Bản tin thời sự sáng 21/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là thông hầm xuyên núi trên cao tốc Vũng Áng - Bùng; Vietcombank 'đại hạ giá' 300 tỷ đồng nhà máy sản xuất trứng gà sạch tại Phú Thọ; Đà Nẵng hủy bỏ phong tỏa tài sản liên quan vợ chồng Phan Văn Anh Vũ; máy bay Vietnam Airlines từ Hà Nội đi Cần Thơ bị móp đầu, phải quay trở lại…

Thông hầm xuyên núi trên cao tốc Vũng Áng - Bùng

Hầm Đèo Bụt (tỉnh Hà Tĩnh) dài gần 1 km, vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, thuộc Dự án cao tốc Vũng Áng - Bùng đã được thông, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công.

Hầm Đèo Bụt trên cao tốc Vũng Áng - Bùng đã được thông

Hầm Đèo Bụt trên cao tốc Vũng Áng - Bùng đã được thông

Ngày 20/5, theo đại diện Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải cho biết, hai mũi đào từ đường Bắc và Nam của hầm bên phải, tính theo hướng Bắc - Nam, đã hợp long với độ chính xác tuyệt đối vào ngày 19/5. Việc thông hầm có ý nghĩa quan trọng, sau thời điểm này công tác điều phối nhân sự, phương tiện, vật tư vật liệu có thể đi xuyên qua hầm mà không phải di chuyển vòng bằng đường công vụ, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công hầm Đèo Bụt cũng như toàn dự án cao tốc.

Hầm Đèo Bụt dài gần 1 km, xuyên qua núi Đồng Nang, phía Bắc thuộc xã Kỳ Lạc (huyện Kỳ Anh), phía Nam nằm ở xã Kỳ Hoa (thị xã Kỳ Anh). Công trình thiết kế vĩnh cửu, vỏ bêtông cốt thép, quy mô hai hầm riêng biệt, chiều rộng mỗi hầm 15 m, cao 8 m. Hầm xây dựng từ tháng 7/2023, đến nay tròn 10 tháng.

Hầm bên phải dài 840 m sẽ phục vụ giai đoạn một của dự án. Hầm trái còn 150 m nữa dự kiến thông trong tháng 7, phục vụ giai đoạn hai. Trước mắt, hầm trái sau khi thông chưa khai thác, nhà chức trách dùng để phục vụ cứu nạn cứu hộ.

Nằm trong cao tốc Bắc - Nam, đường Vũng Áng - Bùng dài hơn 55 km, đi qua hai tỉnh Hà Tĩnh (gần 13 km) và Quảng Bình (hơn 42 km). Công trình được khởi công tháng 1/2023, dự kiến hoàn thành tháng 12/2025. Giai đoạn một của dự án quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17 m, vận tốc thiết kế 80 - 90 km/h.

Dự án có tổng vốn hơn 12.540 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án 6 (Bộ Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư. Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải - Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam - Công ty 484 - Công ty xây lắp 368 - Công ty 479 Hòa Bình; Công ty Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành - Công ty Lizen thi công.

Vietcombank 'đại hạ giá' 300 tỷ đồng nhà máy sản xuất trứng gà sạch tại Phú Thọ

Vietcombank tiếp tục đấu giá nhà máy sản xuất trứng gà sạch tại Phú Thọ với giá khởi điểm hơn 131 tỷ đồng, giảm gần 300 tỷ đồng so với lần đấu giá đầu tiên vào tháng 7/2020.

Sản phẩm trứng gà sạch Freskan

Sản phẩm trứng gà sạch Freskan

Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Hà Nội mới đây đã có thông báo bán đấu giá lần thứ 16 tài sản liên quan khoản nợ xấu của Công ty TNHH ĐTK Phú Thọ để thu hồi nợ gốc.

Theo đó, tài sản được mang ra bán đấu giá là nhà máy sản xuất trứng gà sạch với giá khởi điểm hơn 131 tỷ đồng, giảm gần 300 tỷ đồng so với lần đấu giá đầu tiên vào tháng 7/2020.

Ngoài ra, Ngân hàng cũng rao bán toàn bộ phần vốn góp của Công ty CP ĐTK tại Công ty TNHH ĐTK Phú Thọ với giá gần 11 tỷ đồng, giảm hơn 18 tỷ đồng so với lần đấu giá đầu tiên. Tổng giá khởi điểm cho 2 tài sản nói trên là hơn 150 tỷ đồng. Thời gian đấu giá dự kiến vào chiều ngày 23/5.

