Bản tin thời sự sáng 10/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội vào top thành phố du lịch phổ biến nhất với khách quốc tế; giá mua điện mặt trời mái nhà cao nhất 2.231 đồng/kWh; hơn 311.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành trong năm 2023; đề xuất thí điểm quận huyện được cấp phiếu lý lịch tư pháp…

Hà Nội vào top thành phố du lịch phổ biến nhất với khách quốc tế

Nền tảng du lịch Tripadvisor công bố danh sách điểm đến tốt nhất do người dùng bình chọn, trong đó Hà Nội vào top thành phố khách du lịch biết đến nhiều nhất.

Hà Nội có tên trong danh sách 20 thành phố du lịch phổ biến nhất với du khách quốc tế do Tripadvisor bình chọn

Hà Nội có tên trong danh sách 20 thành phố du lịch phổ biến nhất với du khách quốc tế do Tripadvisor bình chọn

Nền tảng đánh giá du lịch nổi tiếng toàn cầu Tripadvisor vừa công bố bảng xếp hạng Travelers' Choice Best of the Best Destinations (Điểm đến tốt nhất do người dùng bình chọn) năm 2023.

Theo đó, thủ đô Hà Nội nằm trong danh sách các thành phố phổ biến nhất với khách du lịch quốc tế, ở vị trí thứ 17.

Khu vực Đông Nam Á cũng ghi nhận hai thành phố khác thuộc top 20 là Bali (Indonesia) ở vị trí thứ 2 và Phuket (Thái Lan) ở vị trí thứ 16. Thủ đô Bangkok của Thái Lan xếp thứ 22.

Hà Nội là “Thủ đô quyến rũ lâu đời” với nhiều kiến trúc cổ được bảo tồn, bên cạnh sự phát triển của xã hội hiện đại - Tripadvisor giới thiệu. Những di tích như lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà tù Hỏa Lò với các hồ nước, công viên, đền chùa đã góp phần làm tăng sức hấp dẫn cho Thủ đô của Việt Nam. Bên cạnh những di tích cổ kính, du khách vẫn có thể dễ dàng khám phá thành phố bằng xe buýt 2 tầng hay taxi, xe máy.

Hơn nữa, danh sách “Điểm đến ẩm thực tốt nhất” cũng có tên Hà Nội với vị trí số 3. Trong khi tại hạng mục “Điểm đến đang trở thành xu hướng”, Hội An (Quảng Nam) xếp thứ 2 và TP.HCM xếp thứ 11.

Tripadvisor Travellers's Choice Awards là giải thưởng thường niên do du khách bình chọn trên nền tảng Tripadvisor. Kết quả của giải thưởng dựa trên số lượng ý kiến, đánh giá từ cộng đồng người dùng trong năm 2023.

Giá mua điện mặt trời mái nhà cao nhất 2.231 đồng/kWh

Giá mua điện từ các hệ thống điện mặt trời mái nhà trong năm 2024 được EVN đưa ra từ 1.999 đồng/kWh đến 2.231 đồng/kWh.

Giá mua điện mặt trời mái nhà cao nhất 2.231 đồng/kWh

Giá mua điện mặt trời mái nhà cao nhất 2.231 đồng/kWh

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có thông báo gửi các đơn vị điện lực về giá mua điện mặt trời năm 2024 từ hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Cụ thể, đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà có thời điểm vận hành phát điện và xác nhận chỉ số công tơ từ ngày 1/6/2017 - 30/6/2019, giá mua điện (chưa gồm thuế VAT) trong năm 2024 sẽ là 2.231 đồng/kWh, tương đương 9,35 UScents/kWh.

Đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà có thời điểm vận hành phát điện và xác nhận chỉ số công tơ trong giai đoạn 1/7/2019 - 31/12/2020, giá mua điện (chưa gồm VAT) trong năm nay là 1.999 đồng/kWh, tương đương 8,38 UScents/kWh.

Mức giá được EVN đưa ra căn cứ vào tỷ giá trung tâm của VND với USD do Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 29/12/2023 áp dụng cho ngày cuối cùng của năm 2023. Trong đó, 1 USD đổi 23.866 đồng, EVN thông báo giá mua điện từ các hệ thống điện mặt trời mái nhà năm 2024 theo từng trường hợp.

