Bản tin thời sự sáng 15/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là cầu Nhơn Trạch - cầu lớn nhất Vành đai 3 TP.HCM vượt tiến độ 4 tháng; nghiên cứu gói tín dụng mới trị giá 30.000 tỷ đồng cho nhà xã hội; TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng 2025 tối thiểu 8%; hợp long cầu bắc qua sông Gianh tuyến cao tốc Bắc - Nam…

Cầu Nhơn Trạch - cầu lớn nhất Vành đai 3 TP.HCM vượt tiến độ 4 tháng

Cầu Nhơn Trạch thuộc tuyến Vành đai 3 nối TP.HCM - Đồng Nai thi công vượt tiến độ hoàn thành 4 tháng, dự kiến hợp long nhịp đầu tiên vào tháng 9.

Cầu Nhơn Trạch bắc qua sông Đồng Nai trên tuyến Vành đai 3 TP.HCM

Cầu Nhơn Trạch bắc qua sông Đồng Nai trên tuyến Vành đai 3 TP.HCM

Thông tin được ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư thuộc Bộ Giao thông Vận tải) cho biết ngày 14/8.

Cầu Nhơn Trạch bắc qua sông Đồng Nai dài hơn 2 km, rộng 19,5 m, là hạng mục chính của Dự án thành phần 1A của Vành đai 3 TP.HCM. Gói thầu còn lại của Dự án xây dựng đường dẫn ở 2 đầu cầu với tổng chiều dài khoảng 5,6 km. Trong khi nhiều công trình giao thông ở khu vực chậm tiến độ do thiếu kinh phí, nguyên vật liệu, Dự án vượt tiến độ được xem là điểm sáng.

Ông Thi cho biết, sau gần 2 năm thi công, cầu Nhơn Trạch hiện đạt khoảng 80% khối lượng, mục tiêu hoàn thành dịp lễ 30/4 năm sau, sớm hơn 4 tháng so với hợp đồng ký với nhà thầu Kumho E&C (Hàn Quốc). Trong tháng 9 tới, nhịp cầu đầu tiên trên tuyến sẽ hợp long trước khi nối thông các nhịp còn lại vào đầu năm 2025. Các hạng mục còn lại sẽ hoàn thiện để thông xe vào dịp lễ.

Riêng đối với hạng mục đường dẫn ở hai đầu, Chủ đầu tư cho biết, việc triển khai thời gian trước gặp nhiều vướng mắc liên quan tới giải phóng mặt bằng, thiếu cát đắp. Những khó khăn này đến nay đã cơ bản được giải quyết, tiến độ đạt khoảng 37%. "Kế hoạch thi công đường dẫn cũng đang được rút ngắn để hoàn thành đồng bộ với hạng mục cầu Nhơn Trạch", ông Thi nói.

Dự án thành phần 1A kết nối tỉnh lộ 25B (Đồng Nai) đến cao tốc Long Thành - Dầu Giây (TP.HCM). Giai đoạn một, tuyến có chiều rộng 20 - 26 m, vận tốc thiết kế 80 km/h, kinh phí đầu tư hơn 6.900 tỷ đồng từ vốn vay ODA Hàn Quốc và nguồn đối ứng của Việt Nam.

Do được duyệt đầu tư trước so với các phân đoạn còn lại của Vành đai 3 TP.HCM, tuyến 1A đang có quy mô, vận tốc nhỏ hơn. Vì vậy, song song quá trình thi công hiện nay, Bộ Giao thông vận tải mới đây kiến nghị Chính phủ cho điều chỉnh Dự án, bổ sung thêm nhiều hạng mục, như: xây thêm một bên cầu Nhơn Trạch, hệ thống giao thông thông minh (ITS), thu phí không dừng (ETC)... Tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh lên gần 9.270 tỷ đồng, đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định để làm cơ sở trình cấp thẩm quyền xem xét.

Nghiên cứu gói tín dụng mới trị giá 30.000 tỷ đồng cho nhà xã hội

Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Xây dựng nghiên cứu gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nguồn từ phát hành trái phiếu chính phủ và ngân sách địa phương ủy thác.

