Bản tin thời sự sáng 16/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là chính thức đề xuất tăng thời hạn miễn thị thực từ 15 ngày lên 30 ngày; bản đồ tỉnh Thanh Hóa thời vua Tự Đức được đấu giá; khởi tố vụ nhận hối lộ tại Trung tâm Đăng kiểm Bách Việt (Phú Yên); Vietnam Airlines Group cung ứng 20 triệu ghế dịp hè; đề xuất có Phố đêm Chợ Lớn ở TP.HCM…

Chính thức đề xuất tăng thời hạn miễn thị thực từ 15 ngày lên 30 ngày

Bộ Công an đề xuất tăng thời hạn đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 30 ngày.

Nếu dự luật được Quốc hội thông qua thì thời gian lưu trú của khách quốc tế ở Việt Nam sẽ kéo dài hơn hiện nay

Nếu dự luật được Quốc hội thông qua thì thời gian lưu trú của khách quốc tế ở Việt Nam sẽ kéo dài hơn hiện nay

Để thu hút khách quốc tế vào Việt Nam, Bộ Công an đang lấy ý kiến các bộ, ngành dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014.

Theo đó, Bộ đề xuất sửa đổi quy định về thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần theo đề nghị của người nước ngoài, nhằm tạo điều kiện cho người nước ngoài có nhu cầu vào Việt Nam đến ba tháng. Các trường hợp có nhu cầu tiếp tục ở lại trên ba tháng được xem xét giải quyết theo quy định của luật hiện hành.

Cơ quan soạn thảo cũng đề xuất quy định về thời hạn đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 30 ngày. Mục đích là góp phần thu hút nhiều hơn nữa người nước ngoài là công dân các nước được đơn phương miễn thị thực nhập cảnh Việt Nam, tạo thuận lợi cho họ có nhiều lựa chọn.

Dự luật cũng giao Chính phủ quyết định danh sách các nước, vùng lãnh thổ có công dân được cấp thị thực điện tử trên cơ sở không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.

Bản đồ tỉnh Thanh Hóa thời vua Tự Đức được đấu giá

Bản đồ tỉnh Thanh Hóa thời vua Tự Đức, do lính Pháp tại Đông Dương mua thập niên 1940, được đấu giá ở Paris (Pháp).

Bản đồ tỉnh Thanh Hóa, được đấu giá ở Paris

Bản đồ tỉnh Thanh Hóa, được đấu giá ở Paris

Hiện vật nằm trong lô 51, phiên Arts D'asie của Aguttes, được bán với giá 3,6 nghìn euro (gần 100 triệu đồng) hôm 9/3. Bản đồ giấy kích thước 198x90 cm, ra đời năm Tự Đức thứ 31 (1878), thể hiện tỉnh Thanh Hóa và tuyến đường giao thông đến các nơi khác, có kèm chú thích bằng chữ Hán.

Khu vực trung tâm thể hiện bằng hình ngôi sao được cho là làng Gia Miêu, xưa thuộc tổng Thượng Bạn, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, trấn Thanh Hoa, nay thuộc xã Hà Long, huyện Hà Trung, cách TP. Thanh Hóa hơn 40 km về hướng Bắc. Gia Miêu từng được các nhà sử học đánh giá là "kinh thành Huế thu nhỏ" ở xứ Thanh. Tại đây có miếu Triệu Tường được vua Gia Long cho xây dựng năm 1803 nhằm tưởng nhớ nơi phát tích vương triều Nguyễn.

Theo nhà đấu giá, hiện vật xuất hiện vết ố, rách nhẹ, hao mòn theo thời gian. Bản đồ được một người lính đóng quân ở Đông Dương mua lại vào những năm 1940, sau đó cất giữ trong gia đình cho đến nay.

Danh xưng Thanh Hóa được các nhà khoa học xác định có từ năm 1029, căn cứ theo sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn. Đây cũng là mốc đánh dấu việc Thanh Hóa trở thành một đơn vị hành chính trực thuộc trung ương. Sau đó, tên gọi được thay đổi nhiều lần.

Theo Địa chí Thanh Hóa, thời vua Gia Long gọi là Thanh Hoa trấn. Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), cả nước được chia thành 30 tỉnh, trong đó Thanh Hoa trấn được đổi là tỉnh Thanh Hoa. Năm Thiệu Trị thứ ba (1843), vua cho đổi thành tỉnh Thanh Hóa. Đến thời Tự Đức (1848-1883) các địa danh, vị trí các phủ, huyện đã tương đối ổn định. Tư liệu từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1, năm Gia Long thứ 18 (1819), số dân đinh của tỉnh là 33.230 người.