Năm ngoái, giá mua điện mặt trời mái nhà là 2.207 đồng/kWh (chưa gồm VAT), tương đương 9,35 UScents/kWh, với hệ thống điện mặt trời mái nhà vận hành phát điện trước ngày 1/7/2019.

Còn đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà có thời điểm vận hành phát điện và xác nhận chỉ số công tơ trong giai đoạn 1/7/2019 - 31/12/2020, giá mua điện trong năm 2023 là 1.978 đồng/kWh (chưa gồm VAT), tương đương 8.38 Uscents/kWh.

Thời hạn của hợp đồng mua bán điện đối với các dự án điện mặt trời là 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại. Hàng năm, căn cứ vào tỷ giá trung tâm của VND so với USD do Ngân hàng Nhà nước công bố vào ngày cuối cùng của năm trước, Bộ Công Thương sẽ ban hành giá mua bán điện mặt trời đối với dự án trên mái nhà cho năm tiếp theo.

Hơn 311.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành trong năm 2023

Trong năm 2023, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được ghi nhận là 311.240 tỷ đồng, trong đó, ngân hàng là nhóm dẫn đầu, theo sau là bất động sản.

Hơn 311.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành trong năm 2023

Hơn 311.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành trong năm 2023

Số liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 12, đã có 55 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị 42.806 tỷ đồng. Các đợt phát hành có lãi suất trung bình 7,06%/năm, kỳ hạn trung bình là 5,97 năm.

Tính cả năm 2023, tổng giá trị phát hành TPDN được ghi nhận là 311.240 tỷ đồng, gồm 29 đợt phát hành ra công chúng trị giá 37,071 tỷ đồng (chiếm 11,9% tổng giá trị phát hành) và 286 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 275,028 tỷ đồng (chiếm 88,1% tổng số).

Ngân hàng là nhóm ngành phát hành nhiều nhất với 176.006 tỷ đồng, (tương đương 56,5% tổng giá trị phát hành), theo sau là nhóm bất động sản với 73.202 tỷ đồng (chiếm 23,5%).

Trong tháng 12, các doanh nghiệp đã mua lại 32.677 tỷ đồng trái phiếu, giảm 50,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 277.065 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Trong đó, 41% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với gần 113.486 tỷ đồng, theo sau là nhóm ngân hàng với gần 54.497 tỷ đồng (chiếm 20%).

Số trái phiếu chậm trả lãi trong tháng đã giảm so với đầu năm, chỉ có 6 mã trái phiếu mới công bố chậm trả lãi/gốc với tổng giá trị 545,7 tỷ đồng trong tháng 12.

Trong tháng cũng có 8 mã trái phiếu được gia hạn với thời gian đáo hạn được kéo dài chủ yếu từ 1 đến 2 năm.

Đáng chú ý, dù kinh tế khó khăn nhưng năm 2023 ghi nhận trái phiếu bất động sản ấm dần trở lại. Lượng vốn huy động qua kênh trái phiếu của các doanh nghiệp địa ốc trong năm 2023 đã tăng 40,8%. Con số này còn thấp so với hai năm cao điểm 2020 - 2021 khi thị trường nhà đất đang tăng trưởng nóng, nhưng vẫn cao hơn khoảng 20% so với giai đoạn trước dịch (năm 2019).

Đề xuất thí điểm quận huyện được cấp phiếu lý lịch tư pháp

Bộ Tư pháp đề xuất thí điểm Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện tại Hà Nội, TP.HCM và Nghệ An được cấp phiếu lý lịch tư pháp trong hai năm.

Người dân xếp hàng tại Sở Tư pháp Hà Nội để chờ xác minh lý lịch tư pháp
Người dân xếp hàng tại Sở Tư pháp Hà Nội để chờ xác minh lý lịch tư pháp

Đề xuất nêu trong hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm phân cấp việc cấp phiếu lý lịch tư pháp vừa được Bộ Tư pháp công bố.

Cơ quan này cho hay Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 quy định cơ quan có thẩm quyền cấp phiếu lý lịch tư pháp bao gồm Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia thuộc Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp cấp tỉnh.

Tuy nhiên, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất của Sở Tư pháp còn hạn chế, việc tiếp nhận số lượng lớn hồ sơ đã gây tình trạng quá tải. "Có thời điểm người dân phải xếp hàng từ rất sớm để nộp hồ sơ yêu cầu cấp phiếu, gây bức xúc trong dư luận", Bộ Tư pháp nêu.

