Bản tin thời sự sáng 12/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là cầu Cần Giờ 10.000 tỷ đồng sẽ khởi công tháng 4/2025; doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương tính sót hàng nghìn tỷ đồng khi cổ phần hóa; lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi siêu cảng Trần Đề; giá xăng dầu tăng trở lại, riêng xăng E5 giảm 60 đồng/lít; nhiều trung tâm đăng kiểm dư thừa năng lực từ 32 - 45%...

Cầu Cần Giờ 10.000 tỷ đồng sẽ khởi công tháng 4/2025

Cầu vượt sông Soài Rạp nối huyện Cần Giờ qua Nhà Bè (TP.HCM), tổng vốn 10.000 tỷ đồng dự kiến khởi công tháng 4/2025, phá thế độc đạo của bến phà hiện hữu đã quá tải.

Phương án kiến trúc cầu Cần Giờ

Phương án kiến trúc cầu Cần Giờ

Thông tin được Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM Trần Quang Lâm đưa ra sáng 11/7, tại cuộc họp HĐND Thành phố tại Kỳ họp thứ 10, Khoá X.

Theo Giám đốc Sở GTVT Thành phố, Cần Giờ là địa phương có nhiều lợi thế phát triển giao thông xanh, du lịch, song yêu cầu đặt ra là hạ tầng phải đi trước vì nơi này còn nhiều hạn chế. Trong đó, cầu Cần Giờ là dự án quan trọng với quy mô lớn cần sớm đầu tư.

Ông Lâm cho biết, trước đây, công trình được nghiên cứu với tổng vốn khoảng 10.000 tỷ đồng, đầu tư theo phương thức PPP, hợp đồng BT (đổi đất lấy hạ tầng). Tuy nhiên, hình thức thanh toán bằng đất này đã dừng sau khi Luật PPP có hiệu lực nên Thành phố tính toán đầu tư theo cách khác. Trong đó, các phương án làm cầu đang được tính toán là theo phương thức: BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao); BT (trả chậm bằng tiền), hoặc đầu tư công.

Hiện, chính quyền Thành phố đã giao Sở GTVT làm các thủ tục chuẩn bị đầu tư, cùng với việc cập nhật thêm các nội dung liên quan để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. "Về vấn đề kỹ thuật của Dự án đến nay đã cơ bản xong. Sở đang cùng địa phương rà soát chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, dự kiến trình HĐND Thành phố thông qua chủ trương đầu tư cuối năm nay và khởi công dịp 30/4/2025", ông Lâm nói.

Doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương tính sót hàng nghìn tỷ đồng khi cổ phần hóa

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Công Thương giai đoạn 2011 - 2017 chậm, xác định giá trị chưa chính xác dẫn tới hàng nghìn tỷ đồng chưa tính đủ, theo Thanh tra Chính phủ.

Trụ sở Bộ Công Thương

Trụ sở Bộ Công Thương

Thông tin này được nêu trong kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Công Thương giai đoạn 2011 - 2017.

Giai đoạn này, Bộ Công Thương đã cổ phần hóa, chuyển đổi 13 doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần, tương đương 65% số doanh nghiệp phải cổ phần hóa.

Dẫu vậy, Thanh tra Chính phủ cho rằng, tái cơ cấu của Bộ này vẫn chưa kịp thời, chưa khắc phục được tình trạng một số tập đoàn, tổng công ty hoạt động kém hiệu quả. Một số dự án đầu tư lớn lâm vào tình trạng trì trệ, chậm tiến độ, khó khăn.

Chẳng hạn, tại Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel), việc xác định không đúng tỷ lệ phần trăm chất lượng còn lại của 127 máy móc thiết bị của Thép miền Nam và Thép tấm lá Phú Mỹ, khiến xác định giá trị tài sản của VNSteel thiếu gần 345 tỷ đồng. Tổng công ty này cũng chưa hoàn thành thủ tục nộp ngân sách giá trị hai thửa đất tại Hà Nội, TP.HCM gần 314 tỷ đồng sau khi cổ phần.

