Thực hiện lộ trình đấu thầu qua mạng: Ấn tượng, nhiều điểm sáng

(BĐT) - Tính đến thời điểm này, việc thực hiện đấu thầu qua mạng theo lộ trình quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT/BKHĐT-BTC đã được hơn 1,5 năm. 
EVN và VNPT là 2 đơn vị có tỷ lệ gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng trong 6 tháng đầu năm 2017 rất cao, lần lượt là 37,75% và 24,81%
EVN và VNPT là 2 đơn vị có tỷ lệ gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng trong 6 tháng đầu năm 2017 rất cao, lần lượt là 37,75% và 24,81%

Nhìn vào số lượng gói thầu cùng với tổng giá gói thầu được thực hiện cho thấy, nếu lộ trình đấu thầu qua mạng được triển khai nghiêm túc, công tác đấu thầu mua sắm công sẽ công khai hơn, minh bạch hơn, cạnh tranh lành mạnh hơn và đem lại hiệu quả kinh tế vô cùng lớn.

Những con số biết nói

Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện lộ trình đấu thầu qua mạng được quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT/BKHĐT-BTC. Theo đó, số lượng gói thầu qua mạng thực tế được các chủ đầu tư/bên mời thầu thực hiện đạt 3.327 gói, trong đó có 2.130 gói thầu đã đăng kết quả lựa chọn nhà thầu với tổng giá gói thầu là 3.020 tỷ đồng và tổng giá trúng thầu là 2.720 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm 9%. Con số này so với năm 2015 cho thấy, số lượng gói thầu đấu thầu qua mạng năm 2016 tăng gấp 7 lần, tổng giá gói thầu tăng 8 lần.

Lĩnh vực hàng hóa có tỷ lệ áp dụng đấu thầu qua mạng cao nhất (2.448 gói), chiếm 74% tổng số gói thầu, tiếp theo là lĩnh vực xây lắp với 612 gói, chiếm 18%.

Thống kê trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cho thấy, số lượng các gói thầu (có giá gói thầu dưới 5 tỷ đồng) tổ chức đấu thầu qua mạng là 3.165 gói thầu, chiếm 95% tổng số gói thầu đấu thầu qua mạng năm 2016. Số lượng nhà thầu tham dự đấu thầu qua mạng tính trung bình là 2,6 nhà thầu/gói thầu.

Tỷ lệ các gói thầu chào hàng cạnh tranh áp dụng đấu thầu qua mạng chiếm 5,74%; tỷ lệ các gói thầu đấu thầu rộng rãi áp dụng đấu thầu qua mạng chiếm 4,42%, thấp hơn nhiều so với lộ trình quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT/BKHĐT-BTC (thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng tối thiểu 20% số lượng các gói thầu chào hàng cạnh tranh, 10% số lượng các gói thầu quy mô nhỏ đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế).

Đáng chú ý, tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng số gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng đạt 3.300 gói (gần bằng con số thực hiện trong cả năm 2016), trong đó có 2.309 gói thầu đã công bố kết quả lựa chọn nhà thầu với tổng giá gói thầu là 3.116 tỷ đồng và tổng giá trúng thầu là 2.867 tỷ đồng, tiết kiệm 249 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm 7,99%. Số lượng nhà thầu tham dự đấu thầu qua mạng tính trung bình là 2,8 nhà thầu/gói thầu. Số liệu trong 6 tháng đầu năm 2017 cho thấy, nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt con số thực hiện của cả năm 2016. Điều này cho thấy, việc đấu thầu qua mạng đang được các đơn vị thực hiện tích cực, hiệu quả hơn. 

