Nhiều bất thường trong gói thầu mua sắm liên quan đến Việt Á tại Quảng Trị
Ngày 16/6, Thanh tra tỉnh Quảng Trị có kết luận Thanh tra chuyên đề việc mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư y tế, sinh phẩm kít xét nghiệm, thuốc và vaccine phòng chống dịch Covid-19 trong 2 năm 2020, 2021 của tỉnh này.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị. |
Kết quả thanh tra phát hiện nhiều sai phạm của ngành Y tế, có dấu hiệu bất thường đối với gói thầu mua sắm thiết bị, kít test xét nghiệm SARS-CoV-2 liên quan đến Công ty Việt Á.
Kết luận của Thanh tra tỉnh Quảng Trị nêu rõ, trong quá trình mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư, sinh phẩm, kít test xét nghiệm, thuốc, vaccine phòng chống dịch Covid-19 có một số sai phạm. Giai đoạn 2020 - 2021, Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị (CDC Quảng Trị) đã nhiều lần gửi Tờ trình đề nghị Sở Tài chính tỉnh này thẩm định giá mua sắm vật tư, hóa chất, sinh phẩm phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, Sở Tài chính đã ban hành các văn bản từ chối thẩm định giá.
Hầu hết các gói thầu mua sắm thiết bị y tế chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt danh mục mua sắm theo quy định. CDC Quảng Trị để sinh phẩm xét nghiệm hết hạn mà không báo cáo cấp có thẩm quyền để có phương án xử lý, nhưng lại trình thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu và tiến hành mua sắm kít test mới.
CDC Quảng Trị xây dựng kế hoạch mua sắm kít test trong năm 2021 với mức giá cao hơn các gói mua thành công trong năm 2020. Cụ thể, giá mỗi kít test mua năm 2020 là 493.500 đồng nhưng lại đề xuất mua 534.713 đồng và thực tế chỉ mua với giá 470.000 đồng. Bộ kít tách chiết RNA giá mua năm 2020 là 31.500 đồng/test nhưng giá đề xuất của CDC Quảng Trị mua năm 2021 là 42.000 đồng/test và giá thực tế mua chỉ 31.500 đồng/test.
Thanh tra tỉnh Quảng Trị cũng phát hiện có dấu hiệu bất thường trong gói thầu mua test phục vụ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 năm 2020 trị giá hơn 1,2 tỷ đồng có chứng thư thẩm định giá ngày 14/8/2020 của Công ty CP Thẩm định giá BTC VALUE - Chi nhánh Đà Nẵng ghi: “Tại thời điểm thẩm định giá, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị đang sử dụng máy Real-time PCR CFX96 Bio-Rad, chỉ chạy được với bộ kít của Công ty Việt Á nên tài sản thẩm định hạn chế về thông tin thị trường”.
Ông Tất Thành Cang tiếp tục bị đề nghị truy tố trong vụ chuyển nhượng đất công giá cực rẻ
Ngày 16/6, Cơ quan ANĐT Công an TP.HCM đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố ông Tất Thành Cang cùng 9 bị can có sai phạm trong vụ chuyển nhượng 32 ha đất công ở xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè) và 169.229 m2 đất của Dự án Khu dân cư Ven Sông Tân Phong (Quận 7) từ Công ty Tân Thuận cho Công ty Quốc Cường Gia Lai, gây thiệt hại gần 500 tỷ đồng.
Ông Tất Thành Cang |
Ông Tất Thành Cang (cựu Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM) và 9 bị can cùng bị đề nghị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Theo kết luận điều tra, Công ty Tân Thuận (Văn phòng Thành ủy TP.HCM sở hữu vốn chi phối) được UBND huyện Nhà Bè giao xây dựng 32 ha đất ở dự án Phước Kiển, Văn phòng Thành ủy TP.HCM cũng chấp thuận chủ trương đầu tư.
Tháng 8/20216, Công ty Quốc Cường Gia Lai đề nghị đầu tư theo tỷ lệ 75:25 hoặc xin nhận chuyển nhượng 100% dự án. Ông Trần Công Thiện lúc này là Tổng giám đốc Công ty Tân Thuận, đã chỉ đạo thuộc cấp thuê Công ty Kiểm toán và Dịch vụ tin học TP.HCM xác định giá bình quân là 1,05 triệu đồng/m2. Sau đó Công ty Tân Thuận xây dựng đơn giá chuyển nhượng là 1,25 triệu đồng/m2.
Đến tháng 6/2017, Công ty Tân Thuận chuyển nhượng 32 ha đất ở dự án Phước Kiển cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá 1,29 triệu đồng/m2, gây thiệt hại cho Nhà nước 215,5 tỷ đồng.
Tại Dự án Khu dân cư Ven Sông Tân Phong, tháng 11/207, Công ty Tân Thuận đã chuyển nhượng cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá 20 triệu đồng/m2, gây thiệt hại cho Nhà nước 283 tỷ đồng.
Các hãng bay Việt Nam - Trung Quốc được khai thác 2 chuyến mỗi tuần
Các hãng hàng không của hai nước Trung Quốc và Việt Nam được khai thác 2 chuyến bay/tuần, thay vì chỉ được khai thác 1 chuyến bay/tuần như trước đây.
