Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters. |
Chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ chốt với mức tăng nhẹ trong phiên giao dịch giằng co vào ngày thứ Năm (19/8), khi cổ phiếu công nghệ tăng giúp bù lại sự đi xuống của những nhóm cổ phiếu chu kỳ. Những nhân tố chiếm tâm trí nhà đầu tư phiên này vẫn là tình tình kinh tế Mỹ và kỳ vọng về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô lao dốc và ghi nhận chuỗi 6 phiên giảm không nghỉ. Trong khi đó, trên thị trường tiền số, đồng Bitcoin đang tăng giá đáng kể sau vài ngày lình xình.
KHẢ NĂNG FED THẮT CHẶT, SỐ LIỆU VIỆC LÀM KHIẾN THỊ TRƯỜNG GIẰNG CO
Chứng khoán Mỹ đã mở cửa phiên giao dịch trong trạng thái giảm mạnh, nối tiếp cú giảm của phiên ngày thứ Tư, do nhà đầu tư lo lắng vì biên bản cuộc họp tháng 7 của Fed công bố hôm 18/8 cho thấy phần lớn các quan chức Fed chủ trương tiến hành cắt giảm chương trình mua tài sản ngay trong năm nay.
Sau đó, tâm trạng của nhà đầu tư được nâng đỡ phần nào khi thống kê công bố ngày thứ Năm cho thấy số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước giảm xuống mức thấp nhất 17 tháng. Đây được xem là một dấu hiệu cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ tiếp diễn trên thị trường việc làm, chỉ báo về một tháng tăng trưởng khả quan nữa.
Số liệu này mang lại sự lạc quan về đà tăng trưởng kinh tế Mỹ vào thời điểm làn sóng biến chủng Delta dâng cao. Tuy nhiên, sự phục hồi tốt của thị trường lao động cũng củng cố khả năng Fed sớm thắt chặt chính sách tiền tệ.
Bởi vậy, các chỉ số giằng co giữa giảm và tăng trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch.
Cũng nhờ cổ phiếu công nghệ được mua nhiều, chỉ số Nasdaq tăng phiên này. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones giảm điểm vì các nhóm cổ phiếu năng lượng và vật tư bị bán mạnh.
“Nhà đầu tư đang giằng co giữa những ý nghĩ về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu và việc Fed sẽ cắt giảm chương trình mua tài sản với tốc độ như thế nào”, nhà quản lý danh mục Paul Nolte thuộc Kingsview Investment Management nhận định.
Lúc đóng cửa, Dow Jones giảm 0,19%, còn 34.894,12 điểm. S&P 500 tăng 0,13%, đạt 4.405,8 điểm. Nasdaq tăng 0,11%, đạt 14.541,79 điểm.
“Tiền vẫn đang chờ bên ngoài thị trường để nhảy vào bắt đáy. Đó sẽ là câu chuyện trong 6-12 tháng tới”, Giám đốc đầu tư Jeff Mortimer của BNY Mellon Wealth Management nhận định.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, tăng mạnh nhất phiên này là nhóm công nghệ, với mức tăng 1%. Cổ phiếu Nvidia tăng 4% sau khi công ty sản xuất con chip đưa ra dự báo doanh thu quý 3 vượt kỳ vọng của Phố Wall.
Tài chính và công nghiệp là hai trong số những nhóm giảm, với mức giảm 0,8% mỗi nhóm.
Đà phục hồi của kinh tế Mỹ, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 khả quan, chính sách tiền tệ và tài khoá tiếp tục nới lỏng của Mỹ là những nhân tố đưa chứng khoán Mỹ lập một loạt kỷ lục mới gần đây. Hiện tại, S&P 500 đã tăng khoảng 100% so với mức đáy của đại dịch Covid-19 thiết lập vào tháng 3/2020.
Nhiều nhà phân tích lạc quan rằng đà tăng sẽ duy trì ít nhất tới hết năm nay, nhưng cũng có những ý kiến lo ngại rằng thị trường sắp bước vào một thời kỳ điều chỉnh. Tâm điểm chú ý của thị trường trong tuần tới sẽ là hội nghị nghiên cứu thường niên của Fed ở Jackson Hole Wyoming. Tại hội nghị này, Chủ tịch Fed Jerome Powell và các quan chức khác sẽ đưa ra đánh giá về triển vọng kinh tế Mỹ cũng như những tín hiệu chính sách tiền tệ.
“Biến số kinh tế quan trọng nhất vẫn sẽ là lạm phát”, ông Mortimer nói. “Lạm phát là tạm thời hay dai dẳng? Fed sẽ chấp nhận mức lạm phát như thế nào để đạt sứ mệnh tạo đủ công ăn việc làm?”
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu tăng giá phiên này nhiều gấp 2,59 lần số mã giảm. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 2,43 lần. Toàn thị trường có 10,3 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công, so với mức bình quân 9,3 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.
GIÁ DẦU GIẢM XUỐNG ĐÁY, BITCOIN ĐI LÊN
Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London giảm 2,61% trong phiên ngày thứ Năm, chốt ở 66,45 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 2,7%, còn 63,69 USD//thùng.
Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của dầu WTI trong gần 3 tháng. Tính đến phiên này, cả hai loại dầu đã giảm liền 6 phiên, đánh dấu chuỗi phiên giảm dài nhất kể từ tháng 2/2020.
Giá dầu đang chịu áp lực giảm từ nỗi lo Fed sớm thắt chặt chính sách tiền tệ và biến chủng Delta có thể dẫn tới nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu chững lại. Ngoài ra, đồng USD tăng giá cũng khiến sức ép đối với giá dầu thêm lớn.
“Mối lo về nhu cầu do sự lây lan nhanh của biến chủng Delta trên toàn cầu sẽ tiếp tục cản trở khả năng phục hồi của giá dầu”, một báo cáo của ngân hàng Commerzbank nhận định.
Trên thị trường tiền ảo, giá Bitcoin đang tiến sát mốc 47.000 USD, cách không xa mức đỉnh của 3 tháng là gần 48.000 USD thiết lập cuối tuần trước. Lúc hơn 7h sáng thứ Sáu (20/8) theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu từ Coinmarketcap.com là 46.846 USD, tăng gần 5% so với cách đó 24 tiếng.