Bản tin thời sự sáng 24/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là sạt lở taluy ở Đà Lạt; bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam tại khu vực xung đột là ưu tiên hàng đầu; kiều hối về TP.HCM 9 tháng hơn 6,6 tỷ USD; Thủy điện A Vương xả tràn từ 20 giờ ngày 23/10; cả nước đang tồn kho gần 17.000 bất động sản…

Sạt lở taluy ở Đà Lạt

Sau cơn mưa lớn, bờ taluy cao khoảng 5 m, dài 20 m ở phường 10, TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đổ sập, đất đá đè lên một ôtô và xe máy, chiều 23/10.

Bờ taluy xây bằng bêtông đổ xuống đè ôtô bên dưới.

Bờ taluy xây bằng bêtông đổ xuống đè ôtô bên dưới.

Khoảng 13h, bờ taluy ở số 22 đường Khởi Nghĩa Bắc Sơn sạt lở, đất đá tràn xuống đường đè ôtô 7 chỗ và một xe máy dựng phía dưới chân tường. Lúc xảy ra sự cố trời mưa to, con đường hẻm cụt bên trong có một hộ dân, không ai qua lại.

Bờ taluy này được xây từ lâu, thuộc khuôn viên dự án xây dựng nhà ở, chủ đầu tư khoan cọc nhồi để thi công phần móng. UBND phường 10 cho khoanh vùng, rào chắn đảm bảo an toàn, đồng thời huy động máy móc để giảm tải đất trên mái taluy.

Những năm gần đây Đà Lạt thường xuyên xảy ra ngập lụt và sạt lở với tần suất ngày càng dày và mức độ nghiêm trọng hơn. Hai ngày cuối tháng 6, Đà Lạt xảy ra liên tiếp 13 điểm sạt lở khắp thành phố. Trong đó, trận sạt taluy trên đường Hoàng Hoa Thám sáng 29/6 khiến 2 người chết, 5 người bị thương và nhiều biệt thự hư hỏng.

Theo thống kê của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, TP Đà Lạt hiện có 210 điểm sạt lở, sụt lún, chủ yếu trên các tuyến đường giao thông. Đây cũng là một trong 4 địa phương được đánh giá có nguy cơ sạt lở cao đến rất cao của Lâm Đồng, cùng với huyện Lạc Dương, Di Linh và Đam Rông.

Bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam tại khu vực xung đột là ưu tiên hàng đầu

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc khẳng định việc bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của công dân Việt Nam tại khu vực xảy ra xung đột được Chính phủ đặt ưu tiên hàng đầu.

Xung đột Israel - Hamas đang đẩy Trung Đông vào vòng xoáy bất ổn

Xung đột Israel - Hamas đang đẩy Trung Đông vào vòng xoáy bất ổn

Sáng 23/10, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Trưởng ban Ban chỉ đạo công tác bảo hộ công dân của Bộ Ngoại giao đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo để thảo luận về vấn đề bảo hộ công dân Việt Nam tại khu vực xung đột trước tình hình leo thang căng thẳng ở Trung Đông hiện nay.

Tại cuộc họp, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Israel, Saudi Arabia và Ai Cập kiêm nhiệm Nhà nước Palestine đã báo cáo tình hình tại các địa bàn phụ trách, làm cơ sở đánh giá, dự báo, xây dựng phương án bảo hộ công dân trong thời gian tới.

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc khẳng định việc bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của công dân Việt Nam tại khu vực xảy ra xung đột được Chính phủ đặt ưu tiên hàng đầu. Để triển khai hiệu quả, kịp thời công tác bảo hộ công dân, công tác đánh giá, dự báo tình hình, chủ động chuẩn bị sẵn sàng các phương án bảo hộ công dân là quan trọng và cấp bách.

Bộ Ngoại giao tiếp tục chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Israel, Saudi Arabia và Ai Cập kiêm nhiệm Nhà nước Palestine theo dõi sát tình hình tại khu vực xảy ra xung đột, khẩn trương rà soát thông tin về công dân Việt Nam tại sở tại, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại và các cơ quan liên quan trong nước để triển khai các phương án bảo hộ công dân và biện pháp hỗ trợ, bảo đảm an toàn công dân Việt Nam tại vùng xảy ra xung đột trong trường hợp cần thiết.

