Một nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ, ngày 24/10 - Ảnh: Reuters. |
Một phiên sụt giảm nữa lại diễn ra trên thị trường chứng khoán Mỹ vào ngày thứ Tư, khiến chỉ số Nasdaq rơi vào trạng thái thị trường điều chỉnh, trong khi hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 mất hết thành quả tăng từ đầu năm.
Theo tin từ Reuters, phiên giảm này diễn ra khi dự báo kết quả kinh doanh gây thất vọng của các hãng sản xuất con chip và thống kê doanh số bán nhà không đạt kỳ vọng, làm dấy lên những mối lo ngại về tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận.
Nasdaq đóng cửa với mức điểm giảm 12,4% so với mức chốt kỷ lục vào hôm 29/8. Cú giảm 4,4% của Nasdaq phiên này đánh dấu ngày giảm mạnh nhất của chỉ số kể từ ngày 11/8/2011.
Cổ phiếu bị bán tháo sau khi hai hãng sản xuất con chip là Texas Instruments và STMicroelectronics cảnh báo về sự chững lại của nhu cầu. Trước đó, vào hôm thứ Ba, giới đầu tư đã bất an vì dự báo gây thất vọng mà hai hãng chế tạo thiết bị công nghiệp Caterpillar và 3M đưa ra.
Những dự báo u ám này khiến nhà đầu tư có thêm lý do để dừng việc mua và bán ra cổ phiếu mạnh hơn - theo đánh giá của ông Peter Tuz, Giám đốc Chase Investment Counsel. "Khi một quả cầu tuyết lớn như thế này bắt đầu lăn, thì nó sẽ không dừng cho tới khi lăn tới chân đồi. Và chúng tôi không biết là mình đã ở đáy hay chưa".
Tháng này, thị trường chứng khoán Mỹ đối mặt với hàng loạt mối lo, từ chi phí vay vốn tăng, lợi suất trái phiếu đi lên, vấn đề ngân sách của Italy, và cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ sắp diễn ra vào đầu tháng 11.
Dữ liệu công bố ngày thứ Tư cho thấy doanh số bán nhà mới dành cho hộ gia đình đơn ở Mỹ trong tháng 9 giảm xuống mức thấp nhất 2 năm. Đây được xem là dấu hiệu mới nhất phản ánh rằng lãi suất cho vay thế chấp nhà tăng và giá cả cao hơn đang gây ảnh hưởng đến nhu cầu nhà.
Tâm trạng của thị trường càng bi quan hơn khi vào cuối phiên giao dịch, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đưa ra một báo cáo kinh tế nói rằng các nhà máy ở Mỹ đã nâng giá sản phẩm vì tác động của thuế quan.
Chỉ số VIX, thước đo về mức độ biến động của S&P 500, hay nói cách khác là nỗi sợ hãi của thị trường, nhảy 4,52 điểm, đóng cửa ở mức 25,23 điểm, mức cao nhất kể từ ngày 12/2. Đây đã là phiên giảm thứ 6 liên tiếp của S&P.
"Có vẻ như thị trường ngày càng hoảng sợ, và sự bán tháo cứ thế được đẩy mạnh", ông Chris Zaccarelli, Giám đốc đầu tư của Independent Advisor Alliance, nhận xét.
Lúc đóng cửa, Dow Jones mất 608,01 điểm, tương đương giảm 2,41%, còn 24.583,42 điểm. S&P sụt 3,09%, còn 2.656,1 điểm. Nasdaq sụt 4,43%, còn 7.108,4 điểm.
Cổ phiếu công ty sản xuất con chip Texas Instruments "bốc hơi" 8,2%, đẩy chỉ số Philadelphia Semiconductor Index của cổ phiếu các nhà sản xuất chip sụt 6,6%, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2014.
Cổ phiếu Intel, công ty dự kiến công bố kết quả kinh doanh trong tuần này, sụt 4,7%. Nhóm cổ phiếu công nghệ thuộc S&P "bốc hơi" 4,4%.
Trong vòng 10 ngày qua, giới phân tích đã nâng dự báo mức tăng trưởng lợi nhuận quý 3/2018 của các công ty thuộc S&P lên mức 22,4% từ mức 21,6% trước đó. Tuy nhiên, mức tăng trưởng lợi nhuận của quý 4 được dự báo giảm còn 19,5% từ 20% - theo dữ liệu từ Refinitiv.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá phiên này nhiều gấp 3,38 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 5,42 lần.
Trong toàn phiên, các nhà giao dịch ở Phố Wall đã chuyển nhượng tổng cộng 9,6 tỷ cổ phiếu, so với mức bình quân 8 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.