Bản tin thời sự sáng 23/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là khởi công cầu đường sắt và cầu đường bộ mới qua sông Đuống; TP.HCM bố trí tái định cư tại hơn 6.600 nhà đất chưa sử dụng; phạt một cá nhân hơn nửa tỷ đồng vì thao túng cổ phiếu; nghiên cứu bổ sung quy hoạch 3 tuyến metro ở TP.HCM…

Khởi công cầu đường sắt và cầu đường bộ mới qua sông Đuống

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa khởi công cầu đường sắt và cầu đường bộ qua sông Đuống, thay thế cho cầu Đuống cũ khai thác chung đường sắt và đường bộ.

Phối cảnh cầu đường sắt và cầu đường bộ qua sông Đuống

Phối cảnh cầu đường sắt và cầu đường bộ qua sông Đuống

Lễ khởi công Dự án Nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống được tổ chức ngày 22/7. Dự án thuộc địa bàn phường Thượng Thanh, Đức Giang, quận Long Biên và thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội. Tổng mức đầu tư là 1.848 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 là 650 tỷ đồng.

Cầu đường sắt và đường dẫn dài 1 km, có điểm đầu tại Km9+075, điểm cuối tại Km10+075 theo lý trình đường sắt hiện hữu, cách cầu Đuống cũ về phía thượng lưu khoảng 16,5 m, trùng vị trí đầu tư xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1.

Cầu đường sắt có 6 nhịp dầm thép và dàn thép dài 280 m, được xây dựng đảm bảo cho đường sắt khổ lồng 1.000 mm và 1.435 mm; tốc độ thiết kế 80 km/h. Khổ giới hạn thông thuyền được phân kỳ đầu tư với tĩnh không thông thuyền 7 m, giai đoạn hoàn thiện 9,5 m.

Cầu có hành lang cho người đi bộ bên phải tuyến. Đường dẫn cầu dài 720 m là đường sắt đơn khổ lồng 1.000 mm và 1.435 mm; tốc độ thiết kế 80 km/h.

Cầu đường bộ và đường dẫn có điểm đầu tại nút giao cầu Đuống cũ trên đường Ngô Gia Tự, thuộc quận Long Biên; điểm cuối tại nút giao giữa đường Hà Huy Tập với đường Phan Đăng Lưu, huyện Gia Lâm, cách cầu Đuống cũ khoảng 100 m về phía hạ lưu.

Trong đó, cầu đường bộ dài 382 m, kết hợp dây văng, rộng 18,5 m, tĩnh không dưới cầu 4,75 m. Đường dẫn dài 318 m, vận tốc thiết kế 80 km/h, 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp, giai đoạn phân kỳ trước mắt quy mô 4 làn xe cơ giới.

Cầu Đuống hiện nay là cây cầu kết hợp đường bộ và đường sắt bắc qua sông Đuống, trên Quốc lộ 1A cũ, nối phường Đức Giang thuộc quận Long Biên với thị trấn Yên Viên, thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội. Cầu này được người Pháp xây vào cuối thế kỷ 19, thông xe vào năm 1902. Cầu lúc đó có 5 nhịp, 2 mố và 5 trụ. Trụ chính đỡ nhịp giữa cầu có thể xoay được, giúp tàu bè qua lại.

TP.HCM bố trí tái định cư tại hơn 6.600 nhà đất chưa sử dụng

Hơn 6.600 nhà đất chưa sử dụng tại TP.HCM sẽ được dùng làm quỹ nhà tái định cư cho 450 dự án đầu tư công. Gần 5.000 nhà đất khác đã có chủ trương bán đấu giá.

Trong hơn 6.600 nhà đất chưa sử dụng tại TP.HCM có 4.153 căn hộ

Trong hơn 6.600 nhà đất chưa sử dụng tại TP.HCM có 4.153 căn hộ

Theo ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản thuộc Sở Xây dựng TP.HCM, hiện trên địa bàn Thành phố có 6.676 nhà đất, gồm 4.153 căn hộ và 2.523 nền đất, đang được UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức có kế hoạch sử dụng.

