Chi cho quản lý bộ máy bảo hiểm xã hội trong năm 2015 là 7.884 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên |
Đã tiết kiệm chi nhưng vẫn tăng
Chính phủ vừa có Báo cáo về tình hình quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2015, trong đó có nội dung chi quản lý bộ máy. Theo đó, dự toán năm 2015 cho nội dung này là 7.910 tỷ đồng, ước thực hiện 7.884 tỷ đồng, đạt 99,7% so dự toán được giao.
Dự toán chi cho hoạt động bộ máy thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho các cơ quan BHXH các cấp và các đơn vị của ngành lao động, thương binh và xã hội được giao là 2.782 tỷ đồng, ước thực hiện 2.756 tỷ đồng, giảm 26,6 tỷ đồng so với dự toán được giao do thực hiện tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên 8 tháng cuối năm.
Tuy nhiên, các khoản chi đặc thù phục vụ công tác thu, chi và quản lý đối tượng, chi ứng dụng công nghệ thông tin lại tăng 2.233 tỷ đồng so với năm 2014. Việc tăng này được lý giải là do để thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách về công tác tuyên truyền, phát triển đối tượng tham gia (250 tỷ đồng); cải cách thủ tục hành chính (183 tỷ đồng); ứng dụng công nghệ thông tin (1.060 tỷ đồng); hỗ trợ cho UBND cấp xã lập Danh sách tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình (97 tỷ đồng); tổ chức thu, chi trả các chế độ (298 tỷ đồng); phối hợp đôn đốc thu đối với các trường hợp trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các nhiệm vụ khác (345 tỷ đồng).
Tăng chi - tăng chất lượng hoạt động của cơ quan quản lý?
Báo cáo của Chính phủ thừa nhận, một trong những nguyên nhân khiến việc chi cho quản lý và hoạt động bộ máy bảo hiểm chưa hiệu quả là việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đang được đẩy mạnh song vẫn chưa liên thông cơ sở dữ liệu trên toàn quốc, gây khó khăn trong việc quản lý đối tượng tham gia và thụ hưởng chế độ BHXH. Hơn nữa, việc chuyển đổi tác phong làm việc từ hành chính sang phục vụ tuy đã có chuyển biến nhưng còn chưa đạt yêu cầu, chưa thực sự tạo thuận lợi đối với tổ chức, cá nhân khi tiếp cận với BHXH.
Và để khắc phục tình trạng này, Chính phủ có đề xuất nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp là tập trung nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ công chức, viên chức và người lao động của cơ quan BHXH để đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao.
Theo đó, trước mắt cần chú trọng công tác tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ ngành BHXH, cán bộ làm công tác BHXH tại các đơn vị sử dụng lao động. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý BHXH; cải cách thủ tục hành chính, rà soát, bãi bỏ kịp thời các thủ tục không cần thiết; công khai thủ tục, quy trình, cách thức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả đến tất cả các tổ chức, doanh nghiệp; hoàn thiện quy trình về giao dịch điện tử, cấp mã định danh cho tổ chức, cá nhân. Chỉ khi thực hiện đồng bộ các giải pháp này chúng ta mới hy vọng xây dựng một bộ máy quản lý BHXH hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, góp phần ổn định và phát triển Quỹ BHXH một cách bền vững.