Việt Nam có nguồn nhân lực trẻ, năng động, có thế mạnh trong các lĩnh vực về toán, khoa học công nghệ là nền tảng tốt để phát triển công nghiệp chip bán dẫn |
Chuẩn bị điều kiện đón dòng vốn mới
Theo ông Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng ban Phân tích và Dự báo kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Việt Nam có vị trí tốt trong chuỗi giá trị công nghệ bán dẫn. Đó là cung cấp nguyên liệu đầu vào với trữ lượng đất hiếm xếp thứ 2 thế giới; có lợi thế về cung cấp không gian, hạ tầng cho tổ chức thiết kế và sản xuất với nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế; đã hình thành các trung tâm chuyên nghiệp (Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Khu công nghệ cao TP.HCM, NIC). Khả năng kết nối thị trường tiêu thụ tốt khi độ mở cửa và hội nhập kinh tế của Việt Nam ngày một cao. Việt Nam cũng có phương thức vận chuyển hàng hóa đa dạng và nằm trong khu vực sử dụng chip bán dẫn khá lớn của thế giới (khu vực châu Á - Thái Bình Dương có nhu cầu sử dụng 50% giá trị chip trên thế giới).
Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhấn mạnh lợi thế của Việt Nam với nguồn nhân lực trẻ, năng động, có thế mạnh trong các lĩnh vực về toán, khoa học công nghệ, là nền tảng nguồn nhân lực có thể chuyển dịch sang lĩnh vực công nghiệp chip bán dẫn.
Theo ông Việt, các doanh nghiệp (DN) công nghệ hàng đầu, đặc biệt DN của Hoa Kỳ như Google, Apple, Amazon đã tìm đến Việt Nam để đa dạng hóa nguồn cung ứng. Việt Nam cần nhanh chóng bắt kịp được yêu cầu đổi mới công nghệ và nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, xu thế toàn cầu mới về sản xuất đòi hỏi không chỉ đơn thuần là những chứng chỉ ISO về môi trường, mà còn tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội, chuyển dịch năng lượng công bằng, tăng trưởng xanh. Điều này không thể có được chỉ nhờ chuyển đổi từ một ngành mà phải thay đổi từ mô hình tăng trưởng.
Ông Nguyễn Quốc Việt cũng lưu ý đến tâm thế và sự chuẩn bị của DN Việt Nam cho lĩnh vực mới, không chỉ hô hào, khẩu hiệu mà phải thay đổi từ bản thân DN. Nếu DN Việt vẫn chần chừ, chưa thể đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu mới thì sẽ bị chậm chân.
Theo GS. Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, để thiết kế 1 con chip phải mất 4 - 6 tháng, 500 công đoạn, đi qua 55 nghìn km, qua 70 quốc gia mới có được 1 con chip từ lúc khởi đầu ý tưởng đến sản phẩm cuối cùng. Vì thế, để thành công, Việt Nam phải tạo ra được 1 hệ sinh thái. Trong 4 khâu thiết kế, chế tạo, kiểm thử và đóng gói, Việt Nam có thể tham gia khâu đầu và khâu cuối. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất, theo GS. Nguyễn Đình Đức, là nguồn nhân lực. Cần 50 nghìn kỹ sư, nhưng hiện mới có 5 nghìn và mỗi năm chỉ thêm được 500.
GS. Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh, muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phải chú trọng đến chương trình giáo dục tại trường đại học, có sự liên kết giữa DN và các trường đại học Việt Nam với DN FDI. Bên cạnh đó, cần có đội ngũ giảng dạy rất giỏi - từ đội ngũ chuyên gia giỏi của DN, Việt kiều. Muốn có được đội ngũ chuyên gia giỏi là Việt kiều thì từ chính sách visa, sử dụng lao động phải thay đổi.
Bên cạnh đó, đầu tư cho ngành sản xuất chip rất tốn kém, đòi hỏi kế hoạch đầu tư cho lĩnh vực này phải tăng và thủ tục nhanh chóng hơn. Đồng thời, cần các chính sách mở rộng ứng dụng chip tại Việt Nam.