Theo tìm hiểu, tài sản kể trên là dự án nhà máy sản xuất trứng gà sạch công nghệ cao đầu tiên tại Việt Nam và được Vietcombank tài trợ vốn từ năm 2017.

Nhà máy do Công ty CP ĐTK làm chủ đầu tư, được xây dựng trên diện tích hơn 42 ha tại xã Tề Lễ, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Các hạng mục cơ bản gồm: 4 nhà gà hậu bị (gà dưới 18 tuần) với công suất 52.800 con/nhà; 12 nhà gà đẻ với công suất 51.200 con/nhà; hệ thống đóng gói trứng với công suất 60.000 quả/giờ.

Vào thời điểm đầu, nhà máy dự kiến sản xuất với sản lượng 178 triệu quả trứng gà sạch/năm và thịt gà đẻ sau 80 tuần.

Tại năm 2017, nhà máy sản xuất trứng gà sạch công nghệ cao của Công ty ĐTK cũng là dự án lớn nhất cả nước trong lĩnh vực sản xuất trứng gà sạch với tổng mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng.

Tại dự án này, Vietcombank đứng vai trò tài trợ vốn với giá trị 600 tỷ đồng, thời hạn cho vay 15 năm.

Đà Nẵng hủy bỏ phong tỏa tài sản liên quan vợ chồng Phan Văn Anh Vũ

UBND TP. Đà Nẵng có văn bản về việc chấm dứt việc phong tỏa, tạm dừng giao dịch tài sản của bà Nguyễn Thị Thu Hiền và các công ty liên quan đến Phan Văn Anh Vũ.

Dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước liên quan đến Phan Văn Anh Vũ.

Dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước liên quan đến Phan Văn Anh Vũ.

Thông tin từ UBND TP. Đà Nẵng, Chủ tịch UBND Thành phố Lê Trung Chinh đã ký văn bản hủy bỏ việc tạm dừng giao dịch tài sản của các công ty liên quan đến Phan Văn Anh Vũ và bà Nguyễn Thị Thu Hiền (vợ ông Vũ).

Văn bản này được gửi đến Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Đà Nẵng, các ngân hàng và tổ chức tín dụng; Cục Thuế TP. Đà Nẵng; Công an Thành phố; Sở Tư pháp; Sở Kế hoạch và Đầu tư; UBND các quận, huyện, xã phường; Văn phòng Đăng ký đất đai Thành phố và chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai các quận huyện.

Văn bản nêu rõ, thực hiện Công văn số 903 ngày 7/11/2023 của Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an về việc hủy bỏ việc tạm dừng giao dịch tài sản của bà Nguyễn Thị Thu Hiền và các công ty liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng có ý kiến chỉ đạo:

Chấm dứt việc phong tỏa, tạm dừng giao dịch tài sản của bà Nguyễn Thị Thu Hiền và các công ty liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ theo các văn bản được ký vào năm 2017, 2018 của Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng về việc tạm dừng giao dịch, phong tỏa tài sản, không cho mua bán, chuyển nhượng, cho tặng, ủy quyền...

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu các cơ quan, đơn vị và địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện văn bản nêu trên.

Trước đó, để phục vụ công tác điều tra các vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, Bộ Công an đã đề nghị UBND TP. Đà Nẵng tạm dừng giao dịch đối với các tài sản như: cổ phần, cổ phiếu, bất động sản của các cá nhân, tổ chức có liên quan đến Phan Văn Anh Vũ.

Năm 2023, Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã có văn bản gửi UBND TP. Đà Nẵng về việc hủy bỏ tạm dừng giao dịch tài sản, đảm bảo hoạt động bình thường của các công ty liên quan đến Phan Văn Anh Vũ.

Máy bay Vietnam Airlines từ Hà Nội đi Cần Thơ bị móp đầu, phải quay trở lại

Máy bay của Vietnam Airlines từ Hà Nội đi Cần Thơ, khi đến tỉnh Ninh Bình phải quay trở lại do va đập vật thể lạ gây móp phần mũi.

Hành trình chuyến bay VN1207 trên trang Flighradar.

