Chiến lược bán hàng thông thoáng đã khiến lợi nhuận của Tôn Hoa Sen sụt giảm đáng kể trong khi doanh thu tăng trưởng mạnh. Ảnh: Hồng Giang |
Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp sụt giảm mạnh từ mức trên 30% năm 2016 xuống chỉ còn hơn 17% trong năm 2017, đồng thời các chi phí hoạt động khác gia tăng mạnh đã khiến cho lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Công ty bị sụt giảm hơn 11% so với năm 2016 xuống chỉ còn 1.331 tỷ đồng.
Tham vọng gia tăng thị phần
Tại thời điểm kết thúc niên độ kế toán 30/9/2017, tổng tài sản của Hoa Sen đạt 21.438 tỷ đồng, tăng 1,74 lần so với thời điểm đầu năm. Tài sản ngắn hạn vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, đặc biệt hai khoản mục chính là phải thu ngắn hạn của khách hàng và hàng tồn kho đạt lần lượt 1.147 tỷ đồng và 8.871 tỷ đồng, đều tăng gấp đôi so với thời điểm đầu năm.
Sự trái ngược giữa biến động cơ cấu tài sản ngắn hạn với tốc độ tăng trưởng doanh thu năm 2017 thể hiện rõ sự mất cân đối trong vốn lưu động của doanh nghiệp. Mặc dù doanh thu tăng gần 46,14% song dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm tới 2.173 tỷ đồng.
Không chỉ vậy, Hoa Sen cũng mạnh tay chi tới 4.016 tỷ đồng mua sắm tài sản cố định và tài sản khác. Để đối ứng với dòng tiền ra này, Công ty gia tăng nợ dài hạn và liên tục đảo nợ ngắn hạn. Cụ thể, tổng giá trị đi vay trong kỳ là 27.410 tỷ đồng và chi trả nợ gốc vay là 21.212 tỷ đồng. Dư nợ ròng trong năm 2017 tăng thêm 6.198 tỷ đồng, tập trung phần lớn ở vay ngắn hạn. Điều này thể hiện rõ tham vọng của Hoa Sen trong việc gia tăng thị phần tôn mạ tại Việt Nam thông qua chính sách bán hàng thông thoáng và cạnh tranh.
Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), Công ty vẫn duy trì vị trí số 1 với 32% thị phần về tôn mạ, đứng thứ hai là Thép Nam Kim với 15% thị phần. Nếu so sánh với năm 2016 thì dường như thị phần của Hoa Sen vẫn dậm chân tại chỗ trong khi các đối thủ khác như Thép Nam Kim, Tôn Đông Á đều cải thiện được thị phần.
Mặt trái của chiến lược bán hàng thông thoáng đã khiến cho lợi nhuận của cổ đông sụt giảm đáng kể trong khi doanh thu tăng trưởng mạnh. Biên lợi nhuận gộp năm 2017 của Công ty sụt giảm mạnh, từ mức 30% trong năm 2016 xuống chỉ còn 17% trong năm 2017. Tiếp đó là việc luôn duy trì hệ số dư nợ tín dụng cao cũng khiến cho chi phí lãi vay tăng lên gấp đôi so với năm trước. Do đó, lợi nhuận sau thuế của Công ty chỉ đạt 1.331 tỷ đồng, bằng 80,6% kế hoạch đề ra.
Cổ đông lớn tranh thủ bắt đáy
Kết quả kinh doanh kém hiệu quả trong năm 2017 của Hoa Sen dường như đã được các nhóm cổ đông lớn dự báo từ trước khi hàng hàng loạt thông tin đăng ký bán ra được đưa ra khi thị giá của HSG tiệm cận gần vùng đỉnh giá 52.000 đồng/CP vào cuối tháng 5/2017. Điển hình nhất, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty đã bán 9,58 triệu cổ phần ngay sau đó và thu về hơn 300 tỷ đồng. Sau động thái đó, thị giá cổ phiếu HSG liên tục sụt giảm mạnh, hiện giá chỉ còn giao dịch quanh vùng giá 25.000 đồng/CP (mức giá này tương đương với giá trên 40.000 đồng trước khi HSG tăng vốn). Tại vùng giá này, HSG đang được cho là quá “đắt” so với những cổ phiếu ngành thép khác khi tính toán theo phương pháp P/E.
Tuy nhiên, các cổ đông lớn sau thời gian bán ròng đã tranh thủ mua vào như ông Lê Phước Vũ đã mua vào 1 triệu cổ phiếu trong tháng 11/2017 và các quỹ khác là Amersham Industries Limited (mua 350.000 cổ phiếu), Quỹ Bản Việt (đăng ký mua 150.000 cổ phiếu) và đặc biệt Dragon Capital đã công bố trở lại thành cổ đông lớn sở hữu 5% Hoa Sen vào giữa tháng 11/2017 (trước đó quỹ này đã liên tục bán ra HSG và gia tăng sở hữu tại NKG).
Dòng tiền bắt đáy này sẽ giúp cho giá cổ phiếu HSG ổn định hơn. Tuy nhiên, triển vọng tăng giá dài hạn của HSG vẫn phải phụ thuộc nhiều vào kết quả kinh doanh và lợi nhuận những quý tới trong năm 2018 của doanh nghiệp này.