Bản tin thời sự sáng 21/11

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội lấy ý kiến người dân về cột mốc Km0; sắp khởi công 2 phân đoạn vành đai 3 TP.HCM; 7 km quốc lộ tại Cần Thơ thành “nút cổ chai” vì dự án đình trệ; đề xuất đưa sân bay Phù Cát thành cảng hàng không quốc tế; tắc đường sắt Bắc Nam vì tàu hàng trật bánh…

Hà Nội lấy ý kiến người dân về cột mốc Km0

Bốn tháng sau khi kết thúc Cuộc thi Thiết kế cột mốc Km0, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) tổ chức trưng bày và lấy ý kiến nhân nhân về các phương án đoạt giải.

Phối cảnh 3D phương án đạt giải nhất

Phối cảnh 3D phương án đạt giải nhất

Ngày 20/11, UBND quận Hoàn Kiếm đã tổ chức triển lãm và lấy ý kiến cộng đồng về các phương án đoạt giải Cuộc thi Thiết kế công trình cột mốc Km0, thuộc Dự án Đầu tư xây dựng, cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh Hồ Gươm.

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho hay, cuộc thi thiết kế đã nhận đuợc trên 100 phương án.

Theo lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, để có thêm những ý kiến đóng góp nhằm chọn lựa phương án khả thi nhất, quận phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức lấy ý kiến trực tiếp của cộng đồng thông qua việc trưng bày các phương án đoạt giải.

Ông Long cũng cho biết, cuộc thi thiết kế đã xong, một số công trình dự thi xuất sắc nhất đã được trao giải, tuy nhiên việc trao giải không đồng nghĩa giải nhất sẽ được chọn thi công. Từ các phương án được trưng bày, các nhà khoa học, nhân dân sẽ cho ý kiến để chọn ra phương án tối ưu nhất cho công trình cột mốc Km0.

Triển lãm trưng bày và lấy ý kiến về các phương án đạt giải Cuộc thi Thiết kế cột mốc Km0 sẽ diễn ra trong 6 ngày (từ ngày 20 đến hết ngày 26/11) tại tầng 1 của Trung tâm Thông tin văn hoá quận Hoàn Kiếm, số 2 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Sắp khởi công 2 phân đoạn vành đai 3 TP.HCM

Với tổng vốn đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng, 2 dự án 1A và 1B đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch thuộc Vành đai 3 TP.HCM dự kiến khởi công trong năm 2021.

Sơ đồ Dự án Đường vành đai 3

Sơ đồ Dự án Đường vành đai 3

Liên quan tiến độ thực hiện Dự án Vành đai 3 TP.HCM, Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Tổng công ty Cửu Long) cho biết, đã trình Bộ Giao thông vận tải báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Dự án chia làm 4 đoạn, dài 90 km. Trong đó, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch có 2 dự án thành phần là 1A và 1B đã xác định nguồn vốn hơn 9.200 tỷ đồng.

Dự án 1A (TP.HCM và Đồng Nai) dài 8,75 km, nối từ Tỉnh lộ 25B (Đồng Nai) đến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Công trình có vốn đầu tư 5.329 tỷ đồng, riêng vốn vay ODA từ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) chiếm gần 4.200 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Dự án 1B (TP.HCM), dài gần 9 km, đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Tuyến này có điểm đầu tại cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và điểm cuối ở nút giao Trạm 2 (xa lộ Hà Nội), tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng.

Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng là hơn 1.000 tỷ đồng. Tổng công ty Cửu Long đang lập hồ sơ mời gọi nhà đầu tư, dự kiến công trình được khởi công trong năm 2021.

Đường vành đai 3 là dự án trọng điểm quốc gia dài 97,7 km. Điểm đầu của tuyến đường này bắt đầu từ đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Sau đó đi qua 4 tỉnh, thành là Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương và Long An. Điểm cuối giao với đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Cần Thơ: 7 km quốc lộ thành “nút cổ chai” vì dự án đình trệ

Dự án Nâng cấp, mở rộng 7 km Quốc lộ 91 gần 1.400 tỷ đồng được phê duyệt năm 2008, song gần như bất động; tuyến đường đang xuống cấp, ùn tắc nghiêm trọng.

Đoạn quốc lộ 91 qua quận Ninh Kiều ngập sâu trong triều cường giữa tháng 11

Đoạn quốc lộ 91 qua quận Ninh Kiều ngập sâu trong triều cường giữa tháng 11

UBND TP. Cần Thơ vừa kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo đưa Dự án Nâng cấp, mở rộng 7 km Quốc lộ 91, đoạn qua hai quận trung tâm Ninh Kiều và Bình Thủy, vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Dự án được UBND TP. Cần Thơ phê duyệt năm 2008, kinh phí 1.398 tỷ đồng từ vốn hỗ trợ có mục tiêu của Chính phủ. Tuy nhiên, khi Dự án đang triển khai bồi thường, hỗ trợ tái định cư (đã giải ngân 65 tỷ đồng) thì bị đình hoãn theo Nghị quyết của Chính phủ về cắt giảm đầu tư công, kiềm chế lạm phát năm 2011.

Đoạn trên là một trong 3 dự án trên 51 km Quốc lộ 91 qua TP. Cần Thơ, được Bộ Giao thông Vận tải đầu tư. Hai dự án còn lại dài 44 km, mặt đường rộng 12 - 23 m, kinh phí hơn 2.200 tỷ đồng, đã hoàn thành năm 2015.