6.676 nhà đất này được các địa phương đưa vào kế hoạch hiệp thương, phương án bồi thường bố trí tái định cư cho khoảng 450 dự án đầu tư công có giải phóng mặt bằng.

Đồng thời, số lượng nhà đất nói trên còn được dùng làm quỹ nhà dự phòng phục vụ tạm cư cho các hộ dân di dời khỏi các chung cư hư hỏng nặng, nguy cơ cháy nổ hoặc khu vực sạt lở bờ sông.

Bên cạnh đó, theo đại diện Sở Xây dựng TP.HCM, hiện Thành phố có 4.967 nhà đất, gồm 4.927 căn hộ và 40 nền đất, đã được UBND TP.HCM có chủ trương bán đấu giá.

Phạt một cá nhân hơn nửa tỷ đồng vì thao túng cổ phiếu

Một cá nhân vừa bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) phạt hơn nửa tỷ đồng vì tạo cung cầu giả, thao túng cổ phiếu FRM, ABR.

Ngoài bị phạt tiền, người vi phạm buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm

Ngoài bị phạt tiền, người vi phạm buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm

UBCK xử phạt ông Trần Việt Thắng (địa chỉ tại TP.HCM) 575 triệu đồng vì tạo cung cầu giả và thao túng cổ phiếu của Công ty CP Lâm nghiệp Sài Gòn (FRM) và Công ty CP Đầu tư Nhãn hiệu Việt (ABR).

Ông Thắng bị xác định đã sử dụng các tài khoản đứng tên mình và người khác để thực hiện giao dịch mua, bán, khớp đối ứng cổ phiếu giữa các tài khoản với nhau, nhằm tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu. Ngoài phạt tiền, cá nhân này buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm, là 87,2 triệu đồng.

Tuần qua, UBCK còn thông báo quyết định xử phạt một số doanh nghiệp vì lỗi công bố thông tin. Trong đó, Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam bị phạt 80 triệu đồng vì trang thông tin điện tử của Công ty chưa lưu giữ thông tin công bố tối thiểu 5 năm theo quy định; Công ty công bố thông tin không đúng thời hạn đối với 9 quyết định của Hội đồng quản trị năm 2021 và năm 2022 về việc vay vốn có giá trị trên 10% tổng tài sản.

Công ty CP Kết cấu thép ATAD Đồng Nai bị phạt 85 triệu đồng vì không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định đối với: báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu năm 2020, báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu bán niên năm 2021, báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu bán niên 2022, báo cáo tài chính năm 2020, báo cáo tài chính bán niên năm 2021, báo cáo tài chính bán niên năm 2022; tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu năm 2020, tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu bán niên năm 2021, tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu bán niên năm 2022…

Nghiên cứu bổ sung quy hoạch 3 tuyến metro ở TP.HCM

Ba tuyến metro kết nối sân bay Tân Sơn Nhất, khu đô thị Cần Giờ, ga đường sắt quốc gia ở TP.HCM được nghiên cứu bổ sung quy hoạch để đồng bộ mạng lưới đường sắt đô thị.

Tàu thuộc Dự án Metro số 1 TP.HCM

Tàu thuộc Dự án Metro số 1 TP.HCM

Thông tin trên vừa được Sở Giao thông vận tải TP.HCM đưa ra sau khi làm việc với các bên liên quan nhằm cập nhật vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố đến năm 2040, tầm nhìn 2060.

Hiện, TP.HCM đã được quy hoạch 8 tuyến metro và ba tuyến xe điện mặt đất (hoặc đường sắt một ray) tổng chiều dài 220 km, vốn đầu tư ước tính khoảng 25 tỷ USD. Trong đó, tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đã được triển khai, những tuyến còn lại chưa đầu tư.

