Việc áp dụng cơ chế thanh, quyết toán đối với hợp đồng trọn gói còn nhiều bất cập so với quy định. Ảnh: Tiến Tân |
Luật Đấu thầu quy định HĐ trọn gói là HĐ có giá cố định trong suốt thời gian thực hiện đối với toàn bộ nội dung công việc trong HĐ. Việc thanh toán đối với HĐ trọn gói được chia làm nhiều lần trong quá trình thực hiện hoặc thanh toán một lần khi hoàn thành HĐ. Tổng số tiền mà nhà thầu được thanh toán cho đến khi hoàn thành các nghĩa vụ theo HĐ bằng đúng giá ghi trong HĐ.
Luật Đấu thầu cũng quy định, trước khi ký HĐ trọn gói đối với gói thầu xây lắp, trong quá trình thương thảo, hoàn thiện HĐ, các bên liên quan cần rà soát lại khối lượng công việc theo thiết kế. Trường hợp phát hiện khối lượng công việc chưa chính xác so với thiết kế thì chủ đầu tư xem xét, quyết định việc điều chỉnh khối lượng công việc để bảo đảm phù hợp với thiết kế. Khi áp dụng HĐ trọn gói, chủ đầu tư chịu trách nhiệm về tính chính xác của số lượng, khối lượng công việc. Trường hợp sử dụng nhà thầu tư vấn để lập hồ sơ thiết kế, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu thì trong hợp đồng giữa chủ đầu tư với nhà thầu tư vấn phải có quy định về trách nhiệm của các bên trong việc xử lý, đền bù đối với việc tính toán sai số lượng, khối lượng công việc.
Theo nhiều nhà thầu, quy định của Luật Đấu thầu đã thể hiện rõ bản chất của HĐ trọn gói là khoán gọn, lời ăn, lỗ chịu và yêu cầu trách nhiệm rất cao của các bên khi ký HĐ.
Tuy nhiên, theo ông Trần Phước Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam - Chi nhánh miền Trung, việc áp dụng cơ chế quyết toán đối với HĐ trọn gói còn nhiều bất cập so với quy định. Nhiều địa phương, chủ đầu tư khi quyết toán yêu cầu kiểm tra tiên lượng lại khối lượng trong khi công việc làm đúng theo HĐ, phần khối lượng tăng thì không được bổ sung, khối lượng giảm thì cắt đi. Mặc dù nhà thầu nhiều lần kiến nghị nhưng không thể bảo vệ được, tất cả rủi ro nhà thầu đều phải gánh chịu.
Ông Vũ Xuân Thắng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA) chỉ ra thực tế đối với HĐ trọn gói: Khi thực hiện vượt khối lượng HĐ, nhà thầu đương nhiên không được thanh toán theo thực tế, nhưng khi khối lượng thi công thấp hơn thì đơn vị kiểm toán lại yêu cầu thanh toán theo thực tế. “Như vậy còn gọi gì là trọn gói. Chúng tôi đã từng vấp phải vấn đề này và bị thiệt hại, gây ức chế cho cán bộ thực thi công việc”, ông Thắng chia sẻ.
Đại diện COMA đề nghị phải luật hóa hoặc quy định rõ ràng ở nghị định một số khái niệm, làm cơ sở cho việc thanh quyết toán và giải quyết tranh chấp HĐ thi công. HĐ trọn gói phải tuân thủ đúng theo nghĩa của trọn gói, vượt khối lượng nhà thầu phải chịu và hụt khối lượng thì nhà thầu vẫn phải được hưởng trọn gói.
Bên cạnh đó, theo nhiều nhà thầu, dù quy định về quản lý HĐ, về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công nêu rõ, đối với HĐ trọn gói, thanh toán theo tỷ lệ phần trăm giá HĐ hoặc giá công trình, hạng mục công trình, khối lượng công việc tương ứng với các giai đoạn thanh toán mà các bên đã thỏa thuận trong HĐ, không yêu cầu có xác nhận khối lượng hoàn thành chi tiết. Tuy nhiên, thực tế, theo ông Lê Đức Thọ, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Cienco4, trong quá trình thực hiện, nhiều chủ đầu tư vẫn yêu cầu nghiệm thu chi tiết, xác nhận khối lượng hoàn thành.
Đại diện Công ty CP FECON chỉ ra, tại một số dự án, cơ quan quản lý khi thực hiện kiểm toán, quyết toán vẫn yêu cầu chiết tính lại đơn giá, bóc tách khối lượng dẫn đến làm mất bản chất của HĐ trọn gói.
FECON kiến nghị cần đơn giản hóa thủ tục nghiệm thu, đặc biệt là hồ sơ chất lượng trong thanh toán giai đoạn đối với HĐ trọn gói. Đối với mốc thanh toán theo giai đoạn nên quy định chỉ cần nghiệm thu hoàn thành theo hiện trạng hoàn thành mốc thi công, không yêu cầu về hồ sơ chất lượng. Hồ sơ chất lượng được yêu cầu bắt buộc tại mốc nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng. Đồng thời, có văn bản hướng dẫn cụ thể về hồ sơ chất lượng phục vụ nghiệm thu đối với từng loại HĐ, quy định cụ thể về việc không áp dụng rà soát định mức đơn giá trong việc thanh, quyết toán HĐ trọn gói, HĐ theo đơn giá cố định.
Đại diện Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) tại miền Trung đề nghị, trong thời gian tới cần có quy định rõ ràng để thống nhất cách thanh, quyết toán đối với loại HĐ trọn gói và HĐ theo đơn giá cố định trên phạm vi toàn quốc, tránh mỗi nơi làm mỗi kiểu, gây khó khăn cho nhà thầu.