Kiều hối về TP.HCM 9 tháng hơn 6,6 tỷ USD

Kiều hối chuyển về TP.HCM đạt hơn 6,6 tỷ USD trong 9 tháng, tăng mạnh 40% so với cùng kỳ 2022 và vượt mức cả năm ngoái.

Kiều hối chuyển về TP.HCM đạt hơn 6,6 tỷ USD trong 9 tháng

Kiều hối chuyển về TP.HCM đạt hơn 6,6 tỷ USD trong 9 tháng

Thông tin trên vừa được ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TP.HCM cho biết. Theo đó, đây là mức cao kỷ lục so với cùng giai đoạn các năm trước. Riêng quý III, kiều hối về TP.HCM hơn 2,35 tỷ USD, tăng so với quý II và quý I đầu năm nay.

Ông Nguyễn Đức Lệnh cho hay lượng kiều hối chuyển về thành phố tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực, quý sau tăng cao hơn quý trước và duy trì ở mức tăng trưởng khá.

Lượng kiều hối chuyển về từ khu vực châu Á tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất, cụ thể chiếm hơn 53% kiều hối về thành phố và tăng gần 20% so với quý trước. Châu Á là khu vực có sự ổn định về kinh tế, chính trị cùng với quan hệ kinh tế, hợp tác lao động ngày càng mở rộng. Do đó, theo ông Lệnh, đây sẽ là khu vực có tác động đến tăng trưởng kiều hối trong thời gian tới.

Hàng năm, lượng kiều hối đổ về riêng TP.HCM chiếm hơn một nửa kiều hối của cả nước. Theo số liệu chính thức từ Ngân hàng Nhà nước, kiều hối về Việt Nam mỗi năm trên 10 tỷ USD, như năm 2021 là 12,5 tỷ USD. Còn nếu theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư, trung bình ba năm gần đây Việt Nam nhận lên tới 17-18 tỷ USD kiều hối mỗi năm.

Thủy điện A Vương xả tràn từ 20 giờ ngày 23/10

Chiều 23/10, ông Ngô Xuân Thế, Phó Tổng giám đốc Công ty CP thủy điện A Vương cho biết, đã phát đi thông báo về việc vận hành xả tràn điều tiết duy trì mực nước hồ thủy điện A Vương (Quảng Nam) ở mực nước cao nhất trước lũ 376 m.

Thủy điện Đak Mi 4 điều tiết xả lũ về hạ du

Thủy điện Đak Mi 4 điều tiết xả lũ về hạ du

Thông số ghi nhận lúc 14 giờ ngày 23/10), mực nước hồ thủy điện A Vương là 375 m, mực nước về hồ 122 m3/giây.

Theo ông Thế, một trong những mục đích của việc vận hành xả tràn điều tiết là để duy trì mực nước hồ ở mực nước cao nhất trước lũ 376 m, đảm bảo dung tích đón lũ. Thời điểm xả tràn dự kiến bắt đầu từ 20 giờ ngày 23/10, với lưu lượng từ 25 - 600 m3/giây.

Để chủ động ứng phó với mưa lớn trên địa bàn Quảng Nam, trong sáng nay 23.10, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Quảng Nam có công văn về việc vận hành các hồ thủy điện Sông Bung 2, Sông Bung 4, A Vương, Đak Mi 4, Sông Tranh 2.

Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh yêu cầu Công ty Thủy điện Sông Bung, Công ty CP Thủy điện A Vương, Công ty Thủy điện Sông Tranh chủ động tính toán, tổ chức vận hành đảm bảo mực nước hồ thủy điện Sông Bung 2, Sông Bung 4, A Vương, Sông Tranh 2 không vượt cao trình mực nước cao nhất trước lũ và chuyển chế độ vận hành theo quy định.

Công ty CP Thủy điện Đak Mi tổ chức vận hành tăng lưu lượng xả nhằm hạ dần mực nước hồ chứa thủy điện Đak Mi 4 về cao trình 254 m trước 11 giờ ngày 24/10. Thời gian bắt đầu vận hành từ 11 giờ ngày 23/10.

Cả nước đang tồn kho gần 17.000 bất động sản

Số liệu của Bộ Xây dựng cho thấy, mặc dù lượng giao dịch bất động sản quý III tăng nhưng tồn kho vẫn lớn. Cả nước có gần 17.000 sản phẩm bất động sản tồn kho.

