Nhức nhối hệ lụy nợ đọng xây dựng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nợ đọng là căn bệnh kinh niên của ngành xây dựng và mức độ ngày càng nghiêm trọng với 100% doanh nghiệp (DN) xây dựng có nợ đọng, nhiều DN có số nợ trên 1.000 tỷ đồng (theo kết quả khảo sát mới đây của Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam với hơn 2.000 nhà thầu).
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dù đã hoàn thành đi vào sử dụng cuối tháng 4/2022, nhưng một số nhà thầu vẫn nợ tiền mua vật liệu xây dựng. Ảnh: Lê Tiên
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dù đã hoàn thành đi vào sử dụng cuối tháng 4/2022, nhưng một số nhà thầu vẫn nợ tiền mua vật liệu xây dựng. Ảnh: Lê Tiên

Dịch Covid-19 và vật giá leo thang càng bào mòn sức lực, đẩy nhiều nhà thầu xây dựng lâm cảnh “giật gấu vá vai”. Hệ quả làm phát sinh nợ thầu phụ, nợ nhà cung cấp vật tư, nợ nhân công… khiến bức tranh nợ xây dựng thêm một góc cạnh nhức nhối khác.

Ngao ngán cảnh đòi nợ

Dưới cái nắng oi ả, trước khu lán trại lợp lá dừa sơ sài tại công trường thi công Trường THCS tại lô đất III-GD-5 trong Khu dân cư, tái định cư Lộc An - Bình Sơn, sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai), vợ chồng chị Dương Thị Xuân (quê TP. Cần Thơ) không giấu nổi sự mệt mỏi vì đã ăn chực, nằm chờ từ sau Tết Nguyên đán năm 2022 mong chủ thầu trả khoản tiền công lao động. Để có sức tiếp tục đòi nợ và lo cho đứa con nhỏ đi học, chồng chị Xuân phải làm công nhật vặt vãnh ở các công trường xây dựng lân cận.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Dương Văn Hiền, đại diện nhóm khoảng 100 thợ xây nhận thầu khoán nhân công cho Công ty CP Đầu tư xây dựng 493 (nhà thầu đảm nhiệm thi công 4 công trình hạ tầng xã hội tại Khu dân cư, tái định cư Lộc An - Bình Sơn), cho biết, Công ty 493 còn nợ nhóm thợ gần 4,6 tỷ đồng từ cuối năm 2021 tới giờ chưa thanh toán. “Gần 10 tháng công việc đình trệ và đòi nợ không có kết quả, chúng tôi đã gửi đơn cầu cứu (ngày 16/8/2022) tới các cơ quan hữu trách tỉnh Đồng Nai để nhờ can thiệp. Sau đó, trước sự chứng kiến của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai, Công ty 493 cam kết thu xếp trả nợ, tuy nhiên tới nay vẫn chưa có chuyển biến gì. Chúng tôi đã liên hệ nhiều lần với đại diện Nhà thầu để giải quyết nhưng ông Nguyễn Bảo Trung, Giám đốc Công ty 493 đã chặn số điện thoại”, ông Hiền nói.

Năm ngoái, để có tiền cho công nhân về quê ăn Tết, ông Hiền phải mượn người thân 4 sổ đỏ cầm cố vay tiền ngân hàng và vay thêm 1,4 tỷ đồng lãi ngoài thanh toán một phần nhân công. Nay nếu không đòi được tiền nợ, hàng trăm công nhân sẽ lâm vào cảnh bần hàn và người thân của ông Hiền sẽ mất nhà. Khoản nợ 4,6 tỷ đồng càng trở nên chênh vênh hơn khi ngày 8/9 vừa qua, tỉnh Đồng Nai thống nhất chủ trương chấm dứt và thanh lý hợp đồng xây lắp với Công ty 493 vì thi công bê bối, chậm tiến độ.

