Áp lực giải ngân vốn đầu tư công gia tăng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2024 là năm tăng tốc để phấn đấu hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, vốn đầu tư công được giải ngân đạt kế hoạch là một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm nay. Qua nửa đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công đạt 29,39%, thấp hơn cùng kỳ năm trước là điều cần quan tâm để tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy trong nửa cuối năm.
Dự án Vành đai 3 - TP.HCM được giao 21.490,2 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2024, sau nửa đầu năm giải ngân được 10,6% kế hoạch. Ảnh: Lê Tiên
Dự án Vành đai 3 - TP.HCM được giao 21.490,2 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2024, sau nửa đầu năm giải ngân được 10,6% kế hoạch. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều dự án giao thông lớn chậm giải ngân

2 dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương được giao kế hoạch vốn năm 2024 lần lượt là 1.800 tỷ đồng và 1.075 tỷ đồng. Đến 13/6/2024, theo số liệu của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân của cả 2 dự án là 0%.

Dự án Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội được giao kế hoạch vốn năm 2024 là 9.805 tỷ đồng. Theo số liệu của Bộ Tài chính, đến giữa tháng 6/2024 mới giải ngân được 1.228,2 tỷ đồng, đạt 12,5% kế hoạch. Trong đó, nhóm dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư giải ngân đạt 6,9% kế hoạch; Dự án thành phần 3 Xây dựng đường cao tốc (PPP) giải ngân đạt 2,4% kế hoạch.

Tương tự, Dự án Vành đai 3 - TP.HCM với nguồn vốn kế hoạch năm 2024 được giao 21.490,2 tỷ đồng, sau nửa năm chỉ giải ngân được 10,6% kế hoạch. Sự chậm trễ chủ yếu rơi vào nhóm dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư, với tiến độ đạt 7,3% kế hoạch.

Nhiều dự án khác được giao kế hoạch vốn năm 2024 lớn nhưng giải ngân thấp trong 6 tháng qua có thể kể đến: Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (được giao 6.489,1 tỷ đồng, giải ngân đạt 14,2%); Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (được giao 4.917,2 tỷ đồng, giải ngân đạt 24,4%); Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (được giao 1.317,6 tỷ đồng, giải ngân đạt 1,2%)…

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tỷ lệ giải ngân của các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải, dự án giao thông liên vùng do địa phương quản lý còn thấp. Tổng số vốn kế hoạch năm 2024 giao cho các dự án này là 135.929,7 tỷ đồng, chiếm hơn 20% kế hoạch năm 2024 của cả nước. Bên cạnh các dự án có tỷ lệ giải ngân tốt, theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến ngày 13/6/2024, tỷ lệ giải ngân của các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải chỉ đạt 27,4%; dự án giao thông liên vùng do địa phương quản lý chỉ đạt 17,2%.

Dự án Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội đến giữa tháng 6/2024 mới giải ngân được 12,5% kế hoạch. Ảnh: Nhã Chi

Dự án Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội đến giữa tháng 6/2024 mới giải ngân được 12,5% kế hoạch. Ảnh: Nhã Chi

Vốn ngân sách địa phương chậm nhịp

Về bức tranh giải ngân đầu tư công, Bộ KH&ĐT nhận định, trong 6 tháng đầu năm 2024, có 11/44 bộ, cơ quan trung ương và 35/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên mức trung bình của cả nước. Tỷ lệ giải ngân vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội rất cao, đạt 78,23% kế hoạch; đặc biệt, vốn bộ, cơ quan trung ương quản lý có tỷ lệ giải ngân trong 6 tháng đạt 99,58% (riêng Bộ Giao thông vận tải giải ngân đạt 100%). Tỷ lệ giải ngân vốn thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia đạt 35,43%, cao hơn mức trung bình của cả nước (29,39%), cải thiện đáng kể so với nửa đầu năm 2023 (28,23%). Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân chung của cả nước 6 tháng đầu năm 2024 đạt 29,39%, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (30,49%). Trong khi giải ngân vốn ngân sách trung ương có sự cải thiện so với cùng kỳ (đạt 30,51% so với 28,34%), thì giải ngân vốn ngân sách địa phương (NSĐP) lại thấp hơn cùng kỳ (đạt 28,77% so với 32,76%).

