Song hành phục hồi kinh tế và cải cách thể chế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Vừa thúc đẩy phục hồi kinh tế vừa cải cách thể chế trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp sẽ giúp kinh tế Việt Nam phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững hơn, ngay cả khi kinh tế thế giới còn nhiều bất định. Với việc kết hợp thực hiện giải pháp này, theo bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của Việt Nam có thể đạt 6,76%/năm trong giai đoạn 2021 - 2023.
Tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của Việt Nam có thể đạt 6,76%/năm trong giai đoạn 2021 - 2023 nếu kết hợp tốt các giải pháp thúc đẩy phục hồi kinh tế và cải cách thể chế. Ảnh: Lê Tiên
Tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của Việt Nam có thể đạt 6,76%/năm trong giai đoạn 2021 - 2023 nếu kết hợp tốt các giải pháp thúc đẩy phục hồi kinh tế và cải cách thể chế. Ảnh: Lê Tiên

Tại Hội thảo công bố Báo cáo “Thúc đẩy phục hồi kinh tế và cải cách thể chế sau đại dịch Covid-19: Đề xuất cho Việt Nam” thuộc khuôn khổ Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), bà Trần Thị Hồng Minh cho rằng, Việt Nam là một trong số ít quốc gia thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh.

Với việc tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh trong những tháng đầu năm 2021, các hoạt động kinh tế - xã hội trong cả nước tiếp tục đà phục hồi. Ngay trong bối cảnh đại dịch, Việt Nam vẫn chứng kiến những diễn biến khá sôi động về hội nhập kinh tế quốc tế như phê chuẩn và thực thi Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) hay ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Tuy nhiên, Việt Nam cần xây dựng một kế hoạch dài hơi hơn, tránh rủi ro “cạn kiệt” không gian chính sách và giảm động lực cải cách thể chế kinh tế. Nếu nền kinh tế chậm phục hồi, cải cách thể chế kinh tế cũng sẽ thiếu sự đồng thuận và động lực cần thiết và không tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế.

Theo đó, Báo cáo của CIEM nhấn mạnh thông điệp “phục hồi kinh tế cần phải song hành với cải cách thể chế kinh tế ở Việt Nam” với những đề xuất lộ trình chính sách cho giai đoạn 2021 - 2023. Cụ thể, trong năm 2021, Việt Nam cần tiếp tục phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người lao động, kết hợp với cải cách thể chế kinh tế. Năm 2022, kết hợp giải pháp phục hồi và cải cách thể chế kinh tế. Đến năm 2023, rút dần các giải pháp hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, tập trung vào cải cách thể chế kinh tế.

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp thuộc CIEM, sẽ có 3 kịch bản kinh tế cho giai đoạn 2021 - 2023 gồm bình thường; nới lỏng tài khoá và tiền tệ; nới lỏng tài khoá và tiền tệ, cùng với cải cách thể chế.

Ông Dương cho biết, theo kịch bản 1, dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 sẽ đạt 5,98%, năm 2022 là 6,45% và năm 2023 là 6,61%, trung bình cho cả giai đoạn 2021 - 2023 là 6,35%. Còn ở kịch bản 2, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 dự kiến đạt 6,43%, năm 2022 là 6,8%, năm 2023 đạt 6,83%, trung bình cho cả giai đoạn 2021 - 2023 là 6,69%. Ở kịch bản thứ 3, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 dự kiến đạt 6,47%, năm 2022 là 6,88%, năm 2023 đạt 6,92%, trung bình cho cả giai đoạn 2021 - 2023 là 6,76%.

“Nếu chỉ nới lỏng tài khóa và tiền tệ, tăng trưởng kinh tế cao hơn đi kèm với áp lực lạm phát lớn hơn. Nếu nới lỏng tài khóa và tiền tệ cùng với cải cách thể chế, tăng trưởng kinh tế cao hơn đồng thời với những cải thiện đáng kể về năng suất. Đây cũng là cách để phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững hơn”, ông Nguyễn Anh Dương nhấn mạnh.

Liên quan đến cải cách thể chế kinh tế thúc đẩy phục hồi kinh tế, bà Minh cho rằng, để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, Việt Nam cần có lời giải cho những vấn đề như: khơi thông nguồn vốn cho phát triển thì tới đây phải sửa đổi pháp luật ra sao? Hay có nên có luật về hộ kinh doanh hay không khi hiện nay chưa có một cơ chế chính sách nào điều tiết tạo cơ chế cho họ phát triển…

“Nếu chúng ta không có cơ chế pháp luật và thực thi pháp luật cũng như đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật để người dân và doanh nghiệp tiếp cận hiệu quả thì những công sức, nỗ lực cải cách của ta sẽ giảm đi nhiều. Và đây là những vấn đề cải cách thể chế thời gian tới cần được tập trung”, bà Minh phân tích.

Cũng nhìn nhận các góc cạnh của cải cách thể chế trong thời gian tới gắn với thúc đẩy phục hồi kinh tế, TS. Võ Trí Thành cho rằng, quá trình phục hồi kinh tế cần gắn với cải cách thể chế kinh tế một cách mạnh mẽ nhằm mang hiệu quả cao nhất. Đặc biệt, để tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, ông Thành cho rằng, thể chế chống chọi với các “cú sốc” là vấn đề rất lớn cần đặt ra bên cạnh câu chuyện ổn định vĩ mô, dư địa chính sách cho tăng trưởng...

Tin cùng chuyên mục