Bản tin thời sự sáng 15/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội vẫn duy trì 22 chốt kiểm soát cửa ngõ; Đà Nẵng mở lại hàng loạt hoạt động từ 16/10; 7 địa phương phía Nam mở lại xe khách liên tỉnh chạy; taxi công nghệ ở Hà Nội hoạt động trở lại từ ngày 14/10; sàn mua bán nợ VAMC hoạt động từ 15/10; Quận 7 đề xuất sử dụng 13 ha đất xây nhà cho công nhân…

Hà Nội vẫn duy trì 22 chốt kiểm soát cửa ngõ

Dù chuyển trạng thái "chung sống với Covid-19", Hà Nội vẫn duy trì 22 chốt kiểm soát dịch ở cửa ngõ, người dân có kết quả test nhanh âm tính mới được qua chốt.

Cảnh sát kiểm tra giấy xét nghiệm tại chốt Pháp Vân - Cầu Giẽ

Cảnh sát kiểm tra giấy xét nghiệm tại chốt Pháp Vân - Cầu Giẽ

Sáng 14/10, chốt kiểm soát dịch Covid-19 cửa ngõ Hà Nội trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ tiếp tục kiểm soát xe vào Thành phố. Những xe có nhận diện luồng xanh đi vào làn do thanh tra giao thông quản lý và được đi thẳng. Xe cá nhân, không có nhận diện luồng xanh, sẽ đi vào làn do cảnh sát giao thông phụ trách. Lái xe phải xuất trình giấy xét nghiệm Covid-19, sau đó vào chốt khai báo y tế.

Việc nới lỏng kiểm soát cũng được thực hiện tương tự tại chốt trên Quốc lộ 1 cầu Phù Đổng, giáp ranh giữa Hà Nội và Bắc Ninh. Các xe cá nhân được cảnh sát giao thông hướng dẫn đỗ tại khu vực tập kết để vào khai báo y tế, những người có giấy xét nghiệm được qua chốt, người không có phải quay đầu.

Sáng 14/10, Phó giám đốc Công an Hà Nội Trần Ngọc Dương cho biết chưa có chỉ đạo mới, nên các chốt vẫn kiểm soát người và phương tiện ra vào thủ đô. Theo đó, người dân muốn vào Thành phố phải có kết quả test nhanh hoặc RT-PCR âm tính trong thời gian quy định, giấy tờ tùy thân và khai báo y tế.

Về việc khai báo, hiện các chốt đều đã quét mã QR bằng camera nên người dân chỉ cần sử dụng các app, lấy mã QR và quét để kiểm tra, khi đầy đủ giấy tờ có thể nhanh chóng qua chốt.

Ngày 13/10, Hà Nội đã ban hành Công điện 21 nới lỏng nhiều hoạt động, dịch vụ, nhưng không đề cập việc tiếp tục duy trì 22 chốt cửa ngõ hay sẽ dỡ bỏ.

Đà Nẵng mở lại hàng loạt hoạt động từ 16/10

Từ 0h ngày 16/10, Đà Nẵng sẽ cho phép mở hầu hết các hoạt động, trừ dịch vụ làm đẹp, massage, karaoke, vũ trường.

Đà Nẵng sẽ mở lại hàng loạt hoạt động từ 0h ngày 16/10

Đà Nẵng sẽ mở lại hàng loạt hoạt động từ 0h ngày 16/10

Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho biết, Thành phố sẽ ban hành văn bản áp dụng một số biện pháp để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch trên địa bàn.

Theo bà Yến, dự kiến từ 0h ngày 16/10, TP. Đà Nẵng sẽ chuyển các hoạt động kinh tế - xã hội theo cấp độ 2, cho mở lại gần như toàn bộ các hoạt động như hàng quán ăn uống được bán phục vụ tại chỗ, kèm điều kiện không được quá 50% công suất; tăng số người hội họp trong một phòng. Các hoạt động phòng tập gym, yoga cũng được mở lại.

Với cấp độ này, Thành phố sẽ vẫn tiếp tục dừng các hoạt động như cơ sở làm đẹp, karaoke, massage, vũ trường, còn lại các hoạt động khác thì được thực hiện nhưng có biện pháp chống dịch...

