S&P 500 “đuối sức” sau khi lập kỷ lục mới

Dù giảm trong phiên ngày thứ Sáu, thị trường chứng khoán Mỹ đã có 3 tuần tăng liên tiếp...
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, khi căng thẳng giữa Mỹ với Iran khiến thị trường thận trọng. Tuy nhiên, việc Mỹ và Trung Quốc sắp nối lại đàm phán thương mại tiếp tục là nhân tố giúp nhà đầu tư lạc quan.

Theo hãng tin Reuters, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence hoãn một bài phát biểu về chính sách của Trung Quốc. Bài phát biểu này được dự báo sẽ là sự tiếp nối của bài phát biểu mang tính chất chỉ trích mạnh Trung Quốc mà ông Pence đưa ra hồi tháng 10 năm ngoái. Việc hoãn bài phát biểu là một động thái tránh leo thang căng thẳng với Bắc Kinh trong bối cảnh hai bên chuẩn bị nối lại đàm phán - một quan chức Nhà Trắng cho hay.

Nhờ đó, chỉ số S&P 500 có lúc đạt mức cao kỷ lục trong phiên ở 2.964,15 điểm. Nhưng về cuối phiên, chỉ số đã chuyển sang trạng thái giảm do thị trường cảm thấy bất an về vấn đề Mỹ-Iran.

Tuần tới, tâm điểm chú ý của thị trường sẽ là cuộc gặp giữ Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản vào ngày 28-29/6. Cuộc gặp này được kỳ vọng sẽ tạo ra một bước ngoặt cho đàm phán thương mại đang trong tình trạng bế tắc giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

"Mọi người sẽ chờ xem điều gì sẽ xảy ra ở G20 giữa ông Trump và ông Tập", nhà quản lý danh mục Kurt Brunner thuộc Swarthmore Group nhận định. Bất kỳ dấu hiệu tiến bộ đàm phán thương mại nào sau cuộc gặp này sẽ là một nhân tố tích cực cho Phố Wall, theo ông Brunner.

Ngày thứ Sáu, ông Trump cho biết ông đã hủy vào phút chót một kế hoạch không kích Iran nhằm đáp trả việc Tehran bắn rơi một thiết bị bay không người lái của Mỹ. Tuy nhiên, khả năng Mỹ trả đũa Iran đã đẩy giá dầu tăng thêm, đưa nhóm cổ phiếu năng lượng tăng 0,82%.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,13%, còn 26.719,13 điểm. S&P 500 giảm 0,13%, còn 2.950,46 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,24%, còn 8.031,71.

Gây sức ép giảm lên Nasdaq phiên này là cú giảm 2,2% của PayPal, sau khi công ty thanh toán trực tuyến này cho biết Giám đốc hoạt động (COO) Bill Ready sẽ từ chức.

Tuần này là tuần tăng điểm thứ ba liên tiếp của chứng khoán Mỹ, sau khi Phố Wall chốt tháng 5 với mức giảm điểm tệ nhất từ đầu năm do mối lo chiến tranh thương mại kéo dài sẽ gây tổn hại tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ngoài tín hiệu khả quan về thương mại, một nhân tố quan trọng khác "huých" chứng khoán Mỹ đi lên tuần này là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát tín hiệu sẵn sàng hạ lãi suất.

Tính chung cả tuần, S&P 500 tăng 2,2%; Dow Jones tăng 2,41%; và Nasdaq tăng 3,02%.

Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 1,63 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng cũng là 1,63 lần.

Có tổng cộng 8,6 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công ở Phố Wall phiên này, so với mức bình quân 7 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.

Tin cùng chuyên mục