Hành trình chuyến bay VN1207 trên trang Flighradar.

Ngày 20/5, theo đại diện Cảng vụ Hàng không miền Bắc, chuyến bay VN1207 chặng Hà Nội đi Cần Thơ khởi hành lúc 17h15 ngày 19/5. Sau khi bay đến Ninh Bình, tổ bay phát hiện máy bay gặp sự cố và xin quay lại sân bay Nội Bài.

Máy bay hạ cánh lúc 19h, toàn bộ tổ bay và hành khách an toàn. Cơ quan chức năng kiểm tra, xác định máy bay bị lõm phần mũi, rạn kính lái, nghi có va chạm trên hành trình.

Đại diện Cảng vụ Hàng không miền Bắc cho biết, sự việc đang được điều tra. "Máy bay có thể gặp các tình huống trên đường như va phải chim, gặp mưa đá... Đội bay luôn có phương án xử lý để đảm bảo an toàn", đại diện cảng vụ nói.

Trên trang Flightradar chuyên hiển thị hành trình chuyến bay, máy bay Airbus 321 mang số hiệu VN1207 chiều 19/5 khởi hành từ sân bay Nội Bài, khi đến Ninh Bình thì quay trở lại nơi xuất phát.

128 thửa đất của dự án ở Thuận Thành, Bắc Ninh chuyển nhượng sai quy định

Theo Thanh tra tỉnh Bắc Ninh, mặc dù chưa hoàn thành đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, chưa đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất Dự án Khu nhà ở thôn Đại Trạch (Đình Tổ, Thuận Thành), thế nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường Tỉnh đã ra thông báo đủ điều kiện chuyển nhượng với 128 thửa đất.

Dự án Khu nhà ở thôn Đại Trạch (khu số 1) xã Đình Tổ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh

Dự án Khu nhà ở thôn Đại Trạch (khu số 1) xã Đình Tổ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh

Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Bắc Ninh, Dự án Khu nhà ở thôn Đại Trạch có tổng diện tích hơn 67.000 m2. Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ SK là đơn vị trúng đấu giá quyền sử dụng đất.

Thanh tra tỉnh Bắc Ninh đã chỉ ra một số tồn tại tại Dự án. Đáng chú ý, theo kết luận thanh tra, Sở TN&MT Bắc Ninh đã có Thông báo số 130/TB-STNMT ngày 29/12/2021, thông báo Dự án đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với 128 thửa đất là chưa đúng quy định (Dự án chưa hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng).

Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ, UBND xã Đình Tổ không tổ chức lập và trình phê duyệt hồ sơ cắm mốc giới, không triển khai cắm mốc giới ngoài thực địa theo quy hoạch chi tiết được duyệt…

Theo kết luận thanh tra, Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ SK tổ chức thi công dự án hạ tầng kỹ thuật chậm so với thời gian tại quyết định phê duyệt của UBND tỉnh Bắc Ninh (từ năm 2020 - 2022). Đến thời điểm thanh tra, Dự án đang thi công dở dang, chưa hoàn thành.

Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ SK tổ chức khởi công xây dựng công trình khi chưa có thiết kế bản vẽ thi công đã được thẩm định, phê duyệt; thi công xây dựng không đúng quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được duyệt...

Theo Thanh tra tỉnh Bắc Ninh, năm 2021, Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh đã ra thông báo đủ điều kiện chuyển nhượng với 128 thửa đất tại Dự án Khu nhà ở thôn Đại Trạch nhưng thực tế lại chưa đủ điều kiện.

Thanh tra tỉnh Bắc Ninh xác định, để xảy ra vi phạm trên, trách nhiệm thuộc về UBND xã Đình Tổ (trong công tác quy hoạch xây dựng, quản lý trật tự xây dựng; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng); đồng thời còn có trách nhiệm của các phòng: Quản lý đô thị; TN&MT; Tài chính - Kế hoạch; Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản; UBND thị xã Thuận Thành.

4 tháng đầu năm, Khánh Hòa thu về hơn 10 tỷ đồng tiền đấu giá đất

Ngày 20/5, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa cho biết, vừa có báo cáo kết quả đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn Tỉnh.

Từ đầu năm đến nay, địa phương đã thu hơn 10 tỷ đồng tiền đấu giá các lô đất trên địa bàn.