Ông John Rockhold, Chủ tịch Ban điều hành Nhóm công tác Điện và Năng lượng của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam khuyến nghị, trước hết cần bảo đảm nguồn cung điện ổn định, bảo đảm nguồn nhân lực. Lấy ví dụ bán cà phê hạt thì không tạo ra được giá trị gia tăng, nhưng nếu có cơ chế, thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia vào chuỗi cung ứng, chế biến sâu sẽ nâng cao giá trị hơn, ông John Rockhold cho rằng, với đất hiếm cũng vậy, cần đầu tư nhiều vào các nhà máy chế biến đất hiếm để thu được nhiều lợi ích hơn.
Tận dụng được cơ hội từ thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao nói chung, vào công nghiệp bán dẫn, điện tử nói riêng, sẽ là cú hích thúc đẩy Việt Nam bứt phá, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Ảnh: Lê Tiên |
Cơ hội để Việt Nam bứt phá
Tận dụng được cơ hội từ thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao nói chung, vào công nghiệp bán dẫn, điện tử nói riêng, sẽ là cú hích thúc đẩy Việt Nam bứt phá, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, đổi mới công nghệ, chuyển đổi năng lượng và những thay đổi trong chiến lược địa chính trị đã tạo ra cơ hội lịch sử để Việt Nam đẩy nhanh chuyển đổi kinh tế, thâm nhập các thị trường mới cho hàng hóa và dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn, tăng giá trị của hàng xuất khẩu. Khả năng tận dụng những cơ hội này của Việt Nam sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với khả năng duy trì tăng trưởng năng suất và mức thu nhập cao hơn.
Chia sẻ về động lực tăng trưởng năm 2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, tổng mức đầu tư là một động lực quan trọng cho tăng trưởng năm 2024 và sẽ đến từ cả 3 nguồn: đầu tư nhà nước, đầu tư FDI, đầu tư tư nhân. Cơ hội đầu tư trong năm 2024 là khá tốt, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, chip bán dẫn, ngành nghề khác phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, theo nhiều ý kiến, việc nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ và sự quan tâm ngày càng cao của các đại bàng công nghệ Hoa Kỳ tới Việt Nam vào lĩnh vực mới là cơ hội rất tốt để thu hút đầu tư nước ngoài.
Theo GS. Nguyễn Đình Đức, năm 1979, Trung Quốc ký hiệp định hợp tác về khoa học công nghệ với Hoa Kỳ và đã tận dụng cơ hội này để trở thành cường quốc hàng đầu về công nghệ chỉ sau mấy chục năm. Việt Nam ký Hiệp định hợp tác về khoa học công nghệ với Hoa kỳ năm 2000, qua 20 năm chưa có nhiều kết quả. Chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ và việc nâng cấp quan hệ, Hoa Kỳ tuyên bố hỗ trợ Việt Nam trong một số lĩnh vực mới, đặc biệt là ủng hộ sự phát triển của hệ sinh thái bán dẫn, là cơ hội lớn để Việt Nam có những bước phát triển mạnh mẽ hơn về khoa học công nghệ. “Việt Nam đã bỏ qua rất nhiều cơ hội, lần này đừng bỏ lỡ. Đảng, Nhà nước phải có chính sách phù hợp tận dụng thời cơ, đầu tư cho khoa học công nghệ, nhân lực, vì đây chính là đôi đũa thần giúp Việt Nam phát triển được trong tương lai”, GS. Nguyễn Đình Đức chia sẻ.
Dự thảo Nghị quyết 01 năm 2024 đưa ra nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nguồn nhân lực trong lĩnh vực chip, chất bán dẫn gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Trong đó, ưu tiên đầu tư phát triển một số ngành đào tạo quan trọng phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tập trung đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành nghiên cứu và sản xuất chip bán dẫn đến năm 2025 và năm 2030. Khẩn trương xây dựng và hoàn thiện Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, trong đó dự kiến đào tạo khoảng 30.000 - 50.000 nhân lực, chuyên gia cho ngành công nghiệp bán dẫn.