Điểm sáng trong đấu thầu qua mạng

Nhiều đơn vị, địa phương có tỷ lệ thực hiện đấu thầu qua mạng trong 6 tháng đầu năm 2017 rất tích cực. Đơn cử, Đà Nẵng có tỷ lệ thực hiện đấu thầu qua mạng tăng từ 0,82% trong năm 2016 lên 19% trong 6 tháng đầu năm 2017, trong đó, Sở Tài chính tổ chức mua sắm tập trung qua mạng khá nhiều gói thầu.
Thống kê từ Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cho thấy, nhiều đơn vị, bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ thực hiện đấu thầu qua mạng trong 6 tháng đầu năm 2017 rất tích cực.

Cụ thể, Đà Nẵng có tỷ lệ thực hiện đấu thầu qua mạng tăng từ 0,82% trong năm 2016 lên 19% trong 6 tháng đầu năm 2017, trong đó, Sở Tài chính tổ chức mua sắm tập trung qua mạng khá nhiều gói thầu.

Tại Gia Lai, tỷ lệ đấu thầu qua mạng của địa phương này nếu chỉ đạt 4,77% trong năm 2016 thì đã vươn lên 12% trong 6 tháng đầu năm 2017. Đáng chú ý, trong số 56 gói thầu đấu thầu qua mạng, địa phương này thực hiện tới 53/56 gói là thuộc lĩnh vực xây lắp. 

Thái Bình cũng là địa phương có số gói thầu đấu thầu qua mạng thuộc lĩnh vực xây lắp chiếm tỷ lệ cao, với 21/24 gói thầu đấu thầu qua mạng trong 6 tháng đầu năm thuộc lĩnh vực xây lắp.

Mặc dù tới thời điểm này, thông tư quy định chi tiết về lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với gói thầu xây lắp vẫn chưa được ban hành, nhưng những địa phương trên vẫn rất tích cực, chủ động lựa chọn các gói thầu xây lắp để thực hiện đấu thầu qua mạng. Bà Nguyễn Hoài Tâm, một cán bộ của Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng TP. Pleiku cho rằng, việc chuẩn bị hồ sơ mời thầu đối với gói thầu xây lắp không quá phức tạp. Quan trọng là bên mời thầu lựa chọn được những gói thầu xây lắp giá trị nhỏ, đơn giản để lựa chọn nhà thầu qua mạng thì sẽ thực hiện được thành công như các gói thầu chào hàng cạnh tranh, mua sắm hàng hóa.

Ở khía cạnh khác, TP. Cần Thơ là địa phương có tỷ lệ nhà thầu tham dự mỗi gói thầu rất cao, đạt gần 4 nhà thầu/gói. Một cán bộ phụ trách công tác đấu thầu qua mạng tại Cần Thơ cho biết, trước đây thường chỉ có 2 - 3 nhà thầu tham dự nhưng từ khi đấu thầu qua mạng được phổ biến nhiều tại địa phương này thì có những gói thầu có số lượng nhà thầu tham gia gấp 2 lần so với đấu thầu truyền thống (6 - 8 nhà thầu tham gia). Ngoài ra, nhà thầu từ các địa phương lân cận tham gia dự thầu nhiều hơn, giúp tăng khả năng cạnh tranh trong đấu thầu.

Xét theo cơ quan bộ, ban, ngành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo là 5 cơ quan dẫn đầu trong thực hiện đấu thầu qua mạng trong 6 tháng đầu năm 2017, với tỷ lệ lần lượt là 18,21%, 15,5%, 10,09%, 7,45% và 5,18%.

Đối với các bên mời thầu là tập đoàn, tổng công ty thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam là 2 đơn vị có tỷ lệ thực hiện đấu thầu qua mạng trong 6 tháng đầu năm 2017 rất cao, lần lượt là 37,75% và 24,81%.

Ông Nguyễn Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kể từ khi đấu thầu qua mạng được thực hiện theo lộ trình thì nhiều bên mời thầu/chủ đầu tư đã ý thức hơn về việc đẩy mạnh thực hiện đấu thầu qua mạng. Các bên mời thầu/chủ đầu tư cũng đã nhận thấy hiệu quả vượt trội mà đấu thầu qua mạng mang lại.

Tin cùng chuyên mục