Ảnh minh họa: Internet |
Báo cáo của Liên hợp quốc chỉ ra, nợ công trong nước và nợ nước ngoài trên toàn thế giới đã tăng hơn 5 lần trong 2 thập kỷ qua, vượt tốc độ tăng trưởng kinh tế khi GDP chỉ tăng 3 lần tính từ 2002.
Báo cáo được công bố trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và các thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) trong các ngày 14 - 18/7.
Các khoản nợ của các nước đang phát triển chiếm 30% nợ công toàn cầu. Trong đó, 70% là các khoản nợ của Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil. 59 quốc gia đang phát triển có thể chứng kiến tỷ lệ nợ công/GDP trên 60% - ngưỡng cho thấy mức nợ công cao.
"Nợ công đã trở thành gánh nặng đáng kể cho các nước đang phát triển do khả năng tiếp cận tài chính hạn chế, lãi suất tăng, đồng nội tệ mất giá và tăng trưởng kinh tế chậm chạp", báo cáo của Liên hợp quốc viết.
Bên cạnh đó, cấu trúc tài chính quốc tế khiến việc tiếp cận tài chính của các nước đang phát triển vừa không phù hợp vừa đắt đỏ. Báo cáo của Liên hợp quốc dẫn chứng các khoản thanh toán lãi suất nợ công ròng đã vượt 10% doanh thu của 50 nền kinh tế mới nổi toàn cầu.
Tại châu Phi, khoản thanh toán lãi suất cao hơn chi phí cho giáo dục hoặc y tế. Báo cáo cho rằng, các nước đang đứng trước lựa chọn khó khăn giữa trả nợ công hoặc phục vụ người dân.
Theo Liên hợp quốc, các chủ nợ quốc tế nên nới rộng điều kiện tài chính, với các biện pháp như tăng tiếp cận tài chính cho các quốc gia đang gặp khó khăn về nợ nần.