Trong ba tuyến metro được đề xuất bổ sung, tuyến thứ nhất kết nối các ga hành khách sân bay Tân Sơn Nhất với trung tâm TP.HCM và Thủ Thiêm. Từ đây, tuyến nối vào đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành đã được quy hoạch để tới sân bay Long Thành (Đồng Nai).

Tuyến thứ hai được nghiên cứu kết nối từ nội đô TP.HCM đến khu đô thị biển rộng 2.870 ha ở huyện Cần Giờ. Tuyến này dự kiến liên kết với Metro số 4 (Thạnh Xuân - Khu đô thị Hiệp Phước) tại huyện Nhà Bè, sau đó vượt sông Soài Rạp để tới khu đô thị biển.

Tuyến còn lại được đề xuất bổ sung kết nối hai ga đầu mối đường sắt quốc gia là Thủ Thiêm và Tân Kiên, dài khoảng 28 km. Lộ trình tuyến này dự kiến dùng một phần hướng tuyến trước đây đã quy hoạch cho đường sắt một ray, theo trục Nguyễn Văn Linh.

Ngoài ba tuyến nêu trên, đơn vị tư vấn cũng đề xuất kéo dài các tuyến metro đã quy hoạch, gồm: tuyến số 6 (Bà Quẹo - vòng xoay Phú Lâm), tuyến số 2 - giai đoạn hai (Bến Thành - Thủ Thiêm) để tạo hành lang đường sắt đô thị thông suốt theo hướng Tây Bắc TP.HCM - Bến Thành - Thủ Thiêm - Long Thành. Ngoài ra, một số tuyến khác cũng được tính toán liên kết với mạng lưới đường sắt đô thị tại Bình Dương để hình thành mạng lưới đồng bộ.

Kiến nghị cấp bách sửa mặt đường Quốc lộ 51

Đơn vị quản lý kiến nghị cấp bách sửa 17.000 m2 mặt đường quốc lộ nối Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu bởi trên tuyến dày đặc "ổ gà", tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Mặt đường Quốc lộ 51 qua phường Long Bình Tân xuống cấp nghiêm trọng

Mặt đường Quốc lộ 51 qua phường Long Bình Tân xuống cấp nghiêm trọng

Đề xuất này được Khu quản lý đường bộ IV nêu trong công văn gửi Cục Đường bộ Việt Nam ngày 22/7. Lý do là sau khi tạm dừng thu phí, lượng xe qua lại quá đông, cộng với trời mưa nhiều khiến mặt đường Quốc lộ 51 hư hỏng, các vạch sơn bị mòn mờ.

Dự án BOT Quốc lộ 51 dài hơn 72 km nối Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, quy mô 6 làn xe, tổng mức đầu tư gần 3.800 tỷ đồng, đã khai thác từ tháng 4/2013. Từ ngày 13/1, tuyến đường đã tạm dừng thu phí theo yêu cầu của Cục Đường bộ Việt Nam. Ngay sau đó, Chủ đầu tư đã thông báo tạm ngưng duy tu, bảo trì tuyến đường.

Tuyến đường này có công suất thiết kế 12.000 lượt xe một ngày đêm. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm đưa vào sử dụng, lưu lượng xe trên tuyến đã tăng lên khoảng 32.000 lượt xe, dịp cao điểm lên đến 48.000 lượt một ngày đêm. Trước đây, kẹt xe chỉ xảy ra vào dịp lễ, cuối tuần thì nay ngày thường cũng xuất hiện.

Ngoài lượng xe tăng gấp 3 - 4 lần, do tình trạng ngập nước, nhiều vị trí mặt đường hư hỏng, cộng với xe ben chở vật liệu chạy với mật độ dày đặc, không che chắn, để đá rơi xuống đường, bụi bay mù mịt luôn là nỗi ám ảnh của người dân khi đi qua quốc lộ này.