Còn Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Thanh tra Chính phủ chỉ ra việc Bộ Công Thương phê duyệt giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa gồm hai khoản đầu tư góp vốn tại Matexim Hà Nội và Disoco không đúng thời điểm đã làm giảm giá trị doanh nghiệp. Việc xác định giá trị doanh nghiệp cũng chưa đối chiếu đầy đủ các khoản công nợ phải thu, phải trả lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Bộ Công Thương cũng chưa xử lý 791.610 m2 nhà đất thuộc sở hữu nhà nước tại Fococev. Việc sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước của doanh nghiệp này ở Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đắk Lắk cũng thực hiện không đúng quy định, dẫn tới nguy cơ thất thoát, lãng phí đất của Nhà nước.

Lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi siêu cảng Trần Đề

Theo quy hoạch, cảng Trần Đề đóng vai trò đảm nhận một phần hàng hóa xuất nhập khẩu trực tiếp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Cảng có năng lực tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu chuyên container tải trọng 100.000 DWT hoặc lớn hơn, tàu hàng rời 160.000 DWT…

Phối cảnh cảng Trần Đề

Phối cảnh cảng Trần Đề

Ngày 11/7, UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND Tỉnh vừa ký Quyết định số 1638 về việc giao Sở GTVT Tỉnh tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng bến cảng Trần Đề, thuộc cảng biển Sóc Trăng.

Theo Quyết định, Sở GTVT có trách nhiệm tổ chức lập báo cáo theo đúng các quy định hiện hành, bảo đảm tiến độ, chất lượng theo yêu cầu đề ra…

Trước đó, UBND tỉnh Sóc Trăng có công văn gửi Bộ GTVT về chủ trương lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng cảng biển Trần Đề.

Theo quy hoạch, cảng Trần Đề đóng vai trò đảm nhận một phần hàng hóa xuất nhập khẩu trực tiếp của vùng ĐBSCL. Cảng có năng lực tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu chuyển container tải trọng 100.000 DWT hoặc lớn hơn, tàu hàng rời 160.000 DWT…

Khu cảng Trần Đề đóng vai trò thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất trong Vùng; đẩy mạnh hoạt động vận chuyển hàng hóa nội địa bằng đường biển; đảm nhận vai trò trung chuyển than cho các trung tâm nhiệt điện khu vực ĐBSCL; thu hút hàng trung chuyển đi Campuchia qua tuyến đường thủy sông Mekong vào Việt Nam.

Bộ GTVT đã có văn bản gửi UBND tỉnh Sóc Trăng trong việc ủng hộ sự cần thiết thực hiện nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư khu bến cảng Trần Đề, làm cơ sở kêu gọi đầu tư theo định hướng quy hoạch cảng biển được duyệt.

Giá xăng dầu tăng trở lại, riêng xăng E5 giảm 60 đồng/lít

Liên bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng giá xăng dầu (trừ xăng E5) trong kỳ điều hành ngày 11/7.

Giá xăng dầu tăng trở lại

Giá xăng dầu tăng trở lại

Trên cơ sở điều hành của Liên bộ, giá xăng dầu tại lần điều chỉnh ngày 11/7 tăng so với kỳ điều hành trước đó. Các doanh nghiệp niêm yết giá xăng RON 95-III ở mức 21.490 đồng/lít, mức tăng là 70 đồng/lít; giá xăng E5 RON 92-II là 20.410 đồng/lít, giảm 60 đồng/lít.

Trong khi đó, giá dầu diesel tăng 450 đồng/lít, giá bán là 18.610 đồng/lít. Giá dầu hỏa tăng 400 đồng/lít, giá bán là 18.320 đồng/lít.

Như vậy, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã bật tăng trở lại sau khi giảm vào kỳ điều hành đầu tháng 7.

Tại kỳ điều chỉnh ngày 3/7, Liên bộ Công Thương - Tài chính quyết định giảm giá xăng RON 95 với mức 590 đồng/lít. Giá xăng E5 RON 92 giảm 400 đồng/lít. Giá dầu diesel giảm 10 đồng/lít và giá dầu hỏa giảm 30 đồng/lít.

