Tổng thống đắc cử Mỹ cùng Bộ trưởng Nhà ở và Đô thị tương lai Ben Carson. Ảnh:Reuters |
Việc bổ nhiệm nhiều tỷ phú cùng các chiến lược gia có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa vào nội các mới của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang làm dấy lên nhiều tranh cãi trong dư luận Mỹ về những nguy cơ xung đột lợi ích và xu hướng dân túy gia tăng.
Tuy nhiên, nội các như một câu lạc bộ tỷ phú của ông Trump cũng được đánh giá là chiến lược thể hiện tầm nhìn và sự linh hoạt trong năng lực điều hành của Tổng thống đắc cử Mỹ, theo Atlantico.
Theo giáo sư Jean-Eric Branaa thuộc đại học Sorbone, những lựa chọn của ông Trump cho nội các mới hoàn toàn phù hợp với lập trường bảo thủ chính thống của đảng Cộng hòa, thể hiện mong muốn hàn gắn rạn nứt, đoàn kết nội bộ đảng của ông.
Điều này cũng tạo được sự thống nhất cao trong việc triển khai các chương trình nghị sự tại lưỡng viện Quốc hội Mỹ, nơi đảng Cộng hòa đang chiếm đa số.
Cho đến hội nghị toàn thể vào cuối tháng 7, nhiều thành viên của đảng Cộng hòa vẫn nhận định rằng ông Trump không phải là người có quan điểm bảo thủ chính thống mang màu sắc riêng của đảng này. Họ cho rằng những tuyên bố cứng rắn của ông trong chiến dịch tranh cử chỉ là "chiêu trò nhằm thu hút cử tri", và làm tổn hại đến những giá trị cơ bản của đảng.
Nhưng với thành phần nội các mới, ông Trump đã khiến những người chống đối ông thay đổi quan điểm. "Tổng thống đắc cử Mỹ đã 'tặng' cho đảng Cộng hòa một chính phủ mang màu sắc bảo thủ vượt xa những gì mà họ từng hy vọng", giáo sư Branaa nhận định.
Theo các chuyên gia phân tích, việc ông Trump bổ nhiệm sớm một số cố vấn cấp cao đã giúp ông củng cố tiến trình xây dựng bộ máy theo đúng kế hoạch, đảm bảo nội các mới mới kết hợp được các nhân tố trung thành và chuyên gia trong việc triển khai các mục tiêu chính sách trong thời gian tới.
Nội các nhiều quyền lực
Giáo sư Branaa cho rằng nội các của Tổng thống đắc cử Mỹ dường như được xây dựng với mục tiêu sẽ đảm trách nhiều quyền lực và có phạm vi ảnh hưởng rộng hơn so với những nội các tiền nhiệm.
Hầu hết bộ trưởng, cố vấn được ông Trump bổ nhiệm đều thành đạt trong cuộc sống, từng giữ những vai trò lãnh đạo nhất định, hay nói cách khác là từng nắm giữ quyền lực trong tay. Họ có thể là chỉ huy một đơn vị quân đội lớn, giám đốc điều hành các tập đoàn, công ty quy mô hay người đứng đầu một bệnh viện.
Thực tế này cho thấy quyền lãnh đạo nước Mỹ trong thời gian tới sẽ không tập trung nhiều tại Phòng Bầu dục mà sẽ phân đều đến các bộ và cơ quan chính phủ của nước này. Đây là sự thay đổi lớn so với chính sách của các chính quyền tiền nhiệm của ông Bill Clinton, George Bush và Barack Obama.
Dù một số bộ trưởng mới được bổ nhiệm bị dư luận chỉ trích, nghi ngờ, dưới con mắt của Trump, họ đều là những người tài năng, hoàn toàn phù hợp với việc đứng đầu các lĩnh vực mà họ phụ trách. Đứng đầu các cơ quan an ninh là những tướng lĩnh, lãnh đạo các bộ trong lĩnh vực tài chính thương mại là những doanh nhân và ông chủ nhà băng, hay một nữ tỷ phú cùng một người Mỹ gốc Phi dường như rất thích hợp với kế hoạch cải tổ giáo dục và quy hoạch đô thị.
Việc ông Trump sốt sắng hoàn thiện nội các mà không hề quan tâm đến tình hình nhân sự của Văn phòng Điều hành phủ Tổng thống Mỹ (EOP) là bằng chứng rõ nét nhân cho viễn cảnh ông sẽ trao nhiều quyền lực hơn cho các bộ, ngành trong thời gian tới.
Ngoài ra, nội các mới cũng được coi là lời đáp trả của ông Trump đối với những chỉ trích của dư luận về việc ông thiếu kinh nghiệm chính trị và điều hành đất nước.
Trong suốt chiến dịch, ông Trump không hề né tránh thực tế này và luôn khẳng định xung quanh ông là đội ngũ trợ lý có thể lãnh đạo đất nước bằng tài năng của mình.
"Trọng tâm trong chiến lược của ông Trump xây dựng chính quyền mới gồm những người trung thành và có khả năng thực hiện hiệu quả các mục tiêu chính sách của ông. Tiêu chí ông hướng tới không phải kinh nghiệm mà là tài năng thực tế", giáo sư Branaa nhấn mạnh.