Tồn kho bất động sản quý III tăng hơn quý II.

Tồn kho bất động sản quý III tăng hơn quý II.

Theo Bộ Xây dựng, mặc dù có những dấu hiệu tích cực từ cơ chế và chính sách, cũng như sự điều chỉnh lãi suất ngân hàng, song vẫn tồn tại nhiều dự án bất động sản đang phải tạm ngưng do gặp phải các vấn đề liên quan đến pháp lý, điều chỉnh quy hoạch...

Ngoài ra, khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay cũng đang làm cho việc giải quyết lượng tồn kho bất động sản trở nên khó khăn.

Theo Bộ Xây dựng, số liệu báo cáo của 52/63 địa phương cho thấy lượng tồn kho bất động sản trong quý III năm nay gần 17.000 sản phẩm bao gồm chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền (tăng hơn 250 căn hơn so với quý II). Trong đó, chung cư tồn kho gần 3.200 căn; nhà ở riêng lẻ hơn 6.500 căn; đất nền hơn 7.200 nền.

Hàng tồn kho lớn được thể hiện trong báo cáo tài chính của các doanh nghiệp bất động sản. Báo cáo quý III của Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long cho thấy, giá trị tồn kho 16.800 tỷ đồng, tăng khoảng 2.000 tỷ so với cuối năm 2022 (14.800 tỷ đồng). Lượng hàng tồn kho chiếm 60% giá trị tổng tài sản.

Dù giá trị tồn kho bất động sản gia tăng, nhiều chuyên gia vẫn duy trì dự báo lạc quan và cho rằng tồn kho này sẽ trở thành tài sản giá trị trong giai đoạn sắp tới, khi thị trường bất động sản trở lại với tình trạng thanh khoản tốt hơn.

Để gỡ khó thị trường bất động sản Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương tiếp tục, khẩn trương lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hàng năm để làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án phát triển nhà ở, tăng nguồn cung cho thị trường; Khẩn trương tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Vỡ đập thủy điện ở Gia Lai do 'nhà đầu tư chủ quan'

Chủ đầu tư thủy điện Ia Glae 2 không có biện pháp đảm bảo an toàn công trình, chưa cập nhập tình hình thời tiết khiến dự án xảy ra sự cố, theo Sở Công Thương Gia Lai.

Đập bêtông thủy điện Ia Glea 2 bị nước lũ cuốn trôi, ngày 9/10

Đập bêtông thủy điện Ia Glea 2 bị nước lũ cuốn trôi, ngày 9/10

Thông tin vừa được Sở Công Thương tỉnh Gia Lai nêu trong báo cáo liên quan nhà máy thủy điện Ia Glae 2 (huyện Chư Prông) vỡ đập dẫn nước hôm 9/10, khiến cả chủ đầu tư và nhiều hộ dân xung quanh thiệt hại.

Theo Sở Công Thương, nhà máy thủy điện bị sập hơn 50 m tường bêtông ngoài mưa lũ lớn còn do Công ty cổ phần thủy điện Khải Hoàng (chủ đầu tư) chưa cập nhật kịp thời diễn biến bất thường thời tiết, không có biện pháp gia cố, bảo đảm an toàn phần tường thượng lưu.

Bên cạnh đó chủ đầu tư và đơn vị xây dựng nhà máy thủy điện chưa tuân thủ đầy đủ các biện pháp thi công, dẫn dòng trong mùa lũ khi thi công phần tường thượng lưu; không đảm bảo tiến độ thi công phần thân đập sau khi hoàn thành xây dựng tường ở khu vực thượng lưu...

Ông Nguyễn Anh Tuấn, đại diện Công ty cổ phần thủy điện Khải Hoàng cho biết, hơn một tháng qua, thời tiết trên địa bàn không ổn định, mưa nắng kéo dài. Công ty đã dựa theo kinh nghiệm thời tiết ở Tây Nguyên tranh thủ thời gian nắng ráo để thi công phần tường thượng lưu và phần đập còn lại.

Trong lúc công nhân chuẩn bị xây tường, khu vực đã xảy ra mưa liên tục. Nước lũ đột ngột đổ dồn làm sập 50 m tường bêtông, gây thiệt hại hơn 20 ha cây trồng của người dân. "Đơn vị chịu hoàn toàn trách nhiệm, rủi ro về sự cố", ông Tuấn nói.

