Tắc nghẽn kênh Suez không cứu được giá dầu giảm 3 tuần liên tiếp

0:00 / 0:00
0:00
Giá dầu thế giới tăng mạnh trở lại trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (26/3), nhưng chốt tuần giảm thứ ba liên tiếp...
Mỏ dầu South Belridge ở bang California, Mỹ - Ảnh: Getty/CNBC.
Mỏ dầu South Belridge ở bang California, Mỹ - Ảnh: Getty/CNBC.

Giá dầu thế giới tăng mạnh trở lại trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (26/3), khi giới đầu tư cho rằng vụ tắc nghẽn ở kênh đào Suez có thể kéo dài nhiều tuần, gây gián đoạn nguồn cung dầu.

Tuy nhiên, tuần này vẫn là tuần giảm thứ ba liên tiếp của giá dầu, do những mối lo về làn sóng đại dịch Covid-19 thứ ba ở châu Âu sẽ cản trở sự phục hồi kinh tế và nhu cầu tiêu thụ dầu.

Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 4,2%, đạt 64,57 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York tăng 4,1%, đạt 60,97 USD/thùng.

Tuần này chứng kiến biến động mạnh của giá dầu: hôm thứ Năm, giá dầu sụt 4%; hôm thứ Tư, giá dầu tăng 6%; hôm thứ Ba, giá dầu tăng 6%.

Tính cả tuần, giá cả hai loại dầu cùng giảm hơn 3%, sau khi giảm khoảng 7% trong tuần trước.

Con tàu container siêu trường siêu trọng mang tên Ever Given bị xoay ngang do gặp sóng lớn và bão cát khi đi qua kênh đào Suez đã khiến tuyến giao thông biển huyết mạch của thế giới bị tắc nghẽn từ hôm thứ Ba theo giờ địa phương. Suez là kênh vận chuyển dầu thô, các sản phẩm lọc hóa, ngũ cốc và nhiều hàng hóa hác giữa châu Á và châu Âu.

Giới chức Ai Cập ngày 25/3 đã đóng cửa hoàn toàn kênh Suez, không cho tàu bè đi vào con kênh thêm nữa. Một công ty giải cứu tàu biển cho biết có thể phải mất vài tuần để đưa con tàu khổng lồ thoát khỏi tình trạng mắc kẹt.

"Dự báo cho rằng tình trạng tắc nghẽn ở kênh đào Suez có thể kéo dài vài tuần đã làm dấy lên nỗi lo về sự thắt chặt nguồn cung trên thị trường dầu", nhà phân tích Yasushi Osada thuộc Nissan Securities phát biểu.

"Tuy nhiên, vẫn còn đó mối lo về làn sóng bệnh dịch mới ở châu Âu và một số nơi khác cản trở sự hồi phục nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu. Điều này có thể sẽ hạn chế khả năng tăng giá của dầu", ông Osada nói thêm.

Các nước ở châu Âu đang áp lệnh phong tỏa trở lại để kiểm soát sự lây lan của Covid-19, nên nhu cầu tiêu thụ năng lượng của khu vực có thể suy giảm. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, gần đây chứng kiến số ca nhiễm mới Covid-19 tăng mạnh nhất kể từ tháng 1.

Tại khu vực phía Tây của Ấn Độ, nhà chức trách đã yêu cầu người dân hạn chế ra ngoài trong bối cảnh số ca nhiễm mới lên mức cao nhất trong 5 tháng.

Tin cùng chuyên mục