Ảnh Internet |
Dưới đây là những gì mà các doanh nhân khởi nghiệp có thể học hỏi từ thành công của Steve Jobs, được trang Tech in Asia tổng hợp và trích dẫn từ cuốn tiểu sử Steve Jobs của tác giả Walter Isaacson.
1. Tập trung
Sau khi Steve Jobs bị sa thải và quay trở lại Apple vào năm 1997, “táo khuyết” đang sản xuất một loạt các máy tính và thiết bị ngoại vi, bao gồm hàng chục phiên bản khác nhau của máy tính cá nhân Macintosh. Sau một vài tuần xem xét lại các bản mô tả sản phẩm, ông Jobs nói với đội ngũ nhân viên rằng chỉ nên tập trung vào 4 sản phẩm dựa trên 4 yếu tố là “khách hàng, sự chuyên nghiệp, máy tính để bàn và khả năng di động”, tất cả cá sản phẩm khác nên được loại bỏ.
Bằng cách đưa Apple tập trung vào việc chỉ tập trung sản xuất những sản phẩm chủ chốt, ông Jobs đã cứu được công ty. “Quyết định không làm điều gì đó cũng quan trọng như việc quyết định nên làm gì. Điều đó đúng với các công ty và đúng với các sản phẩm”, ông Jobs nói.
2. Đơn giản hóa
Khả năng tập trung của ông Jobs được đi kèm với bản năng đơn giá hóa mọi thứ bằng cách nhìn vào bản chất và loại bỏ những thành phần không cần thiết. “Sự đơn giản là hình thức phức tạp tinh vi nhất” chính là khẩu hiệu marketing đầu tiên của Apple.
3. Chịu trách nhiệm từ đầu tới cuối
Ông Jobs biết rằng cách tốt nhất để đạt được sự tối giản là đảm bảo phần cứng, phần mềm và các thiết bị ngoại vi được tích hợp liền mạch. Hệ sinh thái của Apple - chẳng hạn như một chiếc iPod được kết nối với máy tính Mac bằng phần mềm iTunes - cho phép các thiết bị trở nên đơn giản hơn, đồng bộ trơn tru hơn và hiếm khi gặp trục trặc. Các nhiệm vụ phức tạp, như tạo danh sách mới, có thể được thực hiện trên máy tính, do đó iPod có ít tính năng hơn và không cần quá nhiều nút bấm. Ông Jobs và Apple đã chịu trách nhiệm từ đầu đến cuối đối với trải nghiệm của người dùng – điều mà rất ít công ty có thể làm được.
Ảnh Internet
4. Khi bị bỏ lại phía sau, hãy nhảy vọt
Một công ty đột phá sáng tạo không chỉ tiên phong đưa ra những ý tưởng mới, mà còn phải biết cách nhảy vọt khi bị tụt lại phía sau. Điều này đã được minh chứng khi ông Jobs tạo ra chiếc iMac đầu tiên. Ông tập trung vào tính năng quản lý hình ảnh và video của chiếc iMac, nhưng nó bị tụt hậu ở chức năng nghe nhạc. Người dùng máy tính cá nhân khi đó thường tải nhạc về rồi ghi đè vào đĩa CD, trong khi máy iMac không thể ghi đĩa. “Tôi cảm thấy mình thật ngớ ngẩn. Tôi nghĩ chúng tôi đã bỏ lỡ điều đó”, ông Jobs nói.
Nhưng thay vì chỉ đơn thuần là bắt kịp xu hướng bằng cách nâng cấp ổ đĩa CD của iMac, ông Jobs đã quyết định tạo ra một hệ thống tích hợp có khả năng thay đổi ngành công nghiệp âm nhạc. Kết quả là sự kết hợp giữa iTunes, iTunes Store và iPod, cho phép người dùng có thể mua, chia sẻ, quản lý, lưu trữ và chạy nhạc tốt hơn so với bất kỳ thiết bị nào khác.
Sau thành công lớn của iPod, ông Jobs không dành nhiều thời gian để tận hưởng điều đó, mà ông bắt đầu lo lắng đến những rủi ro đối với thiết bị này. Các nhà sản xuất điện thoại có thể bắt đầu thêm tính năng nghe nhạc vào sản phẩm của họ, vì vậy ông đã loại bỏ iPod và tạo ra chiếc iPhone. “Nếu chúng ta không thể ‘ăn thịt’ chính mình, thì người khác sẽ làm điều đó”, ông Jobs khẳng định.
5. Sản phẩm là trên hết
Yêu cầu đầu tiên khi ông Jobs và đội ngũ của ông thiết kế chiếc Macintosh vào đầu những năm 1980 là nó phải “cực kỳ tuyệt vời”. Ông không bao giờ nói về việc tối đa hóa lợi nhuận hay cắt giảm chi phí. “Đừng lo lắng về giá cả, hãy tập trung vào những tính năng của chiếc máy tính”, ông Jobs nói với trưởng nhóm thiết kế khi đó.
Mặc dù chiếc Macintosh khiến Apple mất quá nhiều chi phí và dẫn tới việc ông Jobs bị sa thải, nhưng sản phẩm này cũng đã “tạo ra sự khác biệt” bằng việc thúc đẩy cuộc cách mạng máy tính cá nhân. Về lâu dài, ông Jobs đã đúng. “Tập trung để tạo ra sản phẩm tuyệt vời, rồi lợi nhuận sẽ theo sau”, ông Jobs nhấn mạnh.
