Thực hiện quy định về hợp đồng: Địa phương và nhà thầu kêu khó

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo phản ánh của nhiều địa phương và nhà thầu, Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng hiện hành đều có những quy định về hợp đồng nhưng không đồng nhất đã khiến cho nhà thầu, chủ đầu tư và một số đơn vị liên quan gặp không ít khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
Một số nhà thầu gặp khó khăn trong quá trình thanh toán do “vênh” về thuật ngữ trong hợp đồng theo quy định của Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng. Ảnh: Lê Tiên
Một số nhà thầu gặp khó khăn trong quá trình thanh toán do “vênh” về thuật ngữ trong hợp đồng theo quy định của Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng. Ảnh: Lê Tiên

Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Hà Nam cho biết, trong quá trình lập hồ sơ mời thầu (HSMT), bên mời thầu phải áp dụng theo các mẫu hợp đồng xây lắp và tư vấn được quy định tại các thông tư hướng dẫn Luật Đấu thầu. Trong khi đó, khi ký hợp đồng và thực hiện hợp đồng, các bên tham gia phải tuân thủ theo mẫu hợp đồng quy định tại Nghị định 37/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng và các thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Xây dựng.

Sở KH&ĐT TP.HCM cũng cho rằng, hiện nay, mẫu hợp đồng ban hành kèm theo các thông tư hướng dẫn lập HSMT theo Luật Đấu thầu và mẫu hợp đồng do Bộ Xây dựng ban hành chưa tương thích với nhau, gây khó khăn trong quá trình xây dựng HSMT các gói thầu thuộc lĩnh vực xây dựng.

Theo Sở KH&ĐT tỉnh Vĩnh Long, sự chồng chéo và quy định không thống nhất về hợp đồng giữa Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng đã gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về đấu thầu trên địa bàn, gây nhiều vướng mắc cho các bên liên quan trong quá trình thực hiện. Cụ thể, Khoản 7 Điều 67 Luật Đấu thầu quy định: Trường hợp điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng không làm kéo dài tiến độ hoàn thành dự án thì các bên tham gia hợp đồng thỏa thuận, thống nhất việc điều chỉnh. Trường hợp điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng làm kéo dài tiến độ hoàn thành dự án thì phải báo cáo người có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trong khi đó, tại Điểm c Khoản 3 Điều 143 Luật Xây dựng quy định: Khi điều chỉnh hợp đồng làm thay đổi mục tiêu đầu tư, thời gian thực hiện hợp đồng, làm vượt dự toán gói thầu xây dựng được duyệt thì phải được người quyết định đầu tư cho phép.

Sở KH&ĐT thành phố Hải Phòng cho biết, mẫu hợp đồng xây dựng được quy định trong cả Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng với một số nội dung không hoàn toàn đồng nhất đã làm phát sinh sự thiếu nhất quán trong quá trình vận dụng vào từng gói thầu, dự án cụ thể.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một số nhà thầu cho biết, nhà thầu gặp nhiều khó khăn trong quá trình thanh toán hợp đồng do có sự “vênh” về quy định hợp đồng trong Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng. Trong giai đoạn xây dựng và thương thảo hợp đồng, phía đơn vị tư vấn và chủ đầu tư thường có xu hướng cộng gộp lại các quy định của Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng nên câu chữ, điều khoản trong hợp đồng có chỗ không thống nhất. Đến thời kỳ thanh toán thực hiện hợp đồng, bộ phận thanh toán hợp đồng lại máy móc hoặc không hiểu về bản chất nên gây khó dễ cho nhà thầu, dẫn đến tiến độ thanh toán công trình cho nhà thầu bị chậm lại. Chẳng hạn, về câu chữ “người có thẩm quyền” trong Luật Đấu thầu cũng tương đương với “người quyết định đầu tư” trong Luật Xây dựng nhưng bộ phận thanh toán hợp đồng lại băn khoăn, gác lại hồ sơ thanh toán cho nhà thầu, yêu cầu chủ đầu tư làm rõ. Việc tất toán hợp đồng vì thế kéo dài hàng tháng.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, một nhà thầu tư vấn kỳ cựu cho biết, để giảm thiểu những “rắc rối” có thể phát sinh do câu chữ quy định về hợp đồng của Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng không đồng nhất, cần tối giản hóa các quy định về điều khoản chung trong hợp đồng. Hợp đồng phải có những điều khoản cụ thể để xử lý tình huống có thể phát sinh, việc bao quát và lường trước được càng nhiều tình huống xảy ra và đưa thành các quy định cụ thể trong hợp đồng càng giúp chủ đầu tư, nhà thầu thuận tiện trong quá trình thực hiện, tất toán hợp đồng.

TS. Nguyễn Việt Hùng - chuyên gia về đấu thầu cho rằng, về bản chất, những quy định về hợp đồng trong Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng không chồng chéo nhau. Luật Đấu thầu đưa ra các hướng dẫn, điều khoản chung về hợp đồng và có tính tiệm cận chuẩn quốc tế (có nhiều tương đồng với các mẫu hợp đồng trong các dự án vay vốn ODA của các nhà tài trợ), còn các mẫu hợp đồng theo Luật Xây dựng có xu hướng quy định chi tiết, cụ thể. Có thể một số từ ngữ được sử dụng trong các mẫu hợp đồng này có tên gọi khác nhau, mô tả một số tình huống khác nhau nhưng về bản chất là “không đá nhau”. Vì thế, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hợp đồng, chỉ cần chủ đầu tư và nhà thầu “xử lý chắc tay”, quy định chặt chẽ một số điều khoản cụ thể, vận dụng linh hoạt những điều khoản không bắt buộc thì quá trình thực hiện hợp đồng sẽ thuận lợi và dễ xử lý nếu phát sinh tình huống.

Tin cùng chuyên mục