Song, có hai trạng thái đối lập: Một là số lượng nhà thầu tham gia một gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng có sự tăng đột biến so với đấu thầu truyền thống, hai là chỉ có 1 - 2 nhà thầu tham gia trong mỗi gói thầu. Đây là điều khiến cho những người thực hiện công tác đấu thầu điện tử phải suy ngẫm.
Thấy gì từ những con số thống kê?
Trước đây, mỗi ngày trên cả nước diễn ra hàng trăm cuộc mở thầu theo cách đấu thầu truyền thống (văn bản giấy, đấu thầu trực tiếp). Tại các gói thầu này, số lượng nhà thầu tham gia đều được thể hiện rõ qua biên bản mở thầu. Tuy nhiên, pháp luật về đấu thầu hiện vẫn chưa có chế tài yêu cầu chủ đầu tư/bên mời thầu phải công khai những thông tin mở thầu này. Do vậy, số lượng nhà thầu tham dự bao nhiêu, gói thầu có thực sự cạnh tranh hay không vẫn là một câu hỏi lớn.
Song, kể từ khi đấu thầu qua mạng được triển khai rộng rãi trên phạm vi cả nước với lộ trình thực hiện rõ ràng, cùng với những hỗ trợ thống kê từ Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (HTMĐTQG) đã cho thấy nhiều con số ấn tượng về số lượng nhà thầu tham gia trong từng cuộc thầu được tổ chức theo hình thức đấu thầu điện tử.
Thống kê từ HTMĐTQG cho thấy, từ ngày 1/1/2017 đến ngày 30/6/2017, trên phạm vi cả nước có khoảng 3.200 gói thầu được các bên mời thầu/chủ đầu tư lựa chọn tổ chức theo hình thức đấu thầu điện tử với đa dạng các loại gói thầu: xây lắp, hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn…
Trong đó, số lượng gói thầu có trên 5 nhà thầu tham dự là 198 gói thầu. Số lượng gói thầu có từ 3 - 5 nhà thầu tham dự là 876 gói thầu. Tuy nhiên, đáng chú ý hơn cả, số lượng gói thầu có dưới 3 nhà thầu tham dự chiếm tới 66,5% tổng số gói thầu (2.133 gói thầu).
Theo một thống kê khác, tại TP. Hà Nội, số lượng nhà thầu (có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại Hà Nội) đã đăng ký tư cách nhà thầu trên HTMĐTQG là 16.850 nhà thầu. Tuy nhiên, với tổng số gói thầu được thực hiện đấu thầu điện tử trong 6 tháng đầu năm 2017 tại Hà Nội là 124 gói thầu thì số lượng nhà thầu trung bình tham gia một gói thầu ngay tại Thủ đô lại chỉ vỏn vẹn 1,24 nhà thầu.
Dễ tiếp cận, tham gia đông
Theo khảo sát của Báo Đấu thầu, Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ, chi nhánh Công ty TNHH MTV Tổng công ty Phát điện 3 tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng một số gói thầu gần đây có tỷ lệ nhà thầu tham gia nộp hồ sơ dự thầu khá lớn. Đơn cử, Gói thầu “Cung cấp nút nhấn phục vụ sửa chữa thường xuyên, đột xuất đợt 1 năm 2017” đã thu hút tới 15 nhà thầu tham dự. Gói thầu “Cung cấp vật tư cho hệ thống clo phục vụ công tác sửa chữa thường xuyên, đột xuất năm 2017” có 14 nhà thầu tham gia nộp hồ sơ…
Tương tự, trong một số gói thầu đấu thầu điện tử được Công ty Điện lực Đắk Lắk tổ chức gần đây cũng có số lượng nhà thầu tham gia khá đông, như Gói thầu số 39 – Cung cấp Apstomat kiểu tép MCB đã có tới 10 nhà thầu tham gia nộp hồ sơ. Công ty Nhiệt điện Mông Dương có một số gói thầu áp dụng đấu thầu điện tử cũng có tới 8 nhà thầu tham gia nộp hồ sơ…
Theo ông Nguyễn Văn Huy, Phó Trưởng phòng Kế hoạch vật tư thuộc Công ty Điện lực Đắk Lắk, so với đấu thầu trực tiếp theo cách truyền thống, đấu thầu điện tử giúp cho số lượng nhà thầu tham dự ở mỗi gói thầu tăng thêm khoảng 35% - 50%, góp phần tăng sức cạnh tranh trong đấu thầu.