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP. Đà Nẵng cho biết, hiện nay 56/56 xã, phường trên toàn Thành phố đã trở thành vùng xanh. Địa phương đã đạt tỷ lệ hơn 95% người trên 18 tuổi được tiêm 1 mũi vaccine phòng Covid-19.

7 địa phương phía Nam mở lại xe khách liên tỉnh chạy

TP.HCM, Đồng Nai, Vĩnh Long, Đắk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định và Bình Dương mở lại xe khách liên tỉnh, trong khi nhiều địa phương khác chưa cho phép.

Xe khách chạy tuyến TP.HCM về Đắk Lắk vào Bến xe Miền Đông đón khách

Xe khách chạy tuyến TP.HCM về Đắk Lắk vào Bến xe Miền Đông đón khách

Bộ Giao thông vận tải quyết định thí điểm khôi phục xe khách liên tỉnh trong 7 ngày (từ 13 - 20/10), với tần suất tối thiểu 5% và tối đa 30% số chuyến khai thác trước đó, kèm theo các yêu cầu phòng dịch. Động thái này thực hiện sau vài giờ Thủ tướng yêu cầu chậm nhất 3 ngày ban hành quy định mở lại vận tải hành khách đường bộ, đường sắt trên toàn quốc.

Phần lớn các tỉnh phía Nam cho xe khách liên tỉnh hoạt động đều mở chặng nối TP.HCM - nơi có nhu cầu đi lại nhiều nhất. Sau gần 4 tháng tạm ngưng, ngày 13/10, có 9 chuyến (46 khách) từ Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) đi Đắk Lắk, Đồng Nai, Bình Định, thấp hơn dự kiến ban đầu 13 chuyến.

Ngày 14/10, Bến xe Miền Đông có 28 chuyến đi 3 tỉnh nói trên và thêm chặng đến Bà Rịa - Vũng Tàu sau khi địa phương này cho phép. Ngoài ra, tỉnh Bình Dương vừa đồng ý nối lại xe khách với TP.HCM.

Ngoài tuyến kết nối TP.HCM, Đồng Nai còn cho khai thác các tuyến liên tỉnh với Vĩnh Long. Thời gian thí điểm, Đồng Nai chỉ khai thác 2 chuyến với những tuyến có lưu lượng 15 chuyến mỗi tháng trước đây; 4 chuyến cho các tuyến có lưu lượng 30 chuyến.

Taxi công nghệ ở Hà Nội hoạt động trở lại từ ngày 14/10

Grab, Be vừa thông báo cung cấp trở lại các dịch vụ taxi công nghệ GrabCar và beCar từ ngày 14/10.

Tài xế GrabCar tại Hà Nội xịt khử khuẩn xe

Tài xế GrabCar tại Hà Nội xịt khử khuẩn xe

Grab cho biết, toàn bộ đối tác tài xế tham gia dịch vụ GrabCar tại Hà Nội đều đã được tiêm tối thiểu 1 mũi vaccine phòng Covid-19. Bên cạnh đó, các tài xế cũng được yêu cầu luôn tuân thủ nguyên tắc 5K và đảm bảo thực hiện xét nghiệm (bằng phương pháp PCR hoặc test nhanh) mỗi 7 ngày một lần. Tương tự, Be cũng cam kết các tài xế cũng đã được tiêm phòng vaccine Covid-19.

Trước đó, hai doanh nghiệp này cũng cung cấp trở lại dịch vụ taxi tại TP.HCM, nhưng mỗi xe không được chở 50% sức chứa. Tại Hà Nội, các xe taxi công nghệ không bị giới hạn số khách.

Hãng Grab cũng khuyến khích người dùng tại Hà Nội thanh toán không tiền mặt để giảm thiểu các tiếp xúc vật lý. Sau thời gian bị giới hạn hoạt động từ 9h đến 21h mỗi ngày, Grab cũng thông báo cung cấp các dịch vụ giao đồ ăn, đi chợ hộ, giao hàng hóa 24/7 từ ngày 14/10.

Hiện tại, các hãng taxi truyền thống tại Hà Nội cũng đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, theo quy định của Sở Giao thông vận tải, các hãng không được cung cấp vượt quá 50% số lượng xe được cấp phù hiệu còn hiệu lực và đảm bảo hoạt động đúng số lượng xe đã thông báo với Sở.

