Bản tin thời sự sáng 18/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là tăng tần suất xe buýt, taxi, xe công nghệ phục vụ chuyến bay đêm dịp Tết; xử phạt 21 cá nhân liên quan đến vụ thao túng cổ phiếu FIR; EVN được giao nghiên cứu giá điện hai thành phần; giá cà phê lập đỉnh mới; Gang Thép Thái Nguyên báo lỗ gần 180 tỷ đồng…

Tăng tần suất xe buýt, taxi, xe công nghệ phục vụ chuyến bay đêm dịp Tết

Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị các tỉnh, thành lập kế hoạch, tăng tần suất và thời gian hoạt động của các chuyến xe buýt, taxi, xe công nghệ vào khung giờ ban đêm phục vụ bay Tết.

Các hãng hàng không sẽ tăng cường tần suất bay ban đêm để phục vụ nhu cầu về quê của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

Các hãng hàng không sẽ tăng cường tần suất bay ban đêm để phục vụ nhu cầu về quê của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên và Gia Lai về việc phối hợp tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam đã chỉ đạo các hãng hàng không, cảng hàng không, các đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không rà soát lại toàn bộ quy trình, xây dựng phương án phục vụ, bố trí nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện tại cảng hàng không...

Đến nay, theo số liệu báo cáo của các hãng hàng không và để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, Cục Hàng không Việt Nam đã cấp phép bay cho các hãng hàng không bổ sung thêm nhiều chuyến bay đi/đến các cảng hàng không, tập trung vào các khung giờ khai thác vào ban đêm.

Tuy nhiên, để đáp ứng và phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, bảo đảm chất lượng dịch vụ, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị UBND các tỉnh chỉ đạo Sở Giao thông vận tải rà soát, yêu cầu các đơn vị khai thác các tuyến xe buýt đi/đến cảng hàng không lập kế hoạch, tăng tần suất khai thác và tăng thời gian hoạt động của các chuyến xe buýt đi/đến các cảng hàng không, đặc biệt là vào khung giờ ban đêm theo thời gian khai thác đêm của các cảng hàng không.

Các tỉnh thành nêu trên rà soát, yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải khác trên địa bàn như taxi, xe công nghệ tăng thời gian hoạt động, tăng số lượng các phương tiện đến cảng hàng không để phục vụ khách có nhu cầu, đặc biệt là các hành khách trên các chuyến bay đêm đi/đến cảng hàng không…

Xử phạt 21 cá nhân liên quan đến vụ thao túng cổ phiếu FIR

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xử phạt ông Lưu Thái Hải và Ngô Huỳnh Minh Uy do có hành vi thao túng thị trường và 19 cá nhân có hành vi cho người khác mượn tài khoản để giao dịch chứng khoán.

UBCK xử phạt 21 cá nhân liên quan đến vụ thao túng cổ phiếu FIR

UBCK xử phạt 21 cá nhân liên quan đến vụ thao túng cổ phiếu FIR

UBCKNN vừa ban hành quyết định xử phạt đối với 21 cá nhân liên quan đến vụ thao túng cổ phiếu FIR.

Cụ thể, UBCKNN xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với các ông Lưu Thái Hải và Ngô Huỳnh Minh Uy do có hành vi thao túng thị trường chứng khoán và 19 cá nhân do có hành vi cho người khác mượn tài khoản để giao dịch chứng khoán, dẫn đến hành vi thao túng thị trường chứng khoán đối với cổ phiếu của Công ty CP Địa ốc First Real (mã chứng khoán: FIR).

Đáng chú ý, các cá nhân này bị xử phạt sau 2 năm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Theo đó, ông Lưu Thái Hải và ông Ngô Huỳnh Minh Uy (thường trú tại Đà Nẵng) bị xử phạt mỗi người 1,5 tỷ đồng do sử dụng 76 tài khoản chứng khoán để liên tục mua bán, giao dịch cổ phiếu FIR giữa các tài khoản với nhau nhằm mục đích tạo cung cầu giả, thao túng giá cổ phiếu, vi phạm quy định của Luật Chứng khoán.