Hà Nội, TP.HCM và Nghệ An là 3 địa phương có số lượng yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp lớn nhất cả nước. Từ năm 2021 - 2023, trung bình mỗi năm Hà Nội cấp hơn 51.000 phiếu, TP.HCM cấp khoảng 96.000 phiếu và Nghệ An cấp 57.000 phiếu. Hiện nay, tổng số đơn vị hành chính cấp huyện tại 3 địa phương là 73, nếu đề xuất được thông qua, người dân tại đây sẽ có thêm 73 địa điểm để đăng ký nhận phiếu lý lịch tư pháp.

Vì vậy, Bộ Tư pháp cho rằng, việc thí điểm phân cấp cho đơn vị hành chính cấp huyện tại 3 địa phương trên là cần thiết, góp phần giảm áp lực, cũng như tạo thuận lợi hơn cho người dân. "Đây là nội dung mới nên Bộ Tư pháp đề xuất thực hiện thí điểm tại một số đơn vị cấp huyện của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương", dự thảo tờ trình nêu.

Sau khi kết thúc thí điểm, Bộ Tư pháp sẽ tổng kết, đánh giá việc thực hiện và báo cáo Chính phủ, Quốc hội. Kết quả thí điểm là cơ sở để nghiên cứu sửa Luật Lý lịch tư pháp.

Hà Nội sẽ tiến hành thí điểm đặt hàng với 9 tuyến xe buýt điện mới

Các tuyến xe buýt hết hạn thầu của Hà Nội trong quý I này sẽ được thí điểm đặt hàng sử dụng xe buýt điện trong khoảng thời gian một năm.

Hà Nội sẽ tiến hành thí điểm đặt hàng với 9 tuyến xe buýt điện mới

Hà Nội sẽ tiến hành thí điểm đặt hàng với 9 tuyến xe buýt điện mới

Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa kiến nghị UBND thành phố Hà Nội cho phép thực hiện thí điểm đặt hàng sử dụng xe buýt điện đối với 9 tuyến buýt hết hạn thầu năm 2024.

Theo đó, trong quý I/2024, 9 tuyến buýt sẽ hết hạn thầu, gồm: Tuyến số 05 lộ trình đi Khu đô thị Linh Đàm - Phú Diễn; tuyến 15 Bến xe Gia Lâm - Phố Ni; tuyến 17 Long Biên - Nội Bài; tuyến 36 Yên Phụ - Khu đô thị Linh Đàm; tuyến 39 Công viên Nghĩa Đô - Tứ Hiệp; tuyến 43 Công viên Thống Nhất - thị trấn Đông Anh; tuyến 54 Long Biên - Bắc Ninh; tuyến 47A Đại học Kinh tế Quốc dân - Kiêu Kỵ (Gia Lâm); tuyến 59 thị trấn Đông Anh - Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Các tuyến buýt trên sẽ được thí điểm đặt hàng sử dụng xe buýt điện trong khoảng thời gian 12 tháng.

Phía Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng nhìn nhận khi chuyển sang phương tiện sử dụng điện, 9 tuyến buýt này sẽ phát sinh số lượng phương tiện 148 xe của 8 tuyến vẫn còn khấu hao (từ 2 - 8 năm), một tuyến hết hạn thầu hết hạn khấu hao nên cần phải xem xét có phương án xử lý để tránh lãng phí, thiệt hại cho doanh nghiệp.

Dự kiến sau khi hoàn thiện xong thủ tục đặt hàng, Sở Giao thông vận tải Hà Nội sẽ triển khai ngay thủ tục lựa chọn đơn vị tư vấn xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá đối với xe buýt điện trung bình và nhỏ để làm cơ sở đấu thầu các tuyến buýt khi hết thời gian thí điểm.

Được biết, theo lộ trình, năm 2025 có khoảng 68 tuyến buýt trên địa bàn Hà Nội sẽ hết hạn thầu và phải đổi chuyển sang buýt điện.

Ông Nguyễn Văn Thạnh được cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội

Ngày 9/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa 15 với ông Nguyễn Văn Thạnh, đoàn An Giang.