Sàn mua bán nợ VAMC hoạt động từ 15/10

Dự kiến ngày 15/10, Sàn giao dịch nợ VAMC sẽ đi vào hoạt động. Đây là điều các tổ chức tín dụng và VAMC trông đợi từ lâu vì sẽ tạo cơ hội khơi thông nợ xấu qua mua đi bán lại.

Sàn mua bán nợ VAMC hoạt động từ 15/10

Sàn mua bán nợ VAMC hoạt động từ 15/10

Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN) Nguyễn Trọng Du cho biết, sàn giao dịch nợ VAMC ra đời với hoạt động trọng tâm là cung cấp các dịch vụ tư vấn, môi giới mua, bán nợ và tài sản của các tổ chức, cá nhân thông qua việc sử dụng các kiến thức chuyên môn để phát hiện vấn đề, đề xuất các giải pháp liên quan đến hoạt động mua, bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và làm trung gian, dàn xếp việc mua bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu giữa các bên.

Việc thành lập sàn giao dịch nợ xuất phát từ thực hiện Đề án cơ cấu lại và nâng cao năng lực của VAMC giai đoạn 2017 - 2020 và hướng tới 2022 đã được phê duyệt của NHNN.

Theo NHNN, tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn hiện nay chiếm khoảng 8% dư nợ, trong đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 2%.

Đại diện VAMC chia sẻ, khi đi vào hoạt động, sàn chỉ giao dịch các khoản nợ, không bao gồm giao dịch tài sản bảo đảm của các khoản nợ. Mảng giao dịch tài sản bảo đảm chỉ dừng ở chức năng tư vấn, môi giới.

Đại diện VAMC từng cho biết, phiên mở hàng của sàn giao dịch nợ sẽ có ít nhất 3.000 tỷ đồng nợ xấu được giao dịch.

Nguồn hàng (nợ xấu) cung cấp cho thị trường được xác định từ 2 nguồn chính. Nguồn đầu tiên là các khoản nợ do VAMC mua theo giá thị trường. Hiện tại, nguồn này ước đạt 3 nghìn tỷ đồng và sẽ được mang lên giao dịch ngay.

Cùng đó là nguồn nợ xấu mua bằng trái phiếu đặc biệt; tuy nhiên, trước khi giao dịch phải có sự thống nhất giữa VAMC với các tổ chức tín dụng về phương thức xử lý nợ. Nếu khoản nợ nào thoả thuận được bằng cách bán nợ cho bên thứ ba thì sẽ được niêm yết trên sàn giao dịch.

Nguồn thứ hai là từ tổ chức tín dụng và AMC tổ chức tín dụng.

Quận 7 đề xuất sử dụng 13 ha đất xây nhà cho công nhân

Chính quyền Quận 7 đề xuất UBND TP.HCM xem xét 7 khu đất công và 1 của doanh nghiệp đang bỏ trống, rộng hơn 13 ha xây nhà lưu trú tạm thời cho công nhân.

Một gia đình công nhân sống trong phòng trọ chật hẹp tại quận Gò Vấp, TP.HCM

Một gia đình công nhân sống trong phòng trọ chật hẹp tại quận Gò Vấp, TP.HCM

Trong 8 khu đất, có 3 khu đất do Thành ủy TP.HCM quản lý: Số 4, Phạm Hữu Lầu (phường Phú Mỹ) diện tích 15.000 m2; Số 9/5, Bùi Văn Ba (phường Tân Thuận Đông) rộng hơn 2.000 m2; khu A Khu đô thị mới Nam thành phố (phường Phú Thuận) gần 21.000 m2.

3 khu đất khác do doanh nghiệp nhà nước quản lý gồm: Khu vườn ươm Cầu Trắng (phường Tân Thuận) rộng 21.000 m2 do Công ty Dịch vụ công ích Quận 7 quản lý phần lớn, phần nhỏ diện tích còn lại bị 2 hộ dân xây dựng trái phép; Khu đất Số 261A Lâm Văn Bền (phường Phú Thuận) có diện tích gần 6.500 m2 cũng do Công ty Dịch vụ công ích Quận 7 quản lý; Khu đất trống tại số 5/7 Nguyễn Văn Qùy (phường Tân Thuận Đông) do Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn quản lý, diện tích gần 30.000 m2.

Khu đất số 11 Đào Trí (phường Tân Thuận) rộng hơn 11.700 m2, hiện trạng đất trống do UBND Quận 7 quản lý. Khu đất duy nhất do doanh nghiệp tư nhân quản lý rộng gần 29.000 m2...