Hoạt động thao túng giá FIR được 2 cá nhân trên thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 4/1 - 17/6/2022.

UBCKNN xác định, ông Lưu Thái Hải và ông Ngô Huỳnh Minh Uy chưa có khoản thu trái pháp luật nào từ hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, UBCKNN cấm 2 cá nhân giao dịch chứng khoán trong thời hạn 2 năm; cấm đảm nhiệm chức vụ tại công ty hoặc chi nhánh chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam trong 2 năm, kể từ ngày 12/1/2024.

Trong vụ thao túng cổ phiếu FIR, UBCKNN còn xử phạt 19 cá nhân có hành vi cho mượn tài khoản để giao dịch, dẫn đến hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Các cá nhân này cho ông Nguyễn Hữu Đức mượn các tài khoản để giao dịch thao túng thị trường chứng khoán trong khoảng thời gian từ ngày 4/1 - 17/6/2022 đối với cổ phiếu FIR.

UBCKNN cho biết, 19 cá nhân cho mượn tài khoản không có khoản thu trái pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm. Tuy nhiên, cá nhân này vẫn bị đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán có thời hạn 9 tháng theo quy định.

EVN được giao nghiên cứu giá điện hai thành phần

Bộ Công Thương giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nghiên cứu giá điện hai thành phần theo công suất và điện năng tiêu thụ.

Công nhân Điện lực Hà Nội làm việc tại trạm biến áp đường Láng Hạ (Quận Đống Đa, Hà Nội)

Công nhân Điện lực Hà Nội làm việc tại trạm biến áp đường Láng Hạ (Quận Đống Đa, Hà Nội)

Việt Nam đang áp dụng giá bán điện một thành phần, tức trả theo điện năng tiêu thụ. Tại văn bản vừa gửi EVN, Bộ Công Thương đề nghị tập đoàn này nghiên cứu cơ chế và lộ trình, đối tượng sẽ áp giá hai thành phần, gồm giá công suất và điện năng tiêu thụ.

EVN cũng được giao đánh giá tác động các nhóm khách hàng dùng điện trong trường hợp Việt Nam thí điểm áp giá điện này. "Việc này cần tính toán, so sánh với cơ chế giá theo biểu đang áp dụng hiện nay, tức biểu giá bậc thang cho khách dùng điện sinh hoạt và theo cấp điện áp với sản xuất, kinh doanh", Bộ Công Thương lưu ý.

Từ nghiên cứu, đề xuất của EVN về cơ chế, lộ trình áp dụng giá điện hai thành phần, Bộ Công Thương sẽ xem xét, trình Thủ tướng quyết định.

Thực tế, giá điện theo công suất và điện năng tiêu thụ được nhiều quốc gia áp dụng cho khách hàng sản xuất, kinh doanh. Bởi, giá một thành phần, tức tính theo điện năng tiêu thụ chỉ bù đắp chi phí biến đổi như khoản tiền mua nhiên liệu, vật tư. Còn giá hai thành phần, ngoài tính theo điện năng tiêu thụ, sẽ bổ sung giá theo công suất. Đây là khoản sẽ bù đắp cho chi phí cố định (khấu hao, nhân công, sửa chữa...) của nhà máy phát điện.

Giá cà phê lập đỉnh mới

Giá cà phê trong nước ngày 17/1 lên mức 72.500 đồng một kg, cao nhất từ trước tới nay.

Người dân Kon Tum thu hoạch cà phê

Người dân Kon Tum thu hoạch cà phê

Một tháng qua, cà phê vào vụ thu hoạch, giá liên tục tăng. Ngày 17/1, mỗi kg giá cà phê nhân trong nước là 72.500 đồng, tăng 2% so với một ngày trước. Mức này cao hơn 86% so với đầu năm ngoái và là lần thứ ba giá cà phê lập đỉnh, từ tháng 6/2023.

Theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, giá nông sản này tăng mạnh do lo ngại nguồn cung thiếu hụt từ châu Á khi tuyến vận chuyển qua kênh đào Suez bị tắc nghẽn vì căng thẳng tại Biển Đỏ.

Căng thẳng trên tuyến đường vận chuyển chính từ châu Á sang châu Âu khiến chi phí logistics tăng 1.000 - 2.000 USD, theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương. Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê thứ hai thế giới, nên cũng chịu tác động từ căng thẳng này.

Giá tăng, thương lái liên tục gom mua tại các vùng trồng trọng điểm của Tây Nguyên, như Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum.

Theo giới phân tích, phần lớn cà phê Robusta tiêu thụ tại châu Âu được nhập từ Việt Nam, nên nhiều khả năng giá cà phê Việt vẫn tiếp đà tăng trong năm nay, thậm chí cao nhất thế giới.

Trước đó, hồi tháng 6/2023, giá cà phê nhân tăng từ 39.000 đồng/kg lên 67.000 đồng/kg do "EL Nino xuất hiện", khiến nhiều vùng trồng cà phê thế giới rơi vào cảnh mất mùa. 3 tháng sau đó, giá lên 68.000 đồng/kg khi nguồn cung giảm mạnh.

Gang Thép Thái Nguyên báo lỗ gần 180 tỷ đồng

Trong năm vừa qua, Gang Thép Thái Nguyên ghi nhận khoản lỗ tới 179 tỷ đồng, dù quý IV đã có lãi trở lại sau 5 quý thua lỗ liên tiếp.

Gang Thép Thái Nguyên báo lỗ gần 180 tỷ đồng

Gang Thép Thái Nguyên báo lỗ gần 180 tỷ đồng

Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên (Tisco - mã: TIS) vừa công bố Báo cáo tình hình kinh doanh quý IV/2023 và cả năm với kết quả không mấy khởi sắc.

Cụ thể, trong quý cuối năm 2023, Tisco ghi nhận doanh thu đạt 2.741 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2022. Giá vốn hàng bán ở mức 2.614 tỷ đồng, tăng 30%, nhưng chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt được tiết giảm 4% và 58,9%.

Kết quả, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này đạt 15,6 tỷ đồng, trong khi quý IV/2022 âm hơn 16,8 tỷ đồng.

Theo Ban lãnh đạo Tisco, trong quý IV/2023, lợi nhuận doanh nghiệp tăng do thị trường thép có những chuyển biến tích cực, thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thép. Sản lượng tiêu thụ thép cán tăng 46.458 tấn, tăng 31,6% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, chi phí quản lý giảm là do giảm chi phí tiền lương và chi phí dự phòng tiền lương, đồng thời chi phí thuê đất được giảm 12 tỷ đồng. Doanh nghiệp cũng được hoàn nhập dự phòng tổn thất các khoản đầu tư 7,3 tỷ đồng (quý IV/2022 trích lập dự phòng 4,9 tỷ đồng).

Tuy nhiên, lũy kế cả năm 2023, doanh thu của Tisco vẫn thu hẹp 19% so với năm 2022, về khoảng 9.531 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng âm hơn 179 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ âm gần 9 tỷ đồng. Với kết quả này, doanh nghiệp đã không hoàn thành mục tiêu lãi 39 tỷ đồng trong năm 2023.

Kết thúc năm vừa qua, tổng tài sản của Tisco đạt 10.251 tỷ đồng, tăng gần 70 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền ghi nhận 116,9 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Hàng tồn kho hơn 1.422 tỷ đồng, giảm 19,4%.

