Một số gói thầu xây lắp được đấu thầu rộng rãi qua mạng nhưng số lượng nhà thầu tham dự còn ít, tính cạnh tranh chưa cao. Ảnh: Tiên Giang |
Tính cạnh tranh ở nhiều gói thầu còn thấp
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Hậu Giang từ số liệu tổng hợp công tác ĐTQM, tỷ lệ giảm giá dự thầu so với giá gói thầu còn thấp. Một số gói thầu được đấu thầu rộng rãi nhưng số lượng nhà thầu tham dự còn ít, tính cạnh tranh chưa cao.
Theo Sở KH&ĐT Tây Ninh, trong năm 2023, Tỉnh đã thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng 679 gói thầu với tổng giá trị 4.044 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu đạt 3.936 tỷ đồng, tiết kiệm 2,68% trong đấu thầu (năm 2022 giảm 2,35%). Nếu tính theo phân loại dự án, tại Tây Ninh, dự án nhóm A có 4 gói thầu đấu qua mạng gồm 1 gói dịch vụ phi tư vấn, 2 gói thầu tư vấn, 1 gói thầu xây lắp với tổng giá trị 605,5 tỷ đồng; tổng giá trúng thầu là 600,879 tỷ đồng, tiết kiệm 4,602 tỷ đồng, tỷ lệ giảm giá bình quân đạt 0,75% (năm 2022 là 1,76%). Mức giảm giá thông qua ĐTQM tại Tây Ninh được đánh giá là “không đáng kể”.
Tại Bình Thuận, tổng cộng đã triển khai thực hiện 3.324 gói thầu trong năm 2023 với tổng giá trị 4.748,457 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu 4.629,774 tỷ đồng, số tiền tiết kiệm qua đấu thầu đạt 118,683 tỷ đồng, tương ứng 2,5%. Trong đó, đấu thầu rộng rãi 603 gói thầu với tổng giá gói thầu là 4.425,949 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu là 4.315,214 tỷ đồng, số tiết kiệm qua đấu thầu là 110,735 tỷ đồng (2,5%). Đây là tỷ lệ được địa phương đánh giá là còn thấp.
Tại Bến Tre, trong năm 2023 đã tổ chức đấu thầu 2.184 gói thầu (tăng 232 gói so với năm 2022), trong đó có 1.796 gói thầu đấu thầu không qua mạng và 388 gói thầu đấu thầu qua mạng với tổng giá gói thầu là 3.443,319 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu là 3.381,726 tỷ đồng, tiết kiệm qua đấu thầu là 61,593 tỷ đồng, tương ứng 1,79%. Hình thức lựa chọn nhà thầu được áp dụng chủ yếu là đấu thầu rộng rãi qua mạng với 325 gói thầu, tổng giá gói thầu là 2.859,56 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu là 2.811,461 tỷ đồng, tiết kiệm qua đấu thầu 48,099 tỷ đồng (1,71%)...
Theo UBND tỉnh Bến Tre, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng kém thu hút nhà thầu tham gia ĐTQM. Cụ thể, cán bộ làm công tác đấu thầu của một số bên mời thầu còn hạn chế về năng lực, kinh nghiệm, nên dù đã có nhiều cố gắng, nhưng các bên mời thầu vẫn còn một số thiếu sót trong quá trình triển khai như đăng tải hồ sơ mời thầu (HSMT), mở thầu, đăng tải thông tin trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia…
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, Sở KH&ĐT các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai cho biết, các gói thầu xây lắp tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng có tỷ lệ giảm giá sau đấu thầu thấp. Tình trạng các gói thầu chỉ có 1 nhà thầu tham gia vẫn phổ biến. Thống kê từ ngày 16/9/2022 đến nay của Trung tâm đấu thầu qua mạng quốc gia chỉ ra 10 địa phương có số lượng nhà thầu trung bình tham gia 1 gói thầu thấp nhất, trong đó đứng đầu là Hà Nam với 1,17, tiếp sau là Sơn La (1,21), Vĩnh Phúc (1,24), Yên Bái (1,25), Hưng Yên (1,26%), Hòa Bình (1,27), Điện Biên (1,29), Bắc Kạn (1,3), Cao Bằng (1,31), Hà Giang (1,31). Trong số này, Hà Nam tiếp tục đứng đầu trong các địa phương có tỷ lệ tiết kiệm trong ĐTQM thấp nhất, với tỷ lệ tiết kiệm chỉ 0,52%. Bắc Kạn, Sơn La cũng trong nhóm địa phương có tỷ lệ tiết kiệm thấp nhất, với 0,94% và 1,05%.
