Bản tin thời sự sáng 17/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đẩy nhanh tiến độ vụ AIC, FLC, Vạn Thịnh Phát; Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu sửa đổi Thông tư 06 để cấp tín dụng cho doanh nghiệp; cuối năm 2023 hoàn thành bàn giao mặt bằng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì nghiên cứu lập sàn giao dịch bất động sản…

Đẩy nhanh tiến độ vụ AIC, FLC, Vạn Thịnh Phát

Các vụ án Việt Á, FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Sở Y tế Quảng Ninh và Công ty AIC… được đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử, theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

FLC là một trong những "đại án" được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử

FLC là một trong những "đại án" được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử

Đó là định hướng nhiệm vụ trong những tháng cuối năm 2023 và thời gian tới được Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực nhấn mạnh (Ban Chỉ đạo) đưa ra sau khi kết thúc Phiên họp thứ 24 sáng 16/8.

Thông báo tóm tắt kết quả phiên họp chiều cùng ngày, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng nhấn mạnh nhiều con số ấn tượng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ đầu nhiệm kỳ.

Ông Dũng nêu mục tiêu phấn đấu từ nay đến hết năm 2023 kết thúc điều tra 7 vụ án, ban hành cáo trạng truy tố 9 vụ án, xét xử sơ thẩm 11 vụ án, xét xử phúc thẩm 7 vụ án, kết thúc xác minh, giải quyết 11 vụ việc Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Đặc biệt, lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo yêu cầu tập trung đẩy nhanh tiến độ, kết thúc điều tra, truy tố xét xử các vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Sở Y tế Quảng Ninh và Công ty AIC, giai đoạn II vụ án xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi…

Ban Chỉ đạo yêu cầu tập trung kiểm tra, xử lý dứt điểm các sai phạm của tổ chức đảng và đảng viên liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Cũng tại phiên họp này, Ban Chỉ đạo đã thống nhất kết thúc chỉ đạo xử lý đối với 10 vụ án, 1 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo do đã kết thúc việc giải quyết theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu sửa đổi Thông tư 06 để cấp tín dụng cho doanh nghiệp

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẩn trương chủ trì họp ngay với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan liên quan để nghe báo cáo và nghiên cứu chỉ đạo về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 06/2023/TT-NHNN để tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp.

Nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp

Nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp

Ngày 16/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký công văn hỏa tốc về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp.

Công văn nêu rõ, qua phản ánh của các chủ thể chịu tác động và các cơ quan báo chí, các chuyên gia; để tiếp tục thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý kiến chỉ đạo:

Với tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, người dân, bảo đảm chính sách khi ban hành phải đúng, trúng, không cản trở sự phát triển và phù hợp, kịp thời xử lý vướng mắc; giao Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẩn trương chủ trì họp ngay với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ để nghe báo cáo và nghiên cứu chỉ đạo về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023 và những điểm bất hợp lý của Thông tư số 03/2023/TT-NHNN ngày 17/4/2023, báo cáo lại Thủ tướng trước ngày 20/8/2023.

Cũng liên quan đến cấp tín dụng, mới đây, trong thông báo kết luận tại cuộc họp về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng và hấp thụ vốn của nền kinh tế, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước đề xuất các giải pháp đồng bộ, khả thi, phân tách các nhóm giải pháp trong thực hiện nhiệm vụ liên quan đến vay vốn, tăng tín dụng.

Cuối năm 2023 hoàn thành bàn giao mặt bằng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Chiều 16/8, UBND tỉnh Đồng Nai làm việc với các đơn vị liên quan về Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Thi công dự án thành phần cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Thi công dự án thành phần cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Báo cáo cho thấy, công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư tại Dự án rất chậm. Trong quá trình thi công, Dự án có nguy cơ thiếu hàng triệu m3 đất đắp.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua Đồng Nai dài hơn 34 km, được chia làm 2 dự án thành phần (thành phần 1, thành phần 2), do Ban Quản lý dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư. Dự án khởi công vào cuối tháng 6/2023.