Ông Nguyễn Văn Thạnh

Ông Nguyễn Văn Thạnh

Gần 4 tháng trước, ông Thạnh có đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội. Năm 2021, khi đang là Phó Viện trưởng VKSND tỉnh An Giang, ông Thạnh trúng cử đại biểu Quốc hội khóa 15 nhiệm kỳ 2021 - 2026 với tỷ lệ phiếu tán thành 68,82%.

Ông Thạnh quê ở xã Phú Thuận, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Ông từng làm Phó Viện trưởng VKSND huyện Tịnh Biên; Kiểm sát viên trung cấp - Viện trưởng VKSND huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.

Tại Kỳ họp thứ 20 (tháng 9/2022), Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, Ban cán sự đảng của nhiều đơn vị thuộc tỉnh An Giang vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, trong đó có Ban cán sự đảng VKSND. Các đơn vị này không thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để nhiều tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ được giao, nhất là các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Những vi phạm này đã kéo dài nhiều năm nhưng chậm phát hiện, xử lý, gây hậu quả nghiêm trọng. Nhiều cán bộ, đảng viên ở các cơ quan trên bị kỷ luật, xử lý hình sự; gây dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng đến hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, tham nhũng, tiêu cực; ảnh hưởng đến uy tín của các tổ chức đảng và các ngành chức năng. Cơ quan Kiểm tra Trung ương xác định, trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm nêu trên thuộc về các tổ chức đảng và một số lãnh đạo, nguyên lãnh đạo VKSND và các đơn vị liên quan.

Đến Kỳ họp thứ 22 (tháng 11/2022), ông Nguyễn Văn Thạnh là một trong số những cán bộ của tỉnh An Giang bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo. Sau đó, ông xin từ chức Phó viện trưởng, xuống làm cán bộ cấp phòng.

Tạm gỡ quy định dừng tuyển lao động ở 8 địa phương sang Hàn Quốc

Lao động cư trú tại 8 huyện thị, thành thuộc các tỉnh Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh được đăng ký dự thi tiếng Hàn cuối tháng 1 theo Chương trình EPS.

Bên trong phòng làm thủ tục kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Hàn

Bên trong phòng làm thủ tục kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Hàn

Tám huyện thị, thành trên gồm TP. Chí Linh (Hải Dương), huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa (Thanh Hóa), Cẩm Xuyên, Nghi Xuân (Hà Tĩnh) và huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, thị xã Cửa Lò (Nghệ An), theo thông tin từ Trung tâm Lao động ngoài nước.

Vào kỳ thi đầu năm 2023, lao động tại các địa phương trên bị tạm dừng tuyển bởi có trên 70 người cư trú bất hợp pháp tại Hàn, trên 27% lao động hết hạn hợp đồng không về nước. Tuy nhiên, Việt - Hàn cùng thống nhất không áp dụng chính sách này vào kỳ thi năm nay do các địa phương đã giảm được tỷ lệ cư trú bất hợp pháp dưới mức cam kết.

Thời gian đăng ký dự thi ngày 26 - 30/1 và kỳ kiểm tra năng lực tiếng Hàn từ ngày 5/3 - 14/6, áp dụng với lao động cả nước. Song các bên sẽ rà soát kỹ, loại trừ thí sinh có thân nhân là bố mẹ, vợ chồng, con cái hoặc anh chị em ruột đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Kỳ thi dự kiến lấy hơn 15.400 lao động trúng tuyển đi làm việc tại nhiều ngành nghề, cụ thể sản xuất chế tạo hơn 11.200, xây dựng 200, nông nghiệp gần 900 và ngư nghiệp khoảng 3.000 người. Riêng ngành nông, ngư nghiệp lấy lao động là người dân tộc thiểu số, thường trú tại một trong 74 huyện nghèo, 54 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025.

Chương trình EPS có đặc thù là chủ doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ chọn lao động dựa trên hồ sơ được giới thiệu ngẫu nhiên mà không chỉ định, không ai tác động được tới quy trình ký kết hợp đồng…

Thống kê cho thấy 9 tháng của năm 2023, tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tăng trở lại mức 34,5%, trong khi cam kết với nước này là 28%. Hải Dương, Lạng Sơn, Nam Định, Vĩnh Phúc là các địa phương ghi nhận tỷ lệ dao động 33 - 37%.

Lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, hết hạn hợp đồng không về nước khiến đồng hương mất cơ hội xuất cảnh, nhiều huyện thị của địa phương bị liệt vào danh sách tạm ngừng đưa người đi.