Theo lãnh đạo Quận 7, đề xuất xây nhà giá rẻ cho công nhân là một trong chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất an toàn trong điều kiện phòng chống dịch, giúp lao động địa phương có môi trường sống tốt hơn, giải tỏa những khu nhà trọ chật hẹp, xập xệ. Nhà ở cũng là cách thu hút lao động trở lại làm việc trước tình trạng người dân ồ ạt về quê tránh dịch, khiến địa phương thiếu hụt lao động.

Với đề xuất của Quận 7, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình giao Sở Tài nguyên Môi trường chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu, trình phương án triển khai theo hướng Thành phố sẽ quản lý và tổ chức thực hiện đúng pháp luật, đáp ứng kế hoạch chống dịch và phục hồi kinh tế của Thành phố.

Lở núi, hàng nghìn khối đất đá chắn ngang Quốc lộ 8A

Vạt núi bên Quốc lộ 8A đoạn qua huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) bị lở, đất đá tràn xuống đường khiến giao thông ngưng trệ, lúc 7h ngày 14/10.

Hiện trường vụ sạt lở trên Quốc lộ 8A, đoạn qua xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn

Hiện trường vụ sạt lở trên Quốc lộ 8A, đoạn qua xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn

Vạt núi bị sạt lở nằm ở xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn. Cây cối, đất đá tràn xuống đường ước tính hơn 1.000 m3, lấp kín mặt Quốc lộ 8A rộng 10 m. Hiện, một số khối đất đá còn trơ trọi phía trên, nguy cơ tiếp tục sạt.

Sự cố khiến xe cộ sang Lào và đi về các huyện Vũ Quang, Hương Khê, Đức Thọ hoặc chạy thẳng về Quốc lộ 1A bị ùn ứ hai đầu.

Chi cục trưởng Quản lý đường bộ II.3 (Cục Quản lý đường bộ II) Võ Trường Giang cho biết đã phối hợp với nhiều lực lượng điều máy móc đến giải phóng mặt đường, cắm biển cảnh báo ở hai đầu để phân luồng giao thông.

Nhà chức trách nhận định, ảnh hưởng hoàn lưu trước bão và không khí lạnh, huyện Hương Sơn những ngày qua xảy ra mưa lớn khiến đất đá liên kết kém. Đoạn đường này địa chất yếu, dễ sạt lở.

Buýt Hà Nội mở lại 118 tuyến, tần suất chạy hơn 5.350 lượt xe/ngày

Sau thời gian tạm dừng hoạt động, xe buýt Hà Nội đã được mở lại tất cả các tuyến từ 6 giờ sáng ngày 14/10 với tần suất hơn 5.300 lượt xe.

Xe buýt Hà Nội đã chính thức lăn bánh trở lại từ ngày 14/10

Xe buýt Hà Nội đã chính thức lăn bánh trở lại từ ngày 14/10

Thực hiện các văn bản của cơ quan quản lý Nhà nước, bắt đầu từ 6 giờ sáng ngày 14/10, các xe buýt của Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đã chính thức bắt đầu hoạt động trở lại.

Cụ thể, Transerco đã mở 118 tuyến buýt, thời gian phục vụ trong ngày 14/10 từ 6 giờ đến 21 giờ, từ ngày 15/10 trở đi hoạt động từ 5 giờ 30 đến 21 giờ. Tần suất phục vụ 50% biểu đồ chạy xe (50% số lượt theo từng tuyến, tương đương khoảng 5.351 lượt xe/ngày), giãn cách chạy xe từ 10 - 30 phút/lượt (tùy theo từng tuyến).

Đối với 3 tuyến kết nối các tỉnh lân cận như Bắc Ninh (tuyến số 10, 54), Hưng Yên (tuyến số 40), Vĩnh Phúc (tuyến số 95), Transerco tổ chức điều chỉnh tạm thời chỉ hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Các xe hoạt động đảm bảo các điều kiện, tiêu chí phòng chống dịch: Khử khuẩn và vệ sinh phương tiện, trên xe có trang bị nước khử khuẩn, mã QR khai báo y tế điện tử cho hành khách, sổ thông tin hành khách đi xe … Mỗi xe không được chở quá 50 % số chỗ, có bố trí vị trí ngồi giãn cách trên xe.