Bản tin thời sự sáng 17/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là chuyển cơ quan điều tra loạt sai phạm quản lý đất đai ở Phú Quốc; Long An được giao chủ trì làm Vành đai 4 TP.HCM; xét xử cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn; Đà Nẵng sẽ thu hồi 238 sổ đỏ cấp sai quy định…

Chuyển cơ quan điều tra loạt sai phạm quản lý đất đai ở Phú Quốc

774 trường hợp chiếm đất do Nhà nước quản lý, hơn 200 khu phân lô bán nền tự phát, gần một nghìn vụ vi phạm đất rừng xảy ra ở TP. Phú Quốc.

Một dãy bungalow lấn chiếm khu bảo tồn biển Phú Quốc sau đó buộc phải tháo dỡ

Một dãy bungalow lấn chiếm khu bảo tồn biển Phú Quốc sau đó buộc phải tháo dỡ

Thông tin nêu trong kết luận của Thanh tra tỉnh Kiên Giang về tình hình quản lý đất đai tại TP. Phú Quốc vừa ban hành, sau gần một năm vào cuộc. Các tổ chức, cá nhân liên quan các sai phạm đang bị kiểm điểm trách nhiệm.

Theo đó, 6/9 đơn vị hành chính xã, phường bị xác định có biểu hiện buông lỏng để xảy ra 744 trường hợp chiếm đất do Nhà nước quản lý, xây nhà trái phép trên diện tích hơn 200 ha.

Đoàn thanh tra cũng phát hiện 202 khu phân lô bán nền tự phát, trong đó gần 80 khu xây trên đất ở, còn lại là đất nông nghiệp, phi nông nghiệp, đất chưa có sổ đỏ. Trong khi đó, các địa phương chỉ lập hồ sơ xử lý 29 khu.

Liên quan đến đất rừng, ngành chức năng TP. Phú Quốc phát hiện 986 trường hợp vi phạm, diện tích hơn 200 ha, nhưng chỉ triển khai 274 quyết định xử lý, tồn động hơn 70%, chưa kể 385 trường hợp lấn chiếm đất rừng do Vườn quốc gia Phú Quốc quản lý đến nay chưa giải quyết dứt điểm. Vườn quốc gia cũng bị xác định buông lỏng quản lý khiến hơn 1.000 ha đất rừng người dân đang sử dụng khó xác định nguồn gốc…

Với hàng loạt sai phạm trên, Thanh tra tỉnh Kiên Giang đề nghị kiểm điểm trách nhiệm 10 tập thể, 45 cán bộ, công chức, viên chức của TP. Phú Quốc. Trong đó có 28 lãnh đạo cấp trưởng, phó phòng trở lên, chủ tịch xã qua các thời kỳ và 17 cán bộ địa chính.

Cơ quan này cũng kiến nghị chuyển 10 hồ sơ sang cơ quan điều tra gồm các sai phạm trong xét duyệt nguồn gốc, cấp sổ đỏ lần đầu tại xã Cửa Cạn; ba vụ khác bị xác định sai phạm đặc biệt nghiêm trọng trong quản lý nhà nước, để xảy ra bao chiếm, xây nhà trái phép trên đất công, đất rừng có dấu hiệu vi phạm hình sự.

Long An được giao chủ trì làm Vành đai 4 TP.HCM

TP.HCM đề xuất Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chủ trì Dự án Vành đai 4 dài 200 km đi qua 5 địa phương, song Thủ tướng Phạm Minh Chính giao vai trò này cho tỉnh Long An.

Hướng tuyến các đường vành đai TP.HCM

Hướng tuyến các đường vành đai TP.HCM

Kết luận được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM ngày 16/4.

Vành đai 4 dài gần 200 km, đi qua 5 tỉnh, thành gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM và Long An.