Ngoài sửa chữa các đoạn hư hỏng, Khu quản lý đường bộ IV cũng kiến nghị xử lý các điểm đen tai nạn trên Quốc lộ 51 như các ngã ba: đường chuyên dùng tại phường Phước Tân, Nam Cao vào sân golf Long Thành, Khu công nghiệp Mỹ Xuân A và nút giao đường Hàm Nghi.

Gamuda sẽ chi gần 7.300 tỷ đồng mua dự án ở TP. Thủ Đức

Ông lớn bất động sản Malaysia Gamuda Berhad sẽ chi gần 7.300 tỷ đồng để mua lại dự án rộng 3,7 ha ở TP. Thủ Đức (TP.HCM).

Dự án Gamuda Land dự định thâu tóm rộng 3,7 ha ở TP. Thủ Đức. Ảnh minh họa
Dự án Gamuda Land dự định thâu tóm rộng 3,7 ha ở TP. Thủ Đức. Ảnh minh họa

Gamuda Berhad thực hiện thương vụ trên thông qua công ty con tại Việt Nam là Gamuda Land. Theo đó, Gamuda Land sẽ thâu tóm dự án bằng cách mua lại 100% vốn tại Công ty CP Bất động sản Tâm Lực do 3 cá nhân sở hữu là Nguyễn Hồng Giang (50%), Nguyễn Văn Việt (46%), Đặng Thị Dung (4%).

Dự án Gamuda Land mua có tên thương mại là The Riverdale, rộng khoảng 3,7 ha tại phường An Phú, TP. Thủ Đức. Dự án này được chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2021, quy mô 6 tháp với gần 2.000 căn hộ. Đầu năm 2023, TP.HCM đã tháo gỡ các vướng mắc pháp lý để dự án này có thể triển khai.

Gamuda cho biết sẽ chi gần 7.300 tỷ đồng, tương đương 320 triệu USD cho giao dịch này. Công ty sẽ đặt cọc trước 1.000 tỷ đồng và trả nốt 6.300 tỷ đồng sau khi hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng cổ phần. Gamuda Land sẽ bỏ ra 42% vốn tự có, còn lại là vốn vay.

Sau giao dịch, Gamuda Land sẽ nắm 98% vốn tại Công ty CP Bất động sản Tâm Lực. Van Lam Investment và Truong Tin Construction mỗi bên sở hữu 1%.

Gamuda gia nhập thị trường Việt Nam năm 2007. Hiện tại, Gamuda Land sở hữu hai khu đô thị quy mô lớn trong nước, gồm Dự án Gamuda City rộng 274 ha tại quận Hoàng Mai, Hà Nội và Dự án Celadon City rộng 82 ha tại quận Tân Phú, TP.HCM. Ngoài Malaysia và Việt Nam, Gamuda còn thực hiện các dự án tại Singapore, Australia với tổng giá trị phát triển lên đến hơn 5,5 tỷ USD.

Từ đầu năm đến nay, một số doanh nghiệp ngoại đã rục rịch thâu tóm các dự án bất động sản tại Việt Nam. Đầu tháng 7, Keppel Land đã thông báo chi 1.000 tỷ đồng để mua 65% cổ phần của doanh nghiệp sở hữu một trung tâm thương mại tại Hà Nội. Trước đó, doanh nghiệp Singapore này cũng chi 3.180 tỷ đồng mua 49% vốn hai dự án tại TP. Thủ Đức của Tập đoàn Khang Điền.

Thanh tra phát hiện hơn 337.000 tỷ đồng vi phạm về kinh tế

2,5 năm qua, ngành thanh tra phát hiện nhiều vụ việc vi phạm kinh tế, ước tính hơn 337.300 tỷ đồng, trên 18.400 ha đất, chuyển hơn 1.000 vụ việc sang cơ quan điều tra.