Nhà máy thủy điện Ia Glae 2 công suất 12 MW, nằm ở xã la Ga và la Vê, huyện Chư Prông, vốn đầu tư trên 423 tỷ đồng; triển khai từ năm 2020, dự kiến hoạt động quý 4 năm nay. Sau sự cố, cơ quan chức năng lập tổ điều tra sự cố công trình làm rõ nguyên nhân và có giải pháp xử lý.

Doanh thu giảm 33%, cảng Quy Nhơn vẫn báo lãi

Kết thúc quý III/2023, Cảng Quy Nhơn ghi nhận mức lãi sau thuế tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm 2022.

9 tháng đầu năm 2023, Cảng Quy Nhơn ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt hơn 89,1 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022.

9 tháng đầu năm 2023, Cảng Quy Nhơn ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt hơn 89,1 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022.

Quý III/2023, Công ty CP Cảng Quy Nhơn thông báo đạt doanh thu thuần 290 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ. Doanh thu hoạt động tài chính của doanh nghiệp giảm 33%, nhưng lợi nhuận gộp trong kỳ tăng 24% lên 62,8 tỷ đồng.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của cảng Quy Nhơn đạt 47,4 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 37,6 tỷ đồng, tăng lần lượt 14% và 11,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, cảng Quy Nhơn ghi nhận doanh thu đạt 697 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt hơn 89,1 tỷ đồng, tăng hơn 18% so với thực hiện năm 2022.

Theo lãnh đạo cảng Quy Nhơn, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh do doanh nghiệp tiết giảm chi phí thuê ngoài làm tỷ trọng giá vốn hàng bán/doanh thu thuần về bán hàng và cung dịch dịch vụ giảm.

Năm 2023, Cảng Quy Nhơn đặt mục tiêu 1,278 tỷ đồng doanh thu và 135 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Sau 9 tháng, công ty đã thực hiện được 54% mục tiêu doanh thu và 82% mục tiêu lợi nhuận.

Công ty kiểm toán PKF Việt Nam bị đình chỉ hoạt động vì làm giả tài liệu

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đình chỉ tư cách công ty kiểm toán đối với Công ty TNHH PKF Việt Nam gần 3 tháng do lãnh đạo ngụy tạo và làm giả hồ sơ tài liệu.

Công ty TNHH PKF Việt Nam bị đình chỉ hoạt động.

Công ty TNHH PKF Việt Nam bị đình chỉ hoạt động.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành Quyết định số 897/QĐ-UBCK đình chỉ tư cách công ty kiểm toán đối với Công ty TNHH PKF Việt Nam. Thời gian đình chỉ từ ngày 16/10 - 31/12/2023, tức gần 3 tháng.

Hồi tháng 3, PKF Việt Nam gặp phải sự vụ liên quan một thành viên ban lãnh đạo công ty là bà Dương Thị Thảo - Phó Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật thứ hai của PKF Việt Nam, phụ trách văn phòng Hà Nội.

PKF Việt Nam cho biết, bà Thảo đã ngụy tạo và làm giả hồ sơ tài liệu để mạo danh chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH PKF Việt Nam và đã cùng với một số cá nhân tổ chức các cuộc họp với danh nghĩa là họp Hội đồng thành viên công ty, tạo lập các biên bản họp Hội đồng thành viên giả mạo và ban hành các Nghị quyết của Hội đồng thành viên giả mạo như thay đổi mẫu dấu của công ty và mẫu dấu của chi nhánh TPHCM, giả mạo chấm dứt tư cách của 7/11 thành viên của công ty.

Bà Thảo còn lạm dụng chức vụ, là người đại diện theo pháp luật để thực hiện các hành vi vượt thẩm quyền của một Phó Tổng giám đốc phụ trách văn phòng Hà Nội của công ty như mua chữ ký số và phần mềm hóa đơn điện tử không hợp lệ để truy cập trái phép vào hệ thống hóa đơn điện tử của công ty, phát hành các hóa đơn thuế giá trị gia tăng không hợp lệ, ảnh hưởng đến quyền lợi của các doanh nghiệp nhận hóa đơn và công ty.