Trước đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề xuất Bộ GTVT đứng ra điều phối dự án này. Bởi đây là công trình có quy mô lớn, qua nhiều địa phương. Riêng Long An và Vũng Tàu khái toán kinh phí Dự án trên 10.000 tỷ nên phải thông qua Quốc hội. Do đó, Thành phố cho rằng cần một cơ quan chủ trì để đảm bảo đồng bộ.

Phản hồi đề xuất của TP.HCM, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho rằng, theo kinh nghiệm làm Vành đai 4 TP. Hà Nội, địa phương chủ trì sẽ thuận lợi hơn Bộ.

Trước đó tháng 9/2021, Thủ tướng đồng ý giao 5 tỉnh thành là cơ quan có thẩm quyền đầu tư các đoạn thuộc Vành đai 4 qua địa bàn. Trong đó, Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện đoạn Phú Mỹ - Bàu Cạn, dài khoảng 18 km; Đồng Nai làm đoạn Bàu Cạn - cầu Thủ Biên (không tính cầu Thủ Biên), dài 45 km.

Tỉnh Bình Dương được giao xây dựng đoạn cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn (gồm cầu Thủ Biên), dài khoảng 49 km; Long An thực hiện đoạn kênh Thầy Cai - Hiệp Phước dài khoảng 71 km; còn TP.HCM làm đoạn cầu qua sông Sài Gòn - kênh Thầy Cai, dài 17 km.

Theo kế hoạch đã được 5 địa phương thống nhất, cuối năm nay sẽ hoàn tất báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án và quyết định chủ trương đầu tư tháng 3 năm sau. Việc chọn nhà đầu tư sẽ hoàn thành giữa năm 2024 để khởi công Dự án. Công trình dự kiến thi công trong ba năm và khai thác, thu phí hoàn vốn từ quý I/2028.

Sáng 17/4, xét xử cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn

Sáng 17/4, TAND TP. Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Quang Tuấn (cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, cựu Chủ tịch Hội đồng mua sắm Bệnh viện Tim Hà Nội) về tội “Vi phạm quy định về đầu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 5 ngày.

Cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn.

Cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn.

Cùng hầu tòa về tội danh trên là 11 bị cáo khác, trong đó có bị cáo Hoàng Thị Ngọc Hưởng (cựu Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội), Nguyễn Thị Dung Hạnh (cựu Kế toán trưởng, Trưởng phòng Tài chính - kế toán, Bệnh viện Tim Hà Nội), Đoàn Trọng Bình và Nghiêm Tuấn Linh (cùng là cựu Phó trưởng Phòng phụ trách Phòng vật tư, Bệnh viện Tim Hà Nội).

Bảy bị cáo còn lại là các cựu lãnh đạo, nhân viên của Công ty Kim Hòa Phát, Công ty CP Đầu tư và định giá AIC, Công ty CP Thiết bị y tế Hoàng Nga.

Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao từ năm 2015, bị cáo Nguyễn Quang Tuấn, khi đó là Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng mua sắm Bệnh viện Tim Hà Nội đã có chủ trương cho một số doanh nghiệp được ký gửi vật tư tại Bệnh viện Tim Hà Nội để Bệnh viện sử dụng trước.

Sau đó, bị cáo Nguyễn Quang Tuấn chỉ đạo cấp dưới hợp thức, hoàn thiện các thủ tục cho các doanh nghiệp trúng thầu để thanh toán.

Do có mối quan hệ quen biết từ trước, Nguyễn Đức Đảng (Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Nga), Phan Tuấn Đạt (Chủ tịch HĐQT Công ty Kim Hòa Phát) đến đặt vấn đề và được Nguyễn Quang Tuấn đồng ý cho hai công ty này được bán các mặt hàng vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch vào Bệnh viện với đơn giá theo thỏa thuận giữa Nguyễn Quang Tuấn với Nguyễn Đức Đảng và Phan Tuấn Đạt.

Trong năm 2016 và năm 2017, Bệnh viện Tim Hà Nội tổ chức đấu thầu riêng 5 gói thầu chuyên mua sắm vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch, tổng trị giá hơn 595 tỷ đồng.