Khởi tố vụ nhận hối lộ tại Trung tâm Đăng kiểm Bách Việt (Phú Yên)

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên đã khởi tố vụ án hình sự nhận hối lộ xảy ra tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Bách Việt.

Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Bách Việt (78-02D), huyện Sơn Hòa

Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Bách Việt (78-02D), huyện Sơn Hòa

Tối 15/3, Đại tá Võ Duy Tuấn, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên cho biết đã khởi tố vụ án hình sự nhận hối lộ xảy ra tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Bách Việt (78-02D) tại xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa, thuộc Công ty TNHH Đăng kiểm Bách Việt.

Trước đó, vào sáng cùng ngày, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên đã thi hành lệnh khám xét khẩn cấp tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Bách Việt.

Qua khám xét, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên đã phát hiện, tạm giữ 19 thùng đồ vật, tài liệu liên quan. Bước đầu xác minh, từ năm 2020 - 2022, cán bộ Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Bách Việt đã nhận hối lộ của các chủ xe cơ giới hàng trăm triệu đồng trong quá trình tiếp nhận xe đến đăng kiểm.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên cũng đã triệu tập các đối tượng liên quan để tiếp tục đấu tranh mở rộng vụ án.

Được biết, tại Phú Yên có 3 trung tâm đăng kiểm phương tiện xe cơ giới đường bộ, gồm: 78-01S thuộc Sở GTVT tỉnh Phú Yên và hai trung tâm do doanh nghiệp tư nhân quản lý là 78-02D và 78-03D. Thống kê năm 2022, các trung tâm đăng kiểm đã kiểm định 34.046 lượt xe. Trong đó, số phương tiện đạt yêu cầu là 30.725 xe.

Vietnam Airlines Group cung ứng 20 triệu ghế dịp hè

Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco sẽ cung ứng 14 triệu ghế cho đường bay nội địa, số còn lại là quốc tế, từ tháng 4 đến tháng 10. Đại diện doanh nghiệp cho biết, con số này tăng gần 25% so với cùng kỳ 2022.

Đội tàu bay của Vietnam Airlines Group tại sân bay Tân Sơn Nhất

Đội tàu bay của Vietnam Airlines Group tại sân bay Tân Sơn Nhất

Với thị trường nội địa, hãng chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực tối đa cho dịp cao điểm nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và mùa hè. Doanh nghiệp khai thác đường bay kết nối 3 thành phố lớn Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM tập trung vào các khung giờ tròn. Mỗi ngày, dự kiến có gần 30 chuyến bay khứ hồi giữa Hà Nội - TP.HCM và 35 chuyến bay khứ hồi giữa Hà Nội, TP.HCM - Đà Nẵng. Tần suất chuyến bay có thể tiếp tục tăng lên trong các dịp nghỉ lễ và cao điểm hè.

Với thị trường quốc tế, hãng sẽ mở lại, mở mới và tăng tần suất một loạt đường bay, khôi phục gần như hoàn toàn mạng bay quốc tế sau một năm kể từ khi Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế vào tháng 3/2022. Đến nay, hãng đã vận chuyển hơn 3,4 triệu lượt khách quốc tế.

Theo đó, hãng có kế hoạch phục hồi tần suất trên các đường bay châu Âu, Australia, Trung Quốc, Hong Kong và Campuchia; tăng chuyến bay dịp cao điểm trên các đường bay Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tại khu vực châu Âu, hãng tăng tần suất từ 6 lên 7 chuyến mỗi tuần trên đường bay Hà Nội - Paris (Pháp), từ 8 lên 10 chuyến mỗi tuần trên các đường bay đến Đức, từ 3 lên 5 chuyến mỗi tuần trên các đường bay đến Anh. Tại Australia, hãng tăng từ 6 lên 7 chuyến mỗi tuần các đường bay TP.HCM - Sydney và TP HCM - Melbourne.

Còn tại khu vực châu Á, hãng khôi phục khai thác trên các đường bay giữa Trung Quốc và Đà Nẵng từ 27/4.