Từ đầu năm đến nay, địa phương đã thu hơn 10 tỷ đồng tiền đấu giá các lô đất trên địa bàn.

Tính đến tháng 4/2024, tỉnh Khánh Hòa đã thu nộp ngân sách hơn 10 tỷ đồng tiền đấu giá đất.

Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức đấu giá thành công 2 thửa đất trên địa bàn phường Vĩnh Hòa (TP. Nha Trang).

Thửa đất số 04, tờ bản đồ số 18 với diện tích 90,2m2 trúng đấu giá số tiền hơn 3,1 tỷ đồng; thửa đất số 06, tờ bản đồ số 18 với số tiền trúng đấu giá hơn 4,7 tỷ đồng.

Ngoài ra, UBND huyện Vạn Ninh cũng tổ chức đấu giá 5 lô đất tại Khu dân cư Tân Đức Đông (Tiểu khu DC3) - xã Vạn Lương thành công, qua đó thu nộp ngân sách hơn 7,3 tỷ đồng. Hiện, Trung tâm Phát triển quỹ đất Khánh Hòa đã thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án tại một phần khu đất ký hiệu BV03 Khu đô thị Mỹ Gia, TP. Nha Trang.

Theo đó, Trung tâm Phát triển quỹ đất Khánh Hòa thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản để bán đấu giá quyền sử dụng đất khu đất có diện tích 20.023 m2, với mục đích sử dụng là xây dựng bệnh viện đa khoa quốc tế.

Khu đất nói trên có giá khởi điểm đấu giá khoảng 673 tỷ đồng; được Nhà nước cho thuê đất theo hình thức trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; thời hạn thuê đất là 50 năm kể từ ngày ban hành quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất.

Hội An cho phép hộ dân phố cổ đón khách ăn ở cùng

Để du khách trải nghiệm, khám phá sinh hoạt hàng ngày, thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) thí điểm cho người dân đón du khách vào nhà ăn ở cùng.

Trung tâm phố cổ Hội An, nơi thí điểm đón khách lưu trú

Trung tâm phố cổ Hội An, nơi thí điểm đón khách lưu trú

Ngày 20/5, ông Tống Quốc Hưng, Trưởng phòng Văn hóa thông tin Hội An cho biết, khu vực thí điểm mô hình lưu trú trải nghiệm cùng cư dân phố cổ Hội An là nhà trong kiệt (sâu trong hẻm), hẻm khu vực I và những khu vực tiệm cận, liền kề với khu vực I; nhà mặt tiền khu vực I, IIA khu phố cổ.

Hộ dân được đón khách lưu trú ở cùng phải là chủ nhà, cư dân bản địa Hội An, sinh sống thực tế tại địa chỉ đăng ký. Gia đình dự kiến đón khách ở cùng đạt gia đình văn hóa tiêu biểu và có uy tín trong cộng đồng tại địa phương.

Mỗi hộ dân thông tin các hình thức và nội dung, thời gian sinh hoạt, hoạt động tại gia đình để thuận tiện cho khách trải nghiệm và tham gia. Các hoạt động phải đảm bảo các điều kiện về nhà ở cũng như quy định của Luật Du lịch năm 2017.

Chính quyền Hội An yêu cầu phải đảm bảo tốt các dịch vụ khác ngoài lưu trú, đặc biệt là dịch vụ trải nghiệm, khám phá gắn liền với các sinh hoạt đời sống hàng ngày.

Theo ông Hưng, từ trước tới nay, trong khu vực I trung tâm phố cổ không tổ chức dịch vụ lưu trú mà dành cho buôn bán, tham quan. "Thí điểm này tạo thêm sản phẩm mới để cho du khách trải nghiệm trong khu di sản. Khi các hộ dân đủ điều kiện thì mới được phê duyệt", ông Hưng nói.

Theo thống kê, phố cổ Hội An có hơn 1.000 nhà, di tích cổ. Trong đó khoảng 10% do Nhà nước quản lý; 20% do tập thể sở hữu gồm nhà thờ tộc và hội quán, nhà lưu niệm dòng họ. 70% còn lại do tư nhân sở hữu, trong đó 30% của người gốc Hội An, 40% được chuyển nhượng cho người ngoại tỉnh.

Tin cùng chuyên mục