Trần lãi suất cho vay là 20%/năm

BĐT- Kể từ 1/1/2017, lãi suất vay mượn trong giao dịch dân sự vẫn tiếp tục được khống chế.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Hôm nay, ngày 18/12/2015, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước đối với Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, kể từ 1/1/2017, lãi suất vay mượn trong giao dịch dân sự vẫn tiếp tục được khống chế.

Lãi suất vượt quá 20% không có hiệu lực

Cụ thể, lãi suất cho vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm (trừ trường hợp luật khác có liên quan có quy định khác). Mức lãi suất này có thể được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thay đổi theo tình hình thực tế trên cơ sở đề xuất của Chính phủ.

Cũng theo Bộ luật Dân sự, trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi nhưng không xác định rõ lãi suất và có xảy ra tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất kể trên.

“Việc xác định một tỷ lệ cụ thể, tối đa là 20%/năm và phụ thuộc vào khoản tiền vay sẽ bảo đảm tính rõ ràng, minh bạch, dễ áp dụng, các bên tham gia giao dịch dân sự có thể biết ngay hậu quả pháp lý khi xác lập hợp đồng vay mượn”, Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Thúy bình luận. Còn theo ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, việc ấn định trần lãi suất cho vay trong giao dịch dân sự thể hiện vai trò của Nhà nước trong việc điều tiết và bảo đảm cân bằng lợi ích giữa các bên, chống tình trạng cho vay nặng lãi đang xảy ra khắp nơi.

Theo đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau Trương Minh Hoàng, Bộ luật Dân sự quy định: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi nhưng không xác định rõ lãi suất và có xảy ra tranh chấp thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất kể trên” là phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể, trong giao dịch dân sự, rất nhiều trường hợp cho vay nhưng trong hợp đồng không thể hiện lãi suất nhằm lách luật, nhưng người cho vay sử dụng các biện pháp khác nhau để thu lãi 5 - 10%/tháng.

Cho rằng khống chế trần lãi suất 20 %/năm là phương án tối ưu so với các phương án khác được đưa ra trong quá trình xây dựng Bộ luật Dân sự năm 2015, tuy nhiên Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lương Văn Thành vẫn còn khá băn khoăn, vì trong thực tế, giao dịch dân sự không chỉ vay mượn nhau bằng tiền mà còn vay mượn thóc, gạo… đặc biệt là vay vàng. “Vay mượn bằng tiền thì khống chế trần lãi suất 20%/năm là tối ưu, nhưng vay mượn bằng hiện vật áp dụng mức lãi suất này thế nào?”, ông Lương Văn Thành đặt câu hỏi.

Vì sao không áp dụng lãi suất khác?

Trước khi thống nhất được mức trần lãi suất cho vay 20%/năm trở lên, trong quá trình xây dựng Bộ luật Dân sự năm 2015, các nhà lập pháp đã mất rất nhiều thời gian, công sức nghiên cứu, thảo luận và cho đến tận trước lúc được thông qua, vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng nên áp dụng lãi suất khác thay vì ấn định 20%/năm.

Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, khống chế mức trần lãi suất cho vay trong giao dịch dân sự bằng 200% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố là phù hợp (hiện tại là 150%) bởi quy định này tạo ra sự thống nhất trong xác định lãi suất, ngăn ngừa việc cho vay nặng lãi và cũng tương thích với Điều 12 của Luật NHNN Việt Nam.  

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Ngọc Ánh lập luận, nếu ấn định một mức lãi suất trần trong Bộ luật Dân sự thì chỉ có thể áp dụng trong thời gian ngắn vì lạm phát có thể tăng mạnh bất cứ lúc nào sẽ kéo theo lãi suất cả tiền gửi lẫn cho vay trên thị trường tiền tệ gia tăng. Khi đó, mức trần lãi suất được ấn định sẽ trở nên lạc hậu, cản trở quá trình tiếp cận vốn, cho vay vốn bên ngoài xã hội. “Tôi đề nghị sử dụng lãi suất tái cấp vốn do NHNN công bố làm lãi suất chuẩn để áp dụng mức trần lãi suất cho vay trong giao dịch dân sự. Bởi lãi suất tái cấp vốn được NHNN điều chỉnh tùy thuộc vào diễn biến của thị trường thì nó sẽ đảm bảo hơn, khoa học hơn”, ông Huỳnh Ngọc Ánh phát biểu.   

Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Ngô Văn Minh cho biết, trong quá trình xây dựng Bộ luật dân sự năm 2015, NHNN có công văn đề nghị không áp dụng lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn với nhiều lý do, trong đó lý do chính là, lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn do NHNN công bố nhằm thực hiện chính sách tiền tệ, tín dụng, điều tiết vĩ mô nền kinh tế chứ không phải công bố lãi suất để Bộ luật Dân sự dẫn chiếu khi áp dụng. “Còn nếu lấy lãi suất trái phiếu chính phủ, hay lãi suất bình quân của các ngân hàng thương mại cũng rất khó thực hiện, người dân rất khó biết mức lãi suất cụ thể vì các loại lãi suất này biến động liên tục. Vì vậy, áp dụng mức lãi suất 20%/năm là hoàn toàn phù hợp trong điều kiện hiện nay vì cao gấp hơn 2 lần lãi suất vay vốn ngân hàng. Giả sử trong thời gian tới lãi suất vay vốn ngân hàng tăng lên 15 - 17%/năm thì Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh tăng lên cũng phù hợp với diễn biến của thị trường tiền tệ”, ông Ngô Văn Minh bình luận.

Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Huỳnh Văn Tiếp cho rằng, áp dụng mức trần lãi suất trong Bộ luật Dân sự là khoa học, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện. Mức trần lãi suất 20% hiện nay là phù hợp với thị trường vì còn cao hơn cả lãi suất chậm nộp thuế vào ngân sách nhà nước là 0,05%/ngày tương đương 18,25%/năm; cao hơn cả lãi suất quá hạn đang được tổ chức tín dụng thực hiện (13,5 - 17%/năm). “Nhưng hiện nay, ở nhiều địa phương, các tổ chức, hội, đoàn thể huy động vốn trong dân và cho chính người dân vay với lãi suất khoảng 2,5%/tháng tương đương 30%/năm thì xử lý thế nào?”, ông Huỳnh Văn Tiếp băn khoăn.

Tin cùng chuyên mục