Ông Nguyễn Hồng Quế, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai cho biết, để triển khai 2 dự án thành phần cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Đồng Nai phải thu hồi gần 290 ha đất của nhiều tổ chức và khoảng 3.700 hộ tại 11 xã, phường thuộc thành phố Biên Hòa và huyện Long Thành, trong đó có hơn 1.500 hộ cần bố trí tái định cư.

Hiện, Ban Quản lý dự án đang tiến hành kiểm kê đất, tài sản trên đất. Việc di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên toàn tuyến vẫn chưa được thực hiện. Đến nay, tại 2 dự án thành phần, Tỉnh mới bàn giao cho chủ đầu tư được gần 6 ha mặt bằng. Với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Đồng Nai dự kiến xây dựng 4 khu tái định cư, song đến nay, 3 khu tái định cư chưa triển khai. Khu tái định cư còn lại đã khởi công nhưng ngưng trệ vì vướng mặt bằng.

Ông Nguyễn Hồng Quế cho biết, công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Tại cuộc họp, ông Võ Tấn Đức, quyền Chủ tịch UBND Tỉnh nhấn mạnh, Chính phủ giao Đồng Nai phải hoàn thành giải phóng mặt bằng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu trong năm 2023.

Thành phố Biên Hòa, huyện Long Thành xem xét, điều động nhân lực từ các đơn vị đến hỗ trợ các xã, phường có cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đi qua trong công tác thu hồi đất; cuối tháng 10/2023 phải hoàn thành kiểm kê toàn bộ Dự án.

Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì nghiên cứu lập sàn giao dịch bất động sản

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan, nghiên cứu thành lập sàn giao dịch bất động sản.

Hai bộ nghiên cứu thành lập sàn giao dịch bất động sản

Hai bộ nghiên cứu thành lập sàn giao dịch bất động sản

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Xây dựng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu thành lập sàn giao dịch bất động sản.

Theo đó, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33 ngày 11/3/2023 và để thị trường bất động sản hoạt động công khai, minh bạch, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan, nghiên cứu thành lập sàn giao dịch bất động sản.

Đồng thời, Thủ tướng chỉ đạo giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo Bộ Xây dựng thực hiện nhiệm vụ nêu trên.

Theo chuyên gia bất động sản, mô hình sàn giao dịch đã quy định trong Luật Kinh doanh bất động sản 2006.

Mục đích ban đầu của sàn giao dịch giống như cổng đầu vào của thị trường bất động sản, giúp Nhà nước nắm bắt được biến động giá cả hằng ngày trên thị trường, thông tin thị trường, nhà đầu tư kinh doanh nắm được thị hiếu khách hàng, trên cơ sở đó điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh cho hiệu quả.

Còn đối với người sử dụng đất thì sàn góp phần bảo đảm tính công khai, minh bạch của thị trường, người có nhu cầu mua đất có thể tìm đến sàn giao dịch, hạn chế tình trạng "đi đêm", tiêu cực trên thị trường.

Nhưng thực tế việc lập sàn giao dịch bất động sản thời gian qua không bảo đảm tính chuyên nghiệp. Trong khi điều kiện thành lập sàn chưa cao, đào tạo nhân viên sàn chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn tới hoạt động biến tướng, sàn không chỉ bán sản phẩm mà còn ôm hàng để nâng giá, bán lại kiếm lời nên sàn giao dịch không đáp ứng được yêu cầu.

Đề xuất chi gần 2.300 tỷ đồng nạo vét kênh nối hai sông ở miền Tây

Kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền dài gần 21 km nối sông Tiền và Hậu được đề xuất nạo vét, mở rộng, nâng cấp hệ thống cầu với tổng mức đầu tư gần 2.300 tỷ đồng.

Kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền, đoạn qua huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp

Kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền, đoạn qua huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp

Kiến nghị vừa được tỉnh Đồng Tháp trình Thủ tướng nhằm tạo tuyến vận chuyển hàng hóa trọng yếu cho Đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với việc nạo vét, Dự án cũng sẽ xây kè bảo vệ bờ sông, đường dân sinh và hệ thống biển báo.

Kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền đi qua các huyện Lai Vung, Châu Thành, TP. Sa Đéc của tỉnh Đồng Tháp. Đây là tuyến đường thủy ngắn nhất nối sông Tiền và sông Hậu. Tuy nhiên, lòng kênh rộng 25 - 40 m, nông dưới 2 m, nhiều đoạn cong, hẹp, tĩnh không cầu dưới 3,5 m nên tàu lớn rất khó lưu thông.

Theo chính quyền tỉnh Đồng Tháp, để triển khai Dự án, cần phải giải phóng 130 ha mặt bằng, di dời, tái định cư hơn 1.000 hộ dân. Công trình dự kiến hoàn thành sau 4 năm thi công.

Sau nâng cấp, tuyến kênh được ví như "kênh đào Suez" của miền Tây sẽ đạt chuẩn luồng tàu kênh cấp 3 - đường thủy nội địa. Công trình giúp rút ngắn khoảng cách giữa sông Tiền và sông Hậu còn 20 km, và gần hơn 45 km khi từ cảng Sa Đéc đi cảng Cái Cui của TP. Cần Thơ, ước tính giảm 30% chi phí vận chuyển.

Đề xuất cấp bù lãi suất 3% khi cho vay lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ

Bộ Công Thương đề xuất dùng tiền ngân sách hỗ trợ cấp bù lãi suất qua hệ thống ngân hàng khi doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vay trung, dài hạn bằng VND.

Đề xuất cấp bù lãi suất 3% khi cho vay lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ

Đề xuất cấp bù lãi suất 3% khi cho vay lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ

Đây là điểm mới nêu tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 111/2015 về chính sách cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vừa được Bộ Công Thương trình Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.

Theo đó, dự án đầu tư của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thuộc ngành dệt may, da giày, điện tử, sản xuất và lắp ráp ôtô, cơ khí chế tạo, vật liệu mới, vi mạch... có thể được hưởng cấp bù chênh lệch lãi suất từ ngân sách trung ương thông qua ngân hàng thương mại. Mức lãi suất cấp bù là 3% một năm. Ngân sách địa phương hỗ trợ lãi với các khoản vay trung, dài hạn cho dự án đầu tư này.

Tuy nhiên, mỗi dự án được hưởng chính sách hỗ trợ tín dụng một lần. Trường hợp dự án đáp ứng điều kiện hưởng các chính sách hỗ trợ tín dụng khác nhau trong cùng một giai đoạn, thì chọn áp dụng cơ chế cao nhất. Thời hạn được Nhà nước hỗ trợ tín dụng bằng thời hạn cho vay, tối đa 10 năm từ thời điểm ký hợp đồng vay vốn. Chính sách này áp dụng với các khoản vay ký thỏa thuận vay vốn, giải ngân thực hiện đến hết năm 2030.

Chính sách hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp vẫn được tiếp nối tại dự thảo Nghị định sửa đổi. Tức là dự án đầu tư mới sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển (dệt may, da giày, điện tử...) sẽ được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp về 10% trong 15 năm; miễn thuế 4 năm, giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo…

Hiện có khoảng 5.000 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục ưu tiên phát triển. Bộ Công Thương cho biết, số này không thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Cơ quan này đã cấp 206 giấy xác nhận ưu đãi cho các doanh nghiệp có dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ.

HOSE huỷ giao dịch bán 2.601.300 cổ phiếu LDG của Chủ tịch HĐQT LDG

Tối ngày 16/8, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã có thông báo về việc huỷ giao dịch bán cổ phiếu của ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư LDG.