Số lượng bộ, cơ quan trung ương, địa phương giải ngân dưới mức trung bình cả nước còn cao, với 33 bộ, cơ quan trung ương và 28 địa phương. Trong đó, một số bộ, địa phương có số vốn kế hoạch năm 2024 chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn kế hoạch năm 2024 của cả nước nhưng giải ngân thấp như: Bộ Công an (được giao 6.068 tỷ đồng, giải ngân đạt 11,05%); TP.HCM (được giao 79.263,776 tỷ đồng, giải ngân đạt 13,88%); Hưng Yên (được giao 19.921,061 tỷ đồng, giải ngân đạt 14,49%); Bắc Ninh (được giao 8.558,869 tỷ đồng, giải ngân đạt 12,58%); Quảng Ngãi (được giao 6.902,869 tỷ đồng, giải ngân đạt 17,1%); Hải Dương (được giao 6.831,695 tỷ đồng, giải ngân đạt 12,54%).

Ngoài những nguyên nhân như tốc độ giải ngân đầu tư công thường chậm đầu năm, tăng tốc cuối năm, ách tắc giải phóng mặt bằng, có một số nguyên nhân khác dẫn đến giải ngân chậm, đặc biệt là NSĐP.

Trong đó, Bộ KH&ĐT chỉ ra khó khăn về nguồn thu NSĐP đảm bảo cho chi đầu tư phát triển. Cụ thể, số kế hoạch đầu tư vốn NSĐP được giao trong năm 2024 là 432.348,9 tỷ đồng, cao hơn khoảng 89 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch năm 2023. Phần lớn số vốn được giao tăng thêm này chỉ có thể giải ngân sau khi có nguồn thu sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết. Tuy nhiên, theo báo cáo của các địa phương, do thị trường bất động sản trầm lắng, kế hoạch tổ chức đấu giá, thu tiền sử dụng đất chưa thể triển khai thực hiện được.

Ngoài ra, theo phản ánh của các địa phương, tình trạng thiếu đất, cát đắp nền ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện và giải ngân nhiều dự án. Nguyên nhân là quy trình, thủ tục cấp phép khai thác đất, cát làm vật liệu san lấp còn dài, khoảng hơn 10 tháng đối với trường hợp đấu giá các mỏ. Quá trình khai thác phát sinh khó khăn, vướng mắc như điểm mỏ được cấp phép có cự ly vận chuyển không phù hợp với chi phí đầu tư của dự án. Một số mỏ đất đến giai đoạn trình thẩm định giá trúng đấu giá thì dừng lại do chủ đầu tư khó khăn về nguồn tài chính, hay một số doanh nghiệp có giá trúng đấu giá cao so với giá khởi điểm không thực hiện các bước tiếp theo để được cấp phép. Giá nguyên, nhiên vật liệu biến động, giá thép xây dựng của một số thương hiệu tăng do nguyên liệu đầu vào tăng cao, giá đá, cát xây dựng tiếp tục tăng do tình trạng khan hiếm cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án…

Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của 5 Tổ công tác của Thủ tướng và 26 Tổ công tác của thành viên Chính phủ; kiên quyết điều chuyển 29,9 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công chưa phân bổ chi tiết; tháo gỡ khó khăn giải ngân vốn ODA; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao. Kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc, tập trung hoàn thành giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm…

Theo Bộ KH&ĐT, nguyên nhân giải ngân chậm còn do công tác tổ chức triển khai thực hiện. Báo cáo Chính phủ, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, nửa cuối năm, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung quyết liệt chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp đã được Chính phủ đưa ra để đẩy nhanh giải ngân, lấy Dự án 500kV mạch 3 làm hình mẫu điển hình về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện. Về đảm bảo nguồn vốn NSĐP chi đầu tư phát triển, các địa phương cần chỉ đạo cơ quan chức năng theo dõi, đánh giá sát tình hình, diễn biến thị trường để đề ra các giải pháp tăng thu ngân sách, đấu giá quyền sử dụng đất để bổ sung nguồn vốn cho đầu tư…

Từ góc độ doanh nghiệp xây dựng, khảo sát từ các doanh nghiệp xây dựng của Tổng cục Thống kê cho thấy, 44,8% doanh nghiệp tham gia khảo sát đề nghị được hỗ trợ về nguyên vật liệu như đảm bảo nguồn cung và bình ổn giá nguyên vật liệu; 27% doanh nghiệp đề nghị được bàn giao mặt bằng đúng tiến độ để đảm bảo thời gian thi công…