Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hư hỏng sau thời gian đi vào hoạt động. Ảnh: LĐO |
Tính đến thời điểm hiện tại, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra kết luận và đề nghị truy tố 36 bị can trong vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” tại cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Dự án Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có vốn đầu tư 34.516 tỷ đồng, chủ đầu tư là Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC). Giai đoạn 1 của Dự án có chiều dài là 65 km với 7 gói thầu xây lắp.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Trần Kỳ Sơn, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Dự án Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sử dụng vốn vay của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Ngân hàng Thế giới (WB) nên việc lựa chọn và phân chia gói thầu tuân theo quy định của từng nhà tài trợ (mỗi nhà tài trợ có quy trình lựa chọn nhà thầu và quan điểm về phân chia gói thầu riêng).
Nhìn tổng thể, nhà thầu thi công trực tiếp trên tuyến cao tốc này chủ yếu là nhà thầu Việt Nam, giá trị trúng thầu cũng như quy mô mỗi gói thầu đều lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Trước sức ép về tiến độ đề ra, chắc chắn các nhà thầu phải phân chia thành các hạng mục công việc riêng để thi công đồng thời, độc lập và cuối cùng mới khớp nối với nhau. Vấn đề mấu chốt ở đây chính là việc buông lỏng trong công tác quản lý đầu tư, giám sát thi công của chủ đầu tư, tư vấn giám sát thi công dẫn đến tình trạng các nhà thầu chính tùy tiện sử dụng các nhà thầu phụ, nhà thầu phụ thứ cấp không đảm bảo năng lực thi công công trình… nên để xảy ra nhiều chỗ hổng về chất lượng của tuyến cao tốc này.
Vấn đề chia nhỏ gói thầu khi thực hiện Dự án làm mất kiểm soát chất lượng trong công tác thi công mà Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an chỉ ra tại cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thực chất là câu chuyện về việc buông lỏng quản lý của chủ đầu tư với nhà thầu chính thi công, nhà thầu chính buông lỏng giám sát với nhà thầu phụ, nhà thầu thứ cấp nên không quản lý được chất lượng thi công. Vật liệu, máy móc đưa vào thi công công trình không đảm bảo yêu cầu, dẫn đến các sự cố hỏng hóc lớn khi đưa vào sử dụng.
Theo TS. Nguyễn Việt Hùng, chuyên gia về đấu thầu, để giảm thiểu tình trạng “băm nhỏ” gói thầu, dẫn đến mất kiểm soát chất lượng công trình thì phải giám sát chặt quá trình thi công. Nếu buông lỏng công tác quản lý và giám sát sẽ tạo ra cơ hội để nhà thầu chính “bán thầu” bất hợp pháp, nhà thầu phụ lại “bán thầu” cho nhà thầu phụ thứ cấp… thì hậu quả sẽ không thể lường hết được.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc chuyển nhượng khối lượng công việc sau khi trúng thầu không được vượt quá 10% tổng khối lượng công việc trúng thầu. Đối với các dự án/công trình sử dụng vốn vay ODA thì phải tuân theo quy định của nhà tài trợ. Việc giám sát quá trình thi công của nhà thầu cần căn cứ vào các điều khoản của hợp đồng, bám sát hồ sơ dự thầu của nhà thầu, kiểm tra chặt chẽ chất lượng và số lượng nhân lực, máy móc, vật liệu đưa vào công trình, biện pháp thi công, việc tuân thủ hồ sơ thiết kế của nhà thầu trong quá trình thi công… Làm được như vậythì chắc chắn sẽ không thể “lọt” được những nhà thầu phụ “chui”, “bất hợp pháp”, không đủ năng lực tham gia thi công. Điều này sẽ ngăn ngừa được tình trạng nhà thầu chính sau khi trúng thầu tùy tiện chia nhỏ gói thầu để bán thầu cho nhà thầu phụ, giảm thiểu những rủi ro về chất lượng công trình.
Câu chuyện về những sai phạm tại cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là bài học về trách nhiệm quản lý đầu tư, giám sát thi công của VEC, khi được giao quản lý một tài sản lớn của Nhà nước.