Trận hải chiến nhấn chìm tham vọng bá chủ Địa Trung Hải của Italy

Biên đội tàu chiến hùng hậu của Italy mở chiến dịch tập kích đội tàu hộ tống Anh trên Địa Trung Hải nhưng hứng chịu thất bại nặng nề.
Thiết giáp hạm Vittorio Veneto của hải quân Italykhai hỏa. Ảnh:Wikipedia.
Thiết giáp hạm Vittorio Veneto của hải quân Italykhai hỏa. Ảnh:Wikipedia.

Mùa xuân năm 1941, nhà độc tài Italy Benito Mussolini cho rằng đã đến lúc thực hiện tham vọng biến Địa Trung Hải thành ao nhà để xây dựng đế chế La Mã thứ hai. Ở thời điểm đó, phát xít Đức đã xâm chiếm Pháp, còn Nga và Mỹ vẫn chưa tham chiến, theo National Interest

Phe Đồng minh chỉ còn lại Anh, nhưng hải quân nước này phải dàn mỏng để vừa đối phó với tàu ngầm U-boat Đức ở Đại Tây Dương, vừa phải hộ tống các đoàn tàu tiếp tế cho lực lượng viễn chinh ở Ai Cập và Malta trước nguy cơ bị tàu chiến Đức tập kích.

Đúng thời điểm đó, Hy Lạp gia nhập phe Đồng minh. Để bảo vệ Hy Lạp trước các quân đoàn Panzer của Hitler, thủ tướng Anh Winston Churchill quyết định điều quân bằng đường biển đến hỗ trợ Athen và hải quân Anh được giao nhiệm vụ hộ tống lực lượng này.

Tuy nhiên, để đến Hy Lạp, đội tàu Anh phải đi qua khu vực nguy hiểm gần Italy. Dù là nước yếu nhất phe Trục, Italy lại có hải quân hùng mạnh tập trung ở giữa Địa Trung Hải, có thể hoạt động gần các cảng của nước này dưới sự cảnh giới của nhiều máy bay từ căn cứ mặt đất tại Italy và Sicily.

Để thực hiện tham vọng bá chủ Địa Trung Hải của mình cũng như tuân thủ yêu cầu từ phía Đức, Mussolini ra lệnh cho hải quân Italy tấn công đội tàu hộ tống của Anh. Ngày 26/3/1941, hải quân Italy phát động chiến dịch Gaudo, huy động lực lượng lớn gồm thiết giáp hạm Vittorio Veneto, 6 tàu tuần dương hạng nặng và 17 khu trục hạm tham gia.

Theo chuyên gia quân sự Michael Peck, hải quân Anh giành được lợi thế khi chặn thu và giải mã tín hiệu liên lạc giữa Đức với Italy, biết được kế hoạch tác chiến của tàu chiến Italy trước khi chúng rời cảng.

Bản đồ trận chiến ngoài khơi đảo Crete. Ảnh:Naval History.

Vì thế, hải quân Anh cũng triển khai hai thiết giáp hạm, 7 tuần dương hạm hạng nhẹ, 17 khu trục hạm và tàu sân bay Formidable tham gia đoàn hộ tống. Lực lượng tình báo tín hiệu của Italy phát hiện ra tàu sân bay Anh, nhưng đô đốc Angelo Iachino vẫn cho tiến hành chiến dịch.

Sáng 28/3, tàu tuần dương hạng nặng của Italy phát hiện nhóm tàu tuần dương Anh ở ngoài khơi đảo Crete nên quyết định đuổi theo và bắn 535 quả đạn pháo 203 mm, nhưng đều trượt mục tiêu do hệ thống kiểm soát hỏa lực lạc hậu. Sợ bị rơi vào bẫy, lực lượng Italy quay đầu trở lại phía các thiết giáp hạm, trong khi các tàu Anh chuyển hướng đuổi theo phía sau.

Đô đốc Andrew Cunningham, chỉ huy đoàn hộ tống Anh, nhận thấy thiết giáp hạm của ông không thể đuổi kịp tàu chiến Italy nên đã ra lệnh cho chiến đấu cơ trên tàu sân bay Formidable xuất kích. Các chiến đấu cơ Swordfish đã đuổi kịp và phóng ngư lôi trúng chân vịt của thiết giáp hạm Vittorio Veneto khiến nó không thể tiếp tục cơ động.

Ngư lôi từ chiến đấu cơ Swordfish tiếp tục bắn nổ nồi hơi của tuần dương hạm hạng nặng Pola, khiến con tàu chết máy trên biển. Chỉ huy hải quân Italy quyết định điều hai tuần dương hạm và 4 khu trục hạm tới để cứu kéo tàu Vittorio Veneto về căn cứ mà không hề biết rằng hạm đội Anh đang phục kích ở gần đó.

Phát hiện đội tàu chiến Italy tiến tới trong đêm tối, Đô đốc Cunningham ngay lập tức ra lệnh cho ba thiết giáp hạm của mình đồng loạt khai hỏa trực diện, bắn chìm các tuần dương hạm hạng nặng và hai khu trục hạm Italy.

HMS Formidable góp công lớn trong chiến thắng của Anh. Ảnh:Wikipedia.

Bị mất ba tàu tuần dương hạng nặng trong một trận hải chiến là thảm họa thực sự với hải quân Italy, khiến giấc mộng bá chủ Địa Trung Hải của Mussolini tan thành mây khói.

Trận hải chiến ở Mũi Matapan cũng có tác động rất lớn, khiến hải quân Italy nhận ra họ không thể dựa vào các chiến đấu cơ trên bộ nhưng lại không có tàu sân bay để lấp khoảng trống này. Việc không được trang bị radar cũng khiến chiến hạm Italy gặp bất lợi khi chiến đấu ban đêm. Với 4 thiết giáp hạm còn lại, hải quân Italy không đủ sức đối đầu với hải quân Anh trong thời gian còn lại của Thế chiến II.

Tin cùng chuyên mục