Một khu nhà ở xã hội ở phường Định Hòa, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương

Một khu nhà ở xã hội ở phường Định Hòa, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương

Ngày 14/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách xã hội.

Thủ tướng yêu cầu, các địa phương ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội, nhất là nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm và cho vay nhà ở xã hội. Trong đó, công tác phát triển nhà xã hội được Thủ tướng nhấn mạnh là một trong 6 định hướng lớn trong thời gian tới.

Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì nghiên cứu, xây dựng gói tín dụng mới trị giá 30.000 tỷ đồng dành cho phân khúc này, giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện. Gói tín dụng mới dành cho các đối tượng vay mua, thuê, thuê mua, xây dựng hoặc cải tạo sữa chữa nhà ở để thực hiện chính sách xã hội. Trong đó, 15.000 tỷ đồng lấy từ nguồn phát hành trái phiếu chính phủ, còn lại từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác.

Như vậy, nguồn vốn của gói 30.000 tỷ đồng sẽ lấy từ ngân sách nhà nước, khác với gói 120.000 tỷ đồng đang triển khai lấy từ các ngân hàng thương mại.

Tháng 6/2013, gói tín dụng cho vay hỗ trợ nhà ở trị giá 30.000 tỷ đồng từng được tung ra, lấy từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước. Lãi suất cho vay của gói này tối đa 5% một năm, thời hạn 15 năm với khách hàng cá nhân.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, sau hơn một năm triển khai, kết quả giải ngân gói 120.000 tỷ đồng vẫn rất thấp. Gói này mới giải ngân được hơn 1%, tức khoảng 1.234 tỷ đồng. Trong số này khoảng 1.202 tỷ cho chủ đầu tư tại 12 dự án, còn lại là người mua nhà. Ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, hiện có thêm TPBank, VPBank tham gia gói này, với số tiền 5.000 tỷ đồng mỗi ngân hàng.

TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng 2025 tối thiểu 8%

UBND TP.HCM đặt mục tiêu GRDP 2025 tăng 8 - 8,5%, với kinh tế số chiếm một phần tư nền kinh tế địa phương.

Trung tâm TP.HCM khu vực chợ Bến Thành

Trung tâm TP.HCM khu vực chợ Bến Thành

Đây là 2 trong 6 mục tiêu chính trong "Chỉ thị về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thành phố đến năm 2025" vừa được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi ký.

Nếu đạt được tăng trưởng GRDP 8 - 8,5%, 2025 sẽ là năm tăng trưởng cao thứ 2 trong 5 năm gần đây của TP.HCM, sau năm 2022 tăng trưởng 9,03% khi mức nền so sánh năm 2021 thấp vì kinh tế đi lùi bởi Covid-19.

Để đạt được mục tiêu, TP.HCM vạch ra 7 nhóm giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, với trụ cột đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện giải pháp huy động vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 422.000 tỷ đồng vào năm sau.

Quy mô này tăng gần 14% so với kết quả đạt được vào 2023, ở mức trên 370.600 tỷ đồng. Nửa đầu năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của TP.HCM đạt trên 148.300 tỷ đồng, tăng 2,6% so với cùng kỳ.

Việc thúc đẩy tổng vốn đầu tư toàn xã hội sẽ triển khai đồng bộ từ tăng tốc giải ngân đầu tư công, thu hút đầu tư nước ngoài và tư nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

Ở trụ cột tiêu dùng, UBND TP.HCM yêu cầu thực hiện chi tiêu công hiệu quả, tiếp tục kích cầu mua sắm và bình ổn thị trường. Một số giải pháp khác như thúc đẩy hợp tác (liên kết vùng và quốc tế), xuất khẩu, tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, mở rộng quỹ đất phát triển sản xuất và dịch vụ.