Máy bay của các hãng hàng không tại sân bay Nội Bài. |
Theo thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, ngày 16/6, Tổng cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) có thư gửi Cục Hàng không Việt Nam thông báo trong bối cảnh từng bước khôi phục các chuyến bay quốc tế đồng thời tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, phía Trung Quốc (thông qua Cơ chế phối hợp chung của Chính phủ về ngăn ngừa và kiểm soát Covid-19) đã nhất trí cho phép các hãng hàng không của hai nước được khai thác 2 chuyến bay/tuần, thay vì chỉ được khai thác 1 chuyến bay/tuần như trước đây.
Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, với thị trường bay quốc tế đến nay, Việt Nam đã khôi phục lại đường bay tới trên 20 quốc gia/vùng lãnh thổ truyền thống trước dịch như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hongkong, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Philippines, Lào, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), Pháp, Đức, Anh, Nga, Australia, Hoa Kỳ... Dự kiến, các thị trường sẽ tiếp tục được khôi phục cũng như tăng dần tần suất đường bay khai thác.
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam nhận định, dự kiến đến hết năm 2022, sản lượng vận chuyển hành khách nội địa đạt gần về mức năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19; nhưng thị trường quốc tế sẽ cần một thời gian dài để phục hồi, với sản lượng vận chuyển hành khách giảm 72 - 80% so với năm 2019.
Đề xuất hai phương án xử lý BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất di dời trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài về TP. Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) hoặc dùng ngân sách nhà nước mua lại.
Thu phí tại trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài |
Ngày 16/6, Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho biết, cơ quan này đã kiến nghị nội dung trên với Bộ Giao thông vận tải.
Hiện hai trạm thu phí trên tuyến Quốc lộ 2 qua TP. Vĩnh Yên đã dừng thu phí nên phương án tốt nhất là di dời trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội) về đúng tuyến. Trước đây, khi hai trạm còn thu phí thì việc di dời không hợp lý vì các BOT quá gần nhau, đoạn Quốc lộ 2 qua TP. Vĩnh Yên sẽ có tới 3 BOT.
Nếu đưa trạm thu phí này lên tuyến tránh TP. Vĩnh Yên và tăng mức phí từ 10.000 lên 25.000 đồng mỗi lượt như các trạm BOT khác thì thời gian thu phí sẽ rút ngắn lại. Vị trí đặt trạm đúng với dự án đầu tư. Việc này sẽ phải đàm phán với nhà đầu tư, không thể dùng mệnh lệnh hành chính.
Phương án còn lại, theo ông Huyện, Nhà nước sử dụng ngân sách mua lại trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài, sau đó xóa bỏ trạm.
Lý giải vị trí đặt trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài ở Hà Nội nhưng thu hoàn vốn cho Dự án đầu tư tuyến tránh TP. Vĩnh Yên, ông Huyện giải thích thời điểm ký hợp đồng đầu tư vào năm 2009, cơ quan nhà nước cho phép trạm BOT đặt tại đâu cũng được bởi sẽ thu phí trả lại ngân sách và trả nhà đầu tư dự án. Về mặt pháp lý vị trí trạm này đúng quy định.
Năm 2012, Bộ Giao thông vận tải đề nghị dời trạm BOT này về đúng tuyến tránh TP. Vĩnh Yên, nhưng Chính phủ cho phép giữ lại tới nay.
Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài thu phí để hoàn vốn cho Dự án BOT tuyến tránh TP. Vĩnh Yên. Tuyến đường do Công ty CP BOT Vietracimex 8 đầu tư theo hình thức BOT, giá trị quyết toán 505 tỷ đồng, thu phí từ 1/1/2011.
Sân bay Vân Đồn đón đoàn khách du lịch quốc tế đầu tiên vào đầu tháng 7
Dự kiến trong tháng 7 tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ đón 2 chuyến bay đầu tiên đưa du khách từ Hàn Quốc sang Việt Nam qua Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn.
Sân bay Vân Đồn sẽ đón đoàn khách du lịch quốc tế đầu tiên vào đầu tháng 7. |
Theo thông tin từ Sở Du lịch Quảng Ninh, hãng lữ hành sẽ thuê nguyên chuyến bay chở khách tới sân bay Vân Đồn, trong đó chuyến đầu tiên vào ngày 1/7 có gần 200 du khách và nhân viên điều hành của một số công ty du lịch Hàn Quốc. Đoàn khách sẽ tham quan các thắng cảnh, khu vui chơi giải trí nổi tiếng tại Hạ Long và chơi gofl tại Quảng Ninh. Đây là đoàn du khách quốc tế đầu tiên đến Quảng Ninh qua sân bay Vân Đồn sau khi mở cửa hoàn toàn du lịch và phía Hàn Quốc nới lỏng các điều kiện xuất nhập cảnh và phòng chống dịch Covid-19.
Từ khi chính thức mở cửa du lịch, Quảng Ninh luôn là một trong những lựa chọn hàng đầu của du khách. Lượng khách du lịch đến Quảng Ninh trong tháng 5 tăng gấp 12 lần so với tháng 3. Đến hết tháng 5, Quảng Ninh đón hơn 4,3 triệu lượt khách, vượt kịch bản tăng trưởng ngành trong 6 tháng đầu năm.
Ông Phạm Ngọc Sáu, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn cho biết, để triển khai đón chuyến bay quốc tế đầu tiên sau khi mở cửa du lịch, Sân bay đã rà soát tất cả các trang thiết bị cũng như là các quy trình, yêu cầu liên quan tới chống dịch để đảm bảo các chuyến bay quốc tế được triển khai theo quy định của pháp luật và theo tiêu chuẩn quốc tế.