Tìm kiếm giải pháp mới tạo động lực tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tăng trưởng GDP quý II theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thấp hơn khá nhiều so với kịch bản cập nhật cuối quý I/2021, trong khi đó dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn phức tạp, cho thấy nhiệm vụ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 là rất nặng nề, còn nhiều khó khăn, thách thức. Bối cảnh này đòi hỏi sớm có những giải pháp mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong các tháng còn lại của năm 2021.
Đợt dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở nhiều địa phương gây tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Lê Tiên
Đợt dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở nhiều địa phương gây tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Lê Tiên

Đại dịch liên tục làm vỡ dự báo tăng trưởng

Bước vào năm 2021, nền kinh tế đang trên đà phục hồi phải đối mặt với đợt bùng phát dịch bệnh vào cuối tháng 1. Đại dịch khiến tốc độ tăng trưởng GDP quý I chỉ đạt 4,48%, thấp hơn 0,64 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP. Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6,5%, theo kịch bản tăng trưởng cập nhật cuối quý I/2021 của Bộ KH&ĐT, quý II/2021 GDP cần tăng trưởng 7,19%, quý III cần tăng 6,78% và quý IV cần tăng 7,16%.

Dịch bệnh tiếp tục bùng phát vào cuối tháng 4 với tốc độ lây lan nhanh, phạm vi ảnh hưởng rộng và nguy hiểm hơn so với các đợt bùng phát trước. Đặc biệt, dịch bệnh đã có sự lây lan trong nhiều khu công nghiệp, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và nguy cơ gây đứt gãy các chuỗi cung ứng sản xuất. Dịch bệnh đã khiến TP.HCM, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, phải thực hiện giãn cách xã hội, ảnh hưởng tới tăng trưởng và thu ngân sách nhà nước.

Theo Bộ KH&ĐT dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng chỉ đạt khoảng 5,8%. Đáng chú ý, dự báo tăng trưởng 6 tháng của cả 3 khu vực nông, lâm nghiệp thủy sản; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ đều thấp hơn so với kịch bản tại Nghị quyết 01/NQ-CP.

Tại một hội thảo do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa tổ chức, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhận định, đợt dịch lần này bùng phát mạnh ở Bắc Giang, Bắc Ninh nơi chiếm 10% tổng vốn FDI và đóng góp 15% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, vì thế sẽ tác động rất mạnh đến 6 khía cạnh: chuỗi cung ứng, tiêu dùng, xuất nhập khẩu, lao động - việc làm, nợ xấu và thu ngân sách. Theo tính toán của ông Lực, GDP quý II đạt khoảng 5,5% - 5,8%, tăng trưởng nửa đầu năm vào khoảng 5% và cả năm có thể đạt 6,1% - 6,3%.

Khẩn trương có giải pháp mới

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021, Chính phủ giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng Đề án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng, báo cáo Chính phủ trong tháng 6/2021.

Ngày 9/6/2021, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chủ trì cuộc họp về việc xây dựng Đề án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2021.

Những phác thảo bước đầu của Đề án, theo ông Đỗ Thành Trung, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân thuộc Bộ KH&ĐT, là tập trung nghiên cứu, đề xuất xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Các chính sách, giải pháp đề xuất có thể phân thành 2 nhóm chính.

Thứ nhất, các chính sách, giải pháp có thể ban hành, thực hiện được ngay và có tác động tức thì trong các tháng cuối năm 2021 để thực sự thúc đẩy tăng trưởng năm 2021. Các chính sách cần cụ thể, rõ ràng, bảo đảm tính khả thi để thực hiện với quan điểm đối tượng cụ thể, chính sách phải trọng tâm.

Thứ hai là các chính sách, giải pháp mang tính căn cơ, dài hạn có thể nghiên cứu, chuẩn bị và triển khai ngay trong thời điểm hiện tại để thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2022 và giai đoạn 2021 - 2025. Các chính sách này tập trung vào việc củng cố, phát triển động lực tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn mới như cơ cấu lại nền kinh tế, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số; đẩy mạnh giải ngân và nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công; đào tạo lao động… Tập trung vào các đối tượng thuộc các thành phần kinh tế, khu vực và vùng lãnh thổ, doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực; doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực vận tải, hàng không, dịch vụ khách sạn, du lịch, nhà hàng, lữ hành có vai trò, tiềm năng lớn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trên các diễn đàn gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, rất cần những chính sách kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ sự hồi phục của thị trường thế giới, bứt phá mạnh mẽ hơn, từ đó đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, cần xem lại các giải pháp đã ban hành, giải pháp nào cần tiếp tục nhấn mạnh, giải pháp nào còn dư địa, cần ban hành thêm giải pháp nào phù hợp tình hình mới. Đồng thời đánh giá về các động lực tăng trưởng, xem động lực nào còn dư địa trong ngắn, dài hạn để có giải pháp thúc đẩy nhanh chóng, có biện pháp toàn diện để thúc đẩy tăng trưởng ở cả 3 khu vực của nền kinh tế.

Tin cùng chuyên mục