Giai đoạn từ 2016 đến thời điểm 31/7/2020, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 620,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Ảnh: Lê Tiên |
Tại báo cáo vừa gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội phục vụ Phiên họp thứ 49 tháng 10/2020, Chính phủ cho biết, sau 5 năm (2016 - 2020) thực hiện cơ cấu lại các TCTD theo Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội, về cơ bản các mục tiêu đã được hoàn thành.
Theo đó, năng lực quản trị, điều hành của các TCTD từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế và tính minh bạch trong hoạt động tín dụng từng bước được cải thiện.
Đồng thời, đã xử lý và xóa bỏ tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo; đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành của các ngân hàng thương mại (NHTM); tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn thao túng, chi phối ngân hàng về cơ bản được kiểm soát.
Việc cơ cấu lại các TCTD gắn liền với xử lý nợ xấu nhằm lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị của các TCTD theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ, thực chất và hiệu quả hơn.
Giai đoạn từ 2016 đến thời điểm 31/7/2020, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 620,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Tính đến 31/7/2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD ở mức 1,92%, cao hơn so với mức 1,63% vào cuối năm 2019 nhưng vẫn được duy trì, kiểm soát dưới 3%.
Tuy nhiên, trong điều kiện các hoạt động kinh tế suy giảm do chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, nợ xấu ngân hàng sẽ tăng trong thời gian tới do khả năng trả nợ của khách hàng suy giảm. Vì vậy, nhiệm vụ duy trì nợ xấu dưới 3% là rất thách thức và cần được tiếp tục triển khai thực hiện giai đoạn sau năm 2020.
Đối với nội dung cơ cấu lại hệ thống các TCTD, Chính phủ nêu rõ việc nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, tăng sự minh bạch và tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt trong quản trị và hoạt động của các TCTD. Chính phủ cũng đặt con số định hướng là có ít nhất từ 2 - 3 NHTM nằm trong tốp 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á và 3 - 5 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài.
Đồng thời, tất cả các NHTM áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn. Triển khai thí điểm áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao tại NHTM Nhà nước nắm cổ phần chi phối và NHTM cổ phần có chất lượng quản trị tốt đã hoàn thành áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn.
Bình luận về định hướng của Chính phủ trong việc tái cơ cấu hệ thống TCTD trong 5 năm tới, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính thuộc Bộ Tài chính cho rằng, những mục tiêu về tăng quy mô vốn, tham gia thị trường chứng khoán quốc tế, tăng năng lực quản trị là cần thiết trong giai đoạn tới.
Tuy nhiên, ông Độ cho rằng, dù niêm yết trên thị trường chứng khoán thế giới là rất phù hợp trong nỗ lực nâng cao tính minh bạch với hoạt động của các ngân hàng song điều này không dễ đạt được. Bởi lẽ, những ngân hàng có triển vọng niêm yết ra thị trường quốc tế lại là các ngân hàng có tỷ lệ sở hữu cổ phần nhà nước lớn nên việc chào bán cổ phiếu ra thị trường nước ngoài chưa hẳn đã thuận lợi. Do đó, để thực hiện được mục tiêu này có thể phải chấp nhận giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông nhà nước tại các NHTM nhà nước hiện nay.
Mặt khác, theo ông Độ, dù tỷ lệ nợ xấu vẫn trong tầm kiểm soát thì vẫn nên đưa nội dung kiểm soát nợ xấu vào trong kế hoạch tái cơ cấu hệ thống TCTD trong giai đoạn tới.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, hiện nợ xấu đang ở thời điểm khó đoán định do dịch Covid-19, nên cần chờ qua giai đoạn khó khăn này để nhận diện rõ hơn, sau đó có thể đưa ra kế hoạch và chỉ tiêu cụ thể cho những năm tiếp theo.
Về việc niêm yết cổ phiếu ngân hàng trên thị trường quốc tế, theo ông Hiếu, điều đáng chú ý nhất hiện nay là cần cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia, từ đó cải thiện hệ số tín nhiệm các ngân hàng để tăng khả năng chào bán thành công, nếu không, mục tiêu đó khó có thể đạt được.