Nhiều trung tâm đăng kiểm dư thừa năng lực từ 32 - 45%

Theo Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam, hiện các trung tâm không còn cảnh ùn tắc, một số đơn vị còn dư thừa năng lực kiểm định từ 32 - 45%.

Đăng kiểm xe cơ giới tại Hà Nội

Đăng kiểm xe cơ giới tại Hà Nội

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam cho biết, gần 90% trung tâm đăng kiểm trên cả nước đã hoạt động trở lại sau một thời gian bị đóng cửa.

Từ tháng 3, khi Bộ GTVT ban hành Thông tư 02 quy định miễn kiểm định lần đầu cho xe mới (khoảng 500.000 xe/năm) và giãn chu kỳ kiểm định cho nhiều phương tiện thêm 3 - 6 tháng, hầu hết đơn vị đăng kiểm không còn ùn tắc, người dân cũng không phải xếp hàng chờ đăng kiểm như đầu năm.

Hà Nội hiện có 27 đơn vị đăng kiểm hoạt động với 45 dây chuyền và năng lực thực tế là 2.700 xe mỗi ngày, trong khi số lượng xe vào kiểm định là 1.610, đạt 60% năng lực. TP.HCM hiện có 17 đơn vị hoạt động với 33 dây chuyền và năng lực thực tế là 1.980 xe mỗi ngày, trong khi số lượng xe vào kiểm định là 1.355 xe, đạt 68% năng lực.

Thông tư số 08 tự động gia hạn đăng kiểm cho phép 1,4 triệu ôtô chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải tiếp tục được sử dụng Giấy chứng nhận và Tem kiểm định thêm 6 tháng, chủ phương tiện không phải đưa xe đến kiểm định lại. Quy định này cũng giúp giảm tải cho các đơn vị đăng kiểm.

Cục trưởng Nguyễn Chiến Thắng cho hay, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ rà soát các quy định liên quan đến cơ chế tài chính, giá dịch vụ, lệ phí kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới để đề xuất sửa đổi, bù đắp đủ chi phí hoạt động kiểm định, hạn chế phát sinh tiêu cực trong kiểm định xe cơ giới.

Him Lam không còn là cổ đông lớn tại Công ty CP Phục vụ mặt đất Sài Gòn

Công ty CP Kinh doanh Địa ốc Him Lam vừa bán ra gần 1 triệu cổ phiếu SGN, giảm tỷ lệ sở hữu còn 4,7% tại doanh nghiệp này.

Him Lam vừa bán ra gần 1 triệu cổ phiếu SGN

Him Lam vừa bán ra gần 1 triệu cổ phiếu SGN

Giao dịch này được Him Lam thực hiện chỉ sau hơn một tháng trở thành cổ đông lớn tại Công ty CP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SGN). Hôm 7/7, doanh nghiệp này đã bán 980.000 cổ phiếu SGN với giá trị giao dịch hơn 72,5 tỷ đồng.

Hiện tại, Him Lam còn nắm giữ khoảng 1,57 triệu cổ phiếu SGN, tương ứng tỷ lệ 4,7%. SGN đang chiếm thị phần lớn trong cung cấp dịch vụ logistics tại Tân Sơn Nhất và một số sân bay khác.

Hồi đầu tháng 6, Him Lam mua vào hơn 2,5 triệu cổ phiếu SGN và trở thành cổ đông lớn tại Công ty CP Phục vụ mặt đất Sài Gòn với tỷ lệ sở hữu 7,6%. Động thái này diễn ra trước thềm Bamboo Airways công bố chính thức việc Him Lam là nhà đầu tư mới của hãng hàng không này. Tại phiên họp thường niên tháng trước, lãnh đạo Bamboo Airways cho biết, dưới thời chủ mới, Hãng sẽ xây dựng một hệ sinh thái hàng không, trong đó có công ty dịch vụ mặt đất.