Tisco hiện có vốn chủ sở hữu 1.705 tỷ đồng, trong khi đó nợ phải trả là 8.546 tỷ đồng, theo đó giá trị nợ lớn gấp hơn 5 lần so với vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ ngắn hạn là hơn 6.019 tỷ đồng.

Thi công xuyên Tết để kịp hoàn thành đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa trong năm 2024

Ngày 17/1, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) đã có văn bản gửi các nhà thầu, tư vấn đề nghị bố trí lực lượng thi công xuyên Tết Nguyên đán 2024 để đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thành dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa vào cuối năm 2024 như cam kết.

Công trường thi công đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa
Công trường thi công đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa

Theo giao ước thi đua đầu năm 2024 giữa chủ đầu tư (Ban Giao thông) và đại diện các đơn vị nhà thầu và tư vấn, Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa được thống nhất tiến độ, mục tiêu thi công hoàn thành trong năm 2024. Cụ thể, các nhà thầu sẽ thi công hoàn thành Gói thầu số 9 (xây dựng hầm chui nút giao Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện) trước ngày 30/7 và thi công hoàn thành toàn bộ công trình trước ngày 31/12/2024.

Để đẩy nhanh tiến độ, Ban Giao thông đề nghị các nhà thầu, tư vấn giám sát huy động tối đa máy móc thiết bị, vật tư, nhân công đẩy nhanh tiến độ thi công; đồng thời bảo đảm duy trì, triển khai thi công hiện trường xuyên Tết Nguyên đán 2024 để hoàn thành công trình theo đúng tiến độ đã cam kết. Trước ngày 20/1, các nhà thầu thi công phải báo cáo chủ đầu tư kế hoạch thi công, số lượng công nhân, cán bộ phụ trách công trường, hạng mục thi công trong dịp Tết để theo dõi, giám sát tiến độ, tình hình thực hiện của các đơn vị.

Đến nay, Gói thầu số 9 đạt trên 50% khối lượng và là gói thầu đầu tiên được triển khai thi công của Dự án. Đồng thời, các gói thầu xây lắp khác của Dự án cũng đang được thi công đồng loạt từ đầu năm 2024.

Dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa khởi công cuối năm 2022 với tổng mức đầu tư 4.848 tỷ đồng.

Cấm xe tải nặng qua cầu Rạch Miễu trong 20 ngày

Từ 30/1 - 19/2 (20 tháng Chạp - 10 tháng Giêng 2024), ôtô tải trên 24 tấn bị cấm qua cầu Rạch Miễu nối Tiền Giang - Bến Tre, lúc 15h - 20h mỗi ngày để hạn chế ùn tắc.

Ôtô, xe máy chen chúc qua cầu Rạch Miễu

Ôtô, xe máy chen chúc qua cầu Rạch Miễu

Thông tin phân luồng xe qua cầu Rạch Miễu dịp Tết Nguyên đán được Sở Giao thông vận tải Tiền Giang cho biết ngày 17/1. Hiện, xe tải trên 24 tấn chỉ bị cấm qua cầu Rạch Miễu trong hai ngày cuối tuần theo khung giờ từ 9h - 11h và 15h - 19h.

Theo ghi nhận của Trạm thu phí BOT cầu Rạch Miễu, trong những ngày đầu tháng 1, lượng ôtô qua cầu tăng khoảng 1.000 lượt một ngày. Ngày cao điểm, lượng xe qua cầu lên đến 26.000 lượt. Trạm thu phí phải nhiều lần xả trạm để hạn chế kẹt xe.

Cầu Rạch Miễu dài hơn 8,3 km. Những năm gần đây, lượng xe trên quốc lộ 60 tăng cao khiến cầu thường xuyên kẹt. Tháng 3/2022, Dự án cầu Rạch Miễu 2 dài 17,6 km, tổng vốn 6.800 tỷ đồng, được khởi công. Công trình dự kiến hoàn thành sau 3 năm, giúp giảm kẹt xe cho cầu hiện tại.