Để hợp thức hồ sơ thầu mua vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch của Công ty Hoàng Nga và Công ty Kim Hòa Phát, các bị cáo tại Bệnh viện Tim Hà Nội đã có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu.

Đà Nẵng sẽ thu hồi 238 sổ đỏ cấp sai quy định

Tòa án nhân dân Đà Nẵng đã tuyên, nêu rõ việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 238 trường hợp này là không đúng quy định của pháp luật nên buộc phải hủy bỏ, thu hồi.

Khu vực nằm trong quy hoạch dự án ga đường sắt Đà Nẵng (cũ)

Khu vực nằm trong quy hoạch dự án ga đường sắt Đà Nẵng (cũ)

Ông Nguyễn Hồng An, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho biết, Thành phố sẽ thu hồi 238 sổ đỏ cấp sai quy định đối với nhà, đất nằm trong khu vực quy hoạch dự án ga đường sắt tại quận Liên Chiểu (hiện đã hủy bỏ quy hoạch).

Theo ông An, Tòa án nhân dân Đà Nẵng đã tuyên, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 238 trường hợp này là không đúng quy định của pháp luật nên buộc phải hủy bỏ, thu hồi.

UBND TP. Đà Nẵng chỉ đạo, giao quận Liên Chiểu phối hợp cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền. UBND quận Liên Chiểu đã triển khai các thủ tục tiếp theo để thu hồi, hủy bỏ.

Tuy nhiên, ông An cho hay, vướng mắc hiện nay là người dân đã sinh sống trên các phần đất thuộc 238 sổ đỏ nói trên nên việc thu hồi, hủy bỏ phải tính đến vấn đề an sinh xã hội.

Được biết, vào năm 2020, Tòa án nhân quận Liên Chiểu xét xử vụ án Trần Văn Thôi cùng các đồng phạm về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Trần Văn Thôi và các đồng phạm bị cáo buộc làm giả 238 hồ sơ đất tại địa bàn quận Liên Chiểu thuộc khu quy hoạch của dự án ga đường sắt trước đây để được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Sau phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có đơn kháng cáo, đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án theo hướng không hủy bỏ sổ đỏ đã cấp.

Tại phiên xử phúc thẩm, Tòa án nhân dân Đà Nẵng không chấp nhận kháng cáo của những người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan, chấp nhận kết luận của tòa cấp sơ thẩm, kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường thu hồi, hủy bỏ 238 sổ đỏ trên.

Phao xốp trôi dạt trên biển Quảng Ninh

Hàng nghìn mét khối phao xốp trôi dạt trên vịnh Hạ Long, Bái Tử Long sau khi TP. Hạ Long, Cẩm Phả, huyện Vân Đồn giải tỏa bè nuôi trồng thủy sản trái phép.

TP. Cẩm Phả ra quân thu gom phao xốp trôi nổi trên biển

TP. Cẩm Phả ra quân thu gom phao xốp trôi nổi trên biển

Theo Ban Quản lý vịnh Hạ Long, những ngày qua đã thu gom được 2.500 m3 phao xốp và 50 mảng tre trôi dạt trên biển. Khu vực vịnh Bái Tử Long thu gom, xử lý được 1.150 quả phao xốp. TP. Cẩm Phả cũng đưa về nơi tập kết để xử lý gần 250.900 phao xốp, hơn 1.000 mảng tre.

Ông Cao Tường Huy, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, nguyên nhân chính khiến lượng rác thải, phao xốp trôi nổi trên vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long là các địa phương chỉ quan tâm đến việc tháo dỡ, di dời công trình nuôi trồng trái phép. Việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát chưa tốt khiến người dân thực hiện tự phát, không có ý thức thu gom rác.