Hải Dương sẽ gắn 77 mã QR giới thiệu thông tin đường, phố mới

Mã QR cung cấp những hình ảnh, thông tin bằng tiếng Anh và tiếng Việt về danh nhân hoặc địa danh được chọn để đặt tên phố, đường.

Mã QR giới thiệu thông tin về đường, phố. Ảnh minh họa.

Mã QR giới thiệu thông tin về đường, phố. Ảnh minh họa.

Dự kiến tháng 8 tới đây, 77 mã QR giới thiệu thông tin về đường, phố mới của TP. Hải Dương được đưa vào sử dụng.

Mã này được gắn cùng với các biển tên đường và phố mới của thành phố theo Quyết định số 47/QĐ-UBND về việc đặt tên đường, phố trên địa bàn TP. Hải Dương, TP. Chí Linh và huyện Thanh Miện, do UBND Tỉnh ban hành tháng 1/2023.

Mã QR cung cấp những thông tin về danh nhân hoặc địa danh được chọn để đặt tên phố, đường phố bao gồm cả hình ảnh danh nhân và ảnh minh họa địa danh được chọn đặt.

Ngoài ra, còn có những thông tin về vị trí điểm đầu, điểm cuối tuyến tiếp giáp với những phố nào; đường dài, rộng bao nhiêu mét… Những thông tin trên đều được thể hiện bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt.

Từ tháng 4/2023, Thành đoàn Hải Dương đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn của thành phố biên soạn, tổng hợp thông tin về đường phố, tuyến phố tích hợp trong mã QR.

Tàu nước ngoài chở 25.500 tấn thép mắc cạn ở Bình Thuận

Tàu Nemrut Bay, quốc tịch Panama, chở 25.500 tấn thép từ Philippines về Vũng Tàu trả hàng, bị mắc cạn ở bãi đá Britto thuộc vùng biển Bình Thuận.

Tàu Nemrut Bay mắc cạn trên vùng biển Bình Thuận, cách cửa La Gi 10 hải lý

Tàu Nemrut Bay mắc cạn trên vùng biển Bình Thuận, cách cửa La Gi 10 hải lý

Theo Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận, tàu Nemrut Bay dài 180 m, rộng 30 m, chở 25.500 tấn thép từ Philippines đi Vũng Tàu để trả hàng, trên tàu có 20 thuyền viên. Khi đang qua vùng biển Bình Thuận hôm 21/6, tàu bị mắc cạn ở bãi cạn Britto, cách cửa biển La Gi khoảng 10 hải lý về phía Ðông Nam.

Ngoài lượng hàng đang chở, nhiên liệu trên tàu còn khoảng 852 tấn dầu (DO và FO). Đoàn thủy thủ kiểm tra thường xuyên, chưa thấy có dấu hiệu nước vào các khoang két.

Chủ tàu đã thuê thợ lặn chuyên nghiệp khảo sát, xác định chất đáy của khu vực tàu cạn từ mũi tàu đến giữa hầm số 5 là cát và san hô, từ giữa hầm số 5 về lái là đá vôi, chân vịt và bánh lái bình thường, phần mũi quả lê bị móp. Sau đó, Công ty CP Dịch vụ biển Tân Cảng (Quân chủng Hải quân) được thuê triển khai công tác cứu hộ.

Công ty CP Dịch vụ biển Tân Cảng thuộc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã cho đội tàu chuyên dụng (gồm 4 tàu lai kéo, một tàu hàng) tiếp cận Nemrut Bay, đồng thời rải phao chống tràn dầu và chuyển hàng khỏi tàu để hạ tải.

Dự kiến, để làm tàu Nemrut Bay nổi lên và đưa tàu thoát cạn, lượng hàng phải chuyển tải khoảng 3.800 tấn và sẽ được vận chuyển tiếp về Vũng Tàu để bàn giao cho các chủ hàng. Dự kiến, công tác cứu hộ sẽ kéo dài 3 - 4 ngày.

Tin cùng chuyên mục