Ảnh minh họa. |
Ở thời điểm cuối năm 2014, tài sản bằng đồng USD chiếm 58% tổng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc, giảm mạnh từ mức 79% vào năm 2005 - Cơ quan Quản lý ngoại hối Quốc gia nước này (SAFE) cho biết trong một báo cáo vừa được công bố.
Cũng theo báo cáo trên, tỷ trọng tài sản của USD trong dự trữ ngoại hối của Trung Quốc vào cuối năm 2014 là thấp hơn mức bình quân 65% của toàn cầu."Cấu trúc tiền tệ trong dự trữ ngoại hối của Trung Quốc ngày càng đa dạng, và đa dạng hơn so với bình quân toàn cầu", tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn báo cáo.
Lượng tài sản USD mà Trung Quốc nắm giữ, đặc biệt là trái phiếu kho bạc Mỹ, thường được xem như một đòn bẩy của Bắc Kinh trong sự đối đầu với Washington. Giữa chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, đã có nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại rằng Trung Quốc có thể bán tháo tài sản Mỹ để gây hỗn loạn trên thị trường tài chính Mỹ. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã nhiều lần lên tiếng bác bỏ khả năng sử dụng "vũ khí" này.
Nếu tỷ trọng tài sản USD trong dự trữ ngoại hối của Trung Quốc vẫn ở mức 58%, thì nước này nắm khoảng 1,8 nghìn tỷ tài sản Mỹ vào thời điểm cuối tháng 6, dựa trên mức dự trữ ngoại hối 3,12 nghìn tỷ USD ở cùng thời điểm.
Theo dữ liệu của Bộ Tài chính Mỹ, Trung Quốc nắm lượng trái phiếu kho bạc Mỹ trị giá 1,11 nghìn tỷ USD vào thời điểm cuối tháng 5, theo đó tiếp tục là chủ nợ lớn nhất của Washington.
Ông Li Jie, nhà nghiên cứu về dự trữ ngoại hối Trung Quốc thuộc Đại học Tài chính và Kinh tế Trung ương ở Bắc Kinh, nhấn mạnh rằng tỷ trọng USD trong dự trữ ngoại hối nước này đã giảm mạnh.
"Có lẽ đây là kết quả của các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ giữa Trung Quốc với các ngân hàng trung ương khác", ông Li nói.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã ký kết các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với khoảng 40 quốc gia, với tổng hạn ngạch hoán đổi vào khoảng 500 tỷ USD. Ngoài ra, Trung Quốc cũng chủ ý giảm tỷ trọng nắm giữ tài sản USD và gia tăng nắm giữ đồng Euro và đồng tiền của các nước đối tác thương mại lớn khác, theo ông Li.
Báo cáo của SAFE nói Trung Quốc đã thực thi một "chiến lược hạn chế tối đa rủi ro" trong việc quản lý dự trữ ngoại hối, dựa trên hai nguyên tắc: duy trì giá trị và gia tăng giá trị; và không cho phép xảy ra rủi ro lớn đối với dự trữ.
Cũng theo báo cáo, SAFE đã thiết lập hoạt động 24/24 tại trụ sở ở Bắc Kinh, cũng như tại các nhóm giao dịch ở Hồng Kông, London, Singapore, New York và Frankfurt.
Ngoài tỷ trọng tài sản bằng USD, báo cáo của SAFE còn tiết lộ một bí mật khác về dự trữ ngoại hối của Trung Quốc. Đó là, dự trữ này mang về mức lợi nhuận bình quân hàng năm 3,68% trong thời gian từ 2005-2014, cao hơn so với lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm.
Đây đều là những dữ liệu mà Trung Quốc lần đầu tiên công bố.
Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đạt đỉnh ở mức gần 4 nghìn tỷ USD vào giữa năm 2014, rồi bắt đầu giảm xuống. Dự trữ này đã sụt khoảng 1 nghìn tỷ USD chỉ trong vòng khoảng 1 năm, sau khi thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc vào mùa hè năm 2015 và dẫn tới một đợt thoái vốn mạnh khỏi nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.