Một cán bộ phụ trách dự án và đấu thầu thuộc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng TP. Pleiku cho biết, so với năm 2016, trong 6 tháng đầu năm 2017 đã có thêm nhiều nhà thầu liên hệ với bên mời thầu để tìm hiểu cách tham gia đấu thầu các gói thầu đấu thầu qua mạng, khiến cho mức độ cạnh tranh trong đấu thầu tại các gói thầu của Ban tăng gấp bội. Cán bộ này cho rằng, có thể do việc tiếp cận hồ sơ yêu cầu, hồ sơ mời thầu hơn, linh động hơn nên nhiều nhà thầu biết đến và có thể tham gia. Thậm chí, có bên mời thầu cho biết, gói thầu đấu thầu điện tử còn nhận được nhiều sự quan tâm, tham gia của các nhà thầu bản địa, nhà thầu ở địa phương lân cận, thậm chí khác vùng miền.
Vì sao có sự “thờ ơ”?
Tuy nhiên, ông Vũ Tuấn Hùng, Tổ trưởng Tổ Đấu thầu thuộc Phòng Kế hoạch vật tư của Công ty Nhiệt điện Mông Dương cũng nêu lên thực trạng ở một số gói thầu chào hàng đơn giản, hồ sơ yêu cầu không đòi hỏi chứng minh năng lực nhiều thì một số nhà thầu đã đăng ký nhiều tư cách pháp nhân, cùng tham gia một gói thầu để gia tăng cơ hội trúng thầu.
Ở khía cạnh khác, cũng có không ít gói thầu không nhận được sự quan tâm của nhà thầu, hoặc nhận được sự quan tâm rất ít, chỉ 1 - 2 nhà thầu tham dự mặc dù đã được gia hạn thêm thời gian phát hành hồ sơ yêu cầu, hồ sơ mời thầu.
Theo ông Nguyễn Văn Huy, thực tiễn mời thầu đấu thầu điện tử tại Công ty Điện lực Đắk Lắk cho thấy, tại một số gói thầu, danh mục hàng hóa theo hồ sơ yêu cầu chỉ có 1 - 2 nhà thầu đáp ứng được, nên khó thu hút được nhiều nhà thầu tham gia.
Một cán bộ khác của một bên mời thầu tại Gia Lai cho rằng, với đặc thù là địa phương vùng núi, công nghệ thông tin chưa phát triển, nên sự quan tâm của nhà thầu trên địa bàn tỉnh này tới đấu thầu điện tử chưa nhiều. Mặt khác, nhiều nhà thầu vẫn chưa nắm bắt được yêu cầu phải có chứng thư số mới tham gia đấu thầu điện tử, do đó số lượng nhà thầu tham gia đấu thầu qua mạng vẫn còn hạn chế, trong không ít trường hợp chỉ có 1 - 2 nhà thầu tham gia một gói thầu.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Trưởng ban Ban Đấu thầu của Công ty CP Tập đoàn Hanaka bày tỏ quan điểm từ phía nhà thầu rằng, trong quá trình tham gia dự thầu một số gói thầu lựa chọn nhà thầu qua mạng, có một số gói thầu mua sắm hàng hóa giá trị nhỏ nhưng hồ sơ mời thầu lại đưa ra yêu cầu cao, có tính chất phức tạp khiến một số nhà thầu ngại tham dự. Ngoài ra, với lượng thông tin đấu thầu khá lớn trên HTMĐTQG, một số nhà thầu biết thông tin muộn, không kịp chuẩn bị hồ sơ để tham dự.
Theo một chuyên gia đấu thầu, với trường hợp của TP. Hà Nội, các nhà thầu có am hiểu về công nghệ thông tin, việc tham gia dự thầu các gói thầu lựa chọn nhà thầu qua mạng không phải là một rào cản khó khăn. Tuy nhiên, có thể do tư duy và tập quán đấu thầu chưa chịu thay đổi nên chưa “mặn mà” với việc tham gia đấu thầu điện tử. “Có thể nhiều nhà thầu tại Hà Nội đăng ký tư cách trên HTMĐTQG chỉ nhằm đủ điều kiện tham gia đấu thầu trực tiếp” – vị chuyên gia này nhận định.