Mặc dù phép thử về tính hiệu quả đối với cơ chế điều hành tỷ giá mới vẫn còn ở phía trước, tuy nhiên, diễn biến thị trường ngoại tệ trong tuần đầu tiên của năm 2016 và cũng là tuần đầu cơ chế tỷ giá mới được áp dụng, tuy nhiên có thể thấy nhu cầu ngoại tệ thực sự của TCTD và doanh nghiệp không lớn và diễn biến tăng tỷ giá trong 2 tuần cuối năm 2015 là do yếu tố tâm lý của thị trường.
Trên thị trường liên ngân hàng USD, 3 ngày đầu sau khi NHNN áp dụng cơ chế điều hành tỷ giá mới, lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng tăng đối với tất cả các kỳ hạn, trong đó, lãi suất kỳ hạn qua đêm bình quân có thời điểm lên đến 0,43%/năm (đường màu cam hình dưới) và lãi suất kỳ hạn 1 tháng bình quân lên đến 1%/năm (đường màu tím hình dưới). Tuy nhiên, lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng bằng USD nhanh chóng giảm đối với tất cả các kỳ hạn cho thấy nhu cầu vay mượn của các ngân hàng không lớn, lượng ngoại tệ của các ngân hàng đang ở trạng thái dư thừa.
Diễn biến lãi suất cho vay USD trên thị trường liên ngân hàng
Tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng cũng đã kết thúc thời kỳ tiệm cận với trần biên độ. Tính đến thời điểm ngày 08/1, tỷ giá đã ổn định trong trần biên độ, khoảng cách giữa trần biên độ với tỷ giá bình quân liên ngân hàng đang có xu hướng được nới rộng (khoảng 140 đồng).
Diễn biến tỷ giá trên thị trường tự do và thị trường liên ngân hàng
Tỷ giá trên thị trường tự do cũng đã hạ nhiệt, dần ổn định vào quỹ đạo và khoảng cách giữa tỷ giá bán trên thị trường tự do với trần biên độ được thu hẹp đáng kể (từ hơn 230 đồng/1USD tại thời điểm ngày 23/12/2015 xuống còn 44 đồng/1USD tại thời điểm ngày 08/1/2016).
Tương tự, tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại cũng đã quay đầu giảm ngay sau khi NHNN giảm tỷ giá trung tâm 10đồng/1USD ngày 8/1.
Diễn biến trên thị trường ngoại tệ tự do, thị trường ngoại tệ liên ngân hàng và tỷ giá niêm yết của các ngân hàng thương mại cho thấy nhu cầu vay mượn bằng USD không thực sự lớn và thanh khoản ngoại tệ của các ngân hàng tương đối tốt.