VA-111 Shkval - ngư lôi siêu tốc không đối thủ của Nga

Ngư lôi Shkval sử dụng động cơ phản lực và có khả năng tạo siêu khoang, giúp nó đạt tốc độ lên tới 370 km/h, khiến đối phương không kịp trở tay.
Mẫu VA-111 Shkval cơ bản. Ảnh:Vitaly V. Kuzmin.
Mẫu VA-111 Shkval cơ bản. Ảnh:Vitaly V. Kuzmin.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô chủ yếu dựa vào hạm đội tàu ngầm để vô hiệu hóa lợi thế của hải quân Mỹ. Một trong số những vũ khí dưới nước hiện đại nhất từng được nước này phát triển là ngư lôi siêu khoang VA-111 "Shkval" (NATO định danh: Squal), theo National Interest.

Theo chuyên gia quân sự Kyle Mizokami, VA-111 Shkval là vũ khí có thể bất ngờ tăng tốc lên gấp 6 lần, khiến đối phương không kịp triển khai các biện pháp phòng thủ. Do nằm trong dự án siêu tối mật, trước khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, ngư lôi này hầu như không được biết đến và chỉ phổ biến vào giữa thập niên 1990.

Shkaval có thể đột ngột tăng tốc lên tới 370 km/h, con số đáng kinh ngạc trong bối cảnh hầu hết các loại ngư lôi khác chỉ có vận tốc tối đa 92 km/h do lực cản đáng kể của nước.

Khác với ngư lôi truyền thống sử dụng động cơ chân vịt hoặc động cơ thủy lực, Shkval sử dụng một động cơ phản lực giúp nó có tốc độ rất nhanh. Để khắc phục lực cản lớn của nước, các kỹ sư Liên Xô đã nghĩ ra cách loại bỏ khối nước phía trước ngư lôi bằng cách tạo thành bọt khí siêu khoang.

Hệ thống khí nén sẽ xả ra ở mũi ngư lôi, kết hợp với hình dáng đặc biệt ở phần mũi để tạo thành một bóng khí mỏng bao quanh thân ngư lôi, cách ly nó khỏi khối nước xung quanh, giảm lực cản dưới nước, giúp ngư lôi đạt vận tốc 370 km/h. Tiến trình này gọi là công nghệ tạo siêu khoang.

Điểm yếu của công nghệ này là khi đổi hướng đột ngột, ngư lôi dễ bị lệch ra ngoài bóng khí, khiến nó chịu lực cản khổng lồ của nước ở vận tốc 370 km/h, dẫn tới phá hủy hoàn toàn quả đạn. Các biến thể đầu tiên của Shvkal sử dụng hệ thống dẫn đường rất thô sơ, buộc nó phải di chuyển theo đường thẳng không cơ động.

Phiên bản Shkval đầu tiên có đường kính tiêu chuẩn 533 mm, mang theo một đầu đạn nổ mạnh hoặc hạt nhân nặng 210 kg, tầm bắn tối đa 7 km. Nó được thiết kế trong thập niên 1960, bắt đầu sản xuất đại trà và biên chế trong hải quân Liên Xô từ năm 1978. Mục tiêu chính của Shkval là các tàu ngầm tên lửa hạt nhân của NATO.

Được ứng dụng các công nghệ tối tân nhưng ngư lôi này cũng có nhiều điểm hạn chế. Bóng khí siêu khoang và động cơ phản lực có độ ồn lớn, khiến tàu ngầm Liên Xô dễ bị lộ vị trí.

Hạn chế tiếp theo là Shkval không thể sử dụng tổ hợp dẫn đường truyền thống, do tiếng ồn của quả đạn sẽ vô hiệu hóa hệ thống định vị thủy âm (sonar) chủ động và thụ động trên ngư lôi. Các phiên bản đầu tiên của Shkval không có thiết bị dẫn đường mà chỉ tập trung vào yếu tố tốc độ. Ở biến thể mới, ngư lôi này sử dụng giải pháp hỗn hợp, áp dụng cơ chế siêu khoang để nhanh chóng tiếp cận khu vực quanh mục tiêu, sau đó giảm tốc độ để dò tìm.

Nga cũng nhận ra vấn đề này và đang nâng cấp dòng Shkval. "Các ngư lôi của chúng tôi nặng và ồn hơn ngư lôi tốt nhất trên thế giới, do không có các cơ quan phân tích thông tin và cơ sở hiện đại nhất", Shamil Aliev, thiết kế trưởng công ty Dagdiesel nói.

Phiên bản Shkval-E dành cho xuất khẩu. Ảnh:Flickr.

Theo chuyên gia quân sự Alexander Korolkov, việc hiện đại hóa VA-111 Shkval có thể sẽ dẫn đến những thay đổi cơ bản trong thiết kế, hình dáng và thậm chí cả chiến thuật sử dụng. Nga đang tập trung hiện đại hóa ngư lôi Shkval, đồng thời chế tạo loại ngư lôi cỡ nhỏ với chiều dài khoảng 30 cm, di chuyển chậm để không bị phát hiện. Chúng có thể được bắn ra với số lượng lớn để bám vào mục tiêu và phát nổ.

"Ngư lôi không chỉ tấn công thân tàu đối phương mà còn nhắm vào các vị trí yếu nhất trên tàu như khoang chỉ huy hoặc khoang điều khiển, bởi một ngư lôi khó có thể tiêu diệt hoàn toàn một tàu ngầm", Aliev cho biết.

Mãi đến năm 1997, Mỹ mới bắt đầu nghiên cứu phát triển ngư lôi siêu khoang, nhưng đến nay vẫn chưa có một vũ khí nào được triển khai. Hải quân Mỹ mới chỉ nâng cấp ngư lôi Mark 48 để biên chế trong tương lai gần. Họ yêu cầu Mark 48 phải có tính năng vượt trội so với Shkval ở khả năng cơ động, nhận dạng và dẫn đường tới mục tiêu.

Trong lúc này, chỉ có tàu ngầm của Nga được trang bị ngư lôi siêu khoang với các biến thể hiện đại sử dụng đầu đạn thông thường. Phiên bản cải tiến có tên gọi Shkval-2 có tầm bắn hiệu quả lên tới 15 km, cùng vận tốc nhanh gấp bốn lần các ngư lôi khác trên thế giới.

"Hiện không có biện pháp nào đối phó được vũ khí này, việc trang bị ngư lôi Shkval có thể khiến lực lượng hải quân đối phương bị đặt vào thế bất lợi đáng kể", trang phân tích quân sự FAS nhận định.

Nga cũng giới thiệu phiên bản Shkval-E dùng cho xuất khẩu. Trong khi đó, Iran tuyên bố đã sở hữu ngư lôi siêu khoang có tên Hoot, được cho là sao chép từ ngư lôi Shkval.

"Ồn nhưng hiệu quả, ngư lôi Shkval đã thay đổi diện mạo chiến tranh dưới biển. Một ngư lôi có vận tốc 370 km/h là năng lực rất ấn tượng trong bối cảnh cạnh tranh hải quân nóng lên ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương", Mizokami nhận định.

 Cơ chế hoạt động của Shkval

 

Tin cùng chuyên mục