6. Đừng trở thành nô lệ của nhóm khách hàng mục tiêu
Khi ông Jobs phát triển chiếc Macintosh đầu tiên, một thành viên trong nhóm đã hỏi ông rằng liệu có nên thực hiện một số nghiên cứu thị trường để biết khách hàng muốn gì, ông đã trả lời: “Không. Bởi khách hàng không biết họ muốn gì cho đến khi chúng ta cho họ thấy”.
Quan tâm sâu sắc tới nhiều điều khách hàng mong muốn rất khác với việc liên tục hỏi họ muốn gì. Việc này đòi hỏi phải có bản năng và trực giác về những ham muốn chưa được hình thành của khách hàng.
7. Biến điều không thể thành có thể
Ông Jobs nổi tiếng với khả năng thúc đẩy nhân viên làm những điều không thể thành có thể. Ông từng phàn nàn với kỹ sư phụ trách hệ điều hành của máy tính Macintosh – Larry Kenyon về việc chiếc máy này mất quá nhiều thời gian để khởi động. Kenyon khi đó bắt đầu giải thích lý do không thể giảm thời gian khởi động, nhưng ông Jobs ngắt lời: “Nếu có thể cứu một mạng người, anh có thể tìm cách để giảm bớt 10 giây khởi động được không?”.
Ông Jobs nói rằng nếu 5 triệu người dùng máy tính, mỗi người mất thêm 10 giây khởi động máy mỗi ngày thì tổng số thời gian bị mất là 300 triệu giờ mỗi năm. Vài tuần sau đó, Kenyon đã giúp máy tính khởi động nhanh hơn 28 giây.
8. Truyền tải giá trị sản phẩm
Ông Jobs đã học được một điều từ cố vấn đầu tiên của mình là Mike Markkula, rằng mọi người hình thành quan điểm về một sản phẩm hay một công ty dựa trên cách nó được đóng gói hay công ty được giới thiệu như thế nào. "Mike đã dạy tôi rằng người ta đánh giá một cuốn sách qua bìa của nó", ông Jobs nói.
Khi chuẩn bị giao chiếc máy tính Macintosh tới khách hàng vào năm 1984, ông gần như đã bị ám ảnh về màu sắc và thiết kế của chiếc hộp đựng sản phẩm.Tương tự như vậy, ông đã tự dành thời gian thiết kế lại vỏ hộp giống như đựng đồ trang sức, mà sau này dùng cho cả iPod và iPhone.
Ảnh Internet
9. Thúc đẩy sự hoàn hảo
Trong quá trình phát triển hầu hết mọi sản phẩm, ông Jobs luôn quan tâm tới việc sản phẩm đó đã hoàn hảo hay chưa, và chiếc iPhone là một ví dụ. Thiết kế ban đầu của iPhone có mặt kính được đặt trong vỏ nhôm. Một buổi sáng, ông Jobs đã đến gặp Giám đốc thiết kế hiện tại của Apple Jonathan Ive và nói: “Tôi đã không ngủ được đêm qua bởi tôi nhận ra rằng mình không thích nó. Các bạn đã vất vả thiết kế trong 9 tháng qua, nhưng chúng ta sẽ thay đổi nó”.
Thay vì nản chí, nhóm nghiên cứu đã đồng tình với ông Jobs. “Đó là một trong những khoảnh khắc tự hào nhất của tôi tại Apple”, ông Jobs từng cho biết. Điều tương tự cũng xảy ra khi ông và Ive hoàn thiện sản phẩm iPad.
10. Chỉ chấp nhận những người “hạng A”
Ông Jobs nổi tiếng là người thiếu kiên nhẫn, nóng nẩy và khắc nghiệp với những người xung quanh. Nhưng cách đối xử này của ông xuất phát từ niềm đam mê sự hoàn hảo và mong muốn làm việc với những người tốt nhất.
“Tôi không nghĩ mình thô lỗ với mọi người, nhưng khi có vấn đề xảy ra, tôi sẽ nói thẳng với họ. Trung thực là điều tôi cần làm”, ông Jobs nói.
11. Chú trọng tương tác trực tiếp
Dù là công dân của thời đại kỹ thuật số, ông Jobs vẫn tin tưởng mạnh mẽ vào các cuộc họp mặt trực tiếp. “Trong thời đại kết nối mạng, nhiều người nghĩ rằng những ý tưởng có thể được phát triển thông qua email hoặc iChat. Điều đó thật điên rồ. Sự sáng tạo được đến từ những cuộc họp, những cuộc thảo luận ngẫu nhiên”, ông Jobs nói.
12. Hiểu rõ bức tranh toàn cảnh và chi tiết
Một số CEO rất giỏi về tầm nhìn chiến lược, một số khác lại quản lý tốt về chi tiết cụ thể. Và ông Jobs hội tụ cả hai yếu tố. CEO Time Warner Jeff Bewkes từng nói rằng một trong những điểm nổi bật của ông Jobs là khả năng và mong muốn đưa ra chiến lược tổng thể đồng thời vẫn tập tập trung vào những khía cạnh thiết kế nhỏ nhất.