Nợ nhân công đã vậy, với các nhà cung cấp vật tư, tình trạng nợ đọng cũng rất phổ biến. Khi mọi nỗ lực đòi nợ không hiệu quả, Công ty TNHH Thương mại Vận tải Xây dựng Sản xuất Tiến Tiến Đạt (TP.HCM) đã gửi đơn tố cáo tới các cơ quan báo chí để phản ánh chuyện bị chiếm đoạt tiền cung cấp vật liệu xây dựng cho Gói thầu Xây dựng đoạn tuyến nút giao Cái Bè và cầu Kênh Ngang thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Cụ thể, Công ty Tiến Tiến Đạt tố cáo 2 nhà thầu phụ của gói thầu trên gồm: Tổng công ty CP Công trình Viettel (TP. Hà Nội) và Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Duy Lợi (tỉnh Hà Nam) nợ tiền cung cấp đá, cát san nền với tổng số tiền 2.895.216.750 đồng. Ông Trương Thanh Xuân, Giám đốc Công ty Tiến Tiến Đạt cho biết, các bên đã có nhiều cuộc họp, nhưng không đưa ra được phương án thanh toán công nợ.

Chung cảnh ngộ, ông Nguyễn Văn Đáp, Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng Phú An Khang (TP. Cần Thơ) cho biết, Công ty có hợp đồng cung cấp đá, cát vàng bê tông cho 2 nhà thầu gồm: Công ty CP 414 (TP. Hà Nội) và Công ty CP 499 (TP.HCM) thi công Dự án Cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vào tháng 3/2021. Tới cuối tháng 4/2022, số nợ chưa thanh toán của Công ty CP 499 còn tới 2.567.276.499 đồng, Công ty CP 414 còn 1.165.745.000 đồng. Tới ngày 25/8/2022, tình hình các khoản công nợ chưa có tín hiệu khả quan khiến Công ty Phú An Khang lâm cảnh khó khăn vì hụt dòng tiền.

Nên xem “nợ” là tiêu chí xếp hạng uy tín trong đấu thầu

Theo Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, tình trạng nợ đọng xây dựng hiện nay phổ biến ở cả dự án sử dụng ngân sách nhà nước và dự án sử dụng vốn tư nhân. Nguyên nhân là các công trình được nghiệm thu, đưa vào sử dụng không quan tâm đến kế hoạch vốn, chậm bố trí vốn trả nợ dự án đã hoàn thành, bàn giao; thủ tục, điều kiện thanh quyết toán rườm rà và chậm trễ. Ngoài ra, còn nguyên nhân chủ quan là các chủ đầu tư, nhà thầu chiếm dụng vốn, chây ì trả nợ.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đấu thầu, từ đầu năm tới nay, nhiều nhà thầu rơi vào tình trạng mất cân đối về tài chính, rủi ro vỡ nợ dây chuyền hiện hữu, ảnh hưởng xấu tới môi trường xây dựng và nhóm nhân công yếu thế. Một minh chứng cụ thể là vụ việc hàng chục công nhân tụ tập, căng băng rôn đòi nợ tại Khu dân cư, tái định cư Lộc An - Bình Sơn vừa qua thể hiện sự bức xúc của người lao động, đồng thời gây mất trật tự công cộng.

Theo đại diện một nhà thầu tại TP.HCM, cần có cơ chế quản trị vấn đề nợ xây dựng. Theo đó, cần có một tổ chức độc lập theo dõi, đánh giá, xếp hạng uy tín các chủ đầu tư và nhà thầu. Đặc biệt, cần xem vấn đề nợ là tiêu chí trọng yếu xếp hạng uy tín, đánh giá nhà thầu trong quá trình lựa chọn nhà thầu. Nếu có bảng xếp hạng các chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng đáng tin cậy sẽ giúp ích rất nhiều cho các nhà thầu, nhà cung cấp, nhân công… khi đưa ra quyết định dự thầu, hợp tác cung cấp vật liệu, nhận khoán công nhằm góp phần hạn chế rủi ro nợ đọng xây dựng.

Tin cùng chuyên mục