Đề xuất có Phố đêm Chợ Lớn ở TP.HCM

UBND Quận 6 đề xuất tổ chức Phố đêm Chợ Lớn trên các tuyến đường quanh Chợ Bình Tây, TP.HCM. Nếu được thông qua, phố đêm sẽ hoạt động từ 18h mỗi ngày.

Phố đêm Chợ Lớn dự kiến tổ chức tại các tuyến đường quanh chợ Bình Tây, quận 6

Phố đêm Chợ Lớn dự kiến tổ chức tại các tuyến đường quanh chợ Bình Tây, quận 6

Sở Công Thương TP.HCM đã gửi văn bản tới các sở, ngành, Công an Thành phố, Ban Quản lý an toàn thực phẩm, Viện Nghiên cứu phát triển nhằm xin ý kiến góp ý về đề án Phố đêm Chợ Lớn gắn với phát triển du lịch tại Quận 6. Để kịp thời tổng hợp, trình UBND TP.HCM xem xét, Sở Công Thương đề nghị các đơn vị góp ý trước ngày 17/3.

Việc xin ý kiến các sở, ngành được thực hiện sau khi UBND Quận 6 đề xuất UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương tổ chức hoạt động Phố đêm Chợ Lớn trên các tuyến đường xung quanh Chợ Bình Tây. Đồng thời, Quận 6 kiến nghị áp dụng phương án xã hội hóa thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với đề án này.

Phố đêm Chợ Lớn dự kiến được tổ chức vào 18h hàng ngày. Khu vực phố đêm sẽ khai thác không gian vỉa hè 4 tuyến đường Nguyễn Hữu Thận, Tháp Mười, Lê Tấn Kế, Trần Bình (trước mặt Chợ Bình Tây).

Phố đêm Chợ Lớn có quy mô hơn 1.500 m2, với 6 phân khu cùng khu vệ sinh và nhà của ban quản lý. Dự kiến, phân khu bãi giữ xe có quy mô lớn nhất với 42% tổng diện tích.

Phân khu A sẽ là nơi phục vụ ẩm thực, gồm 14 xe bán hàng với cách trang trí đa dạng. Phân khu B gồm 9 xe bán hàng, thiết kế đậm chất văn hóa truyền thống khu Chợ Lớn xưa...

Các phân khu khác sẽ là nơi bán văn hóa phẩm, đồ lưu niệm, đồ công nghệ, khu vực sân khấu phục vụ du khách. Theo tính toán sơ bộ, số lượng khách đến Phố đêm Chợ Lớn ước đạt 2.000 lượt người/đêm.

Nhà mạng bán SIM rác sẽ bị đình chỉ phát triển thuê bao mới

Cục Viễn thông cho biết sẽ phối hợp với các Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức giám sát, kiểm tra việc thực hiện của các doanh nghiệp, đặc biệt với việc phát triển thuê bao mới.

Mục tiêu đến ngày 31/3, tất cả các thuê bao đang hoạt động phải có thông tin thuê bao đầy đủ, chính xác và trùng khớp. Ảnh minh họa

Mục tiêu đến ngày 31/3, tất cả các thuê bao đang hoạt động phải có thông tin thuê bao đầy đủ, chính xác và trùng khớp. Ảnh minh họa

Trong công văn gửi đến các doanh nghiệp viễn thông di động tại Việt Nam vào ngày 14/3, Cục Viễn thông - Bộ TT&TT cho biết, mục tiêu đến ngày 31/3, tất cả các thuê bao đang hoạt động phải có thông tin thuê bao đầy đủ, chính xác và trùng khớp.

Cục Viễn thông cho biết sẽ phối hợp với các Sở TT&TT tổ chức giám sát, kiểm tra việc thực hiện của các doanh nghiệp, đặc biệt với việc phát triển thuê bao mới. Đáng chú ý, các doanh nghiệp vi phạm có thể bị đề nghị đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới.

Các hành vi vi phạm bao gồm: cung cấp dịch vụ cho thuê bao phát triển mới có thông tin thuê bao không đầy đủ hoặc không chính xác; bán và lưu thông trên thị trường SIM thuê bao đã được nhập sẵn thông tin; kích hoạt sẵn dịch vụ di động cho SIM thuê bao,...

Bên cạnh đó, trong ngày 15/3, Cục Viễn thông cũng yêu cầu doanh nghiệp công bố danh sách các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông (của doanh nghiệp hoặc được doanh nghiệp trực tiếp ủy quyền) ở từng tỉnh, thành phố theo quy định để phối hợp giám sát, kiểm tra.