Vũng Tàu đề xuất xây 8 hầm đi bộ ở biển Bãi Sau

Tám hầm đi bộ rộng 10 - 15 m băng qua đường Thùy Vân được TP. Vũng Tàu đề xuất để kết nối khu dân cư, khách sạn và công viên biển Bãi Sau - nơi đông du khách.

Đường Thùy Vân chạy dọc biển Bãi Sau, nơi được đề xuất xây 8 hầm đi bộ

Đường Thùy Vân chạy dọc biển Bãi Sau, nơi được đề xuất xây 8 hầm đi bộ

Thông tin được ông Nguyễn Trọng Thụy, Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu cho biết. Việc đầu tư xây dựng các công trình này được UBND Thành phố nêu trong cuộc họp với lãnh đạo tỉnh liên quan Dự án chỉnh trang trục đường Thùy Vân vừa diễn ra.

Trong số các hầm, 5 vị trí xây liền kề khách sạn, nhà hàng để phục vụ người dân, du khách. Những công trình này tăng giá trị cho các doanh nghiệp nên UBND TP. Vũng Tàu đang vận động trợ kinh phí đầu tư. Ba hầm còn lại ở ngã ba các đường Phan Văn Trị; Hoàng Hoa Thám và nút giao khách sạn Sơn Thủy sẽ được xây dựng bằng nguồn ngân sách Thành phố. Dự toán kinh phí đầu tư 8 công trình này chưa được công bố.

Sau nhiều năm cho tư nhân thuê làm nhà hàng và khách sạn, các khu đất hai bên đường Thùy Vân chạy dọc biển Vũng Tàu được chính quyền thu hồi chỉnh trang, trả lại không gian công cộng, bãi tắm cho người dân. Cuối năm 2023, hai bên trục đường Thùy Vân với diện tích gần 78 ha, thuộc các Phường 2, 8 và Thắng Tam, được thông qua quy hoạch.

Với quy hoạch mới, từ đường Thùy Vân ra biển Bãi Sau sẽ làm công viên, quảng trường, phố ẩm thực, khu trình diễn, vui chơi... với tổng kinh phí thực hiện khoảng 1.200 tỷ đồng. Phía trong đường Thùy Vân sẽ là khu vực dịch vụ, thương mại, đất ở và hạ tầng kỹ thuật.

Công an khám xét trụ sở Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà nợ thuế hơn 1.736 tỷ đồng

Nhiều công an, cảnh sát cơ động có mặt tại trụ sở Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà ở Thái Bình, để tiến hành khám xét. Công ty này đang nợ thuế hơn 1.736 tỷ đồng.

Công an khám xét trụ sở Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà

Công an khám xét trụ sở Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà

Thông tin này được một lãnh đạo Công an huyện Thái Thụy (Thái Bình) cho biết chiều 9/1. Theo vị lãnh đạo, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an, đã tiến hành khám xét Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà (Công ty Hải Hà).

Công ty này thành lập ngày 8/9/2003, trụ sở tại số 132, tổ dân phố số 6, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình và do bà Trần Tuyết Mai làm người đại diện.

Trước đó, ngày 24/8/2023, Cục Thuế tỉnh Thái Bình có thông báo gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Trần Tuyết Mai, vì liên quan đến vấn đề nợ thuế.

Công ty Hải Hà do bà Mai làm người đại diện đang nợ thuế hơn 1.736 tỷ đồng thuế (chủ yếu là thuế bảo vệ môi trường mà người tiêu dùng đã đóng vào ngân sách nhà nước thông qua việc mua xăng, dầu của Công ty Hải Hà). Đơn vị này đứng đầu danh sách tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nợ thuế ở tỉnh Thái Bình.

Theo văn bản thông báo, lý do tạm hoãn xuất cảnh với bà Mai do Công ty Hải Hà thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Thời gian tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 30/8/2023 đến khi Công ty Hải Hà hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Trước đó, chiều 4/1, Thanh tra Chính phủ thông báo Kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu.

Thông báo kết luận do Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy ký nêu rõ, đề nghị chuyển hồ sơ sang Bộ Công an xem xét, xử lý theo quy định pháp luật đối với 3 vụ việc.

Một trong ba vụ việc là "Hành vi vi phạm pháp luật trong việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá sai mục đích bình ổn giá tại Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà".