Tổng chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước đến nay đạt gần 1.900 km. Ảnh: Tuấn Anh |
1. Việt Nam nâng cấp và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc
Hơn 28 năm kể từ khi Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 12/7/1995, xác lập quan hệ đối tác toàn diện vào ngày 25/7/2013, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đạt những bước phát triển toàn diện, ngày càng đi vào chiều sâu. Ngày 10/9/2023, hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Sau 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, ngày 27/11/2023, Việt Nam và Nhật Bản nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Trước đó, hai nước thiết lập quan hệ Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài vào năm 2002; nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á năm 2009 và quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á vào năm 2014.
Ngày 13/12/2023, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân đã thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.
Việc nâng tầm và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược với 3 nước lớn mở ra giai đoạn mới của Việt Nam trong quan hệ đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng, đa phương hóa vì hòa bình, hợp tác, phát triển. Việt Nam đứng trước cơ hội lớn về thu hút đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới tăng trưởng kinh tế, trở thành mắt xích quan trọng trong ngành công nghệ cao, công nghệ bán dẫn toàn cầu.
2. Kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi
Tiếp tục xu hướng phục hồi, kinh tế - xã hội năm 2023 cơ bản đạt các mục tiêu tổng quát. GDP cả năm tuy chỉ tăng 5,05%, thấp hơn chỉ tiêu đề ra là 6,5%, nhưng là mức khá cao so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Đặc biệt, quy mô GDP ước đạt 435 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 496,3 tỷ USD; xuất siêu gần 26 tỷ USD; đưa nước ta vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc, lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.
3. Quốc hội thông qua Nghị quyết về quy hoạch tổng thể quốc gia
Ngày 9/1/2023, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ sở, căn cứ để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên cả nước.
Quy hoạch tổng thể quốc gia đã đề ra định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội với 6 vùng trên cả nước, bao gồm: Vùng trung du và miền núi phía Bắc; Vùng đồng bằng sông Hồng; Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; Vùng Tây Nguyên; Vùng Đông Nam Bộ; Vùng đồng bằng sông Cửu Long.
4. Luật Đấu thầu 2023 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5
Luật Đấu thầu 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024, sẽ tạo bước chuyển lớn trong lĩnh vực thầu, thúc đẩy hiệu quả thực chất đồng vốn Nhà nước, đồng thời góp sức xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế. Luật Đấu thầu 2023 có một số điểm mới rất nổi bật. Đó là điều chỉnh, bổ sung quy định về phạm vi, đối tượng áp dụng, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư để bảo đảm tính rõ ràng, đồng bộ, thống nhất. Đồng thời, có sửa đổi về quy trình, thủ tục, giảm thời gian đấu thầu, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh áp dụng đấu thầu qua mạng. Đặc biệt, Luật có nhiều quy định mới về đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế, nhằm tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực này.
5. Thí điểm một số chính sách đặc thù phát triển TP.HCM từ ngày 1/8/2023
Ngày 24/6/2023, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM có hiệu lực từ 01/8/2023. Nghị quyết này quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TP.HCM; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của chính quyền TP.HCM và TP. Thủ Đức. Với những cơ chế, chính sách vượt trội, Nghị quyết 98 được đánh giá sẽ tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, đồng thời kiến tạo những động lực mới để TP.HCM phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng với vai trò đầu tàu kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
6. Giải ngân vốn đầu tư công đạt giá trị lớn nhất từ trước đến nay
Giá trị giải ngân vốn đầu tư công của cả nước năm 2023 ước đạt 667,882 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và nỗ lực vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, việc giải ngân nhanh và hiệu quả nguồn vốn đầu tư công đã trở thành động lực quan trọng, đóng vai trò gánh vác và bù đắp tăng trưởng kinh tế cho các động lực khác, tạo đà cho tăng trưởng nhanh và bền vững trong giai đoạn tới.
7. Vốn FDI thực hiện cao nhất trong giai đoạn 2018 - 2023
Tính đến ngày 20/12/2023, vốn thực hiện của các dự án FDI đạt 23,18 tỷ USD, cao nhất trong giai đoạn 2018 - 2023. Điều này khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế, môi trường đầu tư của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động như hiện nay.
8. Áp dụng quy định thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 107/2023/QH15 về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Việc ban hành và thực thi Nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu nhằm xác định về quyền đánh thuế của nước ta và mang lại lợi ích cho đất nước trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế của thế giới, đồng thời, đáp ứng yêu cầu chủ động thay đổi các quy định pháp luật phù hợp với quá trình hội nhập và sự phát triển kinh tế. Dự kiến, khoảng 122 tập đoàn đầu tư nước ngoài sẽ thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết với tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp nộp bổ sung là 14.600 tỷ đồng.
9. Xuất khẩu gạo đóng góp quan trọng cho an ninh lương thực thế giới
Việt Nam xuất khẩu hơn 7,75 triệu tấn gạo trong 11 tháng năm 2023, thu về 4,4 tỷ USD (tăng 36,3% so với cùng kỳ năm 2022) - mức kim ngạch cao nhất kể từ năm 2009. Biến đổi khí hậu, xung đột chính trị cùng các biện pháp cấm vận làm gián đoạn chuỗi cung ứng khiến thị trường gạo toàn cầu ghi nhận mức thiếu hụt lớn nhất trong 20 năm qua. Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn đẩy mạnh xuất khẩu gạo, thể hiện vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng gạo toàn cầu, đồng thời khẳng định cam kết có trách nhiệm trong bảo đảm an ninh lương thực thế giới.
10. Khởi công và đưa vào hoạt động nhiều dự án giao thông trọng điểm
Nhiều dự án trọng điểm được khởi công và đưa vào khai thác như: khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025; các dự án cao tốc trọng điểm như Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Vành đai 3 TP.HCM, Vành đai 4 Thủ đô Hà Nội, nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Long Thành; đưa vào khai thác hơn 600 km đường bộ cao tốc… Các dự án được đưa vào khai thác đã tăng cường kết nối giao thông, đồng thời mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội, kết nối các cực tăng trưởng của cả nước.