HOSE huỷ giao dịch bán 2.601.300 cổ phiếu LDG của Chủ tịch HĐQT LDG. Ảnh minh họa

HOSE huỷ giao dịch bán 2.601.300 cổ phiếu LDG của Chủ tịch HĐQT LDG. Ảnh minh họa

Theo thông báo, ngày 15/8, ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư LDG đã thực hiện giao dịch bán 2.601.300 cổ phiếu LDG. Tuy nhiên, ông Nguyễn Khánh Hưng đã không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch theo quy định tại Khoản 1 Điều 33 Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) tại Công văn số 5546/UBCK-TT ngày 16/8/2023 về việc giao dịch bán cổ phiếu LDG của ông Nguyễn Khánh Hưng, đồng thời theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 16 Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2022 của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, HOSE thông báo sẽ thực hiện loại bỏ đối với giao dịch này.

Trước đó, ngày 15/8, ông Nguyễn Khánh Hưng đã bán thành công hơn 2,6 triệu cổ phiếu LDG với phương thức khớp lệnh. Qua đó, giảm tỷ lệ từ hơn 10 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 3,92%) xuống còn hơn 7,4 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 2,91%). Chiếu theo giá đóng cửa ngày 15/8 - đạt 6.360 đồng/CP, ước tính ông Nguyễn Khánh Hưng thu về hơn 16 tỷ đồng cho thương vụ trên.

Mật phục bắt tàu chở 80.000 lít dầu DO trái phép

Nhận được nguồn tin báo về phương tiện vận chuyển dầu DO trái phép, Ban Chỉ huy đồn Biên phòng cửa khẩu cảng An Thới (TP. Phú Quốc) đã báo cáo về Bộ Chỉ huy, đồng thời thành lập tổ công tác chủ động phối hợp với tàu tuần tra BP 20-19-01 của đồn Biên phòng Thổ Châu, Bộ đội Biên phòng Kiên Giang triển khai phương án mật phục chặn bắt.

Lực lượng chức năng kiểm tra tàu chở dầu DO trái phép

Lực lượng chức năng kiểm tra tàu chở dầu DO trái phép

Theo Ban Chỉ huy đồn Biên phòng cửa khẩu cảng An Thới (TP. Phú Quốc), khoảng 1h ngày 16/8, Tổ công tác phát hiện tàu KG-94337-TS đang di chuyển cách Mũi Hanh, vùng biển An Thới, TP. Phú Quốc khoảng 27 hải lý. Nhận thấy có nhiều dấu hiệu nghi vấn, Tổ công tác đã áp sát kiểm tra hành chính theo quy định.

Qua kiểm tra, trên tàu không có ngư lưới cụ, mà có nhiều ống dẫn dầu, van bơm loại lớn, các khoản được chặn, buộc rất chắc chắn. Tổ công tác yêu cầu chủ phương tiện mở các hầm đựng cá thì phát hiện bên trong các khoang chứa đầy dầu DO.

Tại thời điểm kiểm tra, các thành viên trên tàu không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số hàng hóa. Tổ công tác tiến hành áp giải, đưa phương tiện và các thuyền viên về cảng Vịnh Đầm, phường An Thới tiến hành điều tra.

Qua khai thác, số dầu và phương tiện này là của ông Nguyễn Văn Thạch, ở phường Vĩnh Hiệp, TP. Rạch Giá. Ngoài ra, cùng đi trên tàu còn có 4 thuyền viên, làm thuê cho ông Thạch. Ông Thạch khai nhận toàn bộ số dầu trên tàu đến thời điểm bị lực lượng biên phòng bắt giữ là khoảng 80.000 lít, mua trôi nổi ngoài khơi, mang về bán lại cho các tàu đánh cá gần đảo Phú Quốc.

Hiện tại, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh chỉ đạo phòng nghiệp vụ, phối hợp cùng các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, xử lý theo pháp luật.

Tin cùng chuyên mục