Tạm giam Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng điều tra hành vi nhận hối lộ

Ông Nguyễn Ngọc Ánh có liên quan đến việc chỉ đạo, kết luận thanh tra về những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất, giao đất, giao rừng tại một dự án đầu tư lớn trên địa bàn Lâm Đồng.

Tạm giam Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng điều tra hành vi nhận hối lộ

Tạm giam Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng điều tra hành vi nhận hối lộ

Sáng 15/3, Tỉnh ủy Lâm Đồng tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Hội nghị Tỉnh ủy để xem xét đề nghị thi hành kỷ luật đảng viên liên quan đến việc Chánh Thanh tra tỉnh Nguyễn Ngọc Ánh vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, khởi tố bị can, bắt tạm giam, để điều tra làm rõ hành vi nhận hối lộ.

Theo thông tin xác nhận từ lãnh đạo Tỉnh ủy Lâm Đồng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất hình thức kỷ luật đề xuất Trung ương khai trừ Đảng đối với ông Nguyễn Ngọc Ánh.

Ông Nguyễn Ngọc Ánh là Tỉnh ủy viên, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng khóa XI, nhiệm kỳ 2021 - 2025, hiện sinh hoạt tại Chi bộ Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh Lâm Đồng.

Ông Ánh trước đây là Phó chánh Thanh tra Tỉnh. Từ ngày 17/6/2019, ông được bổ nhiệm làm Chánh Thanh tra Tỉnh trong thời hạn 5 năm.

Sai phạm của ông Ánh liên quan đến việc chỉ đạo, kết luận thanh tra về những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất, giao đất, giao rừng tại một dự án đầu tư lớn trên địa bàn Lâm Đồng.

Vụ án đang được Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, chức vụ, buôn lậu, Bộ Công an mở rộng điều tra.

Cảnh sát bắt hai công ty khủng bố để đòi nợ ở Sài Gòn

Doanh nghiệp luật và công ty tài chính ở quận Tân Bình bị cảnh sát đột kích, bắt hàng chục người có hành vi gọi điện vu khống, xúc phạm, đe dọa giết người vay tiền để đòi nợ.

Cảnh sát khám xét công ty luật có hành vi khủng bố để đòi nợ

Cảnh sát khám xét công ty luật có hành vi khủng bố để đòi nợ

Ngày 15/3, Công an TP.HCM bắt tạm giam 14 người là quản lý, lãnh đạo, nhân viên Công ty CP Mua bán nợ Việt Nam Thịnh Vượng (Phường 1, quận Tân Bình) và chi nhánh Công ty TNHH Luật Thế hệ trẻ (Phường 15, quận Tân Bình) về hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Trong đó, Nguyễn Minh Thành (quản lý Công ty CP Mua bán nợ Việt Nam Thịnh Vượng) và Trần Hà Anh Thư (Trưởng phòng Tín chấp, Công ty TNHH Luật Thế hệ trẻ) có vai trò cầm đầu.

Động thái này được đưa ra sau khi Công an TP.HCM tiếp nhận nhiều đơn kêu cứu của người dân, cho biết bị những thanh niên xưng là nhân viên thu hồi nợ liên tục gọi điện đe doạ, gửi hình ảnh có tính chất khủng bố, vu khống, xúc phạm nhân phẩm lên mạng xã hội. Thậm chí, bạn bè, người thân, nơi làm việc của họ cũng bị những người này đe dọa.

Vào cuộc điều tra, cảnh sát xác định, những người có hành vi khủng bố để đòi nợ là nhân viên Công ty CP Mua bán nợ Việt Nam Thịnh Vượng và chi nhánh Công ty TNHH Luật Thế hệ trẻ. Họ được các ông chủ phân công nhiệm vụ theo từng cấp bậc (nhân viên, quản lý, trưởng nhóm); áp chỉ tiêu doanh số thu hồi nợ, chi thưởng hoa hồng theo lũy tiến trên tổng số tiền nợ thu hồi.

Đầu tháng 3, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP.HCM phối hợp Công an quận Tân Bình bất ngờ ập vào "đại bản doanh" của hai công ty trên, bắt hàng loạt người; thu giữ cả trăm máy tính, điện thoại di động... có chứa các dữ liệu, thông tin quan trọng về việc đòi nợ thuê.

Tin cùng chuyên mục