Ông Huy chỉ đạo tất cả đơn vị phải tổ chức thu gom rác trên địa bàn, kiểm soát chặt việc xử lý lồng, bè, thay thế phao xốp của người dân để ngăn chặn tình trạng xả rác khi tháo dỡ. TP. Hạ Long phải phối hợp cùng với Ban Quản lý vịnh Hạ Long để tăng cường nhân lực, nguồn lực thực hiện thu gom rác thải, phao xốp, hoàn thành trước 28/4.

Ban Quản lý vườn quốc gia Bái Tử Long cho biết sẽ thu gom, xử lý vật liệu nuôi trồng thủy sản trên vùng biển vịnh Bái Tử Long từ ngày 26 - 28/4. Từ tháng 5 đến hết tháng 12, đơn vị này dự kiến thu gom rác trên vịnh mỗi tháng một lần.

Không sử dụng lái xe trung chuyển ở Cửa khẩu đường bộ Kim Thành

Ngày 16/4, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai cho biết, tại Cửa khẩu quốc tế đường bộ Kim Thành (Lào Cai) thực hiện không sử dụng lái xe trung chuyển khi nhập cảnh hàng hóa, kể từ ngày 15/4, nhằm thông quan nhanh và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ở cửa khẩu này.

Thông quan hàng hóa ở Cửa khẩu quốc tế đường bộ Kim Thành- Lào Cai.

Thông quan hàng hóa ở Cửa khẩu quốc tế đường bộ Kim Thành- Lào Cai.

Theo đó, tất cả lái xe Trung Quốc điều khiển phương tiện vận tải chở hàng hóa nhập khẩu đi qua luồng kiểm soát giữa nhà liên ngành để vào tập kết tại bãi KB1 của Cửa khẩu quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành.

Các phương tiện tập kết tại đây để chờ giải quyết thủ tục nhập khẩu, không để phương tiện tại khu cách ly gây ùn tắc, ảnh hưởng đến tiến độ thông quan hàng hóa.

Trạm Biên phòng Cửa khẩu quốc tế đường bộ Kim Thành thực hiện kiểm soát, hướng dẫn lái xe Trung Quốc điều khiển phương tiện đi vào tập kết tại bãi KB1 để giao nhận, làm thủ tục thông quan hàng hóa nhập khẩu; quản lý chặt chẽ khu cách ly theo đúng quy định; kiên quyết xử lý nghiêm những lái xe không chấp hành đúng quy định tại cửa khẩu.

Tiền Giang thu phạt gần 18 tỷ đồng từ bơm hút, vận chuyển cát trái phép

Mặc dù các lượng chức năng tỉnh Tiền Giang đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp bơm hút cát trái phép nhưng tình trạng này vẫn chưa giảm, cần có biện pháp quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên này.

Tình trạng bơm hút cát trái phép ở tỉnh Tiền Giang vẫn còn xảy ra

Tình trạng bơm hút cát trái phép ở tỉnh Tiền Giang vẫn còn xảy ra

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, từ năm ngoái đến nay, qua công tác kiểm tra các ngành chức năng đã phát hiện và xử lý 208 vụ với 369 đối tượng bơm hút cát trái phép, vận chuyển cát không hợp pháp với số tiền xử phạt gần 18 tỷ đồng. Ngoài ra cơ quan chức năng còn tịch thu 12 phương tiện vi phạm, hơn 7500 m3 cát. Tuy vậy, tình hình bơm hút cát trên sông địa bàn tỉnh Tiền Giang vẫn còn diễn biến phức tạp, các đối tượng có nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Trước thực trạng này, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Kế hoạch số 123 về “tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, vận chuyển kinh doanh khoáng sản cát sông và cửa biển trên địa bàn Tỉnh”.