Ngành thanh tra phát hiện nhiều vụ việc vi phạm kinh tế

Ngành thanh tra phát hiện nhiều vụ việc vi phạm kinh tế

Kết quả này được Chính phủ nêu trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn lĩnh vực thanh tra.

Chính phủ cho hay, trong 2,5 năm (2021 - 2022 và 6 tháng đầu năm 2023), gần 16.500 cuộc thanh tra hành chính, 355.000 cuộc kiểm tra chuyên ngành đã được thực hiện.

Qua thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 337.300 tỷ đồng, trên 18.400 ha đất. Trong đó, cơ quan thanh tra kiến nghị thu hồi hơn 197.500 tỷ đồng và 1.400 ha đất từ các vụ việc vi phạm. Khoảng 1.090 vụ việc được chuyển cơ quan điều tra, làm rõ.

Về xử lý sau thanh tra, theo báo cáo của Chính phủ, cơ quan chức năng đã thu hồi hơn 5.100 tỷ đồng, 663 ha đất và xử lý khác về kinh tế trên 1.000 tỷ đồng.

Các cuộc thanh tra theo kế hoạch hay đột xuất theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền được thực hiện nghiêm túc, theo đánh giá của Chính phủ. Việc này góp phần chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Ví dụ, ngành đã thanh tra việc quản lý, thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh; việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đất, đá, cát, sỏi làm vật liệu san lấp, đắp nền đường) tại các địa phương cung cấp cho các dự án giao thông quan trọng quốc gia.

Khởi tố 4 bị can tại CDC Tiền Giang nhận tiền "lại quả" từ Công ty Việt Á

Liên quan đến sai phạm trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit test, vaccine phòng, chống dịch Covid-19 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Tiền Giang, Đại tá Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Tiền Giang cho biết, đến nay Cơ quan Cảnh sát điều tra đã hoàn tất điều tra và xác định có sai phạm xảy ra tại CDC Tiền Giang.

CDC Tiền Giang - đơn vị có 4 cán bộ, viên chức bị khởi tố do có sai phạm trong công tác mua sắm thiết bị y tế

CDC Tiền Giang - đơn vị có 4 cán bộ, viên chức bị khởi tố do có sai phạm trong công tác mua sắm thiết bị y tế

Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 4 bị can nguyên là lãnh đạo, viên chức CDC Tiền Giang, hiện đang hoàn thiện kết luận điều tra để chuyển Viện Kiểm sát truy tố, sớm đưa ra tòa xét xử đúng quy định pháp luật.

Đại tá Nguyễn Văn Lộc cũng cho hay, đến nay, các bị can đã nộp hơn 2 tỷ đồng tiền sai phạm cho cơ quan điều tra.

Trước đó, qua công tác thanh kiểm tra, Thanh tra tỉnh Tiền Giang đã ban hành kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit test, vaccine phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Tỉnh.

Theo kết luận thanh tra, tổng kinh phí phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Tiền Giang (từ khi dịch xảy ra đến tháng 4/2022) là trên 1.366 tỷ đồng, đã chi trên 1.297 tỷ đồng. Có 43 đơn vị có liên quan đến việc mua sắm, với tổng số tiền trúng thầu trên 801 tỷ đồng, tương ứng 573 gói thầu, trong đó có 1 gói thầu của Công ty CP Công nghệ Việt Á với tổng giá trị mua sắm trên 19 tỷ đồng.

Qua kiểm tra việc thực hiện 286/573 gói thầu cho thấy, việc mua sắm, quản lý, sử dụng của các đơn vị còn có những sai phạm, thiếu sót, hạn chế. Đặc biệt, có 4 cán bộ, viên chức của CDC Tiền Giang gồm: Nguyễn Ngọc Chơn, nguyên Giám đốc CDC và 3 cán bộ CDC là Võ Thanh Bình, Triệu Vương Tuyền, Đặng Minh Uy đã nhận tiền “lại quả” của Công ty Việt Á, nhưng không khai báo và không nộp đúng quy định.