đơn vị này “đá bóng” cho tư vấn đấu thầu và nội dung trả lời không đúng vào những nội dung nhà thầu kiến nghị. Cũng có bên mời thầu, chủ đầu tư “né” trả lời kiến nghị của nhà thầu bằng cách đổ lỗi cho nhà thầu gửi kiến nghị muộn nên không giải quyết, trong khi cùng nội dung kiến nghị này, nhà thầu gửi đến Sở Kế hoạch và Đầu tư địa phương thì họ được xử lý.
Chia sẻ với phóng viên, một luật sư của Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, không ít chủ đầu tư, bên mời thầu hay cơ quan cấp trên của chủ đầu tư, bên mời thầu đều có tâm lý không muốn giải quyết kiến nghị của nhà thầu. Do đó, chất lượng giải quyết kiến nghị thường không đáp ứng được mong muốn của nhà thầu. Bên cạnh đó, chỉ cần nhà thầu “sơ hở” trong kiến nghị là chủ đầu tư, bên mời thầu đã có lý do để không giải quyết đơn kiến nghị.
TS. Nguyễn Việt Hùng, chuyên gia về đấu thầu cho rằng, để bảo vệ quyền lợi của mình, nhà thầu phải nắm chắc quy định, quy trình giải quyết kiến nghị trong đấu thầu, được nêu tại Điều 91, Điều 92 Luật Đấu thầu. Nhà thầu cần bám sát các mốc thời gian, có nội dung kiến nghị kịp thời đến cấp giải quyết kiến nghị, lưu giữ đầy đủ bằng chứng để bảo đảm mình kiến nghị đúng nơi và đúng thời điểm. Khi chất lượng giải quyết kiến nghị của chủ đầu tư, bên mời thầu không đạt yêu cầu thì có thể kiến nghị tiếp ở cấp cao hơn hoặc khởi kiện ra tòa.