Tạo thuận lợi cho nhà thầu
Tháng 7/2024, tại TP.HCM, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM tổ chức đấu thầu Gói thầu Sản xuất và lắp dựng vách kính, mặt dựng, khung đỡ, vách ngăn, lan can, trần và tấm trang trí kim loại. Đây được coi là gói thầu phức tạp nhất, có yếu tố then chốt trong việc vận hành Dự án Trung tâm triển lãm quy hoạch TP.HCM. Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một nhà thầu dự thầu đến từ TP.HCM cho biết, trước yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu của Bên mời thầu, Nhà thầu cần cung cấp rất nhiều tài liệu (hợp đồng tương tự, hồ sơ quyết toán, hóa đơn) với dung lượng vượt quá 300 MB. “Thực sự là dung lượng cho phép đó không đủ để Nhà thầu làm rõ. Sau khi tham khảo từ nhiều bên, Nhà thầu phải thực hiện làm rõ nhiều lần (mỗi lần cung cấp một phần tài liệu). Cũng may Hệ thống không giới hạn số lần làm rõ nên quá trình nhập dữ liệu của Nhà thầu đã thành công, tạo cơ hội cho Nhà thầu được cạnh tranh bình đẳng cùng các nhà thầu khác”, nhà thầu này cho biết thêm.
Trong lĩnh vực y tế, Hệ thống e-GP bổ sung nhiều phân hệ, tính năng, tạo nên những bước cải tiến đột phá về công nghệ. Theo đó, năm 2023 là năm đầu tiên ngành y tế triển khai ĐTQM các gói thầu mua thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế có nhiều lô/phần. Đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, mỗi năm nhu cầu thuốc phục vụ khám chữa bệnh rất lớn, giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Hệ thống e-GP triển khai từ năm 2009 - 2022 chưa có tính năng hỗ trợ ĐTQM đối với những gói thầu có nhiều lô/phần trong lĩnh vực y tế dẫn tới Bệnh viện gặp khó khăn khi tổ chức đấu thầu theo phương thức truyền thống. Tuy nhiên, khó khăn đã được giảm tải theo quá trình hiện đại hóa Hệ thống, tạo thuận lợi cho các bên tham gia hoạt động thầu.
Số liệu của Bộ Y tế cho biết, trong năm 2023, toàn ngành đã tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng 2.123 gói thầu thuộc các dự toán mua sắm thường xuyên (đạt 41,29% tổng số lượng gói thầu và 52,87% tổng giá trị các gói thầu). Thời gian đầu, do dung lượng các gói thầu quá lớn, Hệ thống vận hành có xảy ra sự cố, thao tác phức tạp, nhiều chủ đầu tư chưa được đào tạo kịp thời dẫn tới lúng túng, chậm trễ khi tổ chức lựa chọn nhà thầu. Sau đó, việc tổ chức lựa chọn nhà thầu các gói thầu có nhiều lô/phần đã có sự cải thiện. Từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước có 6.714 gói thầu thuốc, vật tư, hóa chất có nhiều lô/phần được ĐTQM với tổng giá trị lên tới 178.156 tỷ đồng.
Thông tin đến Báo Đấu thầu, một số nhà thầu đánh giá, trong 2 năm qua, Hệ thống e-GP vận hành nhuần nhuyễn, đáp ứng tối đa các nhu cầu của nhà thầu. Tuy nhiên, với các gói thầu phức tạp, cần tăng dung lượng tài liệu làm rõ cho nhà thầu, tránh việc phải thực hiện nhiều thao tác trên Hệ thống.
Một số nhà thầu phản ánh tình trạng có chủ đầu tư/bên mời thầu lợi dụng tính liên tục này của Hệ thống để đưa ra chiêu trò “gài bẫy” nhà thầu. Một số chủ đầu tư lợi dụng việc gia hạn thời điểm đóng thầu (trong trường hợp không sửa đổi HSMT) để đưa nhà thầu vào thế bị động. Cụ thể, chủ đầu tư cố tình gia hạn thời điểm đóng thầu vào cuối giờ chiều ngày thứ Sáu và mở thầu vào ngày thứ Hai kế tiếp, khiến nhà thầu rất khó xoay xở kịp các thủ tục như gia hạn hiệu lực của bảo lãnh dự thầu (do liên quan đến bên thứ 3 là ngân hàng - không làm việc vào thứ Bảy và Chủ nhật). Như vậy là không tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu trong việc điều chỉnh các tài liệu của HSDT dẫn tới có thể dễ dàng bị loại.
Theo một số chuyên gia đấu thầu, môi trường ĐTQM ngày càng chuyên nghiệp vì mục tiêu cao nhất là đấu thầu minh bạch, hiệu quả. Các HSMT bị phản ánh có tiêu chí bất cập, cài cắm, hạn chế nhà thầu được lọc tự động và công khai trên Hệ thống. Tuy nhiên, việc ràng buộc trách nhiệm giải trình, đánh giá uy tín nhà thầu của chủ đầu tư/bên mời cần rõ ràng, quyết liệt hơn nữa. Ở chiều ngược lại, nhiều nhà thầu mong rằng, Hệ thống sẽ bổ sung những công cụ đánh giá mức độ chuyên nghiệp, uy tín của chính chủ đầu tư/bên mời thầu. Đây sẽ là nguồn dữ liệu hữu ích để chấn chỉnh những bất cập của công tác ĐTQM.