Theo đó, UBND tỉnh Tiền Giang xác định 8 địa bàn trọng điểm trên sông có tài nguyên cát cần được bảo vệ gồm: xã Tân Thanh, Tân Hưng, Hòa Khánh (huyện Cái Bè); xã Tam Bình, Ngũ Hiệp, Tân Phong (huyện Cai Lậy); xã Kim Sơn, Bình Đức, Phú Phong(hyện Châu Thành); cồn Thới Sơn (TP. Mỹ Tho); xã Bình Ninh (huyện Chợ Gạo); xã Vĩnh Hựu, Bình Tân (huyện Gò Công Tây); xã Tân Thới, Phú Thạnh, Tân Phú (huyện Tân Phú Đông) và khu vực sông Vàm Cỏ, sông Xoài Rạp (huyện Gò Công Đông).

Ninh Thuận chấn chỉnh việc lấn chiếm, sử dụng đất rừng ven biển

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận vừa ký kết luận thanh tra và chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm nhiều tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm trong việc quản lý đất đai, dẫn đến việc lấn chiếm, sang nhượng, tách thửa để phân lô bán nền gây bức xúc trong dư luận tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam.

Khu vực bãi Đá Trứng nằm trong sai phạm theo kết luận thanh tra

Khu vực bãi Đá Trứng nằm trong sai phạm theo kết luận thanh tra

Theo kết luận thanh tra của UBND tỉnh Ninh Thuận, trong thời gian dài đã xảy ra tình trạng lấn chiếm đất rừng phòng hộ ven biển tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam. Cụ thể, có 3 khu vực vi phạm lấn chiếm gồm: Khu vực 52 ha và 22 ha liền kề, khu vực bãi Đá Trứng và khu vực dọc 2 bên tuyến đường ven biển (đoạn qua xã Phước Dinh), nhằm sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản là chính.

Thực tế, tại các khu vực lấn chiếm, sử dụng đất rừng ven biển ở xã Phước Dinh, ngoài nuôi trồng thủy sản còn có trường hợp làm du lịch. Riêng Dự án Khu du lịch sinh thái Nam Hoa Viên (tại thôn Từ Thiện, xã Phước Dinh) chưa được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Hiện phía chủ đầu tư Dự án vẫn chưa thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, chưa khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

Ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, Tỉnh yêu cầu huyện này kịp thời chấn chỉnh, khắc phục tình trạng trên, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, thiếu trách nhiệm trong thực hiện công tác quản lý nhà nước về đất đai…

TP.HCM thu giữ hàng nghìn quần kaki nghi giả nhãn hiệu Under Armour

Cơ quan quản lý thị trường TP.HCM vừa phát hiện một địa điểm kinh doanh ở quận Bình Tân có 1.640 sản phẩm quần kaki nghi giả mạo nhãn hiệu Under Armour.

Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra cơ sở.

Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra cơ sở.

Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM, Đội QLTT số 3 vừa phối hợp với Công an quận Bình Tân và Cục Nghiệp vụ QLTT kiểm tra một địa điểm kinh doanh hàng hóa tại phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 1.640 đơn vị sản phẩm là quần kaki may sẵn, chưa qua sử dụng. Trên sản phẩm có ghi nhãn hiệu và logo của Under Armour, có ghi nhãn hàng hóa, nhưng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, xuất xứ Việt Nam.

Lực lượng chức năng cho biết, số hàng trên có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam, có niêm yết giá hàng hóa theo quy định. Tổng trị giá hàng hóa theo giá niêm yết là hơn 217 triệu đồng. Hiện toàn bộ số hàng hóa đang được tạm giữ để xử lý theo quy định.

Trước đó, trong 3 tháng đầu năm nay, Cục QLTT TP.HCM đã kiểm tra, xử lý 684 vụ kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, tăng gần 160% so với cùng kỳ năm 2022.

Các trường hợp vi phạm tập trung ở tất cả lĩnh vực, ngành hàng như thời trang, phụ tùng xe, thực phẩm, đường cát, gas đến dụng cụ y tế, thuốc tân dược...

Trong đó, có 13 vụ vi phạm nghiêm trọng, nhiều hàng hóa buộc phải tiêu hủy. Tổng trị giá hơn 11 tỷ đồng. Ngoài ra, trị giá hàng tịch thu chờ bán khoảng gần 100 tỷ đồng.