Một lãnh đạo ngành giao thông Cần Thơ cho biết, từ khi 44 km Quốc lộ 91 hoàn thành nâng cấp và đưa vào sử dụng, mật độ xe trên tuyến này rất cao, đã tạo áp lực rất lớn lên 7 km còn lại. Đoạn này mặt đường nhỏ hẹp nên dẫn đến ùn tắc và xảy ra nhiều vụ tai nạn. Đặc biệt do cao trình thấp, hệ thống thoát nước quá nhỏ nên đường thường ngập nặng khi mưa lớn và triều cường... Nếu nâng cấp, mở rộng đoạn quốc lộ này, mặt đường từ 11 - 12 m lên 37 m, kinh phí khoảng 3.000 tỷ đồng.

Quốc lộ 91 dài 142 km, từ Cần Thơ đến cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (An Giang), chạy ngang hàng chục khu công nghiệp và nhiều cảng dọc sông Hậu. Đây là một trong các quốc lộ quan trọng nhất của Đồng bằng sông Cửu Long, đóng vai trò là trục ngang nối Cần Thơ với An Giang, Kiên Giang và Campuchia.

Đề xuất đưa sân bay Phù Cát thành cảng hàng không quốc tế

Cảng hàng không Phù Cát đã được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đầu tư xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu phục vụ cả khách nội địa và quốc tế.

Cảng hàng không Phù Cát

Cảng hàng không Phù Cát

UBND tỉnh Bình Định vừa đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Cục hàng không Việt Nam đưa nội dung chuyển Cảng hàng không Phù Cát thành cảng hàng không quốc tế vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo tỉnh Bình Định, Cảng hàng không Phù Cát đã được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đầu tư xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng như nâng cấp sân đỗ, nhà ga nội địa, hệ thống thông tin, tín hiệu phục vụ bay...

Tất cả đều đã được đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả; đồng thời, cũng hoàn thành việc nâng cấp nhà ga cũ để phục vụ đón khách quốc tế.

Do đó, cơ sở hạ tầng sân bay Phù Cát cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ cả khách nội địa và quốc tế.

TP.HCM đã hoàn thành nạo vét, khơi thông kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Ngày 20/11, Dự án Nạo vét kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã chính thức hoàn thành công tác nạo vét, khơi thông dòng chảy để cải thiện vệ sinh môi trường, tăng khả năng tiêu thoát nước cho khu vực.

Đơn vị thi công nạo vét kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vào tháng 8

Đơn vị thi công nạo vét kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vào tháng 8

Theo ông Phạm Ngọc Dũng, Giám đốc Trung tâm Quản lý đường thủy, Sở Giao thông vận tải TP.HCM, việc nạo vét đã hoàn thành, hiện tại phía đơn vị đang kiểm tra xem các yêu cầu về độ sâu, độ rộng sau khi nạo vét để nghiệm thu.

Về số lượng bùn nạo vét, ông Dũng cho biết có phát sinh nhưng không đáng kể so với dự tính ban đầu khoảng 122.000 m3.

Dự án Nạo vét kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ban đầu dự định chia làm 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn dự kiến thực hiện trong 75 ngày. Trong đó, giai đoạn 1 thi công từ cầu Lê Văn Sỹ đến cầu số 6, chiều dài khoảng 1,4km. Bề rộng thi công 25m và chiều sâu khoảng 0,9m.

Giai đoạn 2, việc nạo vét thực hiện từ cầu số 6 đến đường Út Tịch, chiều dài cũng khoảng 1,4km, bề rộng từ 24,1 - 42,2m và độ sâu là 1,1m.

Giai đoạn 3, đoạn dài nhất của Dự án từ cầu Lê Văn Sỹ đến ngã ba sông Sài Gòn, với tổng chiều dài nạo vét là 5,8km. Đoạn này thi công trên bề rộng 25m và chiều sâu là 1m.

Tắc đường sắt Bắc Nam vì tàu hàng trật bánh

Tàu hàng HH8 chạy từ Nam ra Bắc, đến khu vực Phủ Lý đã bị trật bánh hai toa, sáng ngày 21/11.

Hành khách đi tàu SE2, SE4 được di chuyển bằng đường bộ từ ga Nam Định về Hà Nội

Hành khách đi tàu SE2, SE4 được di chuyển bằng đường bộ từ ga Nam Định về Hà Nội

Lúc 3h25, tàu hàng HH8 với 19 toa chở nhiều loại hàng từ ga Sóng Thần (Bình Dương) đến ga Giáp Bát (Hà Nội). Đến km 60 khu gian Phủ Lý - Bình Lục (Hà Nam) hai toa số 9 - 10 trật bánh, khiến đoạn đường sắt qua đây bị ách tắc.

Theo ông Trần Thiện Cảnh, Phó tổng giám đốc Công ty Đường sắt Việt Nam, sự cố không gây thiệt hại về người. Hai toa tàu trật bánh bị hỏng một số thiết bị và đoạn đường sắt bị hư hỏng khoảng 400 m. Đây cũng là đoạn đường sắp phải cải tạo, nâng cấp.

Lực lượng chức năng đang di dời hai toa trật bánh để thông đường trong ngày, các toa phần đầu tàu hàng đã được kéo về ga Phủ Lý, các toa phía sau đã được đưa về ga Bình Lục.

Do ách tắc, bốn đoàn tàu khách SE2, SE4, NA2, SE7 đã phải dừng tại các ga gần đó. Hành khách trên hai đoàn tàu SE2, SE4 dừng tại ga Nam Định đã được chuyển tải bằng xe khách, đi đường bộ về Hà Nội.

Tin cùng chuyên mục