Với lĩnh vực kinh tế số và kinh tế xanh, nhiều nhiệm vụ được giao cho các sở, ngành liên quan. Trong đó, Ban quản lý các Khu công nghiệp và khu chế xuất, Khu công nghệ cao thúc đẩy khởi công các dự án đã được cấp chủ trương đầu tư, tập trung vào các lĩnh vực hạ tầng số, trung tâm dữ liệu, logistic, công nghệ số kết hợp nghiên cứu và phát triển.

Năm 2024, TP.HCM đang đặt mục tiêu tăng trưởng 7,5%. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đây cũng là một con số phải nỗ lực lớn vì GRDP quý I và II chỉ đạt lần lượt 6,54% và 6,31%. Điều này đồng nghĩa, trung bình mỗi quý còn lại nửa cuối năm, TP.HCM phải tăng trưởng trên 8,5%.

Hợp long cầu bắc qua sông Gianh tuyến cao tốc Bắc - Nam

Cầu sông Gianh bắc từ xã Quảng Thanh (huyện Quảng Trạch) qua xã Quảng Hải và Quảng Lộc (thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) vừa được hợp long ngày 14/8.

Cầu sông Gianh được hợp long vào chiều 14/8

Cầu sông Gianh được hợp long vào chiều 14/8

Chiều 14/8, ông Trần Hải Đăng, Chỉ huy trưởng Gói thầu XL-02 thuộc Dự án thành phần đoạn Vũng Áng - Bùng thông tin, cầu sông Gianh, thuộc Gói thầu XL-02, Dự án thành phần đoạn Vũng Áng - Bùng, thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình, vừa được hợp long nhịp cầu vào 15h chiều cùng ngày.

Đây là cây cầu đường bộ dài nhất thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam trên toàn dự án qua tỉnh Quảng Bình, tiến độ thi công đã đạt 90%.

Cầu sông Gianh (bắc qua sông Gianh từ xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch qua xã Quảng Hải và Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) có chiều dài 2,8 km, thiết kế rộng 17,5 m với 4 làn xe. Tuyến đường trên cầu có dải phân cách cứng ở giữa, vận tốc thiết kế 80 km/h và có mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.

Trong quá trình xây dựng, đơn vị thi công đóng hơn 100 trụ cầu, trong đó có hơn 50% số trụ cầu ở các vị trí có hang karst dưới lòng sông nằm xếp tầng lên nhau.

Đơn vị thi công đã bơm bê tông vào hang, tạo vách vĩnh cửu, bơm vữa, dùng công nghệ máy khoan dàn cứng, khoan đột xuống các đáy hang động sâu, nên đơn vị thi công đã khắc phục được lỗ khoan trong các hang karst trên sông Gianh.

Hiện tại, cầu qua sông Gianh đã hoàn thành 100% như cọc khoan nhồi, kết cấu phần dưới, dầm bản 24 m, dầm super T.

Giá vé máy bay trong nước dịp lễ Quốc khánh 2/9 tăng 10 - 20%

Giá vé máy bay đến các điểm du lịch trong nước dịp lễ Quốc khánh 2/9 tăng 10 - 20% so với nửa đầu tháng 8 nhưng thấp hơn cao điểm hè.

Đoàn khách tại sân bay Nội Bài

Đoàn khách tại sân bay Nội Bài

Dữ liệu phòng vé của Công ty CP Truyền thông Du Lịch Việt cho thấy, giá vé máy bay khứ hồi từ Hà Nội, TP.HCM đi các điểm du lịch lớn trong nước dịp lễ 2/9 tăng khoảng 10 - 20% so với giai đoạn thấp điểm của du lịch nội địa, tính từ giữa tháng 8, tùy thời gian đặt, giờ bay, hãng bay.

Chiều 13/8, giá vé máy bay trong nước bắt đầu tăng nhẹ từ 29/8 và giảm dần sau 2/9, khi kỳ nghỉ kết thúc.

Chặng Hà Nội - Đà Nẵng giai đoạn 29/8 - 1/9 có giá vé không tăng so với một tuần trước. Giá vé giờ xấu (bay sáng sớm hoặc tối muộn) đều khoảng 3 triệu đồng. Giá khung giờ tốt giai đoạn nghỉ lễ khoảng 3,8 triệu đồng - tương đương một tuần trước đó.

Chặng Hà Nội đi Nha Trang cùng giai đoạn có giá rẻ nhất khoảng 3,8 triệu đồng - cao hơn 300.000 đồng so với giá rẻ nhất một tuần trước với giờ bay xấu (đi chiều, về sáng).

Chặng Hà Nội - Phú Quốc khứ hồi ngày 29/8 - 1/9 có giá khoảng 4,5 triệu đồng với giờ bay đẹp; giờ bay xấu (đi sớm, về sớm) khoảng 3 triệu đồng. Một tuần trước, giá vé chặng này cả giờ đẹp lẫn giờ xấu tương đương giai đoạn nghỉ lễ 2/9.

Trong khi đó, chặng TP.HCM đi Hà Nội giai đoạn 29/8 - 1/9 có giá khoảng 3,2 triệu đồng với giờ bay xấu (bay sớm, về sớm); giờ bay đẹp có giá khoảng 3,8 triệu đồng. So với một tuần trước, giờ bay xấu có giá tương đương, giờ bay đẹp cao hơn khoảng 200.000 đồng.

Giá vé máy bay giai đoạn 2/9 thấp hơn so với cao điểm du lịch hè. Hồi đầu tháng 7, nhiều khách hàng phàn nàn mua vé máy bay trong nước với giá quá cao.

134 sổ tiết kiệm trị giá hơn 1.117 tỷ đồng bị tạm giữ trong vụ Xuyên Việt Oil

Cơ quan điều tra Bộ Công an đã tạm giữ 134 sổ tiết kiệm trị giá hơn 1.117 tỷ đồng, 17 sổ đỏ và nhiều tài sản giá trị khác trong vụ án xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil.

134 sổ tiết kiệm trị giá hơn 1.117 tỷ đồng bị tạm giữ trong vụ Xuyên Việt Oil

134 sổ tiết kiệm trị giá hơn 1.117 tỷ đồng bị tạm giữ trong vụ Xuyên Việt Oil

Thông tin trên được Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông cho biết trong chiều 14/8 tại cuộc họp báo về kết quả Phiên họp thứ 26 Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Sau gần một năm điều tra vụ án liên quan Xuyên Việt Oil, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố 14 bị can về 5 tội. Trong số này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị điều tra tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi; cựu Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải và cựu Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Lê Duy Minh đối mặt cáo buộc Nhận hối lộ.

Với vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn, hiện nhà chức trách đã khởi tố 23 bị can. Trong đó có 1 cựu Bí thư Tỉnh ủy, 1 cựu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, 2 Chủ tịch tỉnh và 1 cựu Chủ tịch tỉnh. Cơ quan điều tra đã tạm giữ hơn 315 tỷ đồng, 1,97 triệu USD, 534 cây vàng và 1.444 sổ đỏ của các bị can.

Trong 8 bị can của vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Thuận An có 1 cựu Bí thư Tỉnh ủy và 1 cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Các bị can đã thừa nhận hành vi và tự nguyện khắc phục 62 tỷ đồng, 40.000 USD, ông Nguyễn Hữu Đông cho biết.

6 tháng qua, qua các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, nhà chức trách đã thu hồi gần 7.750 tỷ đồng (tăng 5.650 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023).

Điểm mới nổi bật trong thời gian vừa qua là khởi tố ban đầu về các hành vi phạm tội kinh tế (như trốn thuế, vi phạm đấu thầu...) nhưng cơ quan điều tra sau đó đã kiên quyết điều tra làm rõ bản chất và khởi tố tiếp các hành vi phạm tội về tham nhũng.

Đến hết năm, các cơ quan có thẩm quyền phấn đấu kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 30 vụ án; kết thúc xác minh, giải quyết 6 vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Các cơ quan chức năng sẽ tập trung điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc liên quan Công ty AIC, Xuyên Việt Oil, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Thuận An, Phúc Sơn, Vạn Thịnh Phát, dự án Sài Gòn - Đại Ninh (tỉnh Lâm Đồng).

Bình Dương dỡ bỏ vòng xoay ở đường huyết mạch do ôtô thường bị lật

Vòng xoay Định Hòa trên đường huyết mạch Mỹ Phước - Tân Vạn thường xảy ra lật xe sẽ được đập bỏ, thay bằng đèn tín hiệu kết hợp tiểu đảo.

Xe container bị lật

Xe container bị lật

Đại diện Sở Giao thông vận tải Bình Dương cho biết đang phối hợp Tổng công ty Becamex IDC (chủ đầu tư) lên phương án đảm bảo an toàn giao thông trên đường Mỹ Phước - Tân Vạn, trong đó tập trung điều chỉnh, cải tạo đoạn qua vòng xoay Định Hòa, TP Thủ Dầu Một.

Theo cơ quan chức năng, vòng xoay nói trên là nơi giao nhau đường Mỹ Phước - Tân Vạn và đường Võ Văn Kiệt, rộng 6 - 10 làn, lượng xe đông. Ôtô vào vòng xoay thường đi nhanh khi gặp xe cắt ngang tài xế không kịp chuyển hướng nên xảy ra nhiều tai nạn. Gần nhất hôm 12/8, xe container trong khi ôm cua ở khu vực này bị mất thăng bằng, chao đảo rồi lật nhào xuống đường.

Theo lãnh đạo Phòng CSGT Bình Dương, một trong những nguyên nhân gây tai nạn ở nút giao này là vòng xoay quá rộng. Thiết kế mặt đường quanh vòng xoay ở bên trong cao, bên ngoài thấp, khi xe chở hàng nặng đi vào vòng xoay sẽ tạo ra độ nghiêng dễ bị lật.

Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn cấp 39.000 chứng chỉ trái quy định

Bộ Công an xác định, Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn (trụ sở tại Biên Hòa, Đồng Nai) đã cấp chứng chỉ nghề sơ cấp cho hơn 39.000 học viên trái quy định.

Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn

Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn

Ngày 14/8, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) cho biết, đang điều tra vụ án Giả mạo trong công tác, Đưa hối lộ và Nhận hối lộ, xảy ra tại Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn và một số đơn vị, địa phương liên quan.

Kết quả điều tra xác định, từ tháng 1/2020 - 4/2023, trung tâm này đã lập 935 hồ sơ đăng ký đào tạo lái xe và được Sở Giao thông vận tải Đồng Nai xác nhận việc đào tạo đối với 63.458 học viên. Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn dạy lý thuyết, thực hành không đúng quy định; giao cho cá nhân ngoài xã hội không có chức năng tự đào tạo lái xe và hợp thức hóa hồ sơ của học viên. Sau đó, Trung tâm cấp chứng chỉ nghề sơ cấp cho 39.021 học viên trái quy định.

C03 xác định, 63.458 học viên của Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn là "người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan" trong vụ án. Vì vậy, để phục vụ điều tra và đảm bảo quyền lợi của người học lái xe, C03 đề nghị toàn bộ người học lái ôtô hạng B1, B2 và C từ tháng 1/2020 - 4/2023 tại trung tâm này liên hệ làm việc tại trụ sở Bộ Công an (47 Phạm Văn Đồng, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội) để phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu và giải quyết quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Thông báo của C03 cũng cho rằng, nếu người học lái xe không liên hệ làm việc, hoặc có đơn đề nghị giải quyết quyền lợi trước thời điểm kết thúc điều tra vụ án, cơ quan điều tra sẽ căn cứ tài liệu thu thập tại Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn và Sở Giao thông vận tải Đồng Nai để xử lý theo quy định.

Trước đó, tháng 4/2023, C03 đã bắt ông Hồ Đình Thái Hòa, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn, về tội Giả mạo trong công tác. 8 tháng sau, ông Hòa bị khởi tố thêm tội Nhận hối lộ, với cáo buộc nhận tiền để bỏ qua sai phạm trong sát hạch lái xe.

C03 xác định các bị can đã có hành vi đưa, nhận tiền để bỏ qua sai phạm trong quá trình đào tạo